Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam: Tôi xin lấy tinh thần lạc quan, vui tươi…

GS. MAI QUỐC LIÊN

Việc dịch là cả một câu chuyện dài. Nó đã bắt đầu từ đầu công nguyên với luận điểm nổi tiếng của Xixeron (La Mã): “Dịch sát từng chữ thì sẽ không bao giờ trung thực”. Ngày nay, lịch sử và lý thuyết dịch cho chúng ta thấy rằng, dịch là tìm những tương đương giữa các nền văn hóa, không phải chỉ về ngữ nghĩa, mà còn là tính khí, phong cách, giọng điệu, chất thơ, chất văn và cả những cái mà ta vẫn gọi là ý ở ngoài ý, văn ở ngoài lời. Như thế, bản thân việc dịch là rất tinh tế, phức tạp, sáng tạo, đòi hỏi vô hạn khả năng, tài năng của người dịch. Do đó, chúng tôi rất cảm ơn và khâm phục các dịch giả thế giới đã đi sâu tìm hiểu tiếng Việt, đã dày công dịch sang ngôn ngữ các bạn những tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm văn học hiện đại khác. Các bạn đã là những cây cầu của tình hữu nghị và văn hóa, nối những đại dương văn hóa lại với nhau và làm phong phú thế giới tinh thần cho nhau.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch

Kính thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Kính thưa quý vị dịch giả

Xin quý vị cho phép tôi được phát biểu ở đây với tư cách là đồng nghiệp của quý vị, với tư cách là người dịch văn chương cổ điển Việt Nam và Trung Quốc từ chữ Hán cổ ra tiếng Việt.

Việc dịch là cả một câu chuyện dài. Nó đã bắt đầu từ đầu công nguyên với luận điểm nổi tiếng của Xixeron (La Mã): “Dịch sát từng chữ thì sẽ không bao giờ trung thực”. Ngày nay, lịch sử và lý thuyết dịch cho chúng ta thấy rằng, dịch là tìm những tương đương giữa các nền văn hóa, không phải chỉ về ngữ nghĩa, mà còn là tính khí, phong cách, giọng điệu, chất thơ, chất văn và cả những cái mà ta vẫn gọi là ý ở ngoài ý, văn ở ngoài lời. Như thế, bản thân việc dịch là rất tinh tế, phức tạp, sáng tạo, đòi hỏi vô hạn khả năng, tài năng của người dịch. Do đó, chúng tôi rất cảm ơn và khâm phục các dịch giả thế giới đã đi sâu tìm hiểu tiếng Việt, đã dày công dịch sang ngôn ngữ các bạn những tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm văn học hiện đại khác. Các bạn đã là những cây cầu của tình hữu nghị và văn hóa, nối những đại dương văn hóa lại với nhau và làm phong phú thế giới tinh thần cho nhau.


GS Mai Quốc Liên.

Tuy chưa nhiều, nhưng như thế là văn học Việt Nam đã được biết đến trên thế giới. Chúng tôi mong rằng, nó sẽ được biết đến nhiều hơn và hệ thống hơn. Chúng tôi có cả một kho tàng văn học dân gian to lớn, đặc sắc về nhiều phương diện. Nó nói lên tính cách của dân tộc chúng tôi. Nó là cội nguồn của những sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Nhà thơ Nguyễn Du vĩ đại của chúng tôi chẳng đã từng nói: “Tôi học tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai qua dân ca” (“thôn ca sơ học tang ma ngữ”) và ông đã viết Truyện Kiều bằng ngôn ngữ bình dân ấy trong sự phối hợp với ngôn ngữ ước lệ đầy điển tích bác học. Còn Hồ Xuân Hương là một hiện tượng gắn liền với văn học dân gian, như hiện tượng Rabelais mà M.Bakhtin đã phân tích rất hay trong công trình nổi tiếng thế giới Sáng tác của François Rabelais và nền văn học dân gian Trung cổ và Phục hưng. Nhưng theo tôi biết, thì nền văn học dân gian này của chúng tôi còn chưa được dịch bao nhiêu.

Một dân tộc nhỏ như dân tộc Việt Nam - ngày xưa, diện tích chỉ bằng nửa đất nước bây giờ - đã làm nên một nền văn học mà càng đi sâu nghiên cứu, chính chúng tôi là người Việt, chúng tôi cũng phải kinh ngạc. Không, không phải là “chauvin” văn hóa, là tự tôn tự đại dân tộc cực đoan đâu. Nhưng văn hóa văn học quả là không đi theo chiều tiến lên thẳng đứng hay theo chiều kích kinh tế mà là diễn ra theo những quy luật có khi hơi khác thường, bất ngờ. Thế kỷ XIII, cha ông chúng tôi ba lần chiến thắng quân Mông - Thát (Tarta). Chiến công kỳ lạ đó, do một nhà văn hóa, nhà thơ, một ông vua và là vua Phật (Phật Hoàng), tên Trần Nhân Tông (1258-1308) lãnh đạo. Thơ của ông là thơ Thiền, rất hàm súc, rất sâu sắc, đồng thời ông là người viết văn thơ tiếng Việt bằng chữ Nôm đầu tiên. Sáng tạo văn học văn hóa đó quả là phi thường, và nó đã được Nguyễn Trãi (1380-1442) nối tiếp. Nguyễn Trãi, người mà Franz Faber, một người dịch văn học Việt Nam tại Đức đã nói: “Vào thế kỷ XV, ở Đức và châu Âu chưa có một nhà văn lỗi lạc và tầm cỡ như Nguyễn Trãi”. Ông là người có vai trò trong ngôn ngữ văn học Việt như Dante trong ngôn ngữ văn học Ý và Puskin trong ngôn ngữ văn học Nga.

Không, chúng tôi luôn để tâm học tập châu Âu và kính trọng văn hóa châu Âu. Nhưng ngày nay, người ta không thể theo thuyết lấy châu Âu làm trung tâm - “Eurocentrisme” được nữa. Và quả là Việt Nam thời xưa, châu Á ngày xưa cũng là một cái gì đáng để tâm dịch và truyền bá.

Và nền văn học hiện đại của chúng tôi bắt đầu từ thế kỷ XX - hay có thể sớm hơn tùy quan niệm - cũng là một nền văn hóa không thiếu những tác gia đặc sắc. Chỉ hiềm là tiếng Việt không phải là tiếng Anh hay là thứ tiếng phương Tây nào đó nên nó bị thua thiệt trong việc truyền bá. Mặc dù tiếng Việt rất hay, từ thanh điệu đến từ ngữ, nó là vị mật ong còn lại trên đầu lưỡi sau khi đọc Truyện Kiều, như Crayssac, một dịch giả Pháp nói. Tiếng Việt ấy lại được luyện qua cái lò luyện chữ: “Thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (trăm nghìn lần rèn luyện, lời lời làm kinh sợ người đọc) - của những người thợ rèn chữ cho đến mức tuyệt diệu “nên câu tuyệt diệu” (như Nguyễn Du). Sự thua thiệt ở đây chỉ có thể được đền bù phần nào nhờ vào lòng yêu mến, sự công tâm; sự uyên bác và tài năng lỗi lạc của các dịch giả có mặt ở đây, hôm nay, và cả mai sau.

Thế giới ngày nay là thế giới của thị trường. Chúng ta biết rằng trong thế giới đó, văn học và dịch văn học cũng bị chi phối rất nhiều bởi tiền, bởi thị hiếu người đọc, bởi xuất bản và lợi nhuận… Nhưng chúng ta là những người có sứ mệnh làm văn hóa và một khi Trời đã trao cho chúng ta gánh nặng và cũng là niềm vui tối cao đó, chúng ta cam chịu số phận và kiên trì với công việc. “Và nếu cuộc đời có phụ anh, anh vẫn còn có một cuộc đời khác, một cuộc đời không cần phải tỏ tình với ai và sợ ai từ chối; nó được nung nấu bởi trí tuệ và tâm hồn, cuộc đời đó là nghệ thuật”. Tôi nhớ một nghệ sĩ, một nhân vật của Ilya Erengbourg đã từng nói như vậy. Dịch văn học là một nghệ thuật, trước khi nó là một khoa học. Còn Nhà nước hay các tổ chức khác, bằng sức mạnh của họ, có thể giúp chúng ta rất nhiều bằng cách tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho chúng ta hành nghề. Đó cũng chính một trong những mục tiêu quan trọng mà Hội nghị lần này hướng tới. Bởi vì dịch văn học - trao đổi văn hóa là một công việc có tầm quan trọng quốc gia. Văn học - văn hóa là phẩm giá, lòng tự trọng, tự tôn quốc gia là tài sản vô giá tích lũy bằng thiên tài dân tộc. Công việc ấy phải được giải quyết ở cấp độ quốc gia.


Toàn cảnh buổi Hội nghị.

Thưa quý vị,

Văn học Việt Nam mấy mươi thế kỷ đã qua cũng như văn học nhiều nước nói với chúng ta điều gì…? Nó nói cuộc đời là một cuộc chiến đấu gay go, dũng cảm, nhiều khi xương máu, cuộc đời là hạnh phúc và hy vọng, cho dù hôm nay cuộc đời vẫn còn nhiều ngổn ngang, lo toan, cay đắng. Nhưng sau tất cả, cuộc đời còn là trò chơi, còn là “tấn trò đời”, hài hước, còn là tiếng cười. Văn học Việt Nam rất nhiều tiếng cười, rất nhiều châm biếm, hài hước như truyện tiếu lâm, như thơ Hồ Xuân Hương, thơ Tú Xương, như tiểu thuyết Số Đỏ… “Ông Thần phương Bắc thường nghiêm nghị, ông Bụt phương Nam thường vui cười - hỡi người sắp tới, chớ có đúc tượng nhầm” - một bài văn đời Trần (thế kỷ XII-XIV) của chúng tôi viết như vậy.

Và tôi xin được lấy tinh thần vui tươi, lạc quan ấy để chúc mừng hội nghị lần này.


Bài liên quan: