Học giả Mỹ khóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế. Giáo sư John Balaban - Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, người đã từng đến Việt Nam năm 1971 để phản đối chiến tranh ở Việt Nam - đã rất xúc động khi biết tin Đại tướng qua đời.

Giáo sư John Balaban chia sẻ: “Tôi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời từ những người bạn, nhưng tôi vẫn cho mình một chút hy vọng – có lẽ mọi người đã nhầm! Chỉ khi đọc những thông tin chính xác về sự ra đi của Đại tướng, tôi mới tin đó là sự thật!”.

Vì sao một người Mỹ lại mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù chính ông đã đánh bại Mỹ? Lý giải điều này, GS John Balaban nói: “Người Mỹ kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi vì ông là một người yêu nước, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc…”.

pic

GS John Balaban (lề trái) trước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

GS Balaban tâm sự: “Tôi ước mong được gặp Đại tướng một lần trong đời nhưng giờ đây mong ước ấy đã không thành sự thật! Dù vậy, tôi vẫn giữ cho mình một niềm tự hào vì đã được Đại tướng biết đến qua tập thơ Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong. Người bạn thân của tôi đã tặng Đại tướng tập thơ và kể cho Đại tướng về tôi. Đại tướng đã hết sức ngạc nhiên về món quà! Vì Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ mà Đại tướng yêu mến. Đại tướng đặc biệt vui vì biết có một người Mỹ trong chiến tranh đã dịch tập thơ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một học giả uyên thâm. Chính vì vậy tôi thấy rất tự hào khi ông đánh giá cao những nỗ lực của tôi trong 10 năm dành cho tập thơ”.

Hòa cùng hàng triệu trái tim của người Việt, GS John Balaban đã đến viếng Đại tướng như một người con đất Việt. Ông cài chiếc băng tang nhỏ màu đen lên ngực áo, trang nghiêm tiến lên bàn thờ Đại tướng. Chia sẻ niềm tiếc thương cho vị tướng huyền thoại, ông đã làm bài thơ In Memory of General Giáp* (Tưởng nhớ Tướng Giáp, đề ngày 8-10-2013) lấy ý tưởng từ Đạo đức kinh (Lão Tử), chương 31: “Binh giả bất tường chi khí, phi quân tử chi khí. Bất đắc dĩ nhi dụng chi” (Binh đao là vật chẳng lành; quân tử chẳng nên dùng nó. Bất đắc dĩ mới phải dùng). Hai câu cuối bài thơ là hai câu ca dao mà ông sưu tầm ở Việt Nam năm 1971:

“In the old legends, the general

finishes his work, then puts down his sword.

A boat is waiting for him, and he steps into it

disappearing in the river mists.

The Lô waterfalls are clear and high.

He shakes off the jacket of the dust of life.

Sông Lô một dải trong ngần,

Thảnh thơi, ta rũ bụi trần cũng nên”

(Huyền thoại bao đời nay là vậy

Tướng tài khi sứ mệnh đã xong

Gươm kia bỏ lại phía sau

Bước lên thuyền nhỏ, khuất dần trong sương

Sông Lô một dải trong ngần

Thảnh thơi, ta rũ bụi trần cũng nên).

Giáo sư Balaban nói:

“Tôi cảm thấy thật vinh dự vì đã được đọc bài thơ In Memory of General Giáp của mình tại nhà Đại tướng Giáp. Tôi đã được đặc cách vào với tang lễ giữa một dòng người đông đảo đến viếng bằng thành kính và tình cảm dồi dào. Tôi rất cảm kích trước lòng kính trọng lớn lao của những đám đông xếp hàng chờ đợi vào viếng Đại tướng. Trong tang lễ và sau tang lễ, tôi đứng trên góc khách sạn của tôi nhìn ra đường Lý Thái Tổ, rất dễ dàng nhìn thấy hàng ngàn người chờ đợi để được đến viếng Đại tướng Giáp. Họ là những người không phân biệt thường dân, quan chức hoặc giàu nghèo… Và tấm lòng của họ đối với tướng Giáp thật đáng là một bài học cho chúng ta”.

 

_____ 

* Bản quyền thuộc GS John Balaban

Tường Vy ghi