Trong loạt bài Những cái nhức đầu trong nền giáo dục nước ta (đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 65,66,67), chúng tôi đã phân tích các nguyên nhân gây nên tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan hiện nay như: Các quan chức quản lý giáo dục và chính quyền địa phương chạy theo thành tích bằng cách đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ đỗ quá cao (95%-100%) và buộc nhà trường, thầy cô giáo thi đua đạt thành tích; Sách giáo khoa viết với quá nhiều bài tập thuần lý thuyết; Lương nhà giáo quá thấp; Phụ huynh bị chiêu dụ bởi các tin đồn, quảng cáo của nhiều chương trình, trung tâm giáo dục tư nhân v.v…
Trong bài này, chúng tôi nêu lên hai nhận định sai lầm của cả nhà trường và phụ huynh góp phần khiến cho học sinh phải học và thi lệch, quá sức chịu đựng. Đó là:
I. Không am hiểu cơ chế tiếp thu kiến thức của con người.
II. Tưởng rằng chỉ có một loại thông minh cho mọi học sinh và buộc mọi học sinh phải học tập, thi cử theo hướng chung ấy, mà không biết rằng mỗi học sinh đều có thể học tập và thành đạt theo các loại thông minh riêng của mình theo Lý thuyết đa thông minh (Theory of Multiple Intelligences) của Howard Gardner.
* * *
I/ Phụ huynh và nhà trường không am hiểu cơ chế tiếp thu kiến thức của con em mình
Phần đông phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản là cho con thêm nhiều môn, nhiều giờ thì con em sẽ giỏi bất chấp khả năng và khuynh hướng bẩm sinh của chúng. Xin nêu ra hai điển hình mà người viết biết rõ:
- Một em bé chưa vào lớp 1, ngoài việc suốt ngày ở trường mẫu giáo, cha mẹ còn phải đưa đi học thêm Anh văn tại một trung tâm, và đi học theo chương trình Kumon ở một trung tâm khác…
- Một học sinh lớp 8: Sáng thức dậy hoặc ăn sáng vội vàng tại nhà hoặc đem theo bánh mì hay xôi ăn ngay trên xe do mẹ chở đi học. Trưa ăn tại trường, chiều khoảng 4g30, mẹ tới chở ghé tiệm phở hay cháo ăn trên đường tới một lớp học thêm các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh văn, mà Anh văn lại học tại 2 trung tâm khác nhau! Được mẹ chở về tới nhà khoảng 9g30 tối! Về nhà đã mệt đứ đừ rồi, nhưng vẫn phải học, làm bài tập cho các bài lớp 8 ngày mai tại trường, có khi tới 11g30 hay 12g khuya mới đi ngủ. Quả là một lịch trình học quá sức kinh người đối với học sinh lớp 8! Như thế trong 24 giờ một ngày đêm, em học sinh 14 tuổi này chỉ ngủ nhiều lắm được 6 giờ (từ 12 giờ khuya tới 6 giờ sáng) là ít hơn tiêu chuẩn bình thường từ 1 đến 2 giờ cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần; còn lại 16 giờ dành cho việc ăn vội vàng, di chuyển vội vàng và học vội vàng! Tuổi thơ em không có thì giờ để thấy cái đẹp trong thiên nhiên và cái cao đẹp trong tình người qua giao tiếp… Tuổi thơ thần tiên em đã bị cha mẹ và nhà trường “đánh cắp”. Đối với em, việc học sao mà khổ đến thế!
Tại sao bắt em phải học thêm nhiều thế? Mẹ em bảo, không đi học thêm thì không làm được bài thi trong lớp, và sẽ không có căn bản để thi đậu vào lớp 10 ở trường chuyên hay trường tốt, và sẽ không thi đậu vào đại học. Như vậy là có phải tại thi không, như nhiều người vẫn hay buộc tội? Thực ra, chỉ một phần tại cách thức thi, phần lớn là tại không biết cách học và cách dạy.
Sở dĩ các phụ huynh nghĩ sai lầm như trên là vì họ không có điều kiện hiểu rõ cơ chế tiếp thu kiến thức và sử dụng kiến thức của con người. Khi con người quen suy nghĩ, vận dụng sự hiểu biết của mình để tìm hiểu, giải quyết vấn đề thì khối kiến thức có sẵn trong đầu sẽ “sắc bén” theo hình tượng là có bề mặt nhám xù xì với các mũi gai nhọn và những cái móc câu: các mũi gai nhọn sẽ được sử dụng như con dao hay mũi khoan dùng để cắt, khoan thủng cái chưa biết, tìm đường giải quyết vấn đề hay khám phá ra mới cái, còn những cái móc câu dùng để níu kéo những kiến thức mới mà người ấy thông hiểu hay cảm thụ để nhập vào khối kiến thức đã có khiến nó tăng lên. Nếu lười, không suy nghĩ chỉ học thuộc lòng những điều cho sẵn thì mặt khối kiến thức có sẵn sẽ láng trơn, không có công cụ tìm và níu kéo kiến thức mới, còn những điều phải học thuộc lòng mà không am hiểu, không cảm thụ thì như những viên bi rời rạc bị nhét vào, chỉ tạm thời chạm vào cái vỏ trơn của khối kiến thức cũ và chẳng bao lâu sẽ trượt rơi ra.
Điều đó cho biết tại sao nhiều học sinh, sinh viên học thuộc lòng bài mẫu, học nhồi nhét những sự kiện rời rạc mà không cảm thụ, không hiểu thấu đáo cốt để đối phó với bài thi, thì sau khi thi xong sẽ quên lẹ. Nó cũng cho biết rất nhiều học sinh đi học thêm mà thực chất là không học được gì, không tự rèn luyện được gì, vì được thầy cô học thay, làm thay: thầy cô giải giùm bài tập, các em chỉ chép lại, học thuộc lòng để rồi vào lớp khi kiểm tra hay thi thì chép lại nộp lên. Xin nêu một điển hình mà người viết được biết: Một học sinh con nhà khá giàu. Để bảo đảm việc học giỏi của “cậu ấm”, từ khi học lớp 6 cho đến lớp 9, các thầy cô nào dạy cậu ấm tại trường các môn Toán, Anh văn, Lý, Hóa, Văn thì được mời tới nhà dạy thêm riêng cho cậu ấm. Kết quả thành tích học tập từ lớp 6 tới lớp 9, cậu ấm luôn được điểm rất cao về các môn ấy. Cha mẹ cậu rất vui và an tâm với việc học tập như thế của con. Nhưng khi thi vào lớp 10, không có môn nào cậu với tới được 5 điểm! Cha mẹ cậu không hiểu, hỏi tôi tại sao? Tôi nói với ông bà ấy rằng điểm thi vào lớp 10 như thế là phản ánh đúng tầm của cậu, bởi cậu không chủ động học tập mà các cô thầy dạy thêm “học giùm, học thay” cho cậu! Những con điểm 8, 9, 10 trong học bạ từ 4 năm qua không phản ánh đúng “thực học” của cậu. Vì sao? Trong quá trình được dạy thêm nhiều giờ quá, cậu chưa học đúng nghĩa, chưa từng suy nghĩ để tự tìm cách giải bài tập mà “bị học” vì chỉ nghe và ghi chép lại những bài giải sẵn để học thuộc. Cho nên vào lớp, cậu có thể làm được những đề bài hoặc y chang hoặc tương tự với thay đổi chút ít về số liệu, chứ không thể tự vận dụng kiến thức để giải những tình huống hơi khác lạ một chút, vì đã không được rèn luyện việc tự học, tự giải quyết vấn đề, không rèn luyện cho trí óc được sắc bén. Ông bà đó hỏi tôi làm sao cải thiện tình hình? Tôi đề nghị trước hết là cần chấn chỉnh, lập lại kỷ cương học tập của cậu bằng cách mời một thầy hay một cô tới giúp cậu lập một thời khóa biểu học tập tại nhà: liệt kê những giờ ở nhà, trừ đi thì giờ dùng vào việc ăn, ngủ, tắm gội, vệ sinh, giải trí (hợp lý), phân phối thì giờ rảnh ấy cho việc tự học các môn chính như Toán, Anh văn, Văn, Lý, Hóa. Sau khi có được thời khóa biểu học ở nhà hợp lý, tới giờ nào, cậu ấm ngồi vào bàn, tự học lại bài thầy cô giảng tại lớp, tự giải bài tập… còn người thầy được mời tới không dạy gì cả, chỉ ngồi “chơi”, cốt giữ cậu tự học mỗi môn theo đúng thời gian quy định, và kiểm tra kết quả tự học của cậu. Chẳng hạn, cậu có hiểu và nhớ nghĩa các từ vựng tiếng Anh, có hiểu một định nghĩa hay khái niệm trong bài học, có nhận biết được đâu là giả thiết, đâu là kết luận của một định lý, cậu có tóm tắt được nội dung của một bài văn, bài sử, chứ không phải học thuộc lòng nguyên cả bài (học thuộc lòng cả câu văn, số liệu là cách học u mê rất mất thì giờ, so với cách học thông minh, ít mất thì giờ hơn là nói lại được nội dung chính của bài với chính lời của người học vì sẽ giúp nhớ dai hơn và biết vận dụng nội dung), và ghi lại chỗ nào cậu không hiểu, không giải được bài tập… Sau đó người thầy ấy (hay người thầy dạy thêm khác) mới giải thích những chỗ bí, những chỗ cậu ấm đã suy nghĩ mà vẫn chưa hiểu, chứ những chỗ không biết vì chưa dành thì giờ để tự học thì cậu phải lo mà tự học. Chỗ nào tự bản thân cậu suy nghĩ làm được thì cậu được khuyến khích tự làm chứ người dạy thêm không làm thay, làm giùm từ A đến Z. Nói cách khác người thầy này không dạy gì thêm mà chỉ hướng dẫn cậu cách sử dụng thời gian để tự học, ghi nhận kết quả tự học của cậu và chỉ ra chỗ nào cậu cần được hướng dẫn, giải thích. Như vậy, thời gian tự học, chủ động tiếp thu kiến thức sẽ tăng lên, và thời gian được dạy thêm sẽ giảm bớt vì chỉ dạy những chỗ thật sự cần dạy. Từ đó cậu mới có được thói quen tự học, mới có được “thực học”. Và kết quả học tập của cậu từ đó đã khác.
II/ Cả nhà trường và phụ huynh đều không biết rằng mỗi học sinh đều có thể có tiềm năng theo các loại thông minh khác nhau và sẽ thành đạt theo con đường riêng của loại thông minh ấy
Hầu hết quan chức trong ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh đều sai lầm trong nhận định về trí thông minh của học sinh. Họ nghĩ đơn giản là học sinh chỉ thông minh khi học giỏi các môn hoặc Văn, Anh văn hay Toán, Lý, Hóa; nghĩa là thông minh chỉ gồm thông minh ngôn ngữ và thông minh logic-toán. Vì vậy mà từ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT soạn, phương pháp giảng dạy của thầy cô, và việc cho con em đi học thêm của phụ huynh đều chỉ hướng về hai loại thông minh ấy. Đây không chỉ là quan điểm sai lầm của riêng Việt Nam mà của chung cho nhiều nước trên thế giới kể cả những nước tiên tiến. Riêng Việt Nam ta thì khuynh hướng này trầm trọng hơn do ảnh hưởng của cái học khoa cử từ chương thuần về thơ phú từ ngàn xưa và tính thiên về lý thuyết, ít thực hành trong giáo dục hiện nay.
Thực tế cho thấy có những học sinh tuy khi học ở trường không đạt điểm cao trong các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh văn nhưng ra đời lại rất thành công trong các ngành nghề khác. Như thế không phải con người chỉ có một loại thông minh ngôn ngữ hay logic-toán.
Howard Gardner, Giáo sư về Giáo dục học tại Đại học Harvard (Mỹ), năm 1983 đã hình thành nên Lý thuyết đa thông minh (Theory of Multiple Intelligences). Gardner cho rằng mỗi con người sinh ra đều được phú cho một hay vài loại thông minh khác nhau hay các tổ hợp khác nhau của các loại thông minh, và chúng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của người ấy. Theo Howard Gardner có 8 loại thông minh như sau(2):
1. Thông minh ngôn ngữ (Linguistic Intelligence - the gift of words):
Những người thông minh ngôn ngữ sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua lời nói và chữ viết. Họ thích thú trong việc đọc và viết, sử dụng ngôn ngữ diễn cảm, vui thú trong việc chơi chữ, câu đố, chơi ô chữ, thích các ngoại ngữ, dễ dàng nhớ và ghi chép bài trong lớp. Họ vui chơi, giảng dạy, tranh luận và thuyết phục một cách hiệu quả qua ngôn từ. Họ là bậc thầy về chuyện tầm phào, những độc giả háo hức điều mới lạ, những người viết rõ ràng và dễ dàng am hiểu tất cả những thứ thiên về diễn tả qua ngôn từ.
Họ là ai? Họ là những nhà báo, thi sĩ, luật sư, người kể chuyện… , như Shakespeare, Maya Angelou, Amy Tan…
2. Thông minh thị giác (không gian/hình ảnh) (Visual/Spatial Intelligence - the gift of pictures):
Những người thông minh thị giác sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua khả năng tưởng tượng và theo hướng hình ảnh. Họ thích tách sự vật ra từng phần và ghép chúng lại với nhau và thích chơi với những trò đánh đố trong không gian ba chiều. Họ dễ nhớ lại những kỷ niệm qua hình ảnh, và dễ dàng am hiểu những bản đồ và những bản thiết kế. Họ dễ nhận ra, thay hay biến đổi các khía cạnh khác nhau của những thứ thuộc về hình ảnh - không gian. Họ rất nhạy cảm đối với các chi tiết hình ảnh và thấy những hình ảnh một cách sinh động, có thể vẽ, phác thảo những ý tưởng theo hình ảnh, và có thể định hướng chúng một cách dễ dàng trong không gian ba chiều.
Họ là ai? Những kiến trúc sư, những nhà nhiếp ảnh, những nghệ sĩ, những phi công, những kỹ sư cơ khí… như Ansel Adams, Amelia Earhart, Frieda Kahlo…
3. Thông minh âm nhạc (Musical Intelligence - the gift of music):
Những người thông minh âm nhạc am hiểu thế giới tốt nhất qua nhịp điệu và sự du dương. Họ nhận ra những mô thức tương đối nhanh chóng, dễ dàng chuyển qua nhịp điệu, thưởng thức các loại nhạc khác nhau. Họ thích ngân nga theo âm nhạc, hát hay chơi một nhạc cụ, thích thú với nhịp điệu của thi ca, khó tập trung tư tưởng khi âm nhạc vang lên xung quanh. Họ dễ nhận biết và sáng tạo những nhịp, giai điệu. Họ có tai thính, có thể hát đúng theo âm vực, giữ đúng trường độ trong âm nhạc, và có thể dễ dàng phân biệt những trích đoạn âm nhạc khác nhau
Họ là ai? Những nhà soạn nhạc, người viết lời cho những bài ca, nghệ sĩ dương cầm, ngôi sao nhạc rock… như Mozart, Elton John, Billie Holiday…
4. Thông minh cảm giác cơ thể (Bodily Kinesthetic Intelligence - the gift of body):
Những người thông minh cơ thể am hiểu thế giới tốt nhất qua đặc điểm của cơ thể. Họ thích các cử động cơ thể và các trải nghiệm xúc giác. Họ tin rằng loài vật và môi trường xung quanh là quan trọng. Họ ưa thích học tập về sinh vật và những vấn đề về sinh thái. Họ viết chữ và số khá đẹp, thích vũ đạo, múa và thiết kế các trò chơi mới. Họ có thể dễ dàng điều khiển các cử động của cơ thể và khéo léo xử lý các đồ vật qua đôi tay. Họ là những người may vá, đầu bếp chuyên nghiệp, thợ mộc, những nhà thiết kế mẫu mã. Họ thích chạy bộ, cắm trại, bơi lội, trượt tuyết, khiêu vũ v.v… Họ là những người thiên về thực hành, có xúc giác nhạy cảm, hiếu động và có phản ứng tốt với các sự vật xung quanh.
Họ là những vận động viên điền kinh, nghệ nhân thủ công, thợ cơ khí, nhà phẫu thuật… như Michael Jordan, Bob Vila, Michelle Kwan…
5. Thông minh logic-toán học (Logical/Mathematical - the gift of logic and numbers):
Những người thông minh logic và toán học sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua nguyên nhân và hậu quả. Họ thích sự việc phải được trật tự, ngăn nắp và có thể sẽ nản lòng với những người vô tổ chức. Họ thích theo các hướng dẫn từng bước, thu thập và sử dụng thông tin để giải quyết những vấn đề. Họ có thể thực hiện các phép tính toán nhanh chóng trong đầu. Họ thích thú chơi game và các trò đánh đố liên quan đến lý luận. Họ có khả năng nhạy bén để lý luận, sắp xếp, suy nghĩ theo nhân-quả, tạo lập giả thiết, tìm ra các trạng thái hay các mô thức, và thích quan điểm hợp lý tổng quát về cuộc đời.
Họ là ai? Những nhà khoa học, những kế toán viên, lập trình viên… như Albert Einstein, Marie Curie, Isaac Newton…
6. Thông minh tương tác người (Interpersonal Intelligence - the gift of people):
Những người thông minh qua tương tác người sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua con mắt của những người khác. Họ học được nhiều qua giao tiếp và thích giao tiếp với những người khác. Họ biết thỏa hiệp, điều đình và tỏ cảm tình với những người khác. Họ có khả năng lãnh đạo và tham gia vào chính trị. Họ thích tham dự các hoạt động ngoại khóa và thích được là “người chơi đồng đội”. Họ mẫn cảm và đáp ứng nhiệt tình đối với những tâm trạng, những tính khí, những ý định và cần đến những người khác. Họ có thể “đi guốc trong bụng bạn” (get under your skin) để nhìn thế giới qua con mắt của bạn.
Họ là ai? Những thầy cô giáo, những giám đốc xã hội, những nhà quản lý, những lãnh tụ có hiệu quả cao… như Mahatma Gandhi, Cesar Chavez, Jaime Escalante…
7. Thông minh từ ý thức của bản thân mình (Intrapersonal Intelligence - the gift of self):
Những người thông minh từ ý thức của bản thân mình sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua quan điểm riêng độc đáo của họ. Họ hiểu sâu sắc về những niềm tin riêng, cảm giác và động cơ của họ. Họ thích làm việc theo ý tưởng của riêng họ, và thường thành công nhờ tự thân khích lệ mình. Họ luôn muốn biết tại sao họ đang làm cái gì đó. Họ có thể khẳng định chính những điểm mạnh và những điểm yếu của họ và với điều đó họ lao vào thử thách.
Họ có thể dễ dàng nhận biết các cảm giác riêng của họ và có thể phân biệt giữa nhiều loại khác nhau về trạng thái xúc động nội tâm. Họ là người tự hiểu mình, có xu hướng nội quan, trầm tư, độc lập, tự điều khiển mình và tự tuân theo kỷ luật.
Họ là ai? Những nhà tư vấn, những nhà thần học, những nhà doanh nghiệp… như Sigmund Freud, Jesse Jackson, Bill Gates…
8. Thông minh theo tự nhiên (Naturalist Intelligence - the gift of nature):
Những người thông minh theo tự nhiên sẽ am hiểu thế giới tốt nhất qua môi trường xung quanh. Họ thích làm việc và được ở ngoài trời. Họ thích xếp loại sự vật theo hệ thống cấp bậc. Họ tin rằng thiên nhiên, những vấn đề sinh thái và thú vật là quan trọng.
Họ có thể dễ dàng am hiểu và nhớ các loài khác nhau trong môi trường xung quanh. Họ thường xuất sắc trong việc trồng cây, làm vườn. Nếu được nuôi dưỡng trong môi trường đô thị, họ có thể áp dụng các khả năng trong việc nhớ và xếp loại các đồ vật trong vùng chung quanh họ như xe hơi, giày thể thao hay loại vật dụng khác dễ dàng.
Họ là ai? Những nhà tự nhiên học, nông dân, nhà môi trường học… như Charles Darwin, Jane Goodall, John Muir…
Đó là 8 loại thông minh mà Giáo sư Howard Gardner nêu ra trong sách Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences xuất bản năm 1983(3). Về sau Gardner lại bổ sung thêm một loại thông minh số 9 là Thông minh về sự hiện hữu (Existential Intelligence). Đây là sự nhạy cảm và khả năng xoáy sâu tìm giải đáp cho các vấn đề về sự hiện hữu của con người, như ý nghĩa của đời sống, tại sao chúng ta chết, và chúng ta đã đến thế giới này như thế nào…(4).
Tuy có những nhà tâm lý giáo dục không hoàn toàn nhất trí với Lý thuyết đa thông minh của Gardner nhưng nhiều trường học, nhiều nhà giáo ở Mỹ đã áp dụng và đạt kết quả khá tốt.
Tiến sĩ Garner cho rằng nhà trường và nền văn hóa chú trọng nhiều nhất vào hai loại thông minh: thông minh ngôn ngữ và thông minh logic-toán. Điều này khiến nhiều học sinh được phú cho các loại thông minh khác bị gán cho là “thiểu năng học tập” (learning disabled), “rối loạn do thiếu tập trung” (attention deficit disorder) khi mà nhà trường cũng như phụ huynh chỉ có một cách dạy duy nhất là dựa vào thông minh ngôn ngữ và logic-toán(5). Quả là oan uổng và bất công đối với các học sinh có những thông minh ngoài ngôn ngữ và logic-toán ấy.
Lý thuyết đa thông minh đưa đến một cải cách cơ bản trong việc giảng dạy ở trường, đó là các thầy giáo nên được đào tạo để trình bày bài học theo nhiều cách khác nhau bằng cách dùng nhiều phương tiện như âm nhạc, học tập hợp tác, các sinh hoạt nghệ thuật, đóng kịch, các cuộc thăm viếng hiện trường, thực địa, biểu lộ tâm tư v.v… chứ không phải chỉ dùng một đường lối cũ buồn chán qua các bài thuyết giảng khô khan, các tờ in sẵn bài tập phải làm gây chán nản và những sách giáo khoa nặng nề lý thuyết.
Vấn đề trở nên cần thiết là làm sao cho mọi học sinh đều có cơ hội học tập theo những cách hài hòa với khả năng thông minh riêng, tâm trí riêng của chúng.
Với thầy giáo, để tìm cách soạn bài giảng một vấn đề, có thể viết tên đề tài giữa trang giấy trắng, từ đó vẽ phác ra 8 đường thẳng ghi 8 loại thông minh, rồi suy nghĩ xem có thể dùng hình thức nào để trình bày đề tài theo mỗi loại thông minh. Tất nhiên tùy theo đề tài, chỉ có thể chọn cách phù hợp nhất trong một vài loại thông minh chứ không thể trình bày theo cả 8 loại thông minh.
Còn với phụ huynh thì được khuyên là:
- Không nóng vội hoặc nghe quảng cáo mà cho con em đi học thêm quá sớm nhiều môn cùng lúc. Phải lo cho con em ăn uống, ngủ, chơi và nghỉ ngơi phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi, tập cho con em học tập, sinh hoạt có nền nếp theo một thời khóa biểu từng ngày để tập tính tự giác học tập, làm việc cho chính bản thân và phụ giúp công việc trong nhà.
- Không nóng vội ép con em chỉ học theo hai hướng thông minh ngôn ngữ và logic-toán, mà cần quan sát thử xem con em ưa thích môn học nào, làm tốt môn nào từ Văn, Ngoại ngữ, Toán, Sinh học, Âm nhạc, Thể thao, Hội họa, Thực hành… Nói chung là cần quan tâm xem xét khả năng của con em từ sự bén nhạy của suy nghĩ, sắp đặt sự việc đến sự khéo léo của tay chân… Sau đó trong từng giai đoạn cho con em học tập, phát triển theo hướng chúng có năng khiếu còn những môn khác chỉ cho học vừa đạt trung bình khá ở nhà trường là được. Sự thành đạt và hạnh phúc của con em là do được học tập, phát triển và chọn ngành nghề phù hợp với khả năng bẩm sinh riêng được phác thảo theo 8 loại thông minh trên đây, chứ không phải theo ý muốn áp đặt của phụ huynh.
Xin kể 3 trường hợp mà người viết biết khá rõ: Họ vốn là 3 học sinh xuất sắc từng ở trong các đội tuyển của tỉnh, thành phố và bị cha mẹ buộc thi vào ngành y. Với khả năng trí lực, họ đỗ vào trường y và tốt nghiệp bác sĩ dù không ưa thích chút nào ngành y. Ra trường làm nghề bác sĩ nhưng luôn luôn không thấy chút hứng thú, chỉ thấy buồn chán, nên cuối cùng đều bỏ nghề y. Một người thi lại vào ngành cơ khí và tốt nghiệp làm kỹ sư cơ khí. Một người do gánh nặng vợ con nên sinh sống bằng cách chuyên dạy luyện thi Toán. Một người ra nước ngoài học ngành kỹ thuật vật liệu mới trong xây dựng, tốt nghiệp kỹ sư và vào năm thứ 3 của chương trình tiến sĩ thì lại bỏ vì chán việc nghiên cứu mãi trong phòng thí nghiệm, và sau cùng học 4 năm để làm chuyên viên kính mắt, tính ra người học trò giỏi ngày xưa đã trải qua 18 năm đại học mà đáng ra chỉ cần 4 năm!
- Như vậy các phụ huynh không nên nghe lời quảng cáo, đồn đại mà lo chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách xin bằng được cho con vào một trường được cho là “xịn” như vừa qua việc xin vào lớp 1 ở Hà Nội. Hãy cứ cho con vào một trường công lập theo phân tuyến để con học thong thả từng bước. Vì sao? vì học là một cuộc trường chinh, một cuộc chạy marathon, 16 hay hơn 20 năm, cần phải biết dưỡng sức, và chạy nước rút khi nào chứ mới khởi đầu vào lớp 1 hay cấp I mà cho học thêm quá nhiều là chạy tăng tốc, nước rút ngay từ đầu thì nhiều khi con em sẽ ngất ngư khi mới ở chặng đầu và sẽ bỏ cuộc hoặc không thể về đích như mong muốn. Hơn nữa trong cuộc chạy này, mỗi học sinh sẽ chạy trên con đường riêng phù hợp với khả năng, sở trường riêng thì mới thành đạt, chứ phụ huynh không nên bắt con em chạy theo con đường mà phụ huynh thích.
- Ngành giáo dục nên phân luồng, phân ban cho học sinh bắt đầu vào năm lớp 10 theo ít nhất 4 chương trình: Một là: Hướng theo thông minh ngôn ngữ sẽ học sâu về Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Triết… còn những môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh… học nhẹ, chỉ cần biết qua các khái niệm và vai trò của chúng trong cuộc sống và nền văn minh của nhân loại. Hai là: Hướng logic-toán sẽ học sâu về Toán, Lý, Hóa; học vừa phải về Văn, Ngoại ngữ; học nhẹ về tất cả các môn còn lại. Ba là: Hướng theo khả năng thực hành trong cơ khí-điện tử sẽ học sâu về Cơ điện-Điện tử; học vừa phải về Toán, Ngoại ngữ; học nhẹ các môn còn lại. Bốn là: Hướng theo khả năng thực hành đối với thiên nhiên sẽ học nặng về Sinh học, Nông - Lâm - Súc; học vừa về Ngoại ngữ; học nhẹ các môn còn lại.
Nền giáo dục Mỹ tuy không phân ban nhưng cách tổ chức cho học sinh học theo trình độ từng môn chứ không theo lớp cố định, và được quyền chọn nhiều môn học ưa thích khác nhau, cho nên còn rộng đường hơn phân ban rất nhiều. Hai học sinh cùng tốt nghiệp cấp III tại cùng một trường mà có thể về Toán thì học sinh A đã đạt trình độ năm 2 đại học trong khi học sinh B chỉ đạt mức tối thiểu ở cấp III; và về Văn học thì ngược lại.
Với cách phân ban, phân luồng học sinh như thế, học sinh mới có thể học tương đối dễ các môn vì các môn được học sâu hay cạn tổng quát tương đối phù hợp với năng khiếu và sở thích của học sinh. Và thi Tú tài đề ra theo phân ban, những môn học sâu của ban nào thì phải thi tự luận, những môn học vừa và nhẹ cũng đều thi qua trắc nghiệm. Như vậy sẽ không còn cái cảnh học sinh và thầy cô giáo trông chờ tin thi môn nào, bỏ môn nào và sẽ không bao giờ có cái cảnh “cơn mưa đề cương môn Sử” như đã xảy ra ở trường Nguyễn Hiền, bởi Sử được thi tự luận trong chương trình Hướng thông minh ngôn ngữ và được thi trắc nghiệm trong các chương trình khác.
______
(1) Vĩnh Hà-Ngọc Hà. Thi vào lớp 1 như thi đại học. Tuổi Trẻ, ngày 24/4/2013.
(2) http://www.intelligencetest.com/articles/article3.htm
(3) Theory of multiple intelligences,
http://en.wikipedia.org/wiki/Theory_of_multiple_intelligences
(4) The Nine Types of Intelligemce by Howard Gardened,
http://skyview.vansd.org/lschmidt/Projects
The%20Nine%20Types%20of%20Intelligence.htm
(5) Multiple Intelligences
http://www.institute4learning.com/multiple_intelligences.php