Hóa thân hoàn vũ

Đã 5000 năm nay, từ khi nhân loại đi vào con đường văn minh, chưa ai trả lời được câu hỏi của họa sĩ Pháp Gauguin (Gôganh) đặt cho một bức tranh: Chúng ta ở đâu đến? Chúng ta là gì? Chúng ta đi đâu?

Cuộc sống là để đi đến cái chết. Vậy chết là hết, hay là để đi đến một hình thức sống khác phi vật thể và vĩnh hằng? Chết là chấm dứt cá thể đau khổ cho mọi người, hay là lại có sự phán xét cuối cùng, rồi Thiên đàng và Địa ngục? Vẫn còn linh hồn cá thể (atman) hay là tan vào linh hồn vũ trụ (brahman)?

Từ xưa đến nay, các triết học và tôn giáo Đông – Tây đã trả lời bằng đủ mọi cách. Nhưng trên thực tế, ta phải công nhận với triết gia cổ Hy Lạp Socrate là con người không thể tư duy cụ thể gì về cái chết, vì “khi mình còn đang sống ở đây thì không có nó. Và khi cái chết đến thì mình đã không còn ở đây nữa”.

Có điều cụ thể và thực tế là, dù quan niệm sống chết thế nào, người sống vẫn phải xử lý thân thể người chết một cách nhất định, do đó đẻ ra những tục lệ tang ma khác nhau tùy theo dân tộc và địa phương.

Người H’Mông quan niệm con người có ba linh hồn, khi chết, ba linh hồn lìa khỏi xác, phải về ba nơi là ba tầng khác nhau. Nghi lễ quan trọng nhất trước khi chôn là: thầy cúng đọc bài tang ca Kruôz Ce để chỉ đường cho linh hồn chủ thể về ở tầng thế giới tổ tiên trên trời.

Người Êđê ở Tây Nguyên quan niệm sống chết là một vòng khép kín trong vũ trụ, chết – sống – chết… Không có cúng tổ tiên… Từ 1 đến 7 năm sau khi chôn người chết ở nhà mồ, là lễ bỏ mả được tổ chức rất vui vẻ vì sau đó, hồn người chết không còn bơ vơ nữa, về sống với tổ tiên, biến hóa bảy lần trở thành một giọt sương nhập vào thể xác một đứa trẻ sơ sinh thuộc dòng máu mình. Hồn sẽ sống lại với gia đình, buôn bản.

Trái với quan niệm khủng khiếp về Thần Chết ở phương Tây, dân tộc Việt coi sống chết là quy luật tuần hoàn dĩ nhiên, dù sợ chết vẫn là tình cảm chung của con người (khác con vật). Trong nền văn hóa nông nghiệp và coi trọng gia đình, người ta đã thấy mặt hay của cái chết: Chết là về với đất mẹ, tổ tiên (được thờ cúng), về với Tiên, với Phật ở Tây Trúc. Sinh ký tử quy: sống gửi thác về, ở mãi, về với đất là trong lòng mẹ. Vì quan niệm cái chết nhẹ nhàng, nên có tục biếu hay sắm áo quan ngay khi còn sống để ngay trong nhà, một tục lệ người phương Tây không cảm thông nổi. Tang lễ rất phức tạp, theo sách Thọ Mai gia lễ (nghi lễ trong gia đình của tiến sĩ Hồ Gia Tân, 1690-1760, tự Thọ Mai, người Nghệ An). Sau ba năm mai táng, hết tang, gia chủ sang tiểu cho người chết (cải táng và xây mộ vĩnh viễn ở một nơi do thầy địa lý chọn).

Cách đây chục năm, những nghi lễ cổ truyền ấy bị đảo lộn do ta nhập từ phương Tây vào tục thiêu xác bằng điện ở Văn Điển. Theo chữ Hiếu của Khổng học, tất cả cái gì thuộc thân thể của ta đều là tinh cha huyết mẹ, nên có việc Hạ Hầu Đôn nuốt con ngươi khi mắt bị tên bắn, cụ Nguyễn Văn Tố mãi không chịu cắt tóc, để giữ búi tóc. Vậy mà ai đó đã tìm ra mấy chữ hóa thân hoàn vũ để biện hộ cho một biện pháp “tiếp biến văn hóa Đông – Tây” cần thiết cho hiện đại hóa (dân số tăng, ruộng ít, bình tro giữ ở nhà hay gửi ở chùa thay cho mộ).

Hóa thân hoàn vũ thể hiện quan điểm phiếm thần luận ở phương Đông: vạn vật nhất thể, con người, con vậy, cây cỏ, khoáng vật đều cùng một thể chất trong vũ trụ. Chết đi, người lại trở về với vũ trụ. Số người già chấp nhận hóa thân hoàn vũ ngày một nhiều hơn. Tôi có cô bạn lại muốn sau khi chết, tro của mình được rắc xuống sông cho mát, được trôi ra biển đi khắp năm châu (chả là cô này tạng nhiệt mà thích đi du lịch).

Ý tưởng rắc tro này đã được thực hiện ở Nhật từ chục năm nay. Theo hãng Thông tấn Kyôđô, ngày càng nhiều người Nhật viết chúc thư muốn tro của mình được rắc xuống những nơi khi sống mình lưu luyến, nhất là bể khơi và núi non. Máy nghiền thành tro bột hài cốt đã thiêu của hãng Tôđa ở Tôkyô chỉ hoạt động 6 phút là xong. Một lễ rắc tro xuống biển giá khoảng 1.000 đến 2.000 đôla, xuống núi khoảng 1.000 đến 1.500 đôla.

Hãng Willife đại diện cho một hãng Mỹ nhận tro của 25 người Nhật đã chết để tung vào vũ trụ (7 gam tro được nhét vào đuôi một phi đạn, lắp vào vệ tinh bay quanh trái đất, sau đó, khi vào sâu khí quyển, bộ phận chứa tro tách ra và bốc cháy). Một tang lễ vũ trụ ấy giá 10.000 đôla. Gia đình sẽ nhận được một cát-xét vi-đê-ô ghi lại quá trình diễn biến. Bài viết của Kyôđô nhận xét là “ở Nhật, với ý thức về gia đình yếu đi, tư tưởng ước lệ là người chết phải đặt vào mộ đang dần dần tiêu tan”.


Bài liên quan:
HỮU NGỌC