Hà Ngại sinh năm 1892 (Nhâm Thìn), quê xã Phú Quới, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân 6 (1912).
Sách do Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm và cung cấp. Chúng tôi trích đăng một số đoạn hay nhất.
“… Lúc tôi 7 tuổi, cha tôi làm lễ khai tâm cho tôi, dùng gà xôi, hoa quả, hương đèn, trầu rượu cúng Thánh. Có sắm bút nghiên, giấy mực mới để trên bàn. Cha tôi khấn vái và lạy rồi bảo tôi lạy. Cha tôi sai tôi lấy viên mực mài trên nghiên, lấy cây bút mới thấm mực viết vào quyển vở mới tám chữ: “Thiên tích thông minh, thánh phò công dụng”, nghĩa là trời phú cho tính thông minh, thánh giúp làm nên công nghiệp rồi dạy từng chữ nho cho tôi học thuộc lòng. Sau đó, chọn ngày tốt, cha tôi đem tôi đến trường thọ giáo với thầy.
Lúc ấy, nhà tôi và nhà ông Hương Công trong xóm chung nhau rước thầy Bốn ở làng Chu Bái cho chúng tôi học. Vì chúng tôi nghèo nên phải chung nhau mới rước nổi thầy. Trường học chừng trên hai mươi học trò. Chúng tôi dùng giấy trắng đóng sách vở, còn viết tập thì dùng lá chuối sứ; chỉ có lá chuối sứ mới viết được chứ các loại lá chuối khác thì không ăn mực. Sở dĩ phải tập trên lá là để đỡ tiền mua giấy. Mà học chữ nho, cần phải viết chữ cho đẹp; viết chữ đẹp cũng đã nổi tiếng rồi. Trên mỗi miếng lá chuối, thầy tôi viết một chữ nơi đầu, rồi học trò xem đó viết theo. Khi đi học, trò nào cũng đem lá chuối như mang sách vở và cũng giữ cẩn thận như mang sách vở vậy.

Thầy giáo làng
Trường học thời ấy không có bàn ghế như bây giờ. Các trường có học trò lớn, ngồi trên phản, còn chúng tôi, lớp đồng ấu, ngồi trên chiếu trải ở nền nhà. Lúc học, vì đông, mạnh đứa nào đứa ấy đọc, nên ồn ào vô tả. Nhưng người ta đều quá hiếu học nên chả ai lấy gì làm phiền hà; có người nghe học trò đọc như thế, lấy làm thú lắm, tự cho là khu vực mình ở có giá trị, vì đã bén đạo thánh hiền và có vẻ tự hào đối với khu vực khác.
Chúng tôi ngồi xếp bằng, vừa học vừa lắc qua lắc lại; có lẽ mỏi quá phải lắc rồi lâu ngày thành thói quen; học trò lớn cũng thế, khiến thành ra một môn thể dục tự nhiên.
Chúng tôi đua nhau lo học cho thuộc bài để khỏi bị thầy quở phạt. Mấy trò lớn hơn tôi, học rất khuya; buồn ngủ đã rục mà họ vẫn gắng tụng bài. Còn tôi, hễ buồn ngủ là tôi đi ngủ. Nhưng đến khoảng ba, bốn giờ sáng tôi thức dậy, lấy cây hương thắp rọi sách vở mà học; giờ ấy, thanh tịnh, đầu óc tỉnh táo, học mau thuộc. Bởi vậy, khi thầy dò bài, tôi thuộc được thầy khen. Đến ngày mồng năm, ngày Tết, phụ huynh học trò đem gạo nếp, đường, đậu và tiền, ít một vài quan, nhiều ba bốn quan đến tết thầy. Số tiền ấy tùy giàu nghèo và tùy hảo tâm. Học trò nghèo, thầy không lấy tiền. Nhưng có khi muốn mời cho được ông thầy đúng theo ý lựa chọn thì không giản dị như vậy. Chủ nhà phải bảo đảm với thầy một năm Tết thầy bao nhiêu nhất định. Rồi họ tùy nghi phân bổ cho nhau.
Sau đó hai năm, tôi vào học thầy cử Nguyễn Nhu ở cùng Châu với tôi. Châu đây là xã. Quê chúng tôi là một cái Gò Nổi, bốn bề là sông. Vì đất phù sa mới bồi luôn nên nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển sâu rộng. Chỉ có những đất thổ cao ráo mới gieo lúa tháng 10 hay trồng mía để nấu đường; không cấy lúa mùa tháng tám. Gò Nổi ấy khá lớn, rộng bằng 1/5 hạt Điện Bàn. Người ta quen gọi đất chúng ta là ba Châu. Châu chúng tôi có ba thôn: Phú Quý, Đông Mỹ, Đông Thành. Dân tuy riêng mà điền (ruộng) thì chung, ba thôn chỉ có một quyển bộ điền. Châu chọn người trong ba thôn đặt chức việc chung: Cai Châu coi toàn Châu, Thủ bộ giữ quyển bộ điền, Thủ sắc giữ sắc thần. Thầy Cử Nguyễn Nhu ở thôn Đông Thành còn tôi ở thôn Phú Quý. Lúc tôi thọ giáo, thầy tôi mới là học sinh, tức là một chức vị nhờ hạch đậu được ăn lương của chính phủ mà đi học, ai đậu thì đương nhiên có địa vị ở làng. Ngày xưa, như thế cũng đã danh giá lắm với làng, tổng rồi. Thầy tôi nhà khá, thấy tôi học được, yêu tôi lắm. Đã mấy lần, thầy cho tôi một xách ngô tươi, bảo đem về dùng.
Vì tục lệ thời ấy tôn trọng khoa mục tột bậc, nên uy quyền thầy tôi to lớn lắm. Có một bữa, tôi thấy ông trùm trưởng Cần đến mời thầy tôi đi dự tế, ông trùm ấy quỳ sát đất vòng tay thưa trình rất cung kính. Ít bữa sau, tôi nghe ông trùm ấy nói chuyện với bạn tôi rằng: “Tôi là trùm trưởng mà con tôi là Hương, thật to đầu khó rúc”. Trùm trưởng có nhiệm vụ sai bắt dân phu làm việc làng, là thủ hạ của Lý trưởng; Hương bộ là người đã lạc quyên cho làng đôi ba trăm quan tiền để chi tiêu việc làng rồi làng trừ tạp dịch cho, như khỏi canh gác, đắp đường xóm… Ý ông Cần nói là cha con ông có những địa vị cao sang, sau này khó làm việc hèn hạ. Ông Cần thật thà, trung hậu, tuổi ngang phụ huynh tôi, tôi đâu dám mỉa mai gì. Duy tôi thấy tâm lý người lúc ấy thật háo danh, an phận. Mới 50 năm qua mà thế đạo nhân tâm thay đổi hết…

Thầy đồ đang dạy học
Trong lúc thầy trò tôi đang vui vẻ, chẳng may giữa cha tôi và thầy tôi vì việc làng cãi cọ rồi hai bên hiềm khích lẫn nhau. Nguyên lúc ấy, những tộc mà xưa kia ông bà đến trước chiêu dân, lập ấp, khai khẩn điền thổ, được khai trình lên, rồi nhà vua sắc phong Tiền hiền, Hậu hiền thờ cúng hai bên đình thờ Thần. Những tộc Tiền hiền ấy, có ý khinh miệt những tộc đến sau hay mới đến ở năm, ba đời. Cha tôi là con cháu Tiền hiền, còn tộc thầy tôi mới đến năm đời, sự bất hòa giữa hai ông bắt nguồn từ đó. Mà không chỉ làng tôi, làng Bảo An ở bên cạnh cũng vì việc Tiền hiền mà kiện nhau trong mấy năm, tổn phí cả hai bên đều rất nhiều. Sau phải ra đến Bộ mới giải quyết xong. Đó là dân chính mà đến ở sau còn phiền lụy như thế chứ nói gì dân ngụ cư: Dân ngụ cư là dân ở các nơi khác tới xin mảnh đất làm nhà, thường bị dân chính quán bạc đãi, xem như hạng người vô giá trị. Thường năm làng tế thần, dân ngụ cư phải lên núi đốn bổi về để thui trâu bò. Những việc bị coi là hèn hạ, dân chính quán không thèm làm, đều sai dân ngụ cư làm hết.
Vì cha tôi thù ghét thầy tôi, nên tôi cũng thù ghét theo. Rồi trong khi tiếp xúc, do lòng hẹp hòi cạn nghĩ của con nít, tôi thấy chuyện gì cũng ngờ là thầy tôi ghét tôi và không chăm dạy tôi nữa. Một bữa, tôi thưa với cha tôi, xin đi học trường khác. Cha tôi nói:
- Việc cha với thầy Cử thì mặc kệ; phần con thì phải giữ đạo thầy trò cho có thủy chung. Thầy con không ghét con đâu, con chớ hiểu lầm…”
(Còn tiếp)
(*) Theo khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn của Phạm Ngô Minh – Trương Duy Hy (Nxb Văn Nghệ, tái bản. 2007), tr.204.
Bài liên quan: