Phiên âm:
Hoàn Kiếm hồ
Bất đáo Kiếm hồ tam thập niên,
Đương thời cảnh sắc dĩ mang nhiên.
Hành mao hà xứ khởi lâu các,
Già pháo dạ thanh vô quản huyền.
Huyền điểu quy lai mê cựu kính,
Bạch âu mộ hạ túc hàn yên.
Khả liên ngũ bách văn chương địa,
Thượng hữu cô sơn thạch nhất quyền.
Dịch thơ:
Hồ Hoàn Kiếm
Xa Hồ Gươm ba chục năm,
Cảnh xưa thôi đã bao lần đổi thay.
Nhà tranh đã hóa lâu đài,
Súng vang, kèn thổi, vắng hoài đàn ca.
Én về quên cả lối xưa,
Cánh cò đêm ngủ vật vờ cành sương.
Năm trăm năm đất thành Rồng
Còn trơ hòn núi chon von bên hồ
(Ngô Văn Phú dịch)

Hồ Hoàn Kiếm những năm đầu thế kỉ XX.
Căn cứ vào câu Ba mươi năm nay chưa đến Hồ Gươm thì bài thơ này viết vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Khuyến thi Hương ở Hà Nội, khoa Giáp Tý (1864) năm Tự Đức thứ 17; ba mươi năm sau ông tới thì năm đó là 1904.
Những năm này, nước ta đã bị thực dân Pháp xâm chiếm. Họ bắt đầu xây nhà cửa phố xá, lập đồn binh đóng ở những vị trí quan yếu. Cho nên, đứng bên Hồ Gươm chỉ nghe thấy tiếng súng, tiếng kèn ở mạn đồn trại quân Pháp ở Đồn Thủy, cách đó không xa…
Những cảnh thanh bình xưa, thời ông về thi Hương như những ca lâu tửu quán không còn nữa… Hai câu thơ:
Nhà tranh đã hóa lâu đài
Súng vang, kèn thổi, vắng hoài đàn ca.
đã dựng lên cái cảnh thành phố còn đang ở thời đầy lính tráng; đồn bốt còn kề ngay bên cạnh một thắng cảnh xưa. Cảnh thay đổi đến nỗi, khi mùa xuân đến chim én bay về, quên cả lối cũ; còn đàn cò thì ngủ chập chờn trong hồ sương, vì suốt đêm tiếng súng, tiếng kèn còn nối tiếp nhau khuấy động tổ ấm của chúng…
Én về quên cả lối xưa
Cánh cò đêm ngủ vật vờ cành sương…
Thật ngao ngán. Một nỗi buồn kín đáo thâm trầm ẩn sau bốn câu thơ, tưởng như chỉ tả cảnh ấy…
Hai câu kết:
Năm trăm năm đất thành Rồng
Còn trơ hòn núi chon von bên hồ
Càng gây thêm ấn tượng cảnh Hồ Gươm vắng vẻ, không còn là chốn mọi người rủ nhau đến thăm hồ, thăm đền, đông vui như trước nữa…
Hồ Gươm những năm đầu mất nước, kinh thành đã thuộc về kẻ xâm lược ngoại lai, cảnh quan chẳng còn như xưa nữa! Thơ buồn đến tận đáy lòng!
Bài thơ Hồ Hoàn Kiếm, không những là một trong những bài thơ hay về Hà Nội, mà còn ghi được hình ảnh một tâm trạng của một nhà thơ đầy tâm huyết với đất nước, chứng kiến cảnh giang sơn đang bị giặc dày xéo; đến nỗi một thắng cảnh bậc nhất của Thăng Long cũng nhuốm đầy vẻ tang thương, sau những năm quân Pháp đặt chân đến Hà Nội…
Những thế hệ sau này, có dịp nhận dạng ra một hồ Hoàn Kiếm ở cái buổi giao thời “Tây sang” ấy, như thế nào, đó chính là nhờ tài thơ của Nguyễn Khuyến.