Tại hội thảo Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và những lối hòa đàm ngẫu hứng có rất nhiều học giả quốc tế tham dự. Trong số đó, có một người đến từ phương Tây am hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam rất sâu sắc. Chị là giáo sư tiến sĩ người Đức, Gisa Jaehnichen. Không chỉ có kiến thức hàn lâm về âm nhạc truyền thống mà Gisa còn có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, chị nói tiếng Việt giỏi đến mức nếu không nhìn mái tóc bạch kim và đôi mắt xanh, người đối diện sẽ nghĩ chị là người Việt.
- Chào Gisa, tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó đối với người nước ngoài, sao chị nói tiếng Việt giỏi đến vậy?
- Hiện tại tôi đang sống và giảng dạy tại Malaysia nhưng trước đây tôi đã có thời gian dài nghiên cứu âm nhạc tại Việt Nam. Muốn nghiên cứu văn hóa Việt mà không biết tiếng Việt thì làm sao đây? Tôi bắt buộc phải học tiếng Việt và cố gắng học thật giỏi. Điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình tìm tòi và nghiên cứu.
- Ngay cả với người Việt, âm nhạc truyền thống nói chung và ĐCTT nói riêng cũng không có sức hấp dẫn. Vì sao chị lại lao vào nghiên cứu một thứ quá xa lạ với văn hóa của mình?
- Đơn giản là tôi thích. Hay nói cách khác nó như là duyên phận vậy. Nếu ai đó đã từng thử chơi và nghiên cứu ĐCTT thì sẽ thấy thích thôi. Nói chung trong lĩnh vực văn hóa và âm nhạc thì mỗi thứ có cái hay riêng, không thể so sánh. Riêng với ĐCTT, theo tôi, có một điểm rất thú vị, đó là sự phong phú trong giai điệu nên phong cách biểu diễn luôn có sự thay đổi đầy tính sáng tạo.

GS-TS Gisa Jaehnichen.
- Với tham luận Âm nhạc tài tử nam Bộ - lối tư duy của người phương Nam, chị muốn gửi đi một thông điệp gì trong hội thảo này?
- Trong suốt thời gian nghiên cứu tại Việt Nam, tôi đã đi về nhiều vùng miền khác nhau. Thậm chí vào cả các vùng dân tộc thiểu số. Tôi nhận ra âm nhạc của mỗi một vùng có một ngôn ngữ riêng. Với âm nhạc tài tử tôi thấy được sự phóng khoáng và ngẫu hứng trong cách nghĩ và cách sống của người phương Nam.
- Nghiên cứu nhiều về âm nhạc dân tộc Việt Nam, chị đã bao giờ tham gia biểu diễn thể loại âm nhạc này?
- Ở Việt Nam tôi có một người bạn rất thân, đó là anh Kiều Tấn trưởng phòng văn nghệ đài truyền hình TP HCM. Qua gợi ý và hỗ trợ của anh ấy tôi đã cùng nhiều nghệ sỹ ĐCTT cũng như nhạc dân tộc biểu diễn và thu khá nhiều CD nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi tin những CD này có ý nghĩa góp phần lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
- Tham dự hội thảo, nhưng chị có nghĩ ĐCTT xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới không?
- Trong cách nhìn của tôi, ĐCTT luôn có sức hấp dẫn vô tận. Tôi tin trong hội thảo này, có nhiều người có cảm nhận giống tôi. Một nét văn hóa độc đáo và thú vị như vậy rất đáng để trở thành tài sản chung của nhân loại.
Nghệ thuật ĐCTT và những lối hòa đàm ngẫu hứng được tổ chức tại khách sạn Rex từ ngày 9-11/1 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, học giả của Việt Nam và 6 học giả chuyên về lĩnh vực âm nhạc dân tộc đến từ Đức, Nhật, Hàn Quốc, Cộng hòa Síp, Singapore, Malaysia. Hội thảo do Bộ VH-TT-DL tổ chức trong khuôn khổ của đề án xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. |
Theo Đất Việt
Bài liên quan: