Học thơ qua những bản dịch nghĩa

Không dám bàn chuyện học thuật trong dịch thơ, tôi chỉ nêu tầm quan trọng của những bản dịch nghĩa những vần thơ chữ Hán của các bậc tiền nhân quốc học ta với một người làm thơ không biết Hán ngữ như tôi.

Mặc dù đã có những bản dịch thơ đạt, thậm chí rất đạt nữa, tôi vẫn ham, đọc kĩ nhiều lần những bản dịch nghĩa. Nhờ vậy, tôi đã tiếp thu ngày càng sâu sắc hơn, mỗi lúc đọc lại thêm một lần chất bổ đã hơn của các nguyên bản Hán ngữ với tài thơ, tầm thơ của những tác giả lớn.

Thí dụ mới ở những bài làm trong khi đi thi hội (Nam hành tập), còn chưa hằn nổi sự ác liệt, đã thấy hiện lên bút pháp và tâm hồn Cao Bá Quát. Đọc bản dịch nghĩa “Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi Nam”, ngay mở đầu:

Bên đầm Thanh Liệt vừa giục giã chia tay
Nước sông Nhị đã bắn lên áo đi xa

Đã thấy ngay không khí lên đường trong một tốc độ thơ, một khởi động thơ. Câu thơ dịch thành Nhị Hà rưới áo người đi lên đường không thể ấn tượng đột ngột bằng hình ảnh ở câu dịch nghĩa Nước sông Nhị đã bắn lên áo đi xa.

Tôi được mở rộng không gian thơ tưởng tượng, bắt ngay vào tiết nhịp tâm hồn Cao Bá Quát dù bão táp cuộc đời còn chưa đến với ông.

Ở nhiều kiệt tác Hán ngữ khác của Cao Chu Thần tôi đều thưởng thức, tiếp thu theo hướng ấy.

Cứ chiếu theo bản dịch nghĩa, có những bài khi hùng hồn, khi bi tráng, lúc phẫn uất, khi thầm thì xót thương, hoặc khi diễn đạt những tâm thế xu hướng tư tưởng biến chuyển mới mẻ như “Dương phụ hành”.

Với thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng vậy và xa hơn là nhiều tác giả cổ điển trong đó có Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của các bậc tiên liệt tôi đều dùi mài qua các bản dịch nghĩa (ngay đối với Đường thi trác tuyệt cũng vậy).

Đọc thơ để đạt được hiệu quả tối hậu là lặn sâu vào thế giới tâm hồn, tâm linh các nhà thơ. Những thiếu xót, thiệt thòi cho tiếp thu, tôi sẽ tìm cách bổ sung qua bình giảng, tranh luận của các vị dịch thơ, những người thông tỏ cấu tạo tinh vi và uẩn súc của nguyên bản Hán ngữ.

Những bộ sách nghiên cứu, biên dịch dày, đồ sộ của Trung tâm nghiên cứu Quốc học đã giúp đỡ cho sự học hỏi của những người làm văn chương ham học, trong đó có vấn đề dịch nghĩa thơ vừa nêu trên.

Nó không phải chuyện ngoài lề mà thực sự rất quan trọng cho quá trình tự học, tự nâng cao trình độ quốc học, càng thấm sâu hồn Việt qua văn chương, đặc biệt là thi ca.

Tôi mong chờ và hi vọng những bản dịch nghĩa sẽ tiếp tục được bổ sung, chỉnh trang, ngày một đáng tin cậy hơn cho những tay thơ “mù” Hán ngữ, nhưng lại tham vọng lặn sâu vào được thi phẩm như tôi.

TRÚC THÔNG