Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 18 của họa sĩ Trương Hán Minh diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM (từ ngày 12/2 - 22/2/2009) vừa qua, được coi như “khai mào” mùa triển lãm đầu xuân Kỷ Sửu. Tranh Trương Hán Minh được xếp vào tác phẩm danh họa thế giới người Hoa. Bút pháp tranh thủy mặc và thư pháp của ông hấp dẫn khách thưởng ngoạn về cái Đẹp tưởng như rất cổ điển nhưng thật hiện đại, gần gũi…
Tâm sự một chặng đường nghệ thuật đã qua, họa sĩ Trương Hán Minh tự nhận mình là người lao động miệt mài, nhọc nhằn khi có lúc tay vừa cầm búa (làm công nhân), vừa cầm cọ (làm họa sĩ) để mưu sinh, nuôi dạy con cái nên người… Bức tranh Về muộn, phản ánh phần nào hoàn cảnh khó khăn của ông trong giai đoạn đầu còn gian khổ. Về sau, cuộc sống tương đối ổn định, ông là người tham gia khá nhiều hoạt động của đoàn thể, hội, ngành; bán tranh hỗ trợ quỹ từ thiện xã hội và quỹ khuyến học… Dù bận “trăm thứ bà rằn”, ông vẫn sáng tác tranh một cách bền bỉ, đều đặn. Đầu năm trò chuyện về nghề nghiệp, họa sĩ Trương Hán Minh bày tỏ quan niệm sáng tác tranh thủy mặc khá thú vị.
- Tranh thủy mặc vốn quý cái nhã, cái đơn giản, tính hàm súc và cả tính khí thế. Ý nghĩa của tư tưởng triết học là tính khí thế khi họa sĩ bộc bạch trong tranh những suy nghĩ, quan điểm sống hay quan điểm nghệ thuật của mình. Tranh thủy mặc truyền thống hay thủy mặc hiện đại đều hàm chứa những đặc trưng ấy. Tất nhiên, nghệ thuật phải tương thích với thời đại, nếu nghệ sĩ chỉ biết tuân thủ đi theo dấu chân của người xưa thì tác phẩm của anh ta sẽ trở nên nhàm chán đối với người thưởng ngoạn. Trong lịch sử mỹ thuật cho thấy nghệ thuật vẽ tranh phải biết thay đổi cho phù hợp với thời đại. Đôi khi sáng tác nghệ thuật còn đi trước thời đại; nghĩa là, người nghệ sĩ đã dám “đụt khuôn khổ”, sáng tạo, mở ra cái mới cho thế giới nghệ thuật…

Sông Hương
- Thưa họa sĩ, Nghệ thuật cách tân trong tranh thủy mặc Trương Hán Minh được thể hiện như thế nào?
- Tôi vẽ tranh xuất phát từ hiện thực, từ thực tại cuộc sống và đối tượng là những con vật gần gũi trong cuộc sống của con người. Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đầm Sen xưa (nay là khu Công viên Văn hóa Đầm Sen). Ngay từ thời thơ ấu hình ảnh chim, cá, chuồn chuồn, bướm, hoa sen, tre, trúc… của khung cảnh đồng quê Đầm Sen giữa thành phố mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” luôn là đối tượng vẽ hàng ngày của tôi. Lớn lên học vẽ với thầy Lương Thiếu Hằng ở Nghệ uyển Đông Phương (Chợ Lớn), tôi bắt đầu thấu hiểu nhiều điều về tranh thủy mặc của trường phái Lĩnh Nam. Về đặc điểm nghệ thuật của trường phái Lĩnh Nam có thể giải thích như thế này.

