Hội nghị Quốc tế về giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài

Từ ngày 05/01/2010 đến ngày 10/01/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, diễn ra Hội nghị Quốc tế với chủ đề trên, do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Tham dự hội nghị có khoảng 32 đoàn nhà văn, dịch giả ở khắp các châu lục. Dự kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tiếp các đại biểu nước ngoài và phát biểu ý kiến.

Mời bạn đọc Hồn Việt đọc hai bài tham luận lý thú và sâu sắc dưới đây, một của Pháp, một của Cuba.

HỒN VIỆT

Một nền văn học đang vận động

PAUL COUTURIAU (Pháp)

Tôi không nói được, cũng không đọc được tiếng Việt, vì thế thật khó nói về nền văn học Việt Nam bằng trải nghiệm trực tiếp. Tôi chỉ có thể dựa vào bản dịch các tác phẩm cũng như bài viết của người khác. Tuy nhiên, tôi cảm nhận được rằng, đây là một nền văn học đang vận động. Một nền văn học nghìn năm tuổi nhưng vẫn hết sức trẻ trung… Một nền văn học vốn chỉ dành cho một thiểu số có học thức, nay đã đi vào tất cả các gia đình. Một nền văn học có lượng độc giả lớn, vì người Việt Nam rất ham hiểu biết và say mê đọc sách…


Nét Huế xưa. Ảnh: Highland.

Nền văn học trẻ?

Tôi không bao giờ quên được nỗi tức giận của một cô gái Việt Nam, vốn tự cho mình là một người hiểu biết, vì đã từng ở Pháp 3 năm và đọc các tiểu thuyết của Murakami ngay khi chúng vừa được xuất bản bằng tiếng Pháp. Tối hôm đó, một người bạn nói với cô ấy rằng, Việt Nam là một đất nước trẻ. Cô phản ứng dữ dội vì Việt Nam có một nền văn hóa giàu bản sắc với lịch sử hàng nghìn năm. Phản ứng đó của cô làm người đối thoại nổi cáu, nhưng lại khiến tôi suy ngẫm.

Tất nhiên, Việt Nam có một nền văn hóa với bề dày hàng nghìn năm, nhưng khi nói đây là một đất nước trẻ, chẳng lẽ không phải là một cách khen ngợi rất tuyệt vời đó sao? Chẳng lẽ, tuổi trẻ không phải là biểu tượng của sức sống, năng lượng và sức sáng tạo sao?

Suy ngẫm về nền văn học Việt Nam, tôi lại nghĩ tới cô gái đó. Chắc chắn, cô sẽ không thích cái nhìn của tôi về bộ môn nghệ thuật phong phú và có bề dày nghìn năm vốn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng…

Nền văn học chịu ảnh hưởng

Không cần thiết phải nhắc lại rằng, nền văn học Việt Nam bắt đầu bằng văn học truyền miệng, vì điều này không phải là ngoại lệ; tất cả các nền văn học khác đều như vậy. Thế nhưng, văn học Việt Nam có một điểm rất đặc biệt: ngay từ khi bắt đầu được thể hiện dưới dạng viết, nó đã tham gia vào đời sống của quốc gia. Trong một thời gian dài, những đại diện nổi bật nhất chính là những vị tướng, chính trị gia, quan lại. Mối liên hệ giữa nhà văn và chức vụ là không thể tránh khỏi, vì chỉ riêng các nhà Nho mới được tiếp cận với chữ viết, và từ đó với kiến thức và quyền lực.

Tuy nhiên, ở thời xa xưa đó, Việt Nam nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc, một nhà nước chiếm đóng quyết tâm áp đặt văn hóa, cách tư duy và chữ viết của mình - một loại chữ viết phức tạp đến mức chỉ một thiểu số dân chúng học được. Từ đó, nhà nước chiếm đóng cho rằng, có thể dễ dàng khiến dân tộc Việt Nam sống trong sự dốt nát, do đó trở nên thụ động và dễ quy phục. Nhưng “quy phục” và “Việt Nam” là những từ chưa bao giờ đi đôi với nhau.

Trong những điều kiện đó, nền văn học không thể không chịu ảnh hưởng. Nhưng “nền văn học chịu ảnh hưởng” không nhất thiết có nghĩa là “nền văn học phục tùng”. Và chắc chắn không phải ở Việt Nam, nơi mà tồn tại là một nhu cầu cũng thiết yếu như hít thở. Mà tồn tại chỉ có nghĩa là tự do và độc lập.

