Việc dạy thêm, học thêm hiện nay bị dư luận báo chí lên án rất mạnh mẽ.
I. Có phải học thêm, dạy thêm là chỉ riêng nước ta?
Học thêm là học ngoài giờ học chính thức tại trường theo chương trình chính quy. Bất cứ ở đâu, thời nào, hễ có thi thì người đi thi sẽ tìm cách học thêm để hy vọng đỗ đạt. Như vậy, học thêm là một nhu cầu có thực trong xã hội. Mà hễ có “cầu” thì sẽ có “cung”, cho nên “học thêm” là nhu cầu có thực thì tất yếu sẽ có “dạy thêm”. Vậy việc học thêm, dạy thêm không phải chỉ có ở nước ta hiện nay, mà ở mọi nơi trên thế giới và ở mọi thời trong nền kinh tế thị trường tự do. Chẳng hạn, ở Pháp sẽ thấy rất nhiều lớp dạy thêm gọi là “cours particuliers” về các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ v.v… ở khắp nơi cho học sinh và người lớn với đủ các trình độ, kể cả những trường lớp dạy thêm 2 năm sau khi đỗ tú tài để luyện thi vào các trường có uy tín lớn trong xã hội (những Grandes Écoles). Ở Nhật, việc được tuyển vào các trường Trung học có uy tín hay Đại học danh tiếng là mục tiêu của rất nhiều học sinh và phụ huynh, cho nên việc học thêm, dạy thêm rất phổ biến tại các trường, lớp riêng gọi là “juku” (trường lớp ôn, luyện thi). Thống kê(1) cho thấy ở Nhật có 23,6% học sinh tiểu học đi học thêm tại các juku hầu hết có quy mô nhỏ do gia đình điều hành, ở cấp II có khoảng 59,95% học sinh theo học thêm ở các juku; cấp III thì 90,8% phụ huynh cho con em tới các juku và số học sinh học thêm trong 4 ngày hay nhiều hơn trong một tuần là 65,5%. Riêng vùng Tokyo thì số đi học thêm cao hơn: hơn 40% học sinh cấp I và hơn 77, 2% học sinh cấp II đi học thêm tại các juku với học phí lần lượt 127.000 yen (1.600 USD) và 210.000 yen (2.646 USD) học sinh/năm(2). Còn ở Mỹ thì hiện nay có những người dạy kèm (tutor) tại nhà cho một hay một số ít học sinh tiểu học hay trung học, chủ yếu hai môn Toán và Anh văn, và cũng có những cơ sở rất lớn như Kaplan tổ chức dạy cho hàng vạn học sinh, sinh viên. Kaplan khởi thủy là do Stanley Kaplan bắt đầu dạy kèm cho một vài học sinh nơi tầng hầm tại nhà cha mẹ ông ở Brooklyn vào năm 1938(3). Ngày nay Kapkan là một thương hiệu dạy thêm rất lớn có cả trăm trung tâm ở khắp nước Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Hầu như cái gì “có thi” thì Kaplan có dạy luyện thi.
Nhưng việc học thêm, dạy thêm ở ta khác người ta những gì mới là vần đề cần làm rõ để việc học thêm, dạy thêm ở ta không tai hại như hiện nay.
1. Quy mô học thêm, dạy thêm: Chưa có thống kê chính xác, nhưng chắc chắn là tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học của nước ta đi học thêm cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
2. Lý do học thêm, dạy thêm:
a. Học thêm là tự nguyện hay bị ép buộc? : Ở các nước việc đi học thêm là tự nguyện của học sinh, ở Tiểu và Trung học hầu như là do ý muốn của cha mẹ muốn cho con họ được giỏi hơn, để có điểm thi cao hơn. Trong khi ở ta, việc đi học thêm ngoài mục đích xa là thi đỗ vào Đại học, đi du học thì những học sinh cấp I, cấp II, cấp III hầu như là học thêm để đối phó với bài làm, bài thi trong lớp do cô thầy ra đề bài. Vì sao? Bởi vì sách giáo khoa của ta viết nhiều bài tập về lý thuyết quá khó đối với trình độ trung bình của học sinh, và cô thầy lại cho về nhà vừa nhiều bài tập và vừa quá khó (sẽ bàn cụ thể trong một bài viết riêng). Do đó, nhiều học sinh phải đi học thêm, đặc biệt với chính thầy cô dạy trong lớp mới mong được điểm cao trong lớp học tại trường. Ở nước ngoài, chẳng hạn ở Mỹ, bài học, bài tập thầy cô cho trong lớp và về nhà ở các cấp I, II, và III thì không quá nhiều, quá khó so với những gì đã được giảng dạy, thực hành trong lớp, chỉ cần học sinh về nhà tự làm, tự học đều đặn mỗi tối trong một thời gian vừa phải là đạt yêu cầu, không cần phải thường xuyên học thêm một cách cực khổ như ở ta hiện nay.
b) Dạy thêm: Ở nước ngoài việc dạy thêm được tổ chức độc lập với việc dạy của thầy cô trong lớp tại trường chúng đang theo học. Nhưng khi học sinh đi học thêm thì giỏi hơn nên tự nhiên điểm thi trong lớp có thể cao hơn, chứ không phải vì thầy cô dạy thêm riêng, cho trước bài thi hay bài tương tự với bài thầy cô sẽ ra trong lớp để cho ai đi học thêm với mình thì mới được điểm cao. Nghề dạy học tại trường công lập ở các nước như Pháp, Nhật, Mỹ không phải là nghề có thu nhập cao nhất, nhưng lương của nhà giáo không thiếu hụt so với mức sống như ở nước ta, cho nên người thầy không buộc phải dạy thêm để kiếm thêm thu nhập mới. Ở nước ta, tất nhiên cũng có nhiều trung tâm dạy thêm độc lập với việc dạy của các thầy cô trong trường. Nhưng lương của nhà giáo tại trường công lập của ta quá ít không đủ trang trải nhiều loại chi phí cho cuộc sống gia đình, khiến họ phải làm thêm cái gì ngoài giờ dạy trong lớp để kiếm thêm tiền, nên nhiều nhà giáo đành phải dạy thêm. Một khi sa đà vào việc dạy thêm để kiếm tiền thì việc dạy thêm cũng như mọi nghề khác sẽ có những biến tướng tiêu cực. Do dạy thêm, lấy tiền của học sinh thì cố ý ra bài tập, bài thi y hệt bài thầy (cô) A đã dạy thêm cho học sinh, cốt để những học sinh đi học với mình chắc chắn được điểm cao, thậm chí còn nâng điểm cho những học sinh đi học với mình mà vẫn làm không được bài. Từ đó, nhiều người viết, phê phán không thấu tình đạt lý, xem thường tập thể nhà giáo. Đây là “nỗi khổ tâm” chung của nhà giáo Việt Nam hiện nay.
3. Việc học thêm quá nhiều môn, nhiều giờ khiến học sinh bị quá tải:
Ở nước ngoài, việc học thêm không do để được cô thầy cho điểm cao trong nhà trường, không do bài vở cô thầy cho quá khó, mà do tự nguyện học để có điểm cao trong những kỳ thi bên ngoài nhà trường. Cho nên học sinh và cha mẹ biết chọn giờ giấc phù hợp, không tạo sức ép lớn lên tinh thần học sinh, nhờ đó họ học tương đối nhẹ nhàng, thoải mái hơn cách học thêm ở ta. Ở ta, như trên đã phân tích, học sinh gần như bị “ép” phải đi học thêm với chính các cô thầy dạy trong lớp để mong có điểm cao trong lớp, cho nên chúng đi học thêm nhiều môn, tốn rất nhiều thời gian, có những em không có đủ thời gian ăn, ngủ một cách phù hợp cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, không những gây tai hại cho sức khỏe thể chất mà còn gây ra những rối loạn về tâm sinh lý, khiến cho học sinh thấy việc đi học không vui thú mà là một “cực hình”. Đây là một thất bại lớn trong triết lý giáo dục.
4. Việc học thêm ở ta hiện nay còn do học sinh và phụ huynh bị “dụ” bởi quảng cáo của rất nhiều chương trình học như Anh văn, Toán du nhập từ nước ngoài, chẳng hạn như Kumon hay Mathnasium. Đây là “các tổ chức vì lợi nhuận”, họ là những nhà kinh doanh giáo dục cốt để kiếm tiền, họ mua quyền sử dụng chương trình từ những “sư tổ” kinh doanh giáo dục nước ngoài. Họ là những “bậc thầy trong quảng cáo” cho thương hiệu của họ. Cho nên nhiều học sinh và phụ huynh không hiểu rõ chân giá trị, bị “tâm lý đám đông xúi dục”, thấy người này cho con học mà mình không cho con đi học thì “e mình thua”, con mình “không được bằng chị bằng em”! nên cũng đua nhau đi học thêm! Tất nhiên có đi học thì sẽ giỏi hơn là không đi học, nhưng không có nghĩa là học theo Kumon hay Mathnasium thì tất cả đều giỏi như quảng cáo và sẽ giỏi hơn những học sinh không học theo Kumon hay Mathnasium! Có những học sinh tự học nhưng có thể giỏi hơn rất nhiều những học sinh đi học thêm. Điều nên lưu ý là khi trẻ em học được một số thủ thuật để làm nhanh các phép tính hay học trước một số mẹo có thể giải một số bài toán ở chương trình lớp trên thì không có nghĩa là giỏi Toán đâu! Cho nên các phụ huynh nên bình tĩnh, xem xét lợi hại rồi hãy quyết định, không nên vội vàng theo tâm lý đám đông mà cho con đi học khi thật sự là chưa hay không cần thiết.
5. Việc học thêm còn do nhà trường, Sở Giáo dục và Bộ GD&ĐT chạy theo thành tích ảo và đánh giá hiệu quả giảng dạy của một địa phương, một trường, một giáo viên theo thành tích ảo: Đề bài làm trong lớp, cho về nhà, đề thi quá thiên về học thuộc lòng những chi tiết nhỏ nhặt, những ngóc ngách không cơ bản, theo cách hành văn mẫu trong sách và cách trình bày mẫu của thầy cô. Đến gần mùa thi học kỳ, thi cuối khóa, học sinh phải tập trung sớm và về muộn vì cần phải được “truy bài” cho làu làu. Lớp học nào hàng năm tổng kết cũng gần như học sinh “xuất sắc và giỏi” chiếm gần hết cả lớp, chỉ vài ba học sinh bị tiên tiến. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm cao ngất ngưởng. Căn cứ vào tỷ lệ “xuất sắc, giỏi”, tỷ lệ đỗ ấy mà tự hào, đánh giá, khen thưởng các địa phương, các trường, các thầy cô giáo. Tất cả những thứ ấy khiến học sinh phải đi học thêm nhiều giờ , thầy cô giáo phải dạy thêm, phải tìm cách cho “thêm điểm” vào bài làm, bài thi của học sinh. Các điểm cao ngất, tỷ lệ giỏi cao ngất từ trong lớp học tới kỳ thi tốt nghiệp trung học là “ảo” và “thúc đẩy” việc học thêm, dạy thêm vào quỹ đạo của “tình gian”.
6. Việc học thêm còn do nhà trường, Sở Giáo dục và cả Bộ GD&ĐT cho phép mở nhiều chương trình riêng trong trường công lập: Hiện nay trong các trường công ở nước ta lại được phép tồn tại nhiều chương trình dạy tiếng Anh khác nhau, thậm chí có trường tới 5 chương trình khác nhau với chất lượng dạy cũng như điều kiện học tập khác nhau tùy theo số tiền mà phụ huynh trả: Chưa cần bàn tới tính hiệu quả của sự tồn tại song song nhiều chương trình tiếng Anh và mục đích dạy thêm chương trình Toán, Lý cho học sinh Việt Nam bằng tiếng Anh trong trường công lập, thì việc ấy cũng đã khiến cho một số học sinh phải học thêm giờ, mất thêm tiền, và trên hết là phi giáo dục về mặt đạo đức: gieo vào tâm hồn trong trắng của học sinh một dấu ấn bất công: bị phân biệt đối xử, ai có tiền thì được đối xử, chăm sóc tốt hơn.
II. Giải pháp nào cho vấn đề học thêm, dạy thêm?
Tóm lại, việc học thêm là nhu cầu có thật trong mọi xã hội, mọi thời kỳ mà những kỳ thi được tổ chức, và do đó việc dạy thêm là hệ quả tất yếu phải có theo luật cung cầu, chứ không riêng gì cho xã hội ta hiện nay.
Vấn đề chính là làm sao cho việc học thêm, dạy thêm không thành một “tai ách” cho học sinh và việc dạy thêm không làm cho nhà giáo bị buộc là “tội đồ” gây tai ách cho học sinh như hiện nay.
Qua những phân tích trên đây, có thể nói rằng “việc học thêm, dạy thêm” tràn lan ở nước ta là do: sách giáo khoa viết bài tập quá lý thuyết, quá khó; lương của nhà giáo quá thấp; những chủ trương sai lầm của các Sở Giáo dục và Bộ GD&ĐT, và tâm lý theo đám đông của phụ huynh, chứ không phải chỉ tại nhà giáo thiếu lương tâm như dư luận báo chí viết một cách không thấu tình đạt lý và bất công. Do đó, để có giải pháp phải chăng cho việc học thêm, dạy thêm chúng tôi nêu lên mấy ý chính như sau:
1. Sách giáo khoa ở tiểu học và trung học phải viết lại: hiện đại hơn, nhưng hệ thống bài tập dễ hơn, thiên về sử dụng, áp dụng lý thuyết vào những tình huống cụ thể, đặc biệt ứng dụng vào thực tế hơn là chứng minh lý thuyết, những bài toán thuần lý thuyết không liên hệ gì với thực tế. Những bài tập lý thuyết và khó ấy chỉ dành cho những học sinh xuất sắc trong những lớp đặc biệt.
2. Bài tập về nhà cho học sinh phải trong phạm vi vừa phải về cả số lượng lẫn mức độ khó, để hầu hết những học sinh chăm chỉ đều có thể hoàn thành trong thời gian chấp nhận được.
3. Lương của nhà giáo và những nhà quản lý giáo dục phải được nâng lên sao cho có thể không cần làm thêm nghề gì khác, kể cả dạy thêm vẫn có thể sống tương đối tốt trong gia đình có 2 người con. Nếu lương thấp như hiện nay thì không những không tuyển được người giỏi vào ngành Sư phạm mà “nạn dạy thêm với tình gian” sẽ không thể nào chấm dứt được.
4. Các trường, Sở Giáo dục và Bộ GD&ĐT cần phải chuẩn hóa việc học trong hệ thống trường công lập, không thể cho tùy tiện thêm, thí nghiệm nhiều chương trình riêng trong trường khiến học sinh phải học thêm nhiều giờ, và được đãi ngộ khác nhau tùy theo có tiền trả hay không. Không thể căn cứ trên tỷ lệ “xuất sắc, giỏi”, và tỷ lệ đỗ cao ngất, thật ra là ảo như hiện nay để đánh giá giáo viên. Hãy để cho các thầy, cô giáo cho điểm số trong lớp, tỷ lệ đỗ của học sinh đúng như thực chất của vấn đề mà không bị quy kết là “thiếu năng lực dạy” hay “thiếu nhiệt tình dạy”.
5. Các phụ huynh không nên để bị “tâm lý đám đông” và bị “quảng cáo” sai khiến mà cần bình tĩnh, xem xét lợi hại của việc “học thêm” của con em, chỉ khi nào thấy thật sự cần thiết mới nên cho đi học thêm. Có học gì thì học, các học sinh cần phải có đủ thì giờ cho việc ăn, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí theo mức độ mà giới y tế yêu cầu.
6. Xin các thầy, cô giáo có dạy thêm thì “không nhận dạy học sinh mà thầy cô hiện đang dạy tại trường”
Bấy giờ việc học thêm, dạy thêm sẽ vẫn tồn tại, sẽ xảy ra theo luật cung cầu một cách tự nhiên như ở các nơi khác trên thế giới mà học sinh không cảm thấy việc học thêm là “tai ách” và nhà giáo không thể bị buộc là “tội đồ” như hiện nay nữa.
(còn tiếp)
(1) EDUCATION IN JAPAN, http://www.education-in-japan.info/sub1.html; The Japanese Educational System (Overview), http://www.education-in-japan.info/sub1.html#sub101
(2) Reiko Watanabe, THE JUKU SYSTEM: THE OTHER FACE OF JAPAN’S EDUCATION SYSTEM, http://www.education-in-japan.info/sub109.html.
(3) http://www.kaplan.com
(4) MCAT = Medical College Admission Test; PCAT = Pharmacy College Admission Test; LSAT = Law School Admission Test; GMAT = Graduate Management Admission Test; GRE = Graduate Record Examinations; USMLE = United States Medical Licensing Examination
(5) http://www.mathnasium.com