GS Đinh Gia Khánh - Nhà giáo dục - văn hóa lỗi lạc của đất nước thời dựng nước, thống nhất đất nước

Hơn bao giờ hết, chúng ta thấm thía ý nghĩa của văn hóa và của văn hóa dân tộc – ngày xưa ông cha ta cho rằng chúng ta thắng giặc là nhờ dân ta thấm nhuần đạo nghĩa, dám hy sinh. Ngày nay, qua các cuộc chiến tranh thắng ngoại xâm, chúng ta lại càng thấm thía lòng dân, sức dân, sức mạnh tinh thần nảy sinh từ cái gốc văn hiến Việt Nam.

Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta vô cùng kính trọng, quý mến và tôn vinh sự nghiệp, đức độ của GS Đinh Gia Khánh. Là một người xuất thân Tây học, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh… thế mà giáo sư lại rẽ sang lĩnh vực văn học cổ: văn học dân gian với kho tàng Hán Nôm rất khó, rất mất công mài dũa. Đây là một điều lạ lùng, nhưng không hiếm gặp (rất nhiều người thế hệ đó cũng chọn con đường như vậy). Đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước sâu đằm, thiết tha, yêu nước từ cái gốc văn hóa dân tộc, từ tâm tình, tình cảm, suy nghĩ, tư tưởng, tâm huyết của cha ông. Con đường đó gian nan, lặng thầm, đơn độc nhưng ngời chói, mỗi bước đi tới như có hồn của cha ông dìu dắt.

GS Đinh Gia Khánh đã để lại nhiều bộ giáo trình, nhiều công trình nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa cổ Việt Nam, văn học dân gian Việt Nam. Công trình nào cũng có nền tảng vững chắc về văn hóa, công trình nào cũng được viết chắc, theo cách nói của giáo sư “chắc như cua gạch”! Thực vậy, không màu mè hoa mỹ, câu nào bài nào của giáo sư cũng được viết với tất cả nội lực, rất nồng hậu nhưng được nén lại chặt súc tích, nhiều luận điểm. Những nhận định của giáo sư là mẫu mực, là kinh điển cho lớp học trò chúng tôi tìm đến để nương tựa và khám phá để viết tiểu luận, làm luận án. Cuốn sách, có lẽ là cuối cùng của giáo sư về so sánh văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á là một công trình mở hướng nghiên cứu mới, so sánh văn hóa; cần thiết để hiểu sâu về văn hóa Việt Nam. Bộ Tổng tập đồ sộ 42 tập mà giáo sư chủ biên, là một cống hiến to lớn vào cuối đời của giáo sư cho văn hóa. Khi tôi tới thăm giáo sư bên giường bệnh, thấy giáo sư nằm trên giường và bên cạnh sắp bộ Tổng tập 42 tập ấy, đủ biết giáo sư yêu quý trân trọng nó thế nào!

Thời chúng tôi học giáo sư, năm 1960, giáo sư là một cột trụ - chủ lực của nền đại học vừa được xây dựng của nước ta. Với tác phong chân thật, chính xác khoa học, với tầm văn hóa uyên bác… giáo sư chính là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi đi vào con đường nghiên cứu văn hóa dân tộc. Giáo sư là một trong những nhân vật văn hóa - giáo dục hàng đầu, tiêu biểu của lịch sử nước ta trong những năm đầu dựng nước, thống nhất đất nước. Tận tụy, lặng lẽ, giản dị, lão thực, hiền minh, giáo sư đã cống hiến cho văn hóa, cho đất nước, tận trung với nước. Bằng sức của một con người giáo sư đã khích lệ cổ vũ nhiều người, đã làm cho văn hóa dân tộc Việt Nam tỏa rạng không những trong những thế hệ sinh viên thời đó mà còn là mãi mãi muôn sau.

Giáo sư đặc biệt kiên định, không dao động trong những hoàn cảnh khó khăn, tỏ rõ phẩm chất của “nhà Nho quân tử”: người quân tử bền trong khó khăn, “quân tử cố cùng”.

GS Đinh Gia Khánh xứng đáng được tôn vinh hơn nữa để biểu dương cổ vũ nền văn hóa dân tộc của chúng ta đang có chiều hướng sụt giảm. Nếu Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) cho giáo sư đã tạo được sự đồng thuận cao trong công luận khoa học, thì việc đặt tên đường cho giáo sư ở thủ đô, ở các thành phố lớn của đất nước là một việc rất nên làm.

Mai Quốc Liên