L.T.S: Ngày 18/6/2010, trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM và Đại học Sài Gòn đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Các chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt trong cả nước đã về dự. Tham luận tại Hội thảo đã nêu lên nhiều vấn đề bức xúc trong sự giữ gìn và phát triển tiếng Việt, “thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Hội thảo đã ra một bản kiến nghị gồm năm vấn đề chính:
1. Cần có quy chuẩn quốc gia cho việc sử dụng tiếng Việt: tên gọi thống nhất các chữ cái; cách viết chính tả; cách viết tên riêng; nguyên tắc mượn từ ngữ ở các ngoại ngữ; chủ trương đối với chữ Hán, chữ Nôm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
2. Cần có một dự án cấp quốc gia để hệ thống hóa thành luật từ những quy định đã có.
3. Về mặt tổ chức, cần lập một cơ quan vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có chức năng trọng tài, tư vấn để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của đất nước.
4. Tăng cường giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, chú trọng vào thực hành để con em chúng ta nói đúng, viết đúng tiếng Việt.
5. Bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt cần đi đôi với việc phát triển tiếng Việt. Không chỉ bảo toàn sự giàu đẹp mà còn cần đưa vào tiếng Việt những nhân tố mới, làm cho tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao tiếp trong thời hội nhập.
Đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Hồn Việt xin trích đăng dưới đây một số ý kiến rút từ Kỷ yếu Hội thảo, để bạn đọc tham khảo.
- GS.TS Bùi Khánh Thế (Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM): … Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh Đường cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Thường thức chính trị thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một sự kiện lịch sử hoặc một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy, một mặt cho thấy bước phát triển của tiếng Việt do phản ánh thực tế xã hội lúc bấy giờ và mặt khác còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hóa ngôn ngữ” toàn dân. Dấu ấn ấy về mặt từ vựng ở các tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và Thường thức chính trị được thể hiện qua sự nâng cấp ngữ nghĩa một số thuật ngữ, sự mở rộng từ ngữ trong phạm vi một trường từ vựng - ngữ nghĩa, dùng từ ngữ văn học (trong văn viết) thay cho từ ngữ trong khẩu ngữ để làm cho từ ngữ tăng dần tính thuật ngữ.
Dùng yếu tố gốc Hán để cấu tạo từ mới theo quy luật ngữ pháp của tiếng Việt, qua trải nghiệm thực tế của quá trình phát triển tiếng Việt, là con đường bổ sung vốn từ. Số lượng thuật ngữ chính trị - xã hội trong Sửa đổi lối làm việc và Thường thức chính trị dù tăng nhiều, nhưng người đọc Việt Nam vẫn thấy gần gũi, dễ hiểu. Bởi vì, các tổ hợp thuật ngữ ghép có thành tố gốc Hán đều được Việt hóa theo quy tắc cấu tạo thuận cú pháp tiếng Việt… (Trích từ tham luận Ba tác phẩm cùng thể loại góp phần vào sự mở đầu và hiện đại hóa tiếng Việt).
- GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện phó Viện Ngôn ngữ học): … Nhìn lại quá trình chuẩn hóa tiếng Việt, có thể nêu ra câu hỏi rằng, công tác chuẩn hóa tiếng Việt đã mang lại gì cho tiếng Việt? Nói cách khác, hiệu quả của công tác chuẩn hóa là gì? Những hội thảo mở ra, những trao đổi đầy tâm huyết về những nội dung của chuẩn hóa tiếng Việt rồi có đi đến kết quả?...
Chuẩn hóa ngôn ngữ là một nội dung quan trọng của Ngôn ngữ học, và vì thế, chuẩn hóa tiếng Việt là một công việc không thể thiếu của Việt ngữ học. Các nhà Việt ngữ học có nhiệm vụ xây dựng cơ sở khoa học cho công việc chuẩn hóa tiếng Việt, đó là việc chỉ ra những nội dung tiếng Việt cần chuẩn hóa và hướng chuẩn hóa; có vai trò định hướng trong việc sử dụng tiếng Việt chuẩn, đó là việc biên soạn các sách công cụ phục vụ cho chuẩn hóa tiếng Việt.
Tiếc rằng, cả hai việc này, vì nhiều lý do mà chúng ta còn làm được quá khiêm tốn. Chẳng hạn, giới Việt ngữ học trong mải mê khi bàn luận sôi nổi, thậm chí gay gắt những vấn đề lí thuyết cao siêu của ngôn ngữ học, thì lại im lặng trước sự nở rộ của hàng loạt cuốn từ điển tiếng Việt, các sách dạy học tiếng Việt,… thuộc các chất lượng khác nhau mà người sử dụng không biết đường chọn lựa; im lặng trước hàng loạt các hiện tượng tiếng Việt “vừa mới vừa lạ” đang làm lạc hướng người sử dụng;…
Nói cách khác, cần có tiếng nói đồng thuận của giới Ngôn ngữ học về vấn đề này và cần nhận được sự đồng thuận của xã hội cũng như vai trò của Nhà nước mà nói theo lí thuyết của Ngôn ngữ học xã hội, tính quyết định của chuẩn hóa thuộc về Nhà nước vì Nhà nước “vừa có quyền vừa có phương tiện”. (Trích từ tham luận Chuẩn hóa tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay).
- ThS Võ Thanh Hương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM): … Nghệ thuật viết ngắn gọn, giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, có ý nghĩa tích cực đối với xã hội, là điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những bài viết về phụ nữ và hướng đến phụ nữ.
Quan điểm viết của Người cũng chính là cái đích mà ngôn ngữ học xã hội quan tâm và hướng đến. Đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn, có hiệu quả qua lại một cách tích cực giữa chủ thể giao tiếp với khách thể giao tiếp thông qua các bối cảnh giao tiếp để lựa chọn ra những phát ngôn phù hợp. (Trích từ tham luận Hồ Chí Minh với những bài viết dành cho phụ nữ nhìn từ góc độ ngôn ngữ học xã hội).

GS.TS Mai Quốc Liên thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học
và Tạp chí Hồn Việt phát biểu tại hội thảo.
- PGS.TS Trần Thanh Ái (Trường Đại học Cần Thơ): … Ta thấy hàng loạt tính từ và danh từ mang nét nghĩa tiêu cực được dùng để chỉ hiện tượng sử dụng từ ngữ nước ngoài (tiếng Anh. HV) như tràn lan, bừa bãi, hỗn độn, bát nháo, cháo vữa, sính dùng, mốt,… Tất cả các ý kiến đều lên án, không có một ý kiến nào bênh vực cho khuynh hướng mang tính chất ngôn ngữ học xã hội này. Điều đó cho thấy, lương tri của cộng đồng đã nhận thức được tính chất bất ổn của nó.
… Việc hoạch định và chỉnh đốn ngôn ngữ là một việc làm vô cùng cần thiết đối với bất cứ ngôn ngữ nào, vì mỗi ngôn ngữ đều có vấn đề riêng của nó. Ngôn ngữ là một thực thể xã hội phức tạp, hoạt động theo cơ chế riêng của nó, do đó việc buông xuôi để cho nó phát triển tự phát, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn. Đó là chưa nói đến những hệ quả đối với các ngành có liên quan như văn hóa, giáo dục,… Vì thế, chúng tôi kiến nghị: thành lập cơ quan chỉnh đốn ngôn ngữ có đủ năng lực và thẩm quyền; xây dựng ý thức bảo vệ tiếng Việt cho người làm báo; xây dựng lòng quý trọng tiếng Việt ngay từ lứa tuổi cắp sách đến trường… (Trích từ tham luận Tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa và vấn đề bảo vệ tiếng Việt).
- GV Nguyễn Thanh Lâm (Trường TH Lê Thọ Xuân, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) và NCS.GVC Nguyễn Thị Châu Anh (Trường Cao đẳng Bến Tre): … Quá trình rèn luyện chữ viết chính là hành động thiết thực nhất để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Quá trình đó phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các môn học, lớp học, cấp học với một yêu cầu vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm đặt ra với mỗi giáo viên: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là đỉnh cao của đức kiên trì, bền bỉ ở giáo viên, cùng sự quyết tâm rèn luyện của mỗi học sinh, đồng thời có sự hỗ trợ nhiệt tình của các bậc phụ huynh học sinh, sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường.
… Cần nghiên cứu và ban hành những quy định có tính chế tài trong xử phạt vi phạm chính tả tiếng Việt tại các khu vực công cộng, ở các cơ quan công quyền, nhà máy, trường học, xác định đây là những “pháo đài” để giữ gìn, bảo vệ và phát triển sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt. (Trích từ tham luận Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua việc rèn chữ viết ở trường tiểu học).
- TS Nguyễn Mạnh Cường (Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM): … Việc bảo vệ, giữ gìn tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn là một đề tài bức xúc, một việc rất khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều ý thức được rằng giữ gìn được tiếng mẹ đẻ là giữ gìn được cái cội, cái nguồn của dân tộc Việt Nam, nên họ đều tìm mọi cách để giữ gìn, bảo vệ tiếng mẹ đẻ, bảo vệ bản sắc dân tộc Việt Nam trong các thế hệ con cháu.
… Vấn đề giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ gắn liền với việc giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là việc của mỗi một quốc gia, dân tộc hay cộng đồng dân tộc, còn trong nội bộ một quốc gia, dân tộc, thì còn là trách nhiệm, nhiệm vụ của từng người dân thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, nhưng trước hết là của các nhà ngôn ngữ học, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và học sinh phải đi đầu và gương mẫu. (Trích từ tham luận Về việc bảo vệ tiếng mẹ đẻ ở Việt Nam và trên thế giới).
- ThS Đào Đồng Điện (Trường Đại học Văn hóa TP.HCM): … Tiếng Việt bị xâm hại, bị tha hóa nghiêm trọng như thế nào, điều đó đã được các nhà khoa học và nhiều cơ quan truyền thông làm rõ. Giải pháp cấp bách lúc này là cần ban hành bộ luật tiếng Việt để ngăn ngừa và xử lý hiện tượng này. (Trích từ tham luận Chuẩn hóa chữ viết tiếng Việt - Một yêu cầu bức thiết hiện nay).
- PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): … Thanh niên Việt Nam hiện nay không còn thấy có một mối dây liên hệ nào giữa mình với quá khứ của ông cha: đình chùa, miếu mạo, thư tịch. Họ không có xúc cảm nào trước một tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, một quyển Kiều bằng chữ Nôm, một ngôi mộ của Nguyễn Du, của Nguyễn Đình Chiểu…
Có thể nói, thanh niên Việt Nam đang vong bản ngay chính trên đất nước mình. Thế nên ai cũng thấy, so với các nước Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thanh niên Việt Nam hiện đại hóa yếu nhất, nhưng đồng thời cũng giữ bản sắc dân tộc kém nhất. Vì vậy, nếu như vào thời Lê, Nguyễn Trãi yêu cầu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tức là không lạm dụng văn hóa, ngôn ngữ, trang phục Hán, bây giờ giữ gìn bản sắc dân tộc thì lại phải học chữ Hán và có hiểu biết về văn hóa phương Đông.
Chừng nào chúng ta còn dùng tiếng Việt, chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đuổi kịp, thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán… Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa Hán văn vào chương trình phổ thông thì sẽ đến ngày chúng ta thấy kết quả. Lúc ấy, tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn. (Trích từ tham luận Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường - Một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam).
- GS.TSKH Nguyễn Lai … Trong khi nghiên cứu về Bác, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của chúng ta đã nhận xét: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn… Cách suy nghĩ và diễn đạt của Người đi sâu vang vọng trong lòng người,… bằng những con chữ nhỏ, Người gợi mở những tư tưởng lớn, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp”.
Và cũng không phải ngẫu nhiên nhiều nhà Việt ngữ học cho rằng, mỗi một xử lý, mỗi một sáng tạo của Bác, dù về phương diện thực hành, thường ẩn chứa những giá trị khoa học hết sức tinh tế và xác đáng, nhất là về nguyên tác tạo nghĩa - một phạm vi hoạt động hết sức nhạy bén của ngôn ngữ học vốn trực tiếp liên quan đến biến động xã hội mà giới ngữ học thường quan tâm. (Trích từ tham luận Suy nghĩ về cách tạo nghĩa mới từ cảm quan cách mạng của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh).

ThS Võ Thanh Hương (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
đọc tham luận tại hội thảo.
- TS. GVC Trần Thị Lan(Trường Đại học Hà Nội) và CN Nguyễn Thị Thùy Nhung (đang học tại Nhật Bản): … Ảnh hưởng của tiếng Anh với tiếng Việt là tất yếu và dường như không thể ngăn cản, nhưng có thể được điều chỉnh thông qua, hoặc, phát hành các quy ước thống nhất, luật chính tả, luật giao tiếp giáo dục, hoặc, giáo dục ngôn ngữ nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng tiếng Anh phù hợp với môi trường, bối cảnh và quan hệ giao tiếp. Nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo về hậu quả khi lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp xã hội với lợi ích của chính bản thân mình như một số các nhà ngôn ngữ học Anh đã làm với giới trẻ Anh là cần thiết. (Trích từ tham luận Vấn đề ảnh hưởng của tiếng Anh đối với tiếng Việt hiện đại).
- TS. Trần Thị Ngọc Lang (Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ): … Liên quan đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, là những vấn đề của ngôn ngữ học xã hội. Không thể có giải pháp tức thời, triệt để mà phải là quá trình có sự tham gia từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Mục tiêu quan trọng nhất là làm thế nào hình thành trong giới trẻ ý thức yêu quý tiếng mẹ đẻ... Trong khi nhiều Việt kiều xa xứ luôn tìm cách nói, viết tiếng Việt và dạy con em mình học tập tiếng Việt, thì chúng ta sống ngay giữa lòng tổ quốc lại không cố gắng giữ gìn, phát triển tiếng nói của quê hương? (Trích Một số vấn đề của tiếng Việt ở Nam Bộ hiện nay).
- TS Phạm Thị Ly (Trường Đại học Hoa Sen): … Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ tinh hoa văn hóa Việt Nam và là một vấn đề trọng yếu của chính sách giáo dục ngôn ngữ quốc gia. Tuy nhiên, trình độ cao của ngôn ngữ không đối lập với sự thành thạo tiếng mẹ đẻ, và trình độ yếu kém về tiếng Việt của người bản ngữ không thể chữa được bằng cách ngừng học ngoại ngữ hay hạn chế phát triển ngoại ngữ.
Việc của Nhà nước là tăng cường chính sách nhằm bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là phải thay đổi cách dạy và học bộ môn Ngôn ngữ và Văn học trong nhà trường phổ thông nhưng không nên xem việc hạn chế sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt ở bậc đại học là phương thuốc chữa trị sự yếu kém về tiếng Việt. (Trích từ tham luận Vấn đề sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy ở bậc đại học).
- ThS. Hoàng Lê Thúy Nga (Đại học Khoa học Huế): … Thực tiễn của hoạt động quảng cáo trên truyền hình hiện nay cho thấy các nhà quảng cáo đã không tiếc tiền của để tạo ra những hình ảnh, ngôn ngữ, màu sắc, kỹ xảo… để làm cho sản phẩm được quảng cáo gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Chính vì mục đích này mà không ít những sản phẩm có ngôn từ và hình ảnh thiếu chọn lọc…
Chúng tôi chưa bàn đến yếu tố hình ảnh trong quảng cáo, chỉ nói riêng về phần lời (ngôn ngữ nói) đã cho thấy truyền hình phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, tập quán, truyền thống ngôn ngữ tập quán nói năng của người Việt. (Trích từ tham luận Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên truyền hình nên bắt đầu từ ngôn ngữ quảng cáo):
- TS. Nguyễn Hoàng Trung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM): … Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không có nghĩa là ngăn chặn hoàn toàn các nhân tố ngoại lai (điều này dù muốn cũng không thể làm được) hay những loại ngôn ngữ gắn với những đặc trưng giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đó là ngăn chặn những vay mượn, sao phỏng áp định các khái niệm, các mô hình,… từ các ngôn ngữ khác của một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ hoặc có liên quan đến ngôn ngữ (văn học, dịch thuật, lập trình,…).
Sự áp định này theo chúng tôi đáng báo động hơn so với việc sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ “chat” trên mạng internet của giới trẻ, vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc hiểu biết và sử dụng tiếng Việt của nhiều giới khác nhau trong xã hội, trong khi đó việc sử dụng ngôn ngữ “chat” sẽ qua đi cùng với lúc các em chuyển sang một môi trường khác, một giai đoạn khác của quá trình phát triển, trong đó có quá trình phát triển ngôn ngữ.
Như vậy, để tiếng Việt trở lại đúng với vị trí tự thân của nó, thiết nghĩ chúng ta cần đào sâu mảnh đất tiếng Việt hơn nữa trên mọi bình diện với những công cụ loại hình học thích hợp mới có thể định hình một hệ thống ngữ pháp tiếng Việt hoàn chỉnh và chính xác hơn. (Trích từ tham luận Mô phỏng - con dao hai lưỡi trong việc sử dụng ngữ pháp tiếng Việt).
Bài liên quan: