Sau ngày độc lập năm 1945, lịch sử Việt Nam nói chung và câu chuyện giữa Hồ Chí Minh và Mỹ nói riêng là một câu chuyện của hy vọng và thất vọng, của hòa bình và chiến tranh, của lý tưởng và tội ác, của vui sướng và đau buồn, và nói chung lại, của cơ hội hợp tác bị lỡ. Khi nhìn lại bản Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), chúng ta xem lại bối cảnh trong đó phương Tây dựng lên các mâu thuẫn sau đó. Trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh nêu rõ:
… Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
… Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
… Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Như đã nói trên đây, nội dung cấu trúc của bản Tuyên ngôn trong đó Hồ Chí Minh liệt kê những tội ác mà thực dân Pháp gây ra đối với người Việt Nam tương tự như sự liệt kê của Tổng thống Thomas Jefferson (1743-1826) về sự đối xử bất nhẫn của Vua George III (1738-1820) và Nghị viện Anh đối với nhân dân Mỹ(1). Tuy nhiên, có hai sự khác nhau chính giữa tầm nhìn của Jefferson và Hồ Chí Minh. Thứ nhất, bản Tuyên ngôn Mỹ của Jefferson (cũng như bản Tuyên ngôn Pháp) nhấn mạnh quyền con người và bình đẳng giữa con người, trong khi Hồ Chí Minh tập trung vào quyền tập thể của sự tự trị của các nước và bình đẳng giữa các dân tộc. Điều này dẫn đến sự khác biệt thứ hai, là Jefferson kết thúc bản Tuyên ngôn với sự tuyên thệ của “những người ký tên vào”, trong khi Hồ Chí Minh bao gồm “toàn thể nhân dân Việt Nam” vào trong lời tuyên thệ của bản Tuyên ngôn Việt Nam(2).
Chính vì vậy, mặc dù Hồ Chí Minh đã cố gắng đưa ra các lý lẽ chính đáng cho nền độc lập của Việt Nam qua việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Mỹ và nhấn mạnh những nguyên tắc về sự tự trị và dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn mà các nước đồng minh đã công nhận, Mỹ vẫn bình thản không quan tâm đến. Trong hai năm tiếp theo đó (1945-1947), Tổng thống Truman không trả lời mười lá thư và điện mà Hồ Chí Minh gửi để kêu gọi Mỹ ủng hộ. Các nhà cầm quyền Mỹ tiếp theo cũng không trả lời các thông điệp của Hồ Chí Minh mà lại quay sang giúp Pháp.
Điều đáng lưu ý là trong toàn bộ các bài viết của Hồ Chí Minh cũng như các cuộc phỏng vấn, có thể nhận thấy là Hồ Chí Minh không những tin tuyệt đối vào các lý tưởng bình đẳng của Pháp và Mỹ, mà còn rất khiêm nhường và kính trọng các nước lớn, và luôn sẵn sàng chấp nhận một sự dàn xếp tuy mình có lợi ít hơn. Cách viết trong các bức thư Hồ Chí Minh gửi các vị tổng thống Mỹ đều rất tôn kính và thanh lịch. Việt Nam yêu cầu ca mà Người đồng viết năm 1919 có một giọng văn rất khiêm nhường và hòa bình khi đưa ra Yêu sách tám điểm(3).
Hồ Chí Minh nghĩ đến việc kêu gọi Mỹ ủng hộ từ những năm 1919 khi cùng các nhà yêu nước Việt Nam gửi thư đến Tổng thống Wilson kèm theo bản Yêu sách tám điểm tại Hội nghị Hòa bình ở Versailles vào tháng 6 năm 1919. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật từ 1943 đến 1945, Việt Nam hợp tác và nhận được một số hỗ trợ từ Mỹ.
Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi bức điện thứ nhất đến Tổng thống Harry S. Truman để yêu cầu Việt Nam có được đại diện trong Ủy ban Liên tịch các nước Đồng minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, vì “chính quyền [chúng tôi là] duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật”(4). Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh chủ ý trích dẫn bản Tuyên ngôn Mỹ và Pháp trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Lúc này, Việt Nam đã dự đoán sự quay trở lại của Pháp.
Chỉ 22 ngày sau đó, vào ngày 24 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ hai đến Tổng thống Truman để kêu gọi sự ủng hộ. Người nêu ra các chi tiết về sự giúp đỡ của Anh cho Pháp ở miền Nam Việt Nam trong việc cấm báo chí, cung cấp vũ khí cho dân chúng Pháp, và tước vũ khí của các lực lượng cảnh sát Việt Nam. Cuối thư, Hồ Chí Minh kêu gọi sự giúp đỡ: “Chúng tôi sẽ rất biết ơn Ngài thuyết phục người Anh đứng vững trên cơ sở các nguyên tắc tự do và tự quyết do Hiến chương Đại Tây Dương đề ra”(5).
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 17 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ ba đến Tổng thống Truman nói về mối quan tâm vì sự vắng mặt của đại diện của Việt Nam trong Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông. Trong thư, Người mở đầu:
Về nguyên tắc, nhân dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông. Trước hết, xét về tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam, thứ hai là mong muốn tha thiết - mà Việt Nam cảm nhận sâu sắc và đã chứng tỏ một cách nhất trí - được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hòa bình và phồn vinh trên thế giới, chúng tôi mong rằng các quốc gia Đồng minh sẽ lưu tâm đến những vấn đề sau đây…(6).
Sau đó, Hồ Chí Minh đề cập đến các vấn đề về sự vắng mặt của Việt Nam và sự có mặt của Pháp trong Hội đồng, vì điều này có thể dẫn đến kết luận rằng Pháp sẽ đại diện Việt Nam và điều này có thể gây nên bất ổn định trong khu vực. Thêm vào đó, Hồ Chí Minh phân tích rằng Pháp đã bán Đông Dương cho Nhật và không thể làm đại diện nữa.
Ba ngày sau, về sự tử nạn của Trung tá Mỹ Peter Dewey ở Sài Gòn, Hồ Chí Minh viết lá thư thứ tư cho Tổng thống Truman vào ngày 20 tháng 10 năm 1945 để chia buồn và đề nghị rằng Mỹ thông báo trước các hoạt động của công dân Mỹ để tránh các tai nạn(7). Dewey là quân nhân Mỹ đầu tiên tử nạn tại Việt Nam. Ông đến Sài Gòn ngày 4 tháng 9 để sắp xếp việc hồi hương của các tù nhân chiến tranh Mỹ từ các trại tù binh của Nhật. Ông bị bắn chết vào ngày 26 tháng 9. Trong bối cảnh này, Hồ Chí Minh khẳng định lại rằng:
… Từ đáy lòng chúng tôi… Tình hữu nghị đó không những đối với chính người Mỹ mà cả những người mặc quân phục Mỹ, bằng chứng của lập trường tốt đẹp này của Mỹ thiết tha với hòa bình và công lý quốc tế thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Lập trường đó không những giới cầm quyền mà cả toàn thể nhân dân Việt Nam đánh giá cao(8).
Hai ngày sau, vào ngày 22 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi một lá thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, ông James Byrnes, để yêu cầu sự can thiệp kịp thời của Liên hiệp quốc vào tình hình ở Việt Nam và công nhận nền độc lập của Việt Nam(9). Người giải thích các nỗ lực của nhân dân Việt Nam trong việc chiến đấu cùng phe Đồng minh để chống Nhật, và liên hệ với Hiến chương Đại Tây Dương trong việc “xác định mục tiêu chiến tranh của các nước Đồng minh và đặt nền tảng cho sự nghiệp hòa bình”(10). Hồ Chí Minh viết:
… Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu lên trong bản Hiến chương này đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam, và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai. Một cương lĩnh kiến quốc đã được dự thảo mà về sau người ta thấy rằng nó phù hợp với Hiến chương Cựu Kim Sơn, và đã được thực hiện hoàn toàn trong mấy năm qua…(11).
Tuy nhiên, các nước Đồng minh và nhất là Mỹ dường như không quan tâm đến mối liên hệ giữa cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Nam và phong trào chống phát xít do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Họ cũng không quan tâm đến mối liên hệ lý tưởng và sự đóng góp về quân sự của Việt Nam cho sự thắng lợi của phe Đồng minh và các nguyên tắc của họ về công bằng và bình đẳng quốc tế như đã khẳng định trong Hiến chương Đại Tây Dương. Rõ ràng đây là một cơ hội rất lớn bị lỡ cho Mỹ trong việc thành lập mối quan hệ hợp tác với một đồng minh có ý định tốt và có khả năng. Phong trào chống phát xít ở Việt Nam được mô tả hào hùng trong bài hát Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi (1945) rất phổ biến vào thời ấy cũng như hiện nay:
Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vùng lên…
Tiến lên nền dân chủ cộng hòa
Giành lại áo cơm tự do…
Chỉ 10 ngày sau, vào ngày 1 tháng 11 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi một lá thư đến ông James Byrnes để bày tỏ ý định gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ “một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Một lần nữa, Hồ Chí Minh khẳng định ý muốn hợp tác với Mỹ:
Trong suốt nhiều năm nay họ [các nhà trí thức Việt Nam] quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ mà những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam(12).
