Hà Nội xưa và nay

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Nhân dịp sắp đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi xin được tìm hiểu sơ lược về Hà Nội xưa và nay.

Xưa kia, Hà Nội đã là chỗ đế đô của nước ta.

Thời Nội thuộc, về thế kỷ thứ III, Hà Nội là lỵ sở của Giao Châu, tên gọi là Long Biên.

Năm 767, đời vua Đại Tông nhà Đường, có bọn giặc bể là quân Côn Lôn và quân Đồ Bà đem quân vào cướp phá Giao Châu, Kinh lược sứ Trương Bá Nghị cho đắp đê La Thành để phòng giữ phủ trị. La Thành khởi đầu từ đó.

Năm 867, sau 10 năm đánh phá được quân Nam Chiếu, Tiết độ sứ Cao Biền mới cho đắp lại thành Đại La ở bên bờ sông Tô Lịch. Thành ấy chu vi được 8.000 bộ, dài hơn 1.982 trượng, cao hơn 2 trượng, ngoài lại đắp một đường đê bao bọc ở ngoài dài hơn 2.125 trượng, cao 1 trượng rưỡi, rộng 2 trượng. Nội thành gọi là Kim Thành.


Bản đồ thành Thăng Long (Ha Noi des origines au 19e siècle - Hà Nội
từ khởi thủy đến thế kỷ 19. Etudes Vietnamiennes. No 48 - 1977).
Bảng phiên âm các tên trong bản đồ: 1. Nhị Hà; 2. Thiên Đức giang; 3. Tô Lịch giang; 4. Thiên Phù giang; 5. Tây Hồ; 6. Hoàn Kiếm hồ; 7. Phụng Thiên phủ; 8. Thọ Xương huyện; 9. Quảng Đức huyện; 10. Thăng Long thành (Đoan môn, Long Khánh điện, Thị Triều điện, Kiền Nguyên điện, Thúy Hoa điện, Nùng Sơn); 11. Quốc Tử giám; 12. Trấn Vũ quán; 13. Linh Lang tự; 14. Báo Thiên tháp; 15. Nam Giao điện; 16. Từ Thiên giám; 17. Bạch Mã từ; 18. Giảng Vũ điện; 19. Hội thí trường; 20. Khán Sơn đài.

Từ năm 980 đến năm 1009 thì Hà Nội là quận lỵ Giao Chỉ.

Năm 1010, vào tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên, vua Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không thể mở mang ra làm chỗ đô hội được mới quyết định dời đô về La Thành. Khi thuyền của nhà vua ra tới nơi thì thấy có một con rồng vàng hiện ra trên nền trời, nên nhà vua mới đổi tên Đại La thành là Thăng Long thành, rồi cải Hoa Lư làm Trường An phủ.

Nhà vua khi ấy cho mở rộng chu vi thành, trong cho xây dựng các điện Kiền Nguyên, Thị Triều, Thúy Hoa, Long Khánh, Tập Hiền, Giảng Vũ, Long An, Long Thụy, Sùng Dương, Quảng Tự, Diên Sinh… và cho đắp các ụ cao là Nùng Sơn, Tam Sơn và Khán Sơn.

Đời nhà Trần, từ năm 1225 đến năm 1400, triều đình cũng đóng đô ở Thăng Long.

Năm 1396, kinh thành đổi là Đông Đô, đối với Tây Đô là kinh thành do Hồ Quí Ly lập ra ở Thanh Hóa để tìm cách thoán đoạt ngôi vua.

Năm 1430, khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được quân Minh thì đổi tên là Đông Kinh.

Đến năm 1495, đời vua Lê Thánh Tôn thì Đông Kinh là phủ lỵ hạt Phụng Thiên.

Từ năm 1527 đến năm 1592, nhà Mạc cũng gọi kinh thành là Đông Đô, đối với Tây Đô là triều đình nhà Lê ở Thanh Hóa.

Sau đến nhà Hậu Lê Trung hưng thì triều đình cũng đóng đô ở Thăng Long đã sửa lại Nùng Sơn nhỏ lại và tu bổ cung điện cũ đặt tên là Kính Thiên điện. Mãi đến năm 1789, thời vua Quang Trung mới đổi là Bắc Thành, vì không đóng đô ở đó mà tạm đóng đô ở Phú Xuân, trong khi chọn thành Nghệ An là đất giữa nước để xây lại đền đài cung điện gọi là Phượng Hoàng trung đô.


Kinh thành Thăng Long.

Đời nhà Nguyễn, vua Gia Long cho xây lại thành cũ và vẫn gọi tên là Thăng Long.

Năm 1805, khi phủ Phụng Thiên đổi là phủ Hoài Đức thì Thăng Long được đổi là phủ lỵ của phủ ấy.

Năm 1813, nhân dịp đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã có dịp trở lại Thăng Long và trước cảnh đổi thay đã bày tỏ cảm xúc của mình trong bài thơ Thăng Long với những câu như:

Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.

Cù hạng tứ khai mê cựu tích

(Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay đã thành quan đạo,
Một tòa thành mới đã xóa mất đi cung điện cũ.

Đường phố mở khắp bốn phía làm lạc mất cả dấu tích cũ
).

Bà Huyện Thanh Quan trước cảnh đổi thay của thành Thăng Long, đã làm bài thơ Thăng Long thành hoài cổ để bày tỏ nỗi lòng của mình:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Năm 1831, vua Minh Mạng mới đổi tên thành Thăng Long và tỉnh lỵ Hà Nội có nghĩa là vùng đất trong sông vì vùng đất này là đất cổ được sông Hồng (xưa là sông Cái) và các phụ lưu bồi đắp nên.

Năm 1822, vua Minh Mệnh cho tu bổ lại Kính Thiên điện và cải tên là Long Thiên điện.

Năm 1886, quân Pháp xâm lược đã phá bỏ cung điện đi để xây Sở pháo thủ (Direction de l’artillerie) vẫn còn 4 con rồng bằng đá trước Đoan Môn.


Kính Thiên điện. Ảnh trong quyển Archives de l'Indochine
(kho lưu trữ Đông Dương). Bảo tàng Hải quân ở Vincennes.

Một hạ sĩ quan người Pháp tên là Frédéric Garcin, năm 1884, có viết thư về cho gia đình đã kể rằng:

Tôi lại vào thăm ngôi thành. Chúng tôi tới điện Kính Thiên. Ở các đỉnh mái có những con rồng bằng đá uốn thân dài theo bờ nóc, lưng có gai lớn nhọn như răng cưa. Đầu của chúng ngẩng lên chỉ bốn góc mái của tòa cung điện và nền cửa ra vào mới thật độc đáo. Người ta vào cung điện bằng những bậc thang rộng; ba lối lên liền nhau có bốn con rồng lớn nằm ngăn cách. Dựa đầu vào hai chân trước, có những chiếc móng thật to, những con rồng ấy há mồm thật lớn, và với đôi mắt tròn to, chúng hình như đang nhìn miếng mồi mà chúng sẵn sàng nhảy chồm tới.

Với bao nghệ thuật công phu chúng đã được tạc ra! Với bao nét hấp dẫn chúng đã đem lại vẻ đẹp cho ngôi cung điện. Vậy mà, chúng ta lại dám coi người An Nam là lạc hậu!… Vậy thì, chúng ta có phải là những người con của một nền văn minh cao hơn không, khi chúng ta, trong cái cung điện đẹp ấy đã dựng lên những kho chứa vũ khí và lập ra những văn phòng thật tầm thường cho Sở pháo binh? (Trích trong Les lettres du Sergent Garcin (Những bức thư của trung sĩ Garcin) in trong quyển Archives de l'Indochine (Sở lưu trữ Đông Dương) trang 49).

Một viên hạ sĩ quan người Pháp còn biết nghĩ như vậy thật là có ý thức và biết tự trọng. Ông cũng tiếc cho một di tích lịch sử bị phá đi.

Rồi đến năm 1888 (Thành Thái nguyên niên) lại có chỉ dụ đổi Hà Nội thành nhượng địa cho người Pháp.

Bắt đầu từ năm 1904 thì tỉnh Hà Nội cũ gọi là Hà ĐôngCầu Đơ được lấy làm tỉnh lỵ.

Từ ngày 19/8/1945, sau khi giành lại được độc lập, Hà Nội đã trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và từ năm 1975 là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất.


Lăng Bác.

Đến đầu thế kỷ XX, thành phố Hà Nội khi ấy nằm ở về hữu ngạn sông Hồng: Đông bắc giáp sông Hồng, tây giáp làng Thụy Chương, làng Ngọc Hà, nam giáp làng Kim Liên, Bạch Mai và Quỳnh Lôi.

Diện tích đo được độ 2.710 mẫu ta (hơn 9 km2).

Nếu tính đến năm 1925 (theo quyển Địa dư chí tỉnh Bắc Kỳ), thì thành phố Hà Nội mới chỉ có 102.000 dân, được chia ra như sau: Người Việt Nam: 92.000; người Pháp: 6.000; người Hoa: 4.000; người Nhật: 70 và người Ấn: 60.

Con số ấy cho biết Hà Nội thời đó chưa có kỹ nghệ gì, người dân chỉ gồm có một số công chức, những người buôn bán theo ngành nghề thuộc 36 phố phường và một số ít công nhân.

Cho đến cuối thế kỷ thứ XX, khi là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập và thống nhất, thành phố Hà Nội đã được mở rộng với diện tích là 921 km2, gồm 7 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy) và 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm và Sóc Sơn). Dân số đã lên tới 3.457.424 người có đăng ký hộ khẩu, không kể những người lưu trú.


Ranh giới Thủ Đô Hà Nội sau khi mở rộng (1/8/2008)
theo phương án Chính phủ Quốc hội. Nguồn: Bộ Xây dựng.

Hà Nội như vậy đã được mở rộng sang phía bên kia sông Hồng.

Từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội lại được mở rộng, lấy thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để trở thành một thành phố rộng tới 3.334,47 km2, với dân số lên tới 6.232.940 người và có 29 đơn vị hành chánh cấp quận, huyện.

Với sự mở rộng ấy và với sự phát triển không ngừng của Thủ đô ngày nay, chúng tôi sẽ có bài viết tiếp theo để nói thêm về con nguờicảnh vật của đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.