NGUYỄN TẤN VĨNH
Trên Tạp chí Hồn Việt số 21 (Tháng 3/2009) mục Diễn đàn có bài Về câu tục ngữ “Gái thương chồng…” của tác giả Hà Văn Thùy, trong phần kết luận bài của mình (Tr.56), tác giả viết: “…Hãy tưởng tượng, buổi sáng mùa hè, người vợ trẻ dậy sớm nấu cơm nước, chăm gà lợn sau đó dọn cơm cho chồng ăn uống để đi cày đồng xa. Chồng đi rồi, nàng cũng vội vàng ra đồng cắt cỏ. Khoảng gần trưa – vào lúc đang đông buổi chợ, 9 giờ 30 tới 10 giờ 30, theo cách tính thời gian của cư dân nông nghiệp - người vợ trẻ về nhà, vội vàng lo cơm nước, lúc này lòng thấy thương chồng: nắng bức, mệt nhọc, khát, đói. Nấu xong cơm, cho lợn gà ăn rồi đầu đội bó cỏ, tay xách cơm nước, chân bước vội ra đồng.
Người trai cày đồng xa, suốt ngày làm việc một mình với con trâu, một công việc đơn độc và buồn tẻ. Khi nắng xế chiều về, người thấm mệt, càng thấy vắng vẻ nên càng nhớ nhà: thương vợ tảo tần vất vả, mong chóng hết buổi về nhà sum họp cùng với niềm vui ban tối… Như vậy, câu tục ngữ chỉ nói về thời điểm thương nhớ trong một ngày của vợ chồng nông dân trẻ thời xưa. Chỉ đơn giản vậy thôi mà không hề nói tới trạng thái của tình cảm…”.
Thử hỏi, ngày xưa một năm có mấy tháng cấy cày? Và nếu không sống bằng nghề nông (đơn cử trong câu tục ngữ “Gái thương chồng…” không có dính dáng gì tới nông nghiệp) thì không có tình thương sao? Điều này cần suy gẫm lại, tình thương đã dàn trải qua nhiều nơi, nhiều lúc và thiết tha đến nỗi: “Tay bưng đĩa muối chấm gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Câu: “Gái thương chồng đang đông buổi chợ / Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, có hai cụm từ “gái thương chồng”, “trai thương vợ” dễ hiểu, ai cũng biết, xin miễn bàn. Riêng hai cụm từ “đang đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” về nghĩa đen cũng không khó lắm.
Đang đông buổi chợ: ở chợ, buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ họp rất đông âm thanh rì rào, toe toét, kẻ mua người bán tới lui tấp nập có khi nghẽn cả lối đi. Nắng quái chiều hôm: Thứ ánh nắng chiều yếu mang dáng cổ quái lúc sắp hoàng hôn. Riêng nghĩa bóng thì rất rộng, bởi thế câu tục ngữ này có rất nhiều lý giải chẳng ai giống ai.
Trong câu: “Gái thương chồng đang đông buổi chợ”, nơi thật đông người, ngoài việc mua bán ra, nơi đây cũng là mảnh đất màu mỡ gieo mầm yêu thương nên ca dao xưa có câu: “Trai khôn tìm vợ chợ đông…”.
Khi người đàn bà có nhan sắc, dễ cảm, ăn nói dịu dàng, bán buôn tháo vát, thu hút bao nhiêu ong bướm: “Có chồng thì mặc có chồng / Còn duyên anh ẵm anh bồng anh chơi”. Rồi còn rù quến bằng tiền bạc, thế lực và biết bao nhiêu cái cám dỗ khác của cuộc đời. Bởi thế, giữa chợ đông người (đang đông buổi chợ), người con gái thật sự thương chồng vững vàng trước “bảy lọc năm lừa” của những kẻ háo sắc, để rồi tự hào thốt lên:
Làm sao cho vẹn tam tòng, Gái ngoan chẳng lấy hai chồng bỏ anh |
Chợ đang đông là môi trường thử thách nghiệt ngã, chỉ có người thực sự thương chồng mới vượt qua được.
Tú Xương (1870-1907), một nhà thơ tài hoa, nổi tiếng trào lộng cay đắng, ông rất may mắn được người vợ hết sức thương chồng, lo lắng cung phụng đủ điều:
Tiền bạc mặc thây con mụ kiếm Ngựa xe chẳng có lúc nào ngơi. |
Bà Phạm Thị Mẫn luôn sáng giá là người vợ thương chồng và cả một đời lam lũ vì chồng, vì sự nghiệp của chồng mà hy sinh. Bởi thế, nhắc đến Tú Xương “dở dở lại ương ương” hậu thế nghĩ ngay đến người đàn bà hiền thục này:
Thương chồng phải lụy cùng chồng, Dẫu cho đến thác tơ lòng còn vương |
Câu “Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, nghĩa bóng, ý nói lúc về già “đầu bạc răng long” mà người chồng còn thương được vợ đó mới thực sự thương vợ. Thử hỏi tại sao? Vì lúc bấy giờ người vợ đã mất rất nhiều thứ của một giai nhân mà quái quắt thay “trời chẳng cho, lại còn tiếp tục lấy thêm nhiều thứ khác” để “Hết duyên đi sớm về khuya một mình”.
Lễ giáo ngày xưa lại tạo điều kiện cho người chồng “Trai năm thê bảy thiếp” dễ tìm cho mình một nhan sắc mới, để mặc vợ già khóc than:
Ngày nào óng ả hoa đào Muôn phần tươi tốt thiếp trao cho chàng. Bây giờ hoa rữa, nhụy tan, Cành xuân héo úa nên chàng lại chê. |
Vào thời điểm này, người chồng “vững như kiềng ba chân” vẫn thương yêu vợ như thuở xuân thì, thì đó mới đích thực là thương vợ (bằng ngược lại, đó là người thương sắc).
Câu tục ngữ “Gái thương chồng đang đông buổi chợ / Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” là túi khôn của tổ tiên từ nghìn trước để lại cho nghìn sau, cháu con cứ tùy nghi mà sử dụng, mong sao nở hoa đơm trái, chồng thương vợ, vợ thương chồng, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng gia đình giàu mạnh, hạnh phúc.
Bài liên quan: