Có nhiều yếu tố để tạo nên bầu không khí gia đình vui tươi thoải mái, trong đó tính cách những người trong gia đình đóng vai trò quyết định. Mỗi người có nhiều cá tính khác nhau nhưng tính hài hước và lãng mạn là hai đức tính đặc biệt quan trọng, không thể thiếu để gắn kết mọi người trong một gia đình hạnh phúc.
Các thành viên trong gia đình hiện nay có khuynh hướng ngày càng xa rời nhau vì áp lực của cuộc sống như: công việc bộn bề ở cơ quan, nhu cầu học tập, tăng ca, giao tiếp với đối tác và vì nhiều thú vui ở bên ngoài chi phối… những điều đó khiến cho con người luôn bận rộn, những người cùng sống trong một mái nhà nhưng ít có thời gian để gần gũi tâm tình, để vui đùa với nhau, kém hương sắc lãng mạn như ngày xưa.
Ông bà ta có câu chuyện vui nhỏ thường kể lại cho con cháu nghe để “rút kinh nghiệm” về việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của hai vợ chồng. Bà vợ thấy trăng sáng, đẹp quá liền âu yếm bảo chồng: “Anh ơi! Trăng đêm nay đẹp quá anh ha!”. Người chồng nghe vậy, vội nói: “Ừ! Để tui lấy cối ra giã gạo”. Câu chuyện giản đơn, ai cũng biết, ai cũng hiểu rằng câu chuyện có ý khuyên vợ chồng nên thấu hiểu nhau từ trong những ngóc ngách của tâm hồn, nhưng khi thực hiện thì thấy có vẻ… hơi khó.
Thời buổi này người ta quen, yêu, cưới nhau, rồi ly dị nhanh như “sao xẹt”. Có khi “sống thử” với nhau đôi năm rồi tan hàng không cần cưới hỏi gì nữa, chuyện “cộng, trừ, nhân, chia” trong hôn nhân là chuyện thường được tính toán. Người ta yêu vội, sống gấp, mọi việc hình như có khuynh hướng phơi trần ra trước mắt mọi người, nét e ấp kín đáo từ thể xác đến tâm hồn đặc biệt ở người phụ nữ Á Đông dần dần biến mất.
Chuyện “ăn cơm trước kẻng” là chuyện thường tình của đôi lứa ngày nay. Hiếm có những đêm tân hôn đầy màu sắc lãng mạn và huyền bí của những người đang bước vào động “đào nguyên”, mà có lãng mạn chăng nữa cũng chỉ là hình thức bên ngoài chứ tâm hồn và thể xác đôi lứa thì không còn gì là bí ẩn nữa, mà chuyện trái tim thì ngược lại, phải có chút gì đó mộng mơ và kín kẽ thì mới thu hút được đối phương.

Thật đáng buồn biết bao, khi sống bên nhau cả đời mà không biết lãng mạn là gì, hoặc biết mà không thu xếp được tiền bạc, thời gian để tạo cho gia đình một không khí ấm áp, chan hòa, một chút “thơ” giữa đời thường, mà tính cho kỹ có tốn thời gian và tiền bạc bao nhiêu đâu.
Thử nghĩ, có nhiều người chồng không hề nhớ đến ngày vui của gia đình như sinh nhật, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày của Mẹ, ngày Gia đình, ngày của Cha, ngày Tình yêu… Không có thói quen tặng quà cho người thân trong những ngày đặc biệt, không biết nói những câu tình tứ hay bông đùa ý nhị.
Mà hễ có ai phiền trách thì họ giãy nảy như đỉa phải vôi, rằng: “Đã là người trong nhà còn bày vẽ nọ kia làm chi!”, hoặc “Tiền bạc, thời gian, công sức đâu mà làm những chuyện ruồi bu đó”. Chính vì thái độ thờ ơ, xem thường “đối tác” mà không khí gia đình trở nên nhàm chán tẻ nhạt.
Còn gì đáng sợ hơn khi những người thân sống cùng nhau mà khô như củi, lạnh như băng, khiến người này phải chịu đựng người kia mỏi mệt từ tháng này qua năm nọ cho qua tháng qua ngày.
Tính hài hước góp thêm nhiều nụ cười, còn gì vui hơn khi tiếng cười luôn rộn lên trong mái ấm. Nếu những thành viên trong gia đình đều ít nhiều có máu hài hước thì thật may mắn. Còn gì chán bằng người chồng hay người vợ lúc nào gương mặt cũng im ỉm, quàu quạu, chuyện gì vui lắm mới bật lên tiếng cười, mà khi cười nét mặt trông cũng chẳng tươi tắn gì, cười mà như mếu.
Sợ nhất là chuyện “nói chơi không biết, nói thiệt không hay”, lúc người ta nói đùa mà tưởng thật, xét nét rồi làm ầm ĩ lên, khi người ta nói thật thì tưởng là đùa trêu mình, mọi việc cứ lộn tùng phèo lên, mà thực tế thì không có gì phải ầm ĩ.
Những câu bông đùa “có duyên” và đúng chỗ sẽ làm cho mọi người thoải mái và hóa giải được những tình huống “nan giải”. Một gương mặt tươi tắn, nụ cười thường thắm nở trên môi cùng những lời nói vui khiến cho ai nhìn, muốn đổ quạu cũng không “đổ” nổi, muốn “kiếm chuyện” cũng không có chuyện để kiếm và mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn khi có bất đồng xảy ra.
Tính nết của con người phần lớn là do trời sinh nhưng nếu chú ý và chịu học hỏi luyện tập thì có thể tập thêm được nhiều tính tốt. Thực ra tính lạc quan yêu đời, hay cười “khì” là bản tính đặc biệt của người Việt Nam, khi vui thì cười đã đành mà khi buồn cũng… cười khan và có rất nhiều kiểu cười trên gương mặt và lời nói.
Đôi lúc cuộc đời có những thăng trầm bất hạnh tưởng không vượt qua được, ta thầm hỏi: “Cười hay khóc để sống?”, dĩ nhiên ta phải chọn nụ cười, nụ cười bao giờ cũng đem đến sự dễ chịu hơn tiếng khóc, nụ cười còn trị được nhiều bệnh tật, giúp người ta trẻ lâu.
Nói nghe dễ nhưng khi “hành” thì không dễ, có nhiều cách để luyện tập, có thể qua sách báo hoặc ta lấy một “người mẫu” nào đó trong đời mà ta ái mộ để bắt chước, bắt chước có sáng tạo, tạo nên phong cách riêng độc đáo mà khi bạn bè hay gia đình nhớ tới không khỏi mỉm nụ cười đầy thiện cảm.
Không khí gia đình vui hay buồn, người phụ nữ đóng vai trò then chốt. Họ giống như một biên kịch gia kiêm đạo diễn trên từng sân khấu nhỏ. Diễn viên diễn có ăn ý với nhau hay không, nội dung vở diễn thuộc loại bi, hài, tình cảm hay bạo lực đa phần đều phụ thuộc vào người phụ nữ.
Vì vậy, hơn ai hết phụ nữ phải biết cười, nụ cười đẹp về dáng vẻ lẫn nội dung và làm thế nào người phụ nữ lưu giữ được chút ít tính lãng mạn mộng mơ của thời thiếu nữ để thi vị hóa cuộc sống và tình yêu, đồng thời cũng giáo dục, lưu truyền cho con cháu những tố chất cần thiết khi chúng xây dựng gia đình mới, đó là cách truyền dạy để chúng biết giữ lửa cho tâm hồn.
Không có việc gì không làm được nếu lòng ta thực sự muốn có một nơi chốn bình yên đầy hoa và nụ cười.