Năm 2012 sẽ kỷ niệm 180 năm ngày sinh Pavel Mikhailovich Tretiakov, người đặt nền móng cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Nga ở trung tâm thủ đô Nga, nơi được giới tạo hình thế giới mệnh danh là “hòn ngọc của Moskva” và là tấm gương phản chiếu nền hội họa đậm bản sắc Nga lớn nhất đất nước.
Viện bảo tàng tranh được hình thành năm 1856 bởi ý tưởng của thương gia kiêm chủ xưởng dệt Pavel Mikhailovich Tretiakov (1832-1898). Năm đó ông 24 tuổi, bắt đầu sưu tầm những bức tranh đầu tiên. Với sự trợ giúp của em ruột, ông đã dành 40 năm đời mình cho việc thành lập nhà bảo tàng mỹ thuật, mà theo ông, phải chứa đựng đầy đủ bản sắc, tính cách, lịch sử dân tộc và là tấm gương phản chiếu nền mỹ thuật của đất nước.
Thường xuyên gặp gỡ xin lời khuyên của nhà phê bình Piot Tsityakov, tuy nhiên ông vẫn hành động theo quan điểm riêng của mình. Ông tỏ ra là người sưu tập tranh và thưởng thức mỹ thuật rất sành điệu. Họa sĩ tranh chân dung Ivan Kramskoy đã mệnh danh ông là “thần” nhạy cảm về hội họa.
Chính nhờ khả năng cảm thụ sâu sắc vẻ đẹp của đường nét và màu sắc, mà chỉ qua những tác phẩm đầu tay của họa sĩ trẻ nào đó mới bắt đầu cầm cọ, ông có thể dự báo về tài năng của một kiện tướng hội họa tương lai và điều này khiến ông nổi tiếng trong các họa sĩ trẻ ở Nga thời đó.

Tranh Chân dung Tretiakov của Repin
Số lượng tranh sưu tầm ngày càng nhiều và cứ mỗi năm số khách tham quan phòng tranh của thương gia kiêm chủ xưởng dệt Tretiakov lại càng đông. Ngay từ đầu thế kỷ 20, nhất là sau đại cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã xuất hiện nhu cầu mở rộng và nâng cấp Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tretiakov.
Nhưng phải tới những năm 1980 điều này mới trở thành hiện thực. Công việc tân tạo đã hoàn thành cuối năm 1998, khi kỷ niệm 100 năm ngày mất Tretiakov. Đã xây dựng thêm hai khu nhà mới. Một dùng làm kho bảo quản, khu khác là nhà triển lãm. Nhà thờ của thế kỷ XVI nằm trên địa phận bảo tàng cũng được phục chế. Hình dạng nguyên sơ ban đầu của mọi công trình lịch sử được giữ nguyên.
Vấn đề chiếu sáng trong các gian phòng đã cải thiện rất tốt. Đó là sự hòa quyện giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Đã trang bị các hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại phù hợp với điều kiện của một viện bảo tàng tầm cỡ quốc tế. Diện tích chung ở 10 gian triển lãm đều tăng, nhờ vậy có thể trưng bày tất cả những tác phẩm trước đây chỉ cất giữ trong các kho mà không được trưng bày.
Như vậy, tổng cộng hiện nay có hơn 100.000 hiện vật khác nhau, trong đó trước hết phải kể tới những tranh thuộc các thể loại, các tác phẩm đồ họa và điêu khắc được sáng tác trong khoảng từ 1910 đến 1950 mà có thể coi đây là giai đoạn sáng tác độc nhất vô nhị trên thế giới.
Nếu trước đây bộ sưu tập độc đáo nghệ thuật Nga chỉ được giới thiệu trong hai gian, thì nay được đặt trong gian có trang bị đặc biệt. Trong đó có thể kể tới những bức tranh vô giá như Kho vàng, Đức mẹ Vladimir do đức cha Luca vẽ theo truyền thuyết dựa theo hình tượng sống của Boroditsa, bức tranh Thánh tam ngôi của họa sĩ Andrey Rublev ở thế kỷ XIV.
Nhiều bậc thầy hội họa Nga cuối thế kỷ 19 và đầu 20 được giới thiệu trong từng gian trưng bày riêng. Một số gian chỉ giới thiệu những tác phẩm điêu khắc và đồ họa Nga mà trước đây không hề được bày do nhà bảo tàng cũ quá chật hẹp.
Những bức tranh trưng bày trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tretiakov mang những giá trị lớn không chỉ về mặt thẩm mỹ. Các danh họa Nga bằng ngôn ngữ tạo hình phản ánh toàn bộ lịch sử đất nước, sự hình thành nhà nước và tính cách dân tộc Nga. Tất cả những tranh khắc họa cảnh chiến trận, sinh hoạt, những hình ảnh các thành phố cổ, những đề tài cuộc sống, tôn giáo… đều miêu tả hình hài trọn vẹn và độc đáo của nước Nga cổ kính và rộng lớn.
Trong phòng tranh của Tretiakov tập hợp cả những tranh chân dung các nhân vật xuất chúng Nga như: Pyotr đại đế, nữ hoàng Ekaterina đệ nhị, đại thi hào Pushkin, các nhà văn lớn Lev Tolstoy, Dostoievski, Gogol, Lermontov, nhà soạn nhạc Tchaikovsky…Đáng chú ý là, trong nhà bảo tàng Tretiakov hôm nay trưng bày một số lượng đáng kể những tác phẩm của các họa sĩ Liên Xô miêu tả trung thực những nét đẹp của cuộc sống nước Nga trong những dưới năm chính quyền Xô Viết.

Tranh Mùa xuân, con nước của Levitan
Như vậy, sau khi được tân tạo và nâng cấp, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tretiakov thực sự trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất Nga và có thể sánh với những hòn ngọc-bảo tàng nổi tiếng thế giới như Viện Bảo tàng Louvre (Pháp) và Prado (Tây Ban Nha).
Điều đáng nói là, năm 1860, thương gia kiêm chủ xưởng dệt Pavel Tretiakov 28 tuổi đã viết giấy hiến cho nhà nước toàn bộ nhà trưng bày tranh của mình mà không có một đòi hỏi nào. Nhân dân và nhà nước Nga đánh giá cao đóng góp của ông vào tài sản văn hóa vô giá của Tổ quốc.
Hiện nay ở Nga, đặc biệt là ngành văn hóa đang có những hoạt động hướng tới kỷ niệm 180 năm ngày sinh của Pavel Mikhailovich Tretiakov vào năm 2012. Hòa nhịp vào những hoạt động chuẩn bị kỷ niệm, nhiều người dân Nga lại đến viện bảo tàng này để tưởng nhớ ông và cũng là ôn lại lịch sử đất nước được diễn tả bằng những tác phẩm hội họa mà các tác giả của chúng đã thể hiện bằng tất cả sự rung động về màu sắc và đường nét. Rất nhiều công dân từ các nước cộng hòa của Liên bang Xô Viết cũ và nhiều nước khác thuộc các lứa tuổi, ngành nghề và thành phần khác nhau đến tham quan Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tretiakov.
(Theo nguồn từ các website Nga)