Hiện thực đời sống là tài nguyên vô tận của nghệ thuật

Tâm điểm của những nhà nhiếp ảnh vẫn là hiện thực từ đời sống. Nguồn tài nguyên vô tận của nghệ thuật, nơi ấy làm tỏa sáng bản sắc dân tộc và lưu giữ cuộc đời của mọi con người, còn là nơi ghi nhận sự đóng góp của mỗi người cho cuộc sống thêm tốt đẹp. Như Albert Kahn (nhà văn Pháp) nói: “Cuộc sống! Hãy đi nắm bắt lấy nó dù bất cứ ở nơi đâu nó có”.

Như chúng ta đều biết - Đặc trưng đích thực của nghệ thuật là ở chỗ nó phát triển ở con người một năng lực cảm nhận thế giới cảm tính trong ánh sáng của cái đẹp, một năng lực cần thiết trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào.

Nhận thức khoa học, chính trị, đời sống, phát huy năng lực nghệ thuật giúp con người biết tưởng tượng, sáng tạo một cách táo bạo, phóng khoáng, tinh tế, những tư tưởng hữu ích hướng tới việc phản ánh đời sống, cá nhân, xã hội và thiên nhiên ở bề sâu, bề xa, trực tiếp giải phóng con người khỏi sự thiển cận.


Ảnh: Lại Hữu Đức.

Do vậy, trong sáng tạo nghệ thuật là đi tìm quá trình và những mối liên hệ tâm lý phức tạp của sự chuyển hóa từ cảm giác đến cảm xúc thẩm mỹ đến cảm xúc trí tuệ và mỹ học lúc ấy có đủ khả năng nhận rõ bản chất, tâm lý sáng tạo nghệ thuật ở người nghệ sĩ.

Đến với hiện thực đời sống đừng bao giờ như người “cưỡi ngựa xem hoa” mà là một cuộc dấn thân đầy tâm trạng của nghệ sĩ. Từ một áng mây chiều hay trong ánh lửa bập bùng có bóng hình của người mẹ, những giọt mồ hôi dưới trưa hè của người thợ hay từng giọt huyết thanh tiếp thêm sức sống cho bệnh nhân bên cạnh người thầy thuốc nhân từ. Cần khám phá sâu các chi tiết có sức gợi cảm, như một vật rơi trên mặt hồ tạo nên những hình tròn xao động hay những con sóng lăn tăn, những đồi cát chập chùng như nếp nhăn của thời gian...


Vũ khúc trên sông. Ảnh: Đinh Duy Bê.

Đó là cái cần kiếm tìm từ cuộc sống. Thường những tác phẩm được sáng tạo nên là để cho người xem đồng sáng tạo, mà đã đồng sáng tạo thì không có tác phẩm nào tự đồng nhất vào chính nó.

Một trong bí ẩn nghệ thuật là ở chỗ người xem có thể hiểu tác phẩm tốt hơn tác giả hay ít ra là không như tác giả. Họ có phản ứng với cách riêng trước các sự kiện của đời sống, kinh nghiệm, ý nghĩa của tác phẩm là do người xem khúc xạ vào nên nó đi vào lòng người với nhiều tâm trạng khác nhau. Nên nghệ sĩ cần phải sáng tạo một quan niệm thẩm mỹ mới, về con người và cuộc sống chứ không phải chỉ giản đơn là miêu tả hiện thực mới. Đó là cơ sở quan trọng, là động lực thúc đẩy sự biến đổi về hình thức trong thể hiện tác phẩm.

Tuy nhiên, nghệ sĩ một mặt chịu áp lực của tư duy nghệ thuật thời đại, mặt khác phải biết phá vỡ những công thức, lối mòn: để tạo nên cái mới bằng sự hiểu biết rõ nét nhất trong phong cách thể hiện bản lĩnh sáng tạo của cá nhân trong tác phẩm.


Dáng quê Sapa. Ảnh: Phi Vân Trung.

Nên không có sự lựa chọn nào khác ngoài hành động đổi mới nhiều phương diện: nội dung, hình thức và tư duy mới. Và nghệ sĩ là người của công chúng, vì họ không bao giờ phụ thuộc bất cứ thứ gì hay bất cứ ai ngoài con đường nghệ thuật phục vụ công chúng.

Hiện nay, có một thực tế là nhiều ý tưởng trong sáng tác thiếu hoặc yếu về hình thức nghệ thuật, để tự trôi theo sự sai phái của bản năng. Sức tư tưởng từ hiện thực còn nghèo nàn nên hạn chế trong việc tạo dựng, hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn công chúng. Phải thể hiện bằng sắc màu của nó mà không có bất cứ sự giả tạo nào và trong nghệ thuật phải ẩn chứa cái công thức mà nó cần có đó là: Hiện thực với tâm hồn dân tộc và thời đại hội nhập phát triển.


Bài liên quan:

PHẠM KỈNH