Ngày hôm sau, vào ngày 2 tháng 11 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ năm đến Tổng thống Truman về Tuyên bố 12 điểm về chính sách ngoại giao Mỹ đưa ra vào ngày 29 tháng 10 năm 1945. Tuyên bố này bao gồm các điểm như chủ quyền và quyền tự trị của các dân tộc bị tước đoạt sẽ được trao trả lại, các dân tộc chuẩn bị tự trị được quyền chọn lựa chính thể riêng của mình mà không có sự can thiệp bên ngoài, và không công nhận bất kỳ chính quyền nào bị thế lực bên ngoài áp đặt lên một dân tộc. Có lẽ Hồ Chí Minh hy vọng rằng Tuyên bố này sẽ được áp dụng cho tất cả các nước, kể cả các nước thuộc địa trước đây(13). Người viết:
… Tuyên bố đó được nhân dân chúng tôi nồng nhiệt chào đón vì nó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đó là sự tiếp nối chính sách đối ngoại nhân đạo và tự do của Hoa Kỳ cũng như cá nhân Tổng thống Hoa Kỳ, đưa đến việc hiện thực hóa những lý tưởng được ghi trong các bản Hiến chương mà nền cộng hòa Mỹ cao quý là một bên ký kết(14).
Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 8 tháng 11 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ sáu đến Tổng thống Truman để giải thích rõ rằng Pháp không còn quyền pháp lý và hành chính ở Việt Nam vì Pháp đã bỏ chạy hoặc đầu hàng Nhật. Điều này có nghĩa là Pháp đã đi ngược lại những cam kết trong các Hiệp ước bảo hộ tháng 3-1874 và tháng 6-1884 (được ký giữa Pháp và triều đình Nguyễn). Vì vậy, Pháp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi họ tấn công Sài Gòn ngày 23 tháng 9. Hồ Chí Minh khẳng định lại rằng “Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Liên hiệp quốc trong việc xây dựng nền hòa bình thế giới bền vững”, và Việt Nam với một chính phủ độc lập “đang thực hiện một chương trình xây dựng phù hợp với Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Cựu Kim Sơn”(15).
Hai tuần sau, vào ngày 22 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ bảy đến Tổng thống Truman để kêu gọi hỗ trợ nhân đạo. Một phần của lá thư như sau:
Tôi hy vọng giành được sự quan tâm của Ngài, vì những lý do hoàn toàn nhân đạo, tới các vấn đề sau đây: Hai triệu người Việt Nam đã chết vì nạn đói trong mùa đông năm 1944 và mùa xuân năm 1945, do chính sách của người Pháp, những kẻ đã tịch thu và tích trữ cho đến khi toàn bộ thóc lúa bị mục thối hết. Ba phần tư đất canh tác bị ngập lụt vào mùa hè năm 1945, tiếp đến lại bị hạn hán khốc liệt, năm phần sáu mùa màng bị mất… Nhiều người đang chết đói… Nếu các cường quốc trên thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế không mang tới cho chúng tôi sự viện trợ ngay tức thì, chúng tôi sẽ gặp phải thảm họa trước mắt…(16).
Cũng vào tháng 11 năm 1945, nhân dịp khai mạc Hội nghị Washington về Viễn Đông với sự vắng mặt đại diện của Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi một lá thư đến ông James Byrnes, khẳng định là Pháp không có quyền đại diện Việt Nam và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam “được sống trong tự do và độc lập trong sự nghiệp xây dựng dân chủ”. Một lần nữa, Hồ Chí Minh nói đến “ý tưởng cao quý về lòng khoan dung và nhân đạo thể hiện trong diễn văn của Tổng thống Truman”, và nhân dân Việt Nam hy vọng rằng các dân tộc tự do trên thế giới sẽ công nhận nền độc lập của Việt Nam để chấm dứt cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam(17).