Nền văn học phản kháng

Kể từ khi tầng lớp gần với quyền lực độc quyền trong việc đọc sách và viết chữ, thì quyền lực thường đồng nghĩa với “phản quyền lực”. Phản kháng! Phản kháng lại một nghìn năm Bắc thuộc, 80 năm Pháp thuộc, 20 năm chiến tranh chống Mỹ…

Thế là một nền văn học chịu ảnh hưởng nhanh chóng trở thành nền văn học phản kháng.

Nếu Trần Hưng Đạo viết sách về nghệ thuật quân sự, thì đó là để trang bị cho quân đội của ông các phương tiện để đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước; nếu Nguyễn Trãi viết những tác phẩm tâm huyết, thì đó là để khơi dậy trong đồng bào của ông ngọn lửa khởi nghĩa chống lại quân xâm lược phương Bắc. Rất nhiều năm sau, vào thời Pháp thuộc, người ta lại nhận thấy ở nhiều nhà văn ý chí kêu gọi nhân dân nổi dậy chống lại quân xâm lược.

Ở đây, chính người phương Tây đã đưa cho nhân dân Việt Nam cây gậy để đánh lại họ.

Mặc dù không gì có thể bao biện cho chế độ thuộc địa, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, thì cũng cần thừa nhận một đóng góp tích cực của những người truyền đạo Thiên Chúa giáo cho người dân xứ đạo, đó là việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Khi Latinh hóa chữ viết Việt Nam, mục đích đầu tiên của những người truyền giáo là để thứ ngôn ngữ phức tạp này trở nên hiểu được đối với những người cùng tôn giáo với họ, và việc làm của họ, sau này được Alexandre de Rhodes tổng hợp và hoàn thiện, đã khiến người dân có thể học được cách viết và đọc…

Một nền văn học phản kháng vì khao khát độc lập. Khao khát tự do. Khao khát tồn tại.

Nền văn học với những mối căng thẳng

Một đất nước bị xâm chiếm luôn là mồi ngon cho những căng thẳng bên trong. Một mặt, có những người không muốn xáo trộn sự cân bằng mong manh – từ góc độ tốt là do muốn tránh đau khổ cho nhân dân, còn từ góc độ xấu là vì chủ nghĩa cơ hội. Mặt khác, có những người muốn chiến đấu và hy sinh chứ không chịu quy phục và nhượng bộ.

Vì thế, bản thân chữ Quốc ngữ trở thành một nguồn gây căng thẳng - căng thẳng giữa những người ủng hộ chữ viết ngoại lai này và những người trung thành với truyền thống dân tộc, mà thực ra truyền thống ấy chỉ là thói quen vốn bị một dân tộc khác áp đặt qua nhiều thế kỷ.

Mặc dù đồng thuận coi chữ Quốc ngữ là một công cụ tuyệt vời để số đông nhân dân tiếp cận được với tri thức, nhưng một số người muốn sử dụng nó để khuyến khích theo cách tư duy của Pháp, còn một số người khác lại muốn dùng nó để giúp người Việt Nam thoát khỏi sự bảo hộ của nước ngoài lần thứ hai.

Nếu nhìn vào thời kỳ hiện đại, không thể không nhận thấy rằng mặc dù tìm cách thoát khỏi các khuôn mẫu cổ điển hay xóa bỏ ranh giới giữa cái thực và cái ảo (1), một số hướng đi mới lại một lần nữa đi vào lối mòn của những người khác - tôi nghĩ tới nhóm “Mở Miệng” đi đúng theo con đường của văn hóa rác rưởi (trash), rất tiêu biểu cho sự suy đồi ở phương Tây.

Hướng đi của những tác giả hiện đại coi một tác phẩm nghệ thuật trước tiên là một sản phẩm tiêu thụ và đem lại thông tin (2), tóm lại cũng không khác lắm so với hướng đi mà Andy Warhol khởi xướng trong những năm 1960. Vẫn luôn là nền văn học chịu ảnh hưởng và phản kháng. Nhưng còn là nền văn học trẻ nữa.

Nền văn học đóng kín với độc giả nước ngoài?

Tôi đã đọc được ý kiến của ông Trần Đoàn Lâm, giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới: “Văn hóa và văn học Việt Nam tương đối đóng kín với độc giả nước ngoài”. Tôi hiểu rất rõ điều mà ông Trần Đoàn Lâm muốn nói.

Tuy nhiên, với tôi, nhận xét này dường như chủ yếu có giá trị đối với phần văn học mà tôi đã nói là chịu ảnh hưởng hay phản kháng. Thế nhưng, tôi cho rằng, độc giả nước ngoài hoàn toàn có thể cảm nhận được Chinh phụ ngâm, Kiều, hay thơ Hồ Xuân Hương, vì các tác phẩm này thể hiện những tình cảm chung của con người.

Tôi sống ở đây đã gần bốn năm. Vợ tôi là người Việt Nam, do đó tôi hiểu rõ về cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam hơn những người nước ngoài chỉ đi qua Việt Nam hoặc sống mà không có quan hệ với người dân địa phương - cho dù vì không muốn hội nhập hay vì rào cản ngôn ngữ.

Cách tư duy, cách sống của người Việt Nam rất cuốn hút. Sự hòa trộn giữa nhịp sống hiện đại hối hả và truyền thống hàng nghìn năm là một nét đặc biệt hấp dẫn. Ở một đất nước mới gia nhập WTO, các mối quan hệ gia đình chịu ảnh hưởng hoàn toàn của Nho giáo - nhất là các quy định đối với người phụ nữ mới sinh nở - không thể không khiến độc giả nước ngoài quan tâm.

Trong bài Hai mươi năm văn học Việt Nam: 1986-2006 (3), Đoàn Cầm Thi viết rằng, khuynh hướng mới của văn học Việt Nam đương đại: nói về mình. Theo tôi, đây là con đường đúng đắn tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Nền văn học độc lập

Ở đầu thế XXI này, đã đến lúc văn học Việt Nam cần thoát khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Từ bỏ tính phản kháng. Khẳng định tính chất sáng tạo và tự do. Để làm được điều này, tôi cho rằng “nói về mình” là con đường tiềm năng nhất. Con đường này cho phép tất cả các hình thức biểu đạt – từ những hình thức cổ điển nhất đến mới mẻ nhất – bởi vì rõ ràng là không có hai “cái tôi” giống nhau và càng nói về cái riêng tư nhất, người ta càng tiến tới cái chung nhất.

Sau khi tiểu thuyết Thiên đường đánh mất của tôi được xuất bản bằng tiếng Việt, tôi nhận thấy tất cả các phản ứng của độc giả đều theo cùng một hướng và có thể tóm tắt trong một câu duy nhất: Điều tôi quan tâm nhất trong tiểu thuyết của ông là khám phá cách nhìn của một người nước ngoài về đất nước tôi.

Mà điều hấp dẫn một độc giả nước ngoài, chính là khám phá bản chất đích thực của một đất nước mà anh ta rất thích nụ cười của người dân, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nghệ thuật ẩm thực tinh tế, kho tàng nghệ thuật phong phú…

Vì thế, tôi rất cảm ơn nếu các bạn nói cho chúng tôi biết về cuộc sống hàng ngày, thực tế xã hội, mơ ước, khát vọng của các bạn… nói với chúng tôi về các bạn. Chúng tôi chỉ đòi hỏi như vậy.

Amnios - một dự án tuyên truyền thơ ca của Cuba ra thế giới

ALEX FLEITES (Cuba)

Các đồng nghiệp và các bạn thân mến,

Nhờ một truyện kể của José Martí, người truyền bá nền độc lập Cuba ở thế kỷ XIX và của Hội Nhà văn Việt Nam, đích thân là nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi có dịp may tuyệt diệu được chia sẻ với các bạn trong những ngày này.


Những cậu bé Cuba đang chơi ở Trinidad, Cuba.
Ảnh: Jean-Pierre Lavoie.

Trong nhiều công tích làm cho José Martí trở thành nhân vật không thể thiếu được trong văn học Mỹ Latinh, có niềm vinh hạnh gieo vào trí tưởng tượng người Cuba về đất nước huyền thoại mà sau này là Việt Nam. Truyện kể này có nhan đề Một chuyến du hành đến đất nước An Nam và trong nhiều thế hệ, nó đã làm cho trẻ em Mỹ Latinh mơ tưởng tới một xứ sở tuyệt vời, có những người dân chăm chỉ, tài hoa luôn phải đương đầu với lòng thèm khát của các nước lân cận, “bởi vì các dân tộc nhỏ bé luôn phải bỏ nhiều công sức mới sống được”.

Martí kể rằng, người An Nam mặc áo dài có màu sắc cạnh tranh với chất lượng ánh sáng, “họ như những thợ kim hoàn tài hoa trong tất cả các thứ họ làm bằng gỗ, xà cừ, vũ khí, đồ dệt, đồ sơn, đồ thêu và cày bừa”.

Như vậy từ Edad de Oro (Tuổi Vàng), tên tạp chí xuất hiện bài viết đang đề cập này, nhà trí thức thiên tài sinh ra ở hòn đảo Cuba đã dạy chúng tôi biết tôn trọng và đoàn kết với dân tộc mà giờ đây họ tiếp đón chúng tôi rất hảo tâm. Nói ngắn gọn có mặt ở đây là ước mơ đã được thực hiện.

Do mục đích cuộc họp mặt này là góp phần tuyên truyền văn học Việt Nam ra thế giới, cho nên không có gì thích hợp hơn đối với chúng tôi là trình bày với các bạn sự ra đời một dự án: Tạp chí Amnios, xuất bản ở La Habana với sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa Cuba và nó còn có một đề mục phụ hùng hồn hơn: Thơ ca, nhà thơ, nghệ thuật làm thơ.

Đây là xuất bản phẩm mở ra toàn cảnh rộng lớn của văn học thế giới không nhằm mục đích gì hơn là tuyên truyền cái hay có hoặc đã có ở các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi không có sự phân biệt giữa quá khứ và hiện tại, bởi vì đối với các nhà quản lý tạp chí này, văn hóa là một cơ thể sống động, nó thở, phát triển và không ngừng tiến lên, mặc dù không vì vậy mà chúng tôi phải nghĩ nó có một sự phát triển theo đường thẳng.

Trong thời đại sự tầm thường hóa và “tính thời sự” chốc lát ngự trị, các chuẩn mực khác nhau lên án các nhà văn cổ điển chỉ dành cho Viện Hàn lâm, chúng tôi muốn đưa các nhà văn cổ điển ra đối thoại với hiện tại, đối diện họ với sự đọc sách phong phú của nam, nữ ngày nay mặc dù họ chia sẻ bối cảnh thời đại hoàn toàn khác nhau, đã được thừa nhận trong bản chất cơ bản của con người mà các văn bản này hoàn toàn địa phương trước khi được phổ biến đề cập, đã nói lên nỗi khổ và nỗi lo cơ bản về bản chất loài người.

Octavio Paz, nhà văn vĩ đại Mexico, đã miêu tả sự kiện thơ như sau:

“Đột nhiên, thời gian bị triệt tiêu và trong những lúc này, lúc các sự kiện lớn của con người, thời gian tan ra và đó là lối ra. Đó là điều tôi gọi phần bất tử nhỏ bé của chúng ta. Tôi không biết chúng ta có cái khác không, nhưng cái này, đúng chúng ta có và là điều thơ đòi hỏi (…). Thơ không tạo ra nó mà là phát hiện ra (…).Khi viết, điều tôi đã đề cập một ít là trình bày thời gian: thời gian trôi qua, thời gian làm ra chúng ta và thời gian phá tan chúng ta.

Thể hiện không phải tương lai, chẳng phải quá khứ, cũng không phải một vật vĩnh cửu, mà là thời điểm duy nhất đặc biệt này. Chúng ta có thể nói cái gì đó với những người ngày nay. Trong thời điểm duy nhất này đã hiện diện tất cả các thời kỳ. Điều quan trọng không phải sống cho tương lai, cũng chẳng phải luyến tiếc quá khứ, mà là sống thật mãnh liệt trong thời điểm này (…). Phần vĩnh cửu của chúng ta là ở thời điểm này”.

Do vậy, trong các tạp chí Amnios các bạn sẽ thấy bên nhau một nhà thơ như Bạch Cư Dị, các vần thơ của William Shakespeare, Salvatore Quasimodo và những người hiện nay đang sáng tác, các đồng nghiệp Namibia, Algeria, Peru, Thụy Điển và Việt Nam.

Bởi vì thơ, thứ duy nhất chúng ta quan tâm, thứ tốt nhất không thể bị giam cầm trong các trường phái hoài cổ hay trong các phong trào nhất thời, trong các nguồn tất yếu, quy tắc tiền lập mà không thể nhìn thấy rõ thực thể ẩn tránh này, tia lửa không nhận thấy này, cái rung động trong sâu thẳm của bản thể mà chúng ta gọi là thơ.

Các mục đích này thúc giục chúng ta toàn tâm toàn ý đảm nhiệm thách thức này. Không bảo chúng ta viết khẩu hiệu hay đưa thuyết quyết định địa chính trị, muốn chúng ta nhận ra tính đạo đức của văn bản không phải là đề tài của nó, mà là độ xâm nhập của nó vào thực chất sâu thẳm nhất của con người, và ở khả năng nó thể hiện điều đó một cách hiệu quả nhất về mặt mỹ học.

Nếu xuất hiện sự thần kì từ va chạm giữa con người và tự nhiên, thì thơ biến thể của cái đó, bắt nguồn ở các sự không thỏa mãn của con người với xã hội, trên mặt vĩ mô cũng như trên mặt của cá nhân trước cái gương. Thơ để đặt chúng ta vào thế giới với những sự bất bình đẳng và bản sắc của chúng ta. Thơ để cho lẽ sống. Thơ để ru ngủ và nâng cao con người theo các tuổi khác nhau.

Thơ giống như vòng xoay vĩnh cửu của vật, chấp nhận điều được thiết lập như được xác định trước, không thể thay đổi và vĩnh cửu. Thơ được làm giàu đã phục nguyên giọng hát cho những người bị cưỡng đoạt tiếng ca. Thơ đem lại cho chúng ta một khuôn mặt tập thể không công nhận biên giới, không chấp nhận các trò gian xảo chính trị, cũng không nghe những lời ca giả dối của nàng tiên cá. Thơ có giao ước sâu sắc với thực tế ở bất cứ cấp độ nào.

Do vậy, trong hành động cải tạo của mình cần phải đưa bàn tay tới tận cùng của bản chất mâu thuẫn, lần mò tìm hiểu nó để triệt phá nó – giống như nhà điêu khắc tạo hình trước một khối đá hoa cương – và góp phần tạo dựng lên một tuyệt tác, nó có khả năng đưa giống loài tiến lên theo con đường tinh thần. Thơ được coi là cấp độ cao nhất của minh mẫn.

Tôi biết những lời này của một nhà thơ ở vùng ngoại biên thế giới đã vang lên tới sự không tưởng. Nhưng tôi tin những cái không tưởng này là rất cần thiết cho các điều chắc chắn. Không có đất nước nào lại chậm phát triển về thơ, Jorge Zalamea người Colombia đã nhắc nhở tôi. Chúng ta cũng chẳng cần đảm nhiệm như quyền bá chủ của riêng mình, cũng chẳng cần ấn định theo thứ bậc của các trung tâm quyền lực chính.

Chúng ta cần thiện chí và lòng hào hiệp của các bạn nam nữ của chúng ta để tiếp tục tiến lên theo hướng này. Do xuất bản không chấp nhận quảng cáo, nên cần tìm các nguồn hỗ trợ để phát huy cao độ tính sáng tạo và khả năng thuyết phục của chúng ta. Chúng ta không thể trả tiền nhuận bút cho nhà thơ, nhưng đổi lại chúng ta có thể đảm bảo với họ rằng, tác phẩm của họ được dịch hiệu quả, chúng sẽ đến những nơi văn hóa xa xôi nhất ở tất cả các châu lục.

Do vậy, chúng tôi mở các trang cho số tới của chúng tôi với các thu thập cái giá trị nhất của thơ Việt Nam hiện nay. Chúng tôi muốn, giữa các bạn có mặt ở đây, tiếp xúc trực tiếp cho những cam kết tương lai.

Amnios (màng ối), như chúng ta đã biết, là bọc thai loài thú có và nó thực hiện chức năng nuôi dưỡng và bảo vệ. Đây là một cái bọc đầy chất lỏng bên trong phát triển bào thai. Đối với nhiều người, amnios là Arcadia (thời Hy Lạp cổ huy hoàng), nơi chắc chắn thơ được tiếp nhận, thiên đường đã mất, nơi ấy là hồi ức xa nhất của chúng ta.

Tạp chí Amnios muốn tin, như Martí đã nói trong truyện kể nêu trên, “rằng thế giới là một ngôi đền xinh đẹp, nơi tất cả mọi người trên trái đất sống yên bình”.

Xin chân thành cảm ơn.


(1)

Đoàn Cầm Thi, La nouvelle littérature vietnamienne, in La revue des ressources, 2007.

(2)

Nt.

(3)

In La revue des ressources, tháng 6/2007.

Bài liên quan: