Trong kho tàng văn hiến Phật giáo Việt Nam - cũng là một phần của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh (1) là một hòn ngọc dạ quang vô giá. Tôi trộm gọi đó là hòn ngọc dạ quang, bởi vì những tia sáng lung linh của nó có thể soi cho chúng ta nhìn thấy được những cột mốc bằng vàng đánh dấu những chặng đường dài lịch sử tư tưởng và triết lý, văn hóa và văn chương của dân tộc ta thuộc về những thời gian xa xưa bị che lấp trong bóng đêm của quá khứ.
Nhờ những chứng cứ có độ tin cậy khá cao trong Thiền Uyển Tập Anh, chúng ta ngày nay có thể thăm dò tới được ngọn nguồn xa nhất của Phật giáo Việt Nam (tức cũng là một phần trọng yếu của tư tưởng triết lý Việt Nam), ngược về thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, khi Phật giáo theo bước chân của các thiền sư Ấn Độ và Trung Á được trực tiếp truyền vào Việt Nam (đất Giao Châu) trước cả khi truyền vào Trung Quốc (miền Ngô Sở).
Đối với lịch sử văn chương, hòn ngọc dạ quang ấy cũng soi cho chúng ta phát hiện được những tác phẩm sớm nhất còn tìm thấy được, đánh dấu sự khởi đầu của văn chương cổ điển Việt Nam được xác định vào thế kỷ thứ 10 – thế kỷ phục quốc của dân tộc.
Phát hiện này cũng giúp đồng nhất được khởi điểm của lịch sử văn chương cổ điển với khởi điểm của thời kỳ tự chủ trong lịch sử dân tộc. Đó là hai tác phẩm của hai vị thiền sư – thi sĩ: Pháp Thuận (915 – 990) và Khuông Việt (933 – 1011).
Điều rất đáng quý là hai tác giả ấy lại hết sức xứng đáng với vị trí khai sáng không chỉ của văn chương cổ điển mà của toàn bộ văn chương thành văn Việt Nam suốt cả truyền thống vẻ vang hơn một nghìn năm từ thế kỷ 10 cho đến tận thế kỷ 20 của chúng ta.
Trong lịch sử dân tộc, thế kỷ thứ 10 có một vị trí đặc biệt. Đó là thế kỷ chấm dứt thời kỳ ngoại thuộc, khởi đầu thời kỳ tự chủ. Công cuộc khôi phục quyền tự chủ được Khúc Thừa Dụ khởi xướng từ giữa thập niên đầu của thế kỷ (905).
Trải hơn 30 năm, công cuộc đó mới được hoàn thành với Ngô Quyền (939). Nền độc lập non trẻ liền bị xâu xé bởi nạn cát cứ. Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn mười hai sứ quân để thực hiện nền thống nhất (970).
Kế tục Ngô Quyền và Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đã bảo vệ thành công cơ đồ độc lập và thống nhất mới thành tựu trước họa tái xâm lăng của giặc Tống từ phương Bắc (980).
Tuy là một thế kỷ oanh liệt với nhiều chiến công lừng lẫy, song thế kỷ thứ 10 cũng đồng thời là thế kỷ chiến tranh và loạn lạc; hết ngoại xâm đến nội chiến cùng với mấy lần đổi thay triều đại.
Mất chủ quyền trên một nghìn năm, cũng trên một nghìn năm ấy bị cắt rời khỏi cội nguồn văn hóa thời Văn Lang – Âu Lạc, thường xuyên sống trong nguy cơ bị ngoại tộc đồng hóa, dân tộc ta phải gian nan lắm mới tìm lại được chính mình, càng phải gian nan lắm mới biết cách làm chủ vận mệnh của mình, giữ gìn sự tồn tại và sự phát triển của đất nước cùng với bản sắc văn hóa dân tộc.
Giành độc lập đã khó khăn thay, giữ độc lập để xây dựng quốc gia bền vững lại càng gay go hơn nữa. Nhất là phải làm sao mưu sự sống còn bên cạnh một đế quốc hùng cường? Trứng chọi đá, châu chấu cản xe chăng?
Nhớ lại nước ta giành lại được chủ quyền là thừa cơ cục diện Ngũ đại- Thập quốc vào buổi tàn Đường bên Trung Hoa. Nhưng sau đó, khi Triệu Khuông Dẫn lên ngôi lập nên nhà Tống thì cục diện thống nhất và cường thịnh của “thiên triều” đã được tái lập và nguy cơ ngoại thuộc lại trở về.
Lê Hoàn đánh thắng được Hầu Nhân Bảo trong keo thứ nhất, liệu rằng những keo sau đó có thắng được như lần đầu tiên? Ở cõi “Nam thiên”, liệu “quốc tộ” có được yên lành trước những thử thách mới? Quốc sách giữ nước phải sao đây? Đó là bài toán lịch sử được đặt ra vào cuối thế kỷ thứ 10 trước trí tuệ Việt Nam.
Trí tuệ ấy đã từng biết phục kỳ binh trên sông Bạch Đằng, nơi ải Chi Lăng để đánh tan những đạo quân xâm lược hùng mạnh, liệu sẽ giải bài toán mới của đất nước sau chiến tranh, trong hòa bình như thế nào đây?
Sự tích thiền sư Pháp Thuận trong Thiền Uyển Tập Anh có ghi như sau: “Trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê sáng nghiệp, Sư có công dự bàn hoạch định sách lược. Khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng. Vua Lê Đại Hành lại càng thêm kính trọng, thường không gọi tên mà chỉ gọi là Đỗ Pháp Sư, thường ủy thác cho Sư việc văn hàn… Vua từng hỏi Sư về vận nước ngắn dài. Sư đáp:
“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh…"
Tạm dịch:
Vận nước như mây quấn
Trời Nam giữ thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh
Ở một chỗ khác, sách ghi: “Từ sau khi đắc pháp, những lời Sư nói ra phần nhiều hợp với sấm ngữ…”.
Quả thực, lời đáp trên đây là lời kệ, cũng là lời sấm của một vị thiền sư đã “đắc pháp” cũng tức là đã “ngộ”.
Tôi không phải là nhà Thiền học, chưa từng “tọa thiền”, “nhập định” dĩ nhiên chưa từng “đốn ngộ” bao giờ. Song, tôi trộm hiểu sự “đắc pháp” của Sư Pháp Thuận trên đây cũng giống như một sự “bừng sáng” trong trí tuệ của một nhà toán học khi tìm ra lời giải hay cho một bài toán khó (Toán học vẫn có những điểm tương đồng với triết học); hoặc của một nhà quân sự khi tìm ra cách đánh cho một trận đánh (như trận Điện Biên Phủ chẳng hạn); hay như của một nhà chính trị khi tìm ra một đường lối đúng đắn phù hợp với tình hình đất nước, ý nguyện nhân dân (như đường lối đổi mới cuối thế kỉ 20).
Quả thực, bài thơ Quốc tộ là thành quả của một sự “đắc pháp”, “đốn ngộ” như vậy trong trí tuệ của một vị thiền sư thông tuệ.
Trong bốn câu, hai mươi chữ ấy đã kết tinh được cái tư tưởng chiến lược phù hợp vơi sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc ta trong thời kì lịch sử đó, không những thế mà còn trong những thế kỉ về sau, bao gồm cả thế kỷ của chúng ta ngày nay.
Quốc tộ như đằng lạc
Nhà Sư không hình dung sự vững bền của vận nước như bàn thạch (tảng đá) mà như đằng lạc (dây mây). Đây là đạo lý nhu thắng cương, thủy trị hỏa, thái bình dứt đao binh, vô vi thắng hữu vi, đoản binh chế trường trận… Đây là chân lý trong nghịch lý, là biện chứng sáng tạo trong tư duy triết học và tư duy chính trị truyền thống của Việt Nam.
Có thể nghĩ rằng: phải qua hơn một nghìn năm mất nước và kiên trì đấu tranh giành lại nước, từ đó thâu thái tinh hoa của Thiền học, Thiền tông thì trí tuệ Việt Nam mới nảy sinh được một tư tưởng uyên thâm và uyển chuyển, đồng thời lại chung đúc trong một hình thức súc tích mà hùng hồn đến như vậy.

Bìa cuốn Thiền Uyển Tập Anh, NXB Văn Học, năm 1990.
Theo tôi, hàm nghĩa và hàm ý của khái niệm “thái bình”, “vô vi” trong bài kệ này đòi hỏi sự thăm dò, phân giải sâu sắc của các nhà triết học Việt Nam hiện đại. Không nên xem đây chỉ đơn thuần là những khái niệm có sẵn trong Tam giáo (Nho, Phật, Lão). Ở đây đã có sự vận dụng sáng tạo, đã có sắc thái, phong thái Việt Nam.
Nếu Quốc tộ của Pháp Thuận bày tỏ quốc sách đối nội thì Vương lang quy của Khuông Việt thể hiện chính sách đối ngoại. Nếu bài trước còn là tư tưởn, tư duy thì bài sau đã là hành xử, hành động.
Về sư Khuông Việt, Thiền Uyển Tập Anh cho biết: Sư đã nhập thế, tham chính qua hai triều Đinh và Tiền Lê, được phong chức vị Tăng thống và danh hiệu Khuông Việt đại sư dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng. “Dưới triều vua Lê Đại Hành, Sư đặc biệt được nhà vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, Sư đều tham dự”.
Sách cũng cho biết quan hệ cộng tác giữa hai vị đại sư trong việc khuông phò triều chính và ứng đối ngoại giao. Trong việc tiếp sứ giả nhà Tống là Lý Giác thì dường như có sự phân công nào đó giữa hai vị: một vị tiếp đón, một vị tiễn đưa. Khi Lý Giác về nước, Sư làm bài Vương lang quy đưa tiễn:
Tường quang phong hảo cầm phàm trương…
Dao vọng thần tiên phục đế hương…
So với bài thơ của Pháp Thuận thì bài từ của Khuông Việt có vẻ giàu sắc thái văn chương hơn. Đó là do đối tượng và chủ đích sáng tác khác nhau (một bên là tâu vua, một bên là tiễn sứ). Đó cũng còn do đặc điểm thể loại và phong cách.
Quốc tộ trầm lắng, trang nghiêm. Vương lang quy khoáng đạt, nồng hậu. Tuy là văn chương ngoại giao song tình cảm chứa chan, đằm thắm, cảm xúc man mác, mênh mang:
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương
Cửu thiên quy lộ trường
Tình thâm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng…
Tạm dịch:
Ánh sáng lành, gió tốt, buồm gấm giương lên.
Xa trông bóng dáng vị thần tiên (tức sứ giả) trở về quê hương của Hoàng đế.
Vượt qua muôn trùng non nước xanh xanh, mênh mông.
Đường trở về xa như tận chín trời
Tình thâm thiết
Nâng chén rượu
Lưu luyến vịn bánh xe của sứ giả
Mong ngài đem những ý tưởng sâu sắc về chốn biên cương.
Tâu với hoàng đế ta rõ ràng.
Nếu như không có hai câu cuối thì bài từ tưởng đâu như tứ thơ của Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên về Quảng Lăng.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu…
Tạm dịch:
Cánh buồm xa khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời…
Bài từ làm nhiệm vụ ngoại giao mà nghe ra cảm hứng bâng khuâng như một bài thơ về biệt ly, về tình bạn. Thể loại tác phẩm ở đây cũng là một điều đặc biệt. Khác với Đường thi vẫn có ảnh hưởng lâu dài xưa nay, Tống từ lại có ít âm vang trong sáng tác của các thi si Việt Nam.
Tác phẩm của Khuông Việt thuộc trong số các bài từ hiếm hoi trên thi đàn Việt Nam, có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ học vấn uyên bác và tài năng mẫn tiệp của Sư, rất nhạy cảm với thể thơ lúc này đang bắt đầu thịnh hành trong đời Tống.
Và hẳn rằng việc lựa chọn thể thơ ở đây không phải là không xuất phát từ một ý đồ ngoại giao, gây cảm tình thân thiện với khách. Khuông Việt tỏ ra là nhà ngoại giao có văn hóa cao, rất thông hiểu đối phương.
Tuy trữ tình như vậy song rõ ràng đây là “văn chương phục vụ chính trị”, phục vụ đường lối đối ngoại của triều đình, của đất nước lúc bấy giờ: đường lối hòa hiếu với nhà Tống.
Lê Quý Đôn trong Toàn Việt Thi Lục Lệ Ngôn bình luận rằng: “Bài từ… lời lẽ nõn nà, có thể vốc được” và cho rằng đây là Khuông Việt thay lời vua Tiền Lê”.
Quả vậy, bài từ đối ngoại của Khuông Việt thể hiện tư tưởng đối nội trong bài thơ của Pháp Thuận: Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình. Nội trị phải rộng thoáng để nhân dân được yên vui. Ngoại giao phải mềm dẻo để đất nước được thái bình.
Đó là tất cả hàm nghĩa của một chữ lý (các bản dịch Nôm đến nay đều chưa dịch nổi nhữ này. Tổng tập Văn học Việt Nam dịch: Trời Nam mở thái bình (chữ mở không dịch được chữ lý).
Về hai câu cuối trong bài Vương lang quy, vài chục năm nay, đã có những cách tiếp cận khác nhau. Có người e rằng ý nghĩa và thái độ trong hai câu đó có vẻ “thần phục”, “phạm quốc thể” chăng, cho nên đã giải thích rằng: “ngã hoàng” ở đây là Khuông Việt muốn chỉ vua Lê chứ không phải vua Tống (hoặc có thâm ý dùng một chữ “đa nghĩa” chỉ hai ông vua cùng một lúc, anh nghĩ là vua anh, tôi nghĩ là vua tôi). Ngay bản dịch của Hà Văn Tấn cũng có hàm ý ấy khi dịch “ngã hoàng” là “vua tôi”:
Xin đem thâm ý vì Nam Cương
Tâu vua tôi tỏ tường…
Sách Thơ văn Lý- Trần tập I cũng giải thích và bình luận hai câu thơ theo hướng trên (2). Tổng tập Văn học Việt Nam tập I (phần thơ văn đời Lý) đã trân trọng đưa bài Nam quốc Sơn hà cuối thế kỉ 11 lên làm tác phẩm khởi đầu: “Rõ ràng là bài Nam quốc Sơn hà thể hiện một chân lý bất di bất dịch và một truyền thống luôn luôn sống động. Do đó, tác phẩm kiệt xuất này không những tiêu biểu cho tinh hoa của một thời đại mà còn tiêu biểu cho tinh hoa của toàn bộ lịch sử văn học nước ta…”.
Với ý nghĩa trên, tác phẩm được đặt ở vị trí đặc biệt, trước bài Quốc tộ (3) thì cũng trước cả bài Vương lang quy. Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 2, thế kỷ X - thế kỷ XVII lần xuất bản đầu tiên đề bài Vương lang quy lên đầu, chưa chú ý đến bài Quốc tộ. Song đến lần xuất bản thứ hai (1976) thì lại hạ nó xuống, đưa vào phần Thiền Uyển Tập Anh ở phía sau và đưa bài Thiên đô chiếu lên đầu (4).
Rõ ràng các soạn giả các sách trên có phần “đánh giá thấp” hai tác phẩm quan trọng này. “Vấn đề” ở đây là nên hiểu hai chữ “ngã hoàng” là vua nào: vua Lê hay vua Tống? Và nên dịch là “vua tôi” hay “vua ta”?
Theo tôi, về mặt ngôn ngữ cũng như văn cảnh toàn bài thì “ngã hoàng” chỉ có thể là “hoàng đế nhà Tống” (câu thứ hai có hai chữ “đế hương”)… Ở đây có thể dịch là “vua ta”, tức là vua chung cho cả hai bên.
Lê Quý Đôn đã từng hiểu bài từ lời của vua Tiền Lê (do Khuông Việt viết thay như Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi trong Bình Ngô đại cáo). Nếu theo bản của Hà Văn Tấn, dịch theo bản của Hoàng Văn Lâu khảo dị (hàm ý là bản xác thực nhất) câu áp chót là:
Nguyện tương thâm ý vị Nam Cương
Thì cái nghĩa “ngã hoàng” là vua Tống lại càng rõ. Bởi vì nước Đại Cồ Việt tuy đã có vua song song vẫn còn trong “phạm vi ảnh hưởng” của Hoàng đế Trung Hoa, vẫn còn là “chư hầu”, “phiên quốc” phía Nam của nhà Tống.
Điều đó ở trong nhận thức của Lý Giác mà cả trong nhận thức của Khuông Việt. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhận thức như vậy hẳn không có gì lạ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cũng như tính cách lịch sử của bài từ.
Tuy nhiên, điều đó không hề làm giảm giá trị của bài từ cũng như không làm giảm phẩm cách của Khuông Việt. Trái lại, nó càng làm tăng thêm ý nghĩa sâu sắc và ý vị đặc sắc của tác phẩm, vì đây chính là một thể hiện cho đường lối “Quốc tộ như đằng lạc” của nhà Tiền Lê được Pháp Thuận phát biểu và Khuông Việt thực hiện.
Bối cảnh của đường lối này là lúc bấy giờ Lê Hoàn đã vừa đánh tan đạo quân xâm lược của nhà Tống; chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đã được bảo vệ.
Trên cương vị và tư thế của một quốc gia có chủ quyền, một triều đại vừa chiến thắng, nhà Tiền Lê đã thực hiện một chính sách ngoại giao hòa hiếu với một cường lân nguy hiểm là nhà Tống, nhằm gìn giữ hòa bình giữa hai nước, duy trì thái bình, ổn định, làm cho “chốn chốn dứt đao binh”, tạo điều kiện đem lại an cư lạc nghiệp cho dân chúng.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, nhà Tiền Lê không ngần ngại thực hiện trên sách lược một thái độ mềm mỏng, khiêm nhường, thậm chí “thần phục”, theo danh nghĩa “nước nhỏ thờ nước lớn”, nếu cần thì cũng “nạp cống xưng thần”, suy tôn vua Tống là hoàng đế, tự nhún mình nhận cả tước hiệu, quan chức của “thiên triều” (5).
Rõ ràng đây là một đường lối sáng suốt, một chính trong chính sách “gác lại quá khứ, nhìn về tương lai…”. Nhưng khởi xướng ban đầu của nhà Tiền Lê của vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn mà hai người phát ngôn trong lịch sử văn chương là hai vị thiền sư – thi sĩ: Pháp Thuận và Khuông Việt.
Hai thiền sư – thi sĩ ấy đã để lại rất ít tác phẩm, mỗi người hầu như chỉ có một bài, và mỗi bài lại có rất ít ngôn từ: bài thứ nhất chỉ có bốn câu, 20 chữ, bài thứ hai dài hơn cũng chỉ có 9 câu, 49 chữ (phong cách triết học Việt Nam phải chăng là vậy: nhiều ý, ít lời – cũng là phong cách Hồ Chí Minh).
Song, Quốc tộ và Vương lang quy vẫn là hai tác phẩm vĩ đại, do tầm cỡ tư tưởng chứa đựng trong đó, những tư tưởng xuyên suốt lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta trải hàng nghìn năm cho đến hôm nay.
Hai thiền sư Pháp Thuận và Khuông Việt với công hiến tư tưởng và văn chương của mình ở thế kỷ thứ 10 cũng tiêu biểu và tượng trưng cho truyền thống ái quốc, nhập thế của Phật giáo Việt Nam, xưa nay vốn thủy chung gắn bó với vận mệnh của dân tộc, qua mọi bước thăng trầm, lúc gian nan cũng như ngày vinh hiển.
Truyền thống đó đã làm vẻ vang cho lịch sử Phật giáo trong lịch sử dân tộc và là động lực tinh thần mạnh mẽ và tốt đẹp của đại gia đình Phật tử trong đại gia đình Việt Nam, cả trong cuộc đổi mới để dựng nước và giữ nước hôm nay.
Bài thơ Quốc tộ và Vương lang quy thực xứng đáng được đặt ở vị trí mở đầu cho thời kì văn chương cổ điển, đồng thời cho toàn bộ văn chương thành văn của dân tộc. Cũng có thể gọi đó là hai cánh cửa lớn đã mở ra truyền thống và triển vọng hơn một nghìn năm lịch sử văn chương – và cả lịch sử văn hóa, tư tưởng Việt Nam.
(1) | Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch theo nguyên bản chữ Hán Trùng San Thiền Uyển Tập Anh khai in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ, Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nhà xuất bản Văn học xuất bản – Hà Nội – 1990. |
(2) | Thơ văn Lý – Trần, tập I. Viện văn học biên khảo. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1976. |
(3) | Tổng tập Văn học Việt Nam, tập I. Tổng chủ biên: Đinh Gia Khánh. Chủ biên phần Văn học đời Lý: Văn Tân. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1976. |
(4) | Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ X- thế kỷ XVII, tập II (in lần thứ hai có sửa chữa bổ sung). Chủ biên: Đinh Gia Khánh. Nhà xuất bản Văn học – Hà Nội, 1980. |
(5) | Sách Việt sử Cương mục ghi: “Tháng 10, mùa đông (968) nhà Tống sai chức Tả bổ khuyết di là Lý Nhược Chuyết và Quốc tử giám bác sĩ là Lý Giác đem bài chế văn sang phong nhà vua (Tiền Lê) làm Kim tử quang lộc đại phu, kiêm Hiệu thái úy, An Nam đô hộ Tinh hải quận Tiết độ sứ, Kinh hiệu quốc hầu”. (Dẫn theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam). Sự kiện lịch sử này càng chứng tỏ rằng Khuông Việt trong lời tiễn sứ giả nhà Tống không thể gọi vua nước mình là “ngã hoàng” được. Bối cảnh cũng như văn mạch bài từ cũng không cho phép hiểu như vậy, dù chỉ là trong hàm ý hay “thâm ý”. |