Vào ngày 18 tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ tám đến Tổng thống Truman để kêu gọi sự ủng hộ để có được sự can thiệp của Liên hiệp quốc vào tình hình Pháp tấn công Việt Nam. Một lần nữa, Hồ Chí Minh nói đến bản Tuyên bố 12 điểm của Tổng thống Truman ngày 29 tháng 10 năm 1945, trong đó điểm thứ 12 khẳng định vai trò gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và trách nhiệm của các thành viên trong việc đảm bảo hòa bình thế giới, kể cả khi phải dùng vũ lực. Hồ Chí Minh khẳng định lại:
… những nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong quy ước của Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn… Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước của chúng tôi(18).
Gần một tháng sau, vào ngày 16 tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh gửi lá thư thứ chín đến Tổng thống Truman:
Nhân dân Việt Nam chúng tôi, ngay từ năm 1941, đã đứng về phe các nước Đồng minh và chiến đấu chống lại người Nhật và những kẻ cấu kết với họ là bọn thực dân Pháp.
Từ năm 1941 đến năm 1945, chúng tôi đã chiến đấu gian khổ và duy trì được là nhờ chủ nghĩa yêu nước của đồng bào chúng tôi, và nhờ những cam kết của các nước Đồng minh tại Yanta, Xan Phranxixcô và Pôxđam…
Sự xâm lược [của Pháp] này là trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới. Nó là một sự thách thức đối với thái độ đáng kính trọng mà Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã bày tỏ trước, trong và sau chiến tranh. Nó đối chọi với lập trường vững chắc mà Ngài đã nêu lên trong bản tuyên bố mười hai điểm và với tính cao thượng và khoan dung lý tưởng mà phái đoàn của Ngài gồm các ông Byrnes, Stetlitus và J.F. Dulles đã bày tỏ trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền Dân chủ vĩ đại. Liên hiệp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến…
Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philíppin một cách quý báu. Cũng như Philíppin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới(19).
Hai ngày sau đó, vào ngày 18 tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm đến chính phủ các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh. Công hàm nhấn mạnh các sự kiện: Pháp phản bội phe Đồng minh, mở cửa để Nhật vào Đông Dương năm 1940, sau đó khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945, Pháp trở lại tấn công Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945. Trong khi đó, miền Bắc sau khi độc lập đã đạt được nhiều tiến bộ về dân chủ, giáo dục, hòa bình và trật tự, sản xuất nông nghiệp v.v… Lời đề nghị gửi đến các cường quốc lớn là “thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương”, cũng như đem vấn đề này ra trước tổ chức Liên hiệp quốc. “Chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế, và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững”(20).
Theo văn thư lưu trữ của Chính phủ Mỹ, Hồ Chí Minh gửi một bức điện thư đến Tổng thống Truman vào ngày 28 tháng 2 năm 1946. Thông điệp thứ mười và cuối cùng từ Hồ Chí Minh đến Truman như sau:
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi mạn phép thông báo cùng Ngài rằng trong quá trình đối thoại giữa chính phủ Việt Nam và các đại diện của Pháp, Pháp đòi hỏi sự ly khai của Nam Kỳ và quân đội Pháp trở lại Hà Nội. Trong khi đó, quân Pháp đang ráo riết chuẩn bị một cuộc đảo chính ở Hà Nội và một cuộc xâm lược quân sự. Vì vậy, tôi thỉnh khẩn kêu gọi sự giúp đỡ của cá nhân Ngài và của nhân dân Mỹ xin can thiệp gấp vào việc ủng hộ nền độc lập của chúng tôi và giúp cho việc thương lượng theo sát hơn với những nguyên tắc trong Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn.
Đến hết năm 1946, Hồ Chí Minh không gửi thêm thư nào nữa đến Tổng thống Truman. Ngày 12 tháng 1 năm 1947, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ, Hồ Chí Minh có đề cập:
Hồ Chí Minh xin gửi tới nhân dân Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập.
Không có liên lạc từ bên ngoài. Vẫn hy vọng nhưng không biết Mỹ có thiện chí giúp Việt Nam giành độc lập hay không. Có muốn kêu gọi nước Mỹ, nhưng chưa biết làm cách nào.
… Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Roosevelt đã từng nói.
… Việt Nam vẫn chưa liên hệ gì với các phóng viên Mỹ.
… Các phóng viên Mỹ có quốc tịch Mỹ sẽ được đón tiếp khi họ đến gặp các nhà chức trách Việt Nam.
Việt Nam thu được một máy bay của Pháp, nhưng nó không tốt lắm. Hy vọng Mỹ sẽ gửi giúp chúng tôi vài chiếc.
Việt Nam muốn giữ mối liên hệ với nước Mỹ(21).
Vào tháng 5 năm 1947, Hồ Chí Minh gửi một lá thư đến nhân dân thế giới để kêu gọi sự ủng hộ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam(22). Ngày 20 tháng 6 năm 1947, Người gửi một bức thư đến nhân dân Pháp, các “dân tộc châu Á anh em”, và những người “đấu tranh cho dân chủ trên thế giới” kêu gọi sự ủng hộ cho Việt Nam. Ngày trước đó, Người gửi thư kêu gọi nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm sáu tháng ngày “Toàn quốc kháng chiến”, 19 tháng 6 năm 1947.
Vào dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1947, Hồ Chí Minh nỗ lực liên hệ với Hội Hữu nghị Việt - Mỹ và gửi thư sau:
Chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác thân ái của các bạn người Mỹ hồi chúng ta du kích chống Nhật, và chúng ta mong rằng sự hợp tác đó được tiếp tục trong cuộc tranh đấu của chúng ta chống thực dân phản động Pháp, giành thống nhất và độc lập.
Chúng ta mong rằng, Hoa Kỳ - nước đầu tiên đã tranh đấu cho nền dân chủ và độc lập của quốc gia, nước đầu tiên đã ký vào các bản rộng rãi của Liên hiệp quốc, nước đầu tiên đã công nhận nền độc lập cho các nước thuộc địa, nước đã thi hành đúng các nguyên tắc của Washington, của Lincoln, của Roosevelt, sẽ giúp chúng ta trong công cuộc tranh đấu giải phóng hiện nay và trong công cuộc kiến thiết xây dựng sau này(23).
Vào tháng 3 năm 1948, trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nhấn mạnh lại rằng trong Hiến chương Đại Tây Dương, các nước ký kết đã công nhận nền độc lập của các nước khác. Người giải thích rằng một số người yêu dân chủ ở châu Âu và Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam, nhưng tiếng nói của họ còn thưa thớt. Hồ Chí Minh đưa ra trường hợp Mỹ và Anh công nhận nền độc lập của các nước thuộc địa của họ kể cả Philíppin, Ấn Độ và Miến Điện. Người nhấn mạnh rằng Pháp nên học bài học chính trị rất khéo và quang minh này trong cách đối xử với các nước thuộc địa của họ(24). Hồ Chí Minh kết luận: “Nếu thực dân Pháp vẫn khư khư giữ chặt tham vọng cũ thì chúng sẽ thất bại. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng”(25).
_____
(1) (2) Dunn, Hai cuộc cách mạng chị em, tr.176.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.1, tr.472, 1919.
(4) Sđd, t.3, tr.597, 1945.
(5) Sđd, t.4, tr.27, 1945.
(6) Sđd, t.4, tr.60, 1945.
(7) Sđd, t.4, tr.73, 1945.
(8) Sđd, t.4, tr.74, 1945.
(9) Sđd, t.4, tr.80, 1945.
(10) (11) Sđd, t.4, tr.81, 1945.
(12) Sđd, t.4, tr.91-92, 1945.
(13) Vietnam and the U.S., 1940-1950 (Việt Nam và Mỹ, 1940-1950), trong Report of the Office of the Secretary of Defense Vietnam Task Force (Tài liệu Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Việt Nam), phần I, mục C, 60-61.
(14) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.93, 1945.
(15) Sđd, t.4, tr.106-107, 1945.
(16) Sđd, t.4, tr.118, 1945.
(17) Sđd, t.4, tr.128-129, 1945.
(18) Sđd, t.4, tr.183-185, 1946.
(19) Sđd, t.4, tr.202-204, 1946.
(20) Sđd, t.4, tr.205-210, 1946.
(21) Sđd, t.5, tr.28, 1946.
(22) Sđd, t.5, tr.152, 1947.
(23) Sđd, t.5, tr.243, 1947.
(24) Sđd, t.5, tr.494, 1948.
(25) Sđd, t.5, tr.495, 1948.