1/ Về Nguyễn Văn Vĩnh (NVV), ông là người có tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) song vai trò của ông không thể đặt ngang với các chí sĩ ái quốc duy tân khác. Lúc mở trường ĐKNT, các vị sáng lập trường cần xin giấy phép của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ để hợp pháp hoá trường nên đã nhờ NVV lúc bấy giờ là công chức của Phủ Thống sứ làm công việc này và sau đó mời ông dạy tiếng Pháp ở trường. Khi trường bị đàn áp, các yếu nhân của trường bị bắt, bị tù, bị đày, không nghe nói NVV bị hề hấn gì, mà sau đó một thời gian lại được Tây giao chủ trì tờ Đông Dương tạp chí với những bài xã thuyết công kích các nhà yêu nước duy tân thời bấy giờ là “ngụy nho”, ca ngợi chế độ bảo hộ của Pháp một cách trắng trợn.
NVV nổi tiếng nhờ câu nói trước đây nhiều người ca tụng: “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Đã từng “tham gia” ĐKNT, NVV chắc thừa biết tư tưởng và chủ trương này là của ĐKNT (Trước hết phải học ngay quốc ngữ / Khỏi hai đường tiếng chữ khác nhau…) và của nhà yêu nước, tiến sĩ Trần Quý Cáp bị giặc giết (Chữ quốc ngữ là hồn của nước / Hãy đem ra đặt trước dân ta…). Việc dùng chữ quốc ngữ làm công cụ văn hoá giáo dục ái quốc duy tân cũng được đề ra trong cương lĩnh “Văn minh tân học sách”.
Cũng như Phạm Quỳnh sau đó, NVV đã lạm chiếm “bản quyền” của ĐKNT, tự cho mình có sáng kiến và công lao đề cao chữ quốc ngữ, sự thật là mục đích thì khác xa và ngược lại với ĐKNT, một bên là văn hoá ái quốc, một bên là văn hoá nô dịch. Điều này người sau cần phân biệt rõ, để khỏi lầm lẫn. Kỷ niệm 100 năm ĐKNT vừa qua, một số người cố tình đưa NVV thành “công thần” của ĐKNT là có dụng ý xuyên tạc bản chất cách mạng của tổ chức giáo dục ái quốc, duy tân này.
Có người nói: Nếu lập bàn thờ ĐKNT, thì không thể để bài vị của NVV cùng hàng với các vị như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền. Bài vị của ông ta nên đặt ở bàn thờ Đông Dương tạp chí thì đúng hơn. Cũng như bài vị của Phạm Quỳnh thì nên đặt ở bàn thờ Nam Phong tạp chí.
2/ Về Phạm Quỳnh (PQ), tác giả Trần Thanh Đạm trên Hồn Việt có lời khen: “Cũng như Trương Vĩnh Ký cuối thế kỷ XIX, Phạm Quỳnh là người bẩm sinh cực kỳ thông minh…”. Tôi chỉ tán thành một phần nhận xét đó. Đúng là PQ chỉ xuất thân từ Trường phiên dịch (thông ngôn) song bằng con đường tự học đã có trình độ kiến thức Tây học cũng như Hán học khá rộng, trở thành trí thức thông kim bác cổ, 25 tuổi đã được Tây giao làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong, tập hợp nhiều tri thức cựu học, tân học thời bấy giờ làm cho tạp chí trở thành một cơ quan văn học quan trọng hồi đó.
Tuy phục vụ đắc lực cho chính sách lừa mị của thực dân song cũng có đóng góp nhất định cho sưu tầm và phổ biến một phần các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh “sự cực kỳ thông minh, biết nhiều về “văn hoá, văn minh Đại Pháp” song không biết gì về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với nước ta, biết nhiều về “quốc hồn, quốc tuý Đại Nam” song không biết gì về thực chất, thực trạng của vua quan đối với dân ta.
Trước thì làm báo, sau thì làm quan, ông hết lòng phục vụ cho chúng. Mờ mắt bên cạnh bọn Toàn quyền, Khâm sứ thực dân, bó thân giữa triều đình, nội các Nam triều, ông không biết gì về tình cảnh khổ nhục và tình cảm căm ghét của nhân dân ta đối với bọn thực dân, phong kiến, cứ tin rằng chúng sẽ đem lại độc lập, dân chủ cho đất nước, nhân dân. Mà phải đâu xung quanh ông không có bao nhiêu sự kiện, dư luận cảnh tỉnh ông, ít nhiều cũng giúp ông xa lánh các thứ cám dỗ, cạm bẫy mà ông dấn thân vào như dấn thân vào tai hoạ.
Cái chết của ông tuy cũng có phần đáng thương nhưng thật ra cũng là hậu quả của sự cực kỳ thiếu thông minh của con người cực kỳ thông minh đó. Đó phải chăng là tấn bi kịch của đời ông, để lại niềm cảm thương, đồng thời một bài học lịch sử cho bao nhiêu người giống ông vừa rất thông minh vừa kém thông minh sau ông cũng vẫn còn xuất hiện trong lịch sử nước ta từ thế kỷ trước cho đến thế kỷ này. Ngay cả ngày nay, chúng ta cũng không thể chủ quan coi thường bài học đó.
3/ Từ trường hợp NVV và PQ, vấn đề được đặt ra là hai ông yêu nước hay không yêu nước. Không nhất thiết có câu trả lời thống nhất. Câu trả lời cũng tuỳ người trả lời. Kể ra, như Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước”, “Lòng yêu nước như thứ của quý để trong rương trong hòm, người Việt Nam nào cũng có”. Vấn đề là đem nó phô bày ra ngoài, đem nó biến thành việc làm ích nước, lợi dân, vì nước, vì dân, thành tình cảm và hành động trung với nước, hiếu với dân.
Người xưa nói: “Gia bần tri hiếu tử, quốc biến thức trung thần”. Khi nước nhà lâm cơn nguy biến, hoạn nạn, đứng trước nguy cơ mất còn, con người đứng trước sự lựa chọn: chống giặc, đánh giặc hay hàng giặc, theo giặc, thì lúc đó mới phân biệt được vàng thau. Còn bình thường thì trong tình cảm, trên lời nói và cả trên việc làm, có ai mà không yêu nước, ai mà không có lòng giúp nước, dù ít dù nhiều. Vả chăng, lòng yêu nước cũng như tinh thần cách mạng và các phẩm chất đạo đức khác, phải đâu là cái gì nhất thành bất biến. Không loại trừ có người trước thế này mà nay thế khác, cũng do đó mà nhận định, phán xét các nhân vật lịch sử cũng có thể lúc thế này, lúc thế kia. Tôi nghĩ đó cũng là lý do làm cho các nhân vật như NVV và PQ hoặc trước đó như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký cứ thường trở đi trở lại và còn trở đi trở lại trên các bàn tròn, bàn vuông thảo luận.