Hội thảo quốc tế đại thi hào Đỗ Phủ (712 - 770)

Ngày 29/12/2012, một ngày cuối năm của “năm Đỗ Phủ”, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra hội thảo về đại thi hào. Đỗ Phủ không phải chỉ là nhà thơ của nhân dân Trung Hoa, ông còn là nhà thơ của Đông Á, của toàn nhân loại. Khắp thế giới, từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức… đâu đâu cũng có những người nghiên cứu về Đỗ Phủ, về thơ Đường (ở Đức chẳng hạn, một bộ Lịch sử văn học Trung Quốc 16 tập đã được biên soạn và xuất bản). Các nhà thơ Việt Nam, từ Lý – Trần, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh… đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa nhân văn trong thơ Đỗ Phủ. Nguyễn Du nói: “Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi” (Đêm đêm hồn mộng tôi đi vào thơ Đỗ Phủ). Giới nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam yêu Đỗ Phủ, thấm nhuần Đỗ Phủ, tự hào vì ông, người đã đem lại vinh quang nghìn năm cho thơ ca.

Cho nên, hội thảo là ngày hội của tình yêu thơ, yêu văn hóa, yêu nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động trong chiến tranh, đói rét, bóc lột… Các nhà văn, nhà nghiên cứu đến từ cả nước (từ TP Hồ Chí Minh, từ Bình Dương, Huế, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội…), trang nghiêm và chí thành trước “bậc thánh của thơ”. Đặc biệt, giáo sư Tạ Tư Vĩ (Đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh), giáo sư Hồ Hiểu Minh (Đại học Hoa Đông – Thượng Hải), Thái Phong Minh (Viện Khoa học xã hội Thượng Hải), Phùng Trọng Bình (Đại học Dân tộc – Quảng Tây), giáo sư Hà Bân (Đại học Tokyo – Nhật Bản) là những khách mời đặc biệt của hội thảo. Đặc biệt, vì chỉ trong vòng một tháng từ ngày các giáo sư này nhận giấy mời, là thu xếp thủ tục, tham luận để lên đường đến Việt Nam. Và xin nói ngay đây là lần đầu các vị đến Việt Nam, dự hội thảo, thăm Hà Nội, thăm Hạ Long…, tiếp xúc với con người và văn hóa Việt Nam trong một chuyến “khám phá Việt Nam” đến ngỡ ngàng, ngây ngất…

Hơn 20 tham luận đã được gửi về hội thảo và hơn 13 tham luận của các chuyên gia về Đỗ Phủ đã được trình bày, làm cho hội trường “ấm lên bởi tình yêu Đỗ Phủ” (lời Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh). Hội thảo là một thành quả của tình hữu nghị, của tình yêu văn hóa… Các tham luận sẽ được xuất bản trong nay mai.

Ở đây, có lẽ cần nói vài câu. Có người e ngại là trong tình hình Trung Quốc liên tiếp tỏ rõ thái độ lấn chiếm biển Đông, gây nên căng thẳng, tại sao lại tổ chức hội thảo Đỗ Phủ? Trả lời câu hỏi này, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, mỉm cười: “Càng thế thì ta càng phải tổ chức chứ!” Hóa ra, ở ta, cũng như ở Trung Quốc vẫn có những người có tư tưởng dân tộc cực đoan. Họ đứng ngoài văn hóa, không hiểu văn hóa. Mà như Lê nin nói: “đứng ngoài văn hóa tức là đứng ngoài chính trị”. Dại dột làm sao, nông cạn làm sao nếu anh không đọc và không biết rằng Đỗ Phủ, tuy đã xưa cũ 1300 năm, vẫn là người bạn lớn, người thầy, người đồng chí với chúng ta, với tất cả những ai yêu công lý và chính nghĩa. Cho nên Ban tuyên giáo Trung ương rất đồng tình tổ chức Hội thảo và Hội Nhà văn đã làm một việc có ích và cần thiết.

Ngọc Tỉnh