HỎI-ĐÁP, 82

HỎI-ĐÁP

Nguyễn Hằng (phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM) hỏi: Xin cho biết xuất xứ câu ca dao sau đây:

Sáng trăng em ngỡ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra.
Sự đời như chiếc lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

ĐÁP: Bạn cứ nghĩ đó là ca dao, e rằng chưa đúng hẳn. Đúng là câu này nghe truyền miệng, khuyết danh. Nhưng chỉ lấy cớ khuyết danh rồi cho nó là ca dao thì chưa đúng hẳn. Có thể là nó có tác giả hẳn hoi, nhưng người ta giấu tên, khuất mặt.

Câu này phổ biến ở miền Nam trước đây hơn (miền Bắc ít nghe). Gần đây, một số bài trên mạng có nhắc đến. Có người nói tác giả là Vũ Hoàng Chương. Nhưng xem ra, đối chiếu với toàn bộ thơ Vũ Hoàng Chương thì thấy không khớp. Thơ Vũ Hoàng Chương có nhiều câu “chống Cộng”, nhưng lại không có cái giọng “nguyền rủa hiện thực” như thế!

Chúng tôi đành đợi có bạn đọc nào biết rõ hơn thì cung cấp thông tin.

 

Võ Cự (Bảy Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM) hỏi: Hồn Việt có ý kiến gì về câu ca dao vịnh Quảng Nam: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa ngấm đã say”?

ĐÁP: Câu ca dao đất Quảng này rất quen thuộc, ai cũng biết, cũng thuộc. Nhưng luận về nghĩa lý thì cũng còn lắm phân vân - “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” thì nó nói lên điều gì? “Chưa mưa đã thấm” thì là vùng đất cát Thăng Bình - Tam Kỳ còn có lẽ, chứ như Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc thì sao? Mà “chưa mưa đã thấm” rất có thể là hời hợt, chóng vánh… chẳng thích hợp với tính cách Quảng Nam. Còn “Rượu hồng đào chưa ngấm đã say” cũng thế! Chưa nói ít ai nghe thấy đặc sản “rượu hồng đào” ở Quảng Nam (rượu sản xuất ở đâu? kiểu gì? chất lượng?).

Trong một bài ca dao, thì hai câu trên đây là hai câu tỉ, hứng…, kiểu như “Trên trời có đám mây xanh” hay “Trèo lên cây bưởi hái hoa”… Rồi đến hai câu tiếp theo mới là ý chính:

Bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi đâu ơn trượng nghĩa dày bằng ta.

“Ơn trượng nghĩa dày” - tình nghĩa sâu dày, nồng đượm… mới là tính cách đất Quảng đó chăng?

Ngọc Tỉnh