Bạch Liên
Vào những năm đầu thế kỷ XX, một số họa sĩ Trung Quốc sang Nhật du học đã tiếp thụ nghệ thuật hội họa Tây Phương. Khi về nước, họ vận dụng những kiến thức từ bộ môn Lập thể học, Ánh sáng học vào tranh thủy mặc truyền thống, quốc họa Trung Hoa. Sự cách tân của họ đã cho ra đời trường phái tranh thủy mặc Lĩnh Nam mà sư tổ là họa sĩ Triệu Thiếu Ngang. Từ đó về sau, trường phái Lĩnh Nam đã theo bước chân lưu lạc của các họa sĩ thủy mặc cách tân truyền đi khắp thế giới. Ở Sài Gòn, họa sĩ Lương Thiếu Hằng từ Hồng Công sang lập nghiệp đã mở Nghệ uyển Đông Phương nhằm mục đích quảng bá dòng tranh thủy mặc cách tân. Trong lớp môn sinh thọ giáo những năm 60 ngày ấy có tôi cùng các họa sĩ Lý Tùng Niên, Mạc Ai Hoằng, Triệu Vĩ Hùng, Quan Khao Tinh, Sa Mạn Vinh, Lâm Bác Trì, Ông Chân Như…

Ung dung tự tại
Có thể nói rằng, cũng từ đấy, với tính cách tân của trường phái Lĩnh Nam đã giúp tôi có cơ sở để sau này vận dụng đưa khá nhiều phong cảnh thiên nhiên Việt Nam vào tranh như Sapa, Mường Khương, thác Bản Giốc, vịnh Hạ Long, hồ Gươm, chùa Thiên Mụ, phố cổ Hội An, ao Bà Om - Trà Vinh, cảnh đẹp Hà Tiên, phong cảnh đường Trường Sơn, Rừng Sác - Cần Giờ… Điều đáng nói ở đây, từ xu thế phát triển của dòng tranh thủy mặc tại Việt Nam đã tạo được sự ngạc nhiên, thú vị cho một số họa sĩ Trung Quốc khi họ sang giao lưu văn hóa tại Hội Mỹ thuật TPHCM vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Thêm nữa, khi được mời sang Trung Quốc giao lưu, tôi có dịp giới thiệu về sự phát triển của tranh thủy mặc tại TPHCM với giáo viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm ở Quế Lâm, Quảng Tây. Họ cũng quan tâm về xu hướng nghệ thuật này ở Việt Nam… Theo nhận xét riêng, tôi cho rằng, dù muốn hay không, dòng tranh thủy mặc thuộc trường phái cách tân quốc họa Trung Hoa khi đem “bứng trồng” tại đất Chợ Lớn - Sài Gòn đã phát triển tốt và đơm hoa, kết trái ngọt.
- Hầu hết những sáng tác của họa sĩ Trương Hán Minh là đưa phong cảnh hiện thực lên tranh. Ông có từng vẽ tranh nude? Xét ở góc cạnh khác, tranh của ông cũng cho thấy họa sĩ đã cảm tác từ thơ ca, từ thơ Đường chẳng hạn…?
- Tôi từng vẽ mỹ nhân cổ điển nhưng không thích vẽ nude. Cái đó tùy quan niệm sáng tác của mỗi họa sĩ. Còn vấn đề cảm hứng vẽ theo thơ, không phải là điều mới. Người xưa đã nói “thi trung hữu họa” là bàn về ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ. Nhà văn cảm xúc, phân tích những hình ảnh ấy từ một câu thơ. Riêng tôi, sự phân tích hình ảnh này lại gây cảm hứng tái tạo, sáng tạo khi mình hình dung từ những câu thơ. Ví dụ bài thơ Đường, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế chẳng hạn:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền Dịch thơ: Trăng tà, tiếng quạ kêu sương Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. (Theo bản dịch thơ của Tản Đà) |
Bài thơ đã gợi cảm xúc cho tôi vẽ một bức tranh tổng thể nhưng đồng thời cũng gợi cảm xúc cho tôi vẽ được bốn khung cảnh qua bốn câu thơ. Hình ảnh trong từng mảng không gian chuyển dịch theo nhịp thời gian khá hay, khá tinh tế. Thế nhưng, tôi phải thú nhận rằng điều khó khăn nhất là thế giới của màu sắc chưa thể chuyển tải được thế giới của âm thanh. Âm thanh ở đây là “tiếng chuông chùa nửa khuya”… Rất khó! (Nghệ thuật tổng hợp đương đại có thể chuyển tải được âm thanh đó nhờ kỹ thuật thu âm. Nhưng phải nhớ rằng nghệ thuật đó không phải là tranh thủy mặc).
- Thưởng thức tranh thủy mặc rất thâm thúy nhưng không phải ai cũng hiểu hết nghệ thuật sâu xa của nó, ý kiến của họa sĩ như thế nào?
- Đành rằng hiểu tranh thủy mặc không đơn giản, nhưng tôi quan niệm nghệ thuật tranh thủy mặc như một vườn hoa cần phải mở rộng cửa cho nhiều người thưởng ngoạn. Câu chuyện thưởng ngoạn ví như nghệ thuật trà đạo. Trà ngon khi mới nếm qua rất đắng. Nhưng sau đó, người ta sẽ cảm thấy cái hậu của nó rất ngọt, sảng khoái. Người xem tranh sẽ cảm nhận tính chất “hậu ngọt của tranh” như “hậu ngọt của trà” khi tìm hiểu tranh, thưởng thức tranh. Hơn nữa, tôi vẫn quan niệm nghệ thuật phải đến với quần chúng, đến với nhu cầu đa dạng của con người trong xã hội. Tôi nhận ra điều này khi khách mua bức tranh Tùng hạc là vì muốn bộc lộ tấm lòng hiếu thảo mừng cha mẹ tuổi cao. Tranh hoa mẫu đơn Quốc sắc thiên hương được mua với ý nghĩa làm ấm cúng, làm sang trọng không gian phòng khách. Cây Trúc bộc lộ chí khí bất khuất, mạnh mẽ, vững vàng (hư tâm, chiết khúc) và xét về mặt nào đó ngày nay, người ta vẫn quan niệm trúc rất cần cho môi trường sống của con người. Mảng tranh phong cảnh sơn thủy Sapa, Hạ Long mờ ảo sương mù… lại được khách văn chương ưa chuộng…

Trúc và hoa Mẫu Đơn
- Dòng tranh thủy mặc ở TPHCM ngày càng khởi sắc và có độ lan tỏa trong giới mỹ thuật TPHCM. Thế nhưng, CLB Mỹ thuật người Hoa đang lo lắng thiếu vắng đội ngũ trẻ kế thừa, ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân làm mai một dần dòng tranh này?
- Tất nhiên có rất nhiều nguyên nhân, nhất là về môi trường đào tạo. Hiện nay, các trường Đại học Mỹ thuật cũng chưa chính thức giảng dạy bộ môn này; trường Mỹ thuật ở Huế có mời chúng tôi tham gia giảng dạy một số tiết cho sinh viên sắp ra trường. Nhưng với thời gian học quá ít, chỉ xem như vừa đủ nhập môn. Khó lòng khơi dậy lòng yêu thích tranh thủy mặc thực sự ở giới họa sĩ trẻ. So với những trường dạy mỹ thuật ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, bộ môn nghệ thuật này được nghiên cứu thấu đáo và đào tạo bài bản hơn.
- Đến với tranh thủy mặc đòi hỏi sự kiên trì, kiên tâm. Ông có thể cho biết thêm kinh nghiệm khi tìm cảm hứng dành cho thế giới nghệ thuật hội họa này?
- Mỗi người có một số kinh nghiệm riêng. Với tôi, nhiều bức vẽ đã được “ngộ” ra từ cuộc sống. Cảm hứng sáng tác của tôi vẫn thường bắt nguồn từ hoàn cảnh xung quanh mình, qua tiếp xúc nhiều điều trong những chuyến đi thực tế (đôi khi chỉ từ những hình khối hang động, từ những phiến đá, khối đá đầy vân vi bí ẩn như dấu vết thời tiền sử cũng gợi sức thu hút lạ lùng đối với người vẽ)… Một điều đáng nêu: tôi luyện bút pháp vẽ tranh thủy mặc như luyện kiếm pháp hàng ngày. Trong mỗi cây cọ ngắn, dài, mỗi một đường nét điều chứa đựng sức hấp dẫn riêng của nó - một làn nước, một giọt mực hay cả khoảng trống “bút không tới nhưng ý đã tới”… Đôi khi cảm hứng đã được “ngộ” trong lúc tập thái cực quyền, được lưu giữ trong ký ức, bỗng trào dưng qua nét cọ của tôi. Cảm hứng cũng chợt đến khi tôi xem sách hoặc đọc thơ, suy ngẫm, đối chiếu những quan niệm sáng tác của các bậc thầy vẽ thủy mặc như Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Lương Thiếu Hằng, Đới Ngoạn Quân… Có thể nói, cảm hứng sáng tác đến với tôi qua nhiều cửa ngõ của tâm hồn…