Hai tiếng “hủ tíu” có phải do tiếng Quảng Đông mà ra?

Hỏi: Xin cho biết, hai tiếng hủ tíu (hay hủ tiếu) có phải là do tiếng Quảng Đông mà ra hay không?

(Tâm Phúc – TP. HCM)

Học giả An Chi trả lời: Người Quảng Đông gọi hủ tíuphẳn (粉) mà Quảng Châu âm tự điển (Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997, tr.411) và Quảng Châu thoại phương ngôn từ điển (Nhiêu Bỉnh Tài, Âu Dương Giác Á và Chu Vô Kỵ biên soạn, Thương vụ ấn thư quán, HongKong, 2001, tr.56) đều phiên âm là fen2.

Cái âm mà chúng tôi ghi theo chính âm và chính tả phổ thông quốc ngữ là phẳn, ghi riêng cho người miền Nam đọc thì sẽ là phảnh. Từ trên đây suy ra, có thể thấy rằng hủ tíu hiển nhiên chẳng có liên quan gì về ngữ âm với fen2 (phẳn/phảnh) của tiếng Quảng Đông cả.

Hình thức ngữ âm ban đầu của hủ tíu củ tíucủ tíu là hình thức phiên âm từ hai tiếng mà người Triều Châu dùng để chỉ món ăn này. Họ gọi hủ tíuquể tiéo, ghi bằng hai chữ 粿條 mà theo cách phiên âm của Triều Châu âm tự điển (Đạt Phủ và Trương Liên Hàng soạn, Quảng Đông Lữ du xuất bản xã 1996) thì sẽ là guê2 diou5.

Vậy chính guê2 diou5 mới là nguyên từ (etymon) của hủ tíu chứ hai tiếng này chẳng có liên quan gì đến phương ngữ Quảng Đông cả. Trước đây, trong Tầm nguyên tự điển Việt Nam (Nxb TP.HCM, 1993, tr.583), Lê Ngọc Trụ đã ghi âm của hai tiếng Triều Châu hữu quan là quẻ tíu. Ghi như thế thì chưa thật sát với âm gốc. Nhưng dùng chữ tíu để ghi hình thức phiên âm sang tiếng Việt như Lê Ngọc Trụ đã làm thì chúng tôi hoàn toàn tán thành vì người Nam Bộ luôn luôn phát âm -iêu thành -iu, ít nhất cũng là lúc mà hình thức phiên âm hai tiếng quể tiéo (guê2 diou5) xuất hiện.