Hội nhập quốc tế: Xưa và Nay, Trong và Ngoài


Nếu như “hội nhập quốc tế” được phương Tây bàn tới từ cách tiếp cận duy lý, thì nó lại được phương Đông tri ngộ bằng minh triết về “thế giới đại đồng”.

Trong Luận ngữ, chương Nhan Uyên (顏淵) có viết: Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ; tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã (君子敬而無失、與人恭而有禮、四海之內、皆兄弟也), nghĩa là "Quân tử kính mà không sơ sót, đối xử với người thì khiêm cung mà lại có lễ, trong bốn biển đều là anh em cả".

“Tứ hải giai huynh đệ” là một tư tưởng nhân bản lớn của mọi thời đại. Bốn biển đều là anh em thì người trong một nước lại càng phải thương nhau. Ca dao Việt Nam có câu "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Ở Việt Nam, vào tháng 11/1946, trong khi đang phải tập trung vào chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khó tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một nhận xét vượt thời gian về động lực của quá trình quốc tế hóa đời sống các dân tộc: “Khoa học càng phát triển, xe cộ, tàu bò càng tinh xảo, đường giao thông càng tiện lợi. Hàng ngàn trùng dương rút gần như gang tấc. Núi cao, rừng rậm không còn là cản trở. Không trung rộng lớn bao la cũng coi là bé nhỏ. Hàn đới, băng tuyết quanh năm cũng chẳng phải là nơi người không thể để chân đến được. Rồi đây, bốn bể một nhà…”(1).

Có thể thấy luận điểm trong Luận ngữ về “tứ hải giai huynh đệ” đã được Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới là “bốn bể một nhà” và luận giải bằng sự phát triển của khoa học và lực lượng sản xuất thế giới. Dự cảm minh triết phương Đông đã được luận giải bằng suy lý khoa học và đã được thực tiễn quốc tế hóa về “ngôi nhà chung châu Âu” và “làng toàn cầu” cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 minh chứng.

Từ ý tưởng “bốn bể một nhà”, tháng 12/1946, trong thư gửi cho các nhà lãnh đạo của Liên Xô, Anh, Mỹ và Liên Hiệp Quốc, Người đã khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc” (2).

Cho tới nay, chính sách này vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự cả trên hai bình diện lý luận và thực tiễn quốc tế. Việc thực thi có hiệu quả "chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực" sẽ giúp Việt Nam bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia về cả hai phương diện an ninh toàn diện và phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập và rèn luyện, Việt Nam đã giành được độc lập, tự do và thống nhất đất nước năm 1975, tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986. Định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là lý tưởng chính trị đơn thuần mà còn là lợi ích thiết thực của đất nước. Sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác đối với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Công cuộc Đổi mới của đất nước được khởi đầu chủ yếu là dựa trên nguồn lực con người đã được đào tạo từ Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa khác, đó là chưa kể tới những công trình công nghiệp rường cột quan trọng do Liên Xô giúp đỡ xây dựng như công trình Thủy điện sông Đà, Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsopetro) v.v... Vì vậy, nói tới hội nhập quốc tế ở Việt Nam mà chỉ dừng lại ở từ khi chuẩn bị gia nhập WTO thì e rằng khá bất cập và càng không phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam vì “lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy phải bắt đầu từ đó”.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia Liên Hiệp Quốc từ năm 1977 cũng đã là hội nhập vào “ngôi nhà chính trị quốc tế” của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Hội nhập quốc tế là để tiến cùng thời đại và bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia.

Quốc kỳ các quốc gia thuộc khối ASEAN

Nội hàm và phương thức thực hiện lợi ích quốc gia phụ thuộc vào mục tiêu an ninh và phát triển của đất nước ở từng thời kỳ được xác định trong một môi trường chiến lược quốc tế cụ thể với các xu thế lớn và cấu trúc quyền lực quốc tế đương thời. Sau khi Liên Xô tan rã, phát triển kinh tế thị trường đã trở thành ưu tiên của hầu hết các nước thuộc khối XHCN trước đây và từ 1995 khi GATT chuyển thành WTO, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế lớn trên thế giới.

Trong thế giới toàn cầu hóa do tác động của cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin, thì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế đã trở thành một công cụ hữu hiệu nhất để tối ưu hóa lợi ích quốc gia và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa với nội hàm: "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…" như khẳng định trong văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Thực tiễn quốc tế trong Chiến tranh Lạnh mà cụ thể là chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Liên Xô năm 1969 và giữa Trung Quốc với Việt Nam năm 1979 cho thấy giữa các nước xã hội chủ nghĩa cũng có thể có mâu thuẫn đối kháng về lợi ích. Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là những lợi ích tối thượng không thể nhân nhượng về nguyên tắc, vì vậy không thể biến định hướng xã hội chủ nghĩa thành “vòng kim cô” trói buộc làm tổn hại những lợi ích chính đáng của đất nước.

Đồng thời, định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không thể là đường ranh giới cản trở sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các nước có các chế độ chính trị - xã hội khác nhau như Lênin đã nhấn mạnh trong “Chính sách kinh tế mới” (NEP) với cơ sở triết học là “sự thống nhất, đồng nhất và chuyển hóa giữa các mặt đối lập”. Ở đây cũng cần phải nói thêm là tư duy về thái cực từ xa xưa của minh triết phương Đông cũng đã luận bàn về sự chuyển hóa biện chứng giữa hai cực “âm” và “dương” trong một chỉnh thể thống nhất của“Đạo” như một xu thế vận động và phát triển của trời đất và vạn vật sinh trưởng, biến hóa không ngừng.

Kinh tế gắn liền với chính trị, an ninh, quốc phòng và văn hóa; hơn nữa cũng như đấu bóng quốc tế, muốn tham gia vào cuộc chơi thì phải tuân theo luật chung. Vì vậy, hội nhập quốc tế toàn diện đang là câu chuyện thời sự của Việt Nam, nhưng “trong ấm thì ngoài mới êm”. Hình ảnh trong nước của Việt Nam luôn có ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín đất nước cùng sự lan tỏa ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt là trong không gian liên kết mạng toàn cầu.

Hơn nữa, muốn làm ngoại giao tốt thì phải có thực lực như Bác Hồ đã chỉ rõ: thực lực là cái chiêng, còn ngoại giao là tiếng chiêng, chiêng có lớn thì tiếng mới to.Thực lực của mỗi quốc gia bao gồm cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. Bác Hồ luôn nhắc nhở phải giữ gìn và tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đồng thuận xã hội là điều kiện tiên quyết cho thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng đã đề ra tại Đại hội XI, nhưng làm thế nào để có được sự đồng thuận xã hội thực sự thì lại là một câu chuyện rất dài và rất khác. Muốn có đồng thuận xã hội thì trước hết dân phải tin vào sự lãnh đạo của Đảng cùng chính quyền các cấp.

Hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam năm 2006

Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vì nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Có bà mẹ miền Nam đã sẵn sàng nén đau thương bịt miệng không cho con khóc để giữ an toàn cho đồng đội và cháu bé đã bị chết ngạt.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong khi cả dư luận quốc tế và trong nước cũng có ý ngại Mỹ, sợ Mỹ, thì Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Bác Hồ cử vào thẳng chiến trường Nam Bộ để thực hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Từ chỉ đạo tác chiến cụ thể ở chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi tới kết luận hoàn toàn có thể đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng cách “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh, tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Đã có tới 3 ủy viên Bộ Chính trị được cử vào mặt trận Nam Bộ trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nếu cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa qua cũng được tiến hành quyết liệt với tổ chức đúng tầm, sát sao và cụ thể như vậy thì kết quả chắc là sẽ rất khả quan và sự đồng thuận xã hội đã được tạo dựng khá vững chắc.

Thời kháng chiến, ở nước ta số lượng đảng viên chưa nhiều như bây giờ, trình độ bằng cấp của cán bộ lãnh đạo các cấp chưa cao như bây giờ và hệ thống chính quyền chưa có những tòa nhà rất hoành tráng cùng nhiều phương tiện đi lại hiện đại như bây giờ (riêng ở Nam Bộ thì ở các đô thị và nhiều vùng nông thôn chưa có chính quyền cách mạng), nhưng vì dân tin nên chúng ta đã thắng. Đúng là như Bác Hồ đã căn dặn “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Công luận đã từng chứng kiến hình ảnh các vị lãnh đạo cấp cao tham gia các buổi khai trương, chúc mừng, thậm chí cả trao tặng giải thưởng ca nhạc Sao Mai ở Tuần Châu, trong khi ở một số điểm rất nóng liên quan trực tiếp tới sinh mạng của dân thì dường như “quan còn ở xa quá”! Câu chuyện về đất đai, áp chế dân và sự phản kháng của dân ở Tiên Lãng vào dịp giáp Tết Nhâm Thìn vừa rồi đang là điểm nóng về dân chủ, công bằng và văn minh; đồng thời cũng đã làm cho hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế bị biến dạng. Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận và chỉ đạo giải quyết vụ việc có lý có tình.


Ngày xưa, cụ Nguyễn Trãi đã từng cảnh tỉnh “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”. Còn Imanuel Kant thì cho rằng một nền chính trị đúng đắn mà tách khỏi đạo đức thì sẽ không tiến thêm được một bước nào. Nói tới đạo đức trong thời buổi kinh tế thị trường cũng thật là khó thay! Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác đã cảnh báo: tư bản dìm xuống dòng nước giá lạnh của đồng tiền tất cả mọi tình cảm thiêng liêng… bằng thói trả tiền ngay không tình, không nghĩa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là của dân, bao nhiêu quyền hạn là của dân…”, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(3). “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(4). Suy rộng ra, điều đó cũng có nghĩa là dân chỉ biết rõ giá trị của dân chủ và hội nhập quốc tế khi mà dân được hạnh phúc và được tôn trọng.

Một số bài báo gần đây đã bắt mạch đúng căn bệnh ung thư ác tính đang di căn rất mạnh ở xã hội Việt Nam hiện nay. Sở dĩ căn bệnh này đang tiến triển là do có sự tha hóa về quyền lựcsự tham nhũng về quyền lực mà chạy chức, chạy quyền là một biểu hiện. Sự kiện ở Tiên Lãng cho thấy lợi ích nhóm đang vươn vòi bạch tuộc tới tận các miền quê xa xôi.

Tiêu chí văn minh được thể hiện ở mọi khía cạnh của đời sống xã hội trong đó có văn hóa chính trị. Hội nhập quốc tế bao gồm cả hội nhập về văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị của Đảng đã được Bác Hồ tổng kết và khái quát trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ngay từ năm 1947 và ở các bài viết khác.

Ở nhiều nước trên thế giới, tự từ chức đã trở thành một yếu tố cấu thành của văn hóa chính trị trong một xã hội văn minh, chẳng hạn có vị bộ trưởng nước ngoài đã tự đệ đơn xin từ chức vì một sự cố thực phẩm. Đảng ta là đạo đức, là văn minh, thì có lẽ tự từ chức phải trở thành một nét văn hóa cơ bản của đảng viên là cán bộ. Nhưng biết tự từ chức đòi hỏi cá nhân phải có lòng tự trọng rất cao và để có lòng tự trọng thì lại phải biết xấu hổ - một nét đạo đức truyền thống vốn được ông bà, cha mẹ thường xuyên giáo dục cho con cháu ngay từ nhỏ ở gia đình.

Ở thôn quê Việt Nam có một loài cây “xấu hổ”. Nên chăng nhân dịp xuân trồng cây năm nay, có thể khuyến khích trồng thêm loại cây này ở các công sở để nhắc nhở không chỉ “y đức” mà cả “đầy tớ đức” của các vị có chức có quyền ở tất cả các cơ quan, đoàn thể các cấp.


(1)Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.453
(2)Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.4, tr.469-470
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.4, tr.56
(4)Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.4, tr.152n

 

TS NGUYỄN ĐÌNH LUÂN (Học viện Ngoại giao