Ông Hiến (sinh năm 1923) học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVII (1943-1945) cùng với Lê Thanh Đức, Trần Duy, Mai Văn Nam… Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Ông sinh ở làng Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho, Tiền Giang. Bố là công chức, Mai Văn Hiến đã theo gia đình ra Hà Nội.
Năm 1937, ông chuyển vào Huế học trường Quốc học, năm 1941 lại ra Hà Nội thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám, ông cùng Phan Kế An, bạn học sau ông một lớp, bí mật trèo vào kho vũ khí của quân Nhật ở Hà Nội để lấy vũ khí chuyển ra cho du kích. Ai cũng biết quân phiệt Nhật rất tàn bạo, mỗi khi bắt được kẻ cắp, chúng chặt tay ngay mà chẳng cần xét xử, dù đấy là hàng dân dụng. Quả là hai họa sĩ con nhà quý phái này đã làm những việc “động trời”.

Du kích Đông Bắc
Trong thời gian hoạt động kháng chiến, ông Mai Văn Hiến cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Phan Kế An, với kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát Văn Chung… do nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng phụ trách.
Tháng 7 năm 1947, họa sĩ Mai Văn Hiến được điều về Tổng cục chính trị quân đội với nhiệm vụ minh họa, trình bày báo “Vệ quốc quân” cùng với họa sĩ Dương Bích Liên, từ đó ông trở thành người lính.
Tháng 10 năm 1950, báo “Vệ quốc quân” sát nhập vào báo “Quân du kích” thành báo “Quân đội Nhân dân”. Đây là tờ báo luôn bám sát thực tế chiến trường nên không chỉ các phóng viên mà cả họa sĩ minh họa trình bày cũng phải bám sát Mặt trận. Vì thế mà hai họa sĩ tạo điều kiện thay nhau, liên tục đi theo trung đoàn 174, tiền thân của sư đoàn 316 do đồng chí Đặng Văn Việt, biệt danh là “Hùm xám đường số 4”. Từ đây, họa sĩ Mai Văn Hiến đã trực tiếp tham dự nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch vùng mỏ Đông Bắc, chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Thượng Lào.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra vào ngày 13-3-1754, ta nổ súng tiêu diệt Him Lam, qua ngày 15 diệt cả vị trí đồi Độc Lập. Sáng ngày 16, trời còn sương mù dày đặc (vùng này tận 10 giờ sương mới tan), Mai Văn Hiến được lệnh gọi về Bộ Chỉ huy Mặt trận.
Đồng chí Phan Hiền công tác báo chí và địch vận bảo: - Sau khi địch mất Him Lam, Độc Lập, chúng ở Bản Kéo rất nao núng, có ý định đầu hàng. Do đó, anh phải vẽ ngay một bức tranh để kêu gọi chúng hạ vũ khí, đỡ phải tốn công. Việc cần lắm, anh phải làm ngay đi. Ngay hôm sau, chiều quân báo đến lấy treo lên sát Bản Kéo. Gấp lắm rồi, anh cố nhé! - Thưa anh, tranh cỡ nào và vẽ cái gì ạ? - Theo tôi, bé nhất cũng phải bằng cái kia để chúng nó nhìn cho rõ và vẽ cái gì cho địch nhớ nhà, nhớ vợ con là được.
Đồng chí Hiền chỉ tay về phía cái mái lán, đủ cho cả trung đội trú. Nói xong vội đi ngay, tay cầm quyển sổ tay to, Mai Văn Hiến nhìn theo, thật sự bàng hoàng. Vậy là bức tranh một chiều 4m x 5m vị chi là hơn 20m2. Giấy đâu?! Màu đâu?! Lại phải đến cơ quan in ấn, gọi là nhà in để xin. Không phải dễ!
Sau rồi ông cũng xin được một số giấy bản. Mỗi tờ to bằng tờ báo “Nhân dân” mở ra: - Ông họa sĩ ơi, làm gì có màu cho ông. Ông xem kia kìa là chỗ mực in Tàu, toàn mực in cặn cả, dùng được thì dùng. Thế là ông Hiến vơ mấy cái hộp mực in cặn và cực kỳ nhanh chóng xin một ít dầu hỏa. Tưởng là xong. Chưa đâu! Nhiều thứ lắm. Nào là phải xay cơm nếp làm hồ dán. Nối các tờ giấy lại để lớn bằng cái lán đâu phải dễ. Còn tìm chỗ để vẽ? Làm gì có chỗ. Chỉ còn cách vẽ trên mặt đất.
Thế là phải nhờ anh em bộ đội san đất cho phẳng ở một chỗ để cho cái “an vị”. Coi như là tạm xong. Thế còn bút vẽ? Gay quá! Biết giải quyết thế nào? Nhìn qua xung quanh, ông Hiến thấy ai cũng tất bật vội vã. Không có ai nữa là họa sĩ. Nếu có hỏi chắc cũng chẳng ăn thua gì. Không có đồng hồ, chẳng biết là đã mấy giờ. Sương chưa tan, đảo mắt lại ra nhìn thấy tờ giấy kết lại to tướng. Trong lòng lại thêm một điều lo lắng mới. Giấy bản vớ sương sớm làm cho “bức tranh tương lai” ướt sũng. Và tất nhiên không giữ được sự phẳng phiu như ban đầu.
Hết sương. Trời hửng nắng, sướng quá. Họa sĩ nhìn ra tờ giấy thật là lạ. Nó vươn mình đoài ra, đoài ra. “Nếu không có tiếng oằng oằng của đại bác thì tưởng chừng như nghe thấy tiếng răn rắc của nó đấy”. Trời càng hửng sáng, vấn đề khác lại đẻ ra. Một tờ giấy to thế kia lại ưu ái trải rộng ở một chỗ vô cùng quan trọng. Tức là địa điểm của Bộ Chỉ huy Mặt trận. Máy bay địch quần đảo liên tục. Không thể để lộ mục tiêu hấp dẫn này nên phải tổ chức ngụy trang.
Trong khi họa sĩ vừa bò vừa vẽ thì luôn có bốn đến năm anh em bộ đội mỗi người cầm một cành cây, đủ lá tươi hẳn hoi. Khi thấy máy bay địch lúc lên và lúc về thì lập tức úp các cành cây lên tranh, úp luôn họa sĩ, đến “thánh” Tây cũng không thấy được. Cứ thế, cứ thế rồi bức tranh cũng tiến triển được. Vẽ bằng bút gì? Một đồng chí bộ đội bảo cứ lấy sống lá chuối rừng đập dập một đầu ra mà vẽ, như vậy chẳng bao giờ thiếu bút. Nhờ anh em bộ đội chặt vài cây tre đặt ra giấy mà bò lên vẽ. Giấy bồi dày không thể rách được. Nhưng họa sĩ đau đầu gối lắm. Lại phải nhờ anh em bộ đội đan cho hai tấm liếp, mỗi tấm 1m2.
Cuối cùng, tranh cũng vẽ xong. Họa sĩ xoa tay, hút một điếu thuốc lào. Mặt trời chưa lặn, họa sĩ vội đi tìm đồng chí Phan Hiền báo cáo tranh đã xong. Xin các đồng chí có trách nhiệm ra xem. - Xong đấy hả, khá lắm! Tí nữa anh em quân báo đến. Mệt lắm hả? Mấy phút sau, đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị Mặt trận đi đến, tay cầm điếu thuốc lào hồ hởi cười với mọi người. Những cành lá ngụy trang lần lượt được nhấc lên, bức tranh từng phần hiện ra.

Gặp nhau
Đồng chí Chủ nhiệm chính trị cùng với vài người khác lượn xung quanh bức tranh, băn khoăn: - Xem thế này khó quá. Không thể nào nhìn từ trên xuống. Có cách nào dựng lên được không?- Dạ, gần đây có vài cây. Đồng chí trèo lên coi thử! - Ừ nhỉ. Phải đấy! - Nói chung tôi thấy như vậy là được. Nhưng, à, họa sĩ tên là gì?... Hiến hả? Anh nắm được ý đồng chí phụ trách địch vận đấy. Vẽ người mẹ ôm con nhìn về phía xa xăm. Họa sĩ vẽ người mẹ và con buồn thêm tí nữa thì mới đạt. Còn cái khẩu hiệu “Ở NHÀ ĐANG CHỜ CÁC ANH TRỞ VỀ”, nét kẻ phải to lên cho rõ hơn.
Họa sĩ lại tiếp tục sửa bức tranh. Chiều tối, anh em quân báo đến. Bức tranh được dán lên tấm liếp khổ 4m x 5m đã chuẩn bị sẵn rồi buộc vào giàn giáo bằng khung tre chuẩn bị từ sáng sớm. Bọn địch ở Bản Kéo mất tinh thần vì bị bao vây uy hiếp mạnh, vì tác động của hai trận Him Lam và Độc Lập, chúng lũ lượt kéo ra hàng.
***
Khi giải phóng thủ đô, họa sĩ Mai Văn Hiến được bầu vào Ban thư ký Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Mai Văn Hiến với những tác phẩm “Gặp nhau”, “Tình quân dân”, “Du kích Đông Bắc 1949”, “Bướm dọc đường”, “Hoa doanh trại”, “Những lời dạy bảo”, “Tiếng hát mùa chiến dịch”… Tác phẩm của ông chững chạc nhưng không giấu nét nhẹ nhàng, dí dỏm theo cá tính của ông.
Hễ có điều kiện ra Hà Nội công tác hay triển lãm, tôi đều đến thăm họa sĩ Mai Văn Hiến. Mỗi lần như thế tôi đều không quên mang ra biếu ông một lọ tương hột, thứ tương được gọi là tương Tàu, do bà con người Hoa ở Chợ Lớn sản xuất. Được quà này, họa sĩ Mai Văn Hiến mừng lắm. Ông cho biết, ông để dành mỗi ngày trong bữa cơm ăn vài hột để nhớ quê hương Điều Hòa, Mỹ Tho của ông.