Nhưng mọi việc không cách rách đến vậy. Có lẽ, chúng tôi đã không ý tứ, nói ồn ào ở hiên nhà, nên Đại tướng chủ động bước ra. Ông thấy chúng tôi mang vác máy móc, nên chủ động đến gần, thân mật nói:
- Các bạn cần tôi giúp việc gì, tôi sẽ giúp; thật là giản dị, gần gũi và thân mật. Chúng tôi trình bày công việc. Đại tướng chăm chú nghe, bồn chồn hỏi:
- Vậy anh Tào Mạt đâu?
Chúng tôi thưa, anh Tào Mạt đang điều trị ở bệnh viện Quân đội 108. Đại tướng nói:
- Anh Tào Mạt mới đến thăm tôi, kể cho tôi nghe ba câu chuyện, anh nói là ba bài học lịch sử sâu sắc. Bài học thứ nhất là nhà Hồ xây dựng quân đội chính quy, thành lũy uy nghi, nhưng vì để mất lòng dân nên nhanh chóng sụp đổ. Bài học thứ hai là sau Cách mạng Tháng Mười, đất nước Xô Viết đói kém, nhưng vẫn đứng vững bởi những bữa ăn mùa đông của Lênin, nguyên thủ quốc gia chỉ là những chiếc bánh mì khô để trong ngăn kéo. Bài học thứ ba là cuộc vận động ủng hộ kháng chiến của Việt Nam thắng lợi bởi những nắm gạo tiết kiệm bắt đầu từ Bác Hồ. Bây giờ anh em cần tôi nói gì về anh Tào Mạt?
Chúng tôi thưa:
- Dạ thưa, những điều xin Đại tướng nói về Nhà viết kịch Tào Mạt thì Đại tướng đã vừa nói…
Đại tướng cười:
- Nhà báo có khác, rất nhanh. Nhưng tôi nói thêm… Hôm anh Tào Mạt đến thăm, tôi giới thiệu hai bức tượng trên bàn thờ nhà tôi, tượng Hưng Đạo Đại vương và Chủ tịch Hồ Chí Minh… Anh Tào Mạt thắp hương lên bàn thờ, rồi bảo tôi, sau này trên bàn thờ nhà anh ấy sẽ có ba bức tượng. Nghe cách nói của anh, tôi bảo không nên thờ nhiều thần tượng. Một đất nước mà có quá nhiều thần tượng sẽ khó học. Tôi, anh và rất nhiều, rất nhiều người là con cháu, là học trò của hai vị anh hùng trên bàn thờ nhà tôi.
Đại tướng đang nói chuyện vui với anh em tổ làm phim thì chị Hà bưng ra đĩa chuối tiêu chín vàng ươm. Chúng tôi biết chị Hà đem chuối mời khách, cũng có ý nhắc việc quay phim đã xong. Chúng tôi nghĩ cần phải dành thời gian cho Đại tướng, nên không ai ăn chuối, vội thu xếp máy, để ra. Đại tướng nói, anh em không ăn thì đem về nhà. Chị Hà nhanh tay cho cả đĩa chuối vào túi xách, ấn vào tay tổ làm phim.
Một lần khác, tôi lại được gặp Đại tướng cũng trong công việc làm bộ phim Ký ức Điện Biên của Đài Truyền hình Thành phố Chí Minh. Ông Minh Phương, tác giả kịch bản vốn là Thư ký của Tổng chỉ huy, Tư lệnh Mặt trận từ thời Điện Biên Phủ nên việc ra vào, gặp gỡ Đại tướng dễ dàng hơn mọi khi. Nghe chúng tôi trình bày công việc, Đại tướng nói, các anh làm phim Ký ức Điện Biên thì thế nào cũng lên trên đó chứ? Nếu hôm nào có thời giờ và đủ sức khỏe thì các anh cho tôi đi cùng với nhé. Tôi nhớ Điện Biên, nhớ Mường Phăng.
Tôi nghe trong giọng Đại tướng run run, như nỗi nhớ và xúc động bỗng trào lên trong ông. Lát sau ông nói, tôi đồng tình với các anh, kể chuyện chiến thắng Điện Biên bắt đầu từ Đền Hùng… Nền móng quốc gia bắt đầu từ đây, bằng một ý chí kiên cường, tự tôn, độc lập và toàn vẹn, xuyên suốt đến chúng ta hôm nay, là dựng nước và giữ nước. Thắng lợi của Điện Biên Phủ đến từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguồn cội từ ý chí của các vua Hùng. Lắng nghe lời Đại tướng, chúng tôi bắt đầu từ những cảnh quay đền Hùng, rồi ngược đường tiến quân của các Đại đoàn lên chiến dịch năm xưa để vào thung lũng Mường Thanh.
Ấn tượng sâu đậm trong chuyến đi là chúng tôi dành một ngày thăm thú Đại bản doanh Chiến dịch Mường Phăng. Lán ở và bàn làm việc của Đại tướng, của Bộ Tham mưu và nhà Giao ban của Cục Tác chiến đều mới phục dựng nhưng vẫn cảm thấy hình bóng, hơi ấm của vị Tổng chỉ huy còn vương vấn nơi đây. Tôi đã ngồi vào bàn chỉ huy của tướng Đờ-cát trong hầm dưới lòng đất được bảo vệ chắc chắn bằng bao cát và các tấm thép. Ở Mường Phăng, tôi xin thử ngồi vào chiếc bàn làm việc của Đại tướng ghép bằng tre nứa, dưới mái lá và bóng mát cây rừng. Hai vị trí chỉ huy của hai vị tướng trong cuộc đối đầu lịch sử mang tầm vóc thế giới, một dân tộc thuộc địa đứng lên kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp đồng thời kết thúc chủ nghĩa thực dân kiểu cũ khác xa nhau vời vợi. Một nấp vào sức mạnh bom đạn và sắt thép. Một tựa vào tre nứa, bóng cây rừng, và nhân dân. Và Điện Biên Phủ đã kết thúc như chúng ta đã biết.
Ông Minh Phương, Thư ký Đại tướng nói rằng, lúc nhận tin của Tư lệnh Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn cấp báo đã bắt sống toàn bộ Bộ Tham mưu của Đờ-cát, Đại tướng không reo lên, mà im lặng, bước ra cửa lán. Chốc lát ông quay lại, điện hỏi Cục Tác chiến, ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường chưa. Nghe Cục Tác chiến thông báo xong, ông Phương bất ngờ thấy trên tay Đại tướng cầm điếu thuốc lá. Đại tướng không dùng thuốc lá, kể cả những lần trắng đêm bên bản đồ tác chiến. Chắc là ai đó bỏ quên lại trên bàn của Đại tướng bao thuốc, nên Đại tướng rút một điếu cầm ở tay, nhưng không hút. Có thể là lúc bấy giờ Đại tướng chợt nhớ đến các vị Tư lệnh mà hầu hết họ hút thuốc mỗi khi ngồi trước bản đồ tác chiến. Và cũng có thể lúc đó Đại tướng nhớ các chiến sĩ. Bởi đã có lần Đại tướng nhắc nhở đến cả việc cung cấp thuốc lào cho binh sĩ ngày đêm sống trong chiến hào.
Cuối cùng được sự giúp đỡ tận tình của nhân viên khu di tích lịch sử, tôi ngồi dưới bóng cây đại thụ rừng Mường Phăng, để đọc cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách thập phương sau khi tham quan nơi này. Cuốn sổ bìa xanh dày và nặng với nhiều trang được ghi bằng rất nhiều thứ chữ trên thế giới. Tôi đọc được ở những dòng lưu bút một câu vài lần lặp lại ví Đại tướng và những câu chuyện ở Mường Phăng, cùng chiến thắng Điện Biên như huyền thoại. Không, tất cả là có thực, nhưng đúng là có những hiện thực phải mở rộng tầm kích như huyền thoại mới có thể tiếp nhận trọn vẹn. Chiều nay, nghe tin Đại tướng tròn trăm tuổi, tôi đã đứng giữa hè phố, ngửa mặt nhìn trời, cầu mong mọi điều với Đại tướng được hanh thông.
Bài liên quan: