Hồn Tết, hồn Việt

Giáp Tết, tôi nhận được một bức thư của một nữ độc giả không quen biết gửi từ Đức về. Tôi rất xúc động vì bức thư nói lên nỗi niềm của không ít bà con người Việt xa quê đã mấy chục năm. Bức thư viết bằng tiếng Pháp, vì bà M.J.Huster Durazzo có bố Pháp, mẹ Việt. Xin dịch bức thư như sau:

Chào ông Hữu Ngọc,

Đến nay, đã nhiều năm, tôi tìm một cuốn sách trình bày văn hóa Việt Nam một cách chi tiết. Người ta mách tôi cuốn của ông là: À la découverte de la culture vietnamienne (Khám phá văn hóa Việt Nam). Tôi ở bên Đức, và để có được cuốn sách của ông, tôi quyết định đi Việt Nam một chuyến. Việc đó đã được thực hiện: mà do chuyến đi cùng tôi, ông chồng Đức của tôi có dịp làm quen với Việt Nam. Ông chỉ đọc các phóng sự  và chỉ biết đất nước chúng ta qua sách báo. Tôi rất sung sướng đọc tác phẩm của ông, tôi trân trọng giữ sách, từ chối không cho ai mượn vì sợ họ đánh mất.

Tôi sinh ở Sài Gòn năm 1945. Tôi là người lai. Năm 1958, tôi rời Sài Gòn đi Pháp và học ở đó. Tôi vẫn nói được tiếng Việt, khiến mọi người ngạc nhiên. Tôi rất thích và tự hào vẫn nói được tiếng nơi mình ra đời. Mẹ tôi cũng lai Âu – Á, bà sinh năm 1908 ở Nam Lan, sống ở Sài Gòn đến 1962. Bà được nuôi dạy ở Tu viện Thiên Hựu tại Sóc Trăng, tu viện nữ. Vào thời đó, mẹ tôi và những bè bạn gắn bó suốt đời - tôi gọi họ là bác Annette, bác Aline... Tôi được biết lòng tử tế chân tình của các bà bạn Việt Nam của mẹ tôi. Thời buổi chúng tôi ngày nay, sự ưu ái ấy đã trở thành hiếm đối với tôi. Tôi chỉ còn lại vài chị bạn thời thơ ấu ở đất Việt... là vẫn giữ được tình cảm ấy. Bố mẹ tôi và đa số các bà bác của tôi đã qua đời. Chúng tôi thiếu tấm lòng tử tế ngày trước. Nếu có dịp sang lại Việt Nam, ông có thể cho tôi gặp ông không? Ông thuộc thế hệ Việt Nam vào thời mẹ tôi, tôi tin chắc là tôi sẽ tìm thấy ở ông sự tử tế thuở xưa mà tôi khao khát. Với những chị bạn cũ từng ở Việt Nam, tôi thường nói đến dĩ vãng.

Tôi cùng một chị bạn có ý định đi Việt Nam để biết văn hóa Việt Nam sâu hơn, nhất là để tìm gặp những Người cũ và chuyện trò về ngày xưa. Tôi muốn viết về kỷ niệm thời thơ ấu ở Việt Nam. Bà mẹ đỡ đầu của tôi, bà Perruca, dạy tôi môn Toán ở Hà Nội. Ông có quen bà không? Bà Azambe ấy là bạn thân của mẹ tôi rời Sài Gòn năm 1953, 1954 gì đó. Tôi nhớ mãi hôm hai vợ chồng bà đến từ biệt chúng tôi, mắt đầy lệ. Tôi lúc ấy còn nhỏ, nhưng nhớ mãi cuộc chia tay não nuột. Tôi muốn trở lại Việt Nam, không biết có hân hạnh được gặp ông không? Gặp ông để nói về một thời xưa đầm ấm. Chúng tôi, người lai Việt, không thể quên được đất nước Việt Nam.

Đợi ngày vui được gặp ông, tôi tìm mua vé máy bay giá rẻ để được gặp ông. Nếu Chúa ban ân, tôi sẽ trở lại, và chắc chắn sẽ đến chào ông.

Kính chào ông,

Bà Huster Durazzo

pic

Bức thư nói lên điều mà bà Việt kiều tuổi gần “cổ lai hy” muốn tìm lại ở quê hương. Một bác Việt kiều khác ở Mỹ, tuổi ngoài 80, tâm sự:

Tôi chỉ muốn đi tìm dư âm của dĩ vãng... Ở Việt Nam, biết bao kỷ niệm xa xưa đã sống lại như thực. Tôi xa Hà Nội năm 15 tuổi, khi vừa biết yêu. Tấm thân phiêu bạt... Xa xưa đã vang lên theo tiếng chèo khua nước Cần Thơ, tiếng đò xứ Huế, tiếng sóng đại dương hài hòa cùng tiếng ca ngân vũ trường Sài Gòn – Hà Nội... Thế hệ con cái thờ ơ với di tích cổ... Người lớn chỉ thích thăm đền chùa.” (Nguyễn Quốc Súy – Kỷ yếu Đại hội cựu học sinh Nam Định – Yên Mô ở Mỹ, năm 2000).

Hiện nay, ta có khoảng 4 triệu bà con Việt kiều trên thế giới; trước 1975, chỉ có độ 100.000 ở các nước láng giềng Lào, Miên, Thái Lan, Trung Quốc, một số ở Pháp. Theo số liệu của Học viện Ngoại giao năm 2012, Việt kiều ở Mỹ đông nhất: 2,2 triệu, Pháp 300.000, Úc 300.000, Canada 250.000, Đài Loan 200.000, Nga 60.000, Anh 40.000, Nhật 40.000...

Người Việt xa quê năm 2004 gửi về nhà 6,2 tỉ đô la, và 8,1 tỉ đô la năm 2011 - tức là 8% GDP đất nước (hiện nay là 10 tỉ). Biết con số để biết tấm lòng của bà con đối với quê hương. Mỗi lần xuân đến, bà con về đông đến mức ở nhiều nước phải có những chuyến máy bay tết riêng.

Xuân về, đa số bà con Việt kiều thế hệ đứng tuổi cảm thấy “muốn về tết cho đã “cơn nghiền” về quê những ngày xuân, đi trong mưa lất phất” (Dương và Giang – Quê hương, 1/1993). Động cơ về nói chung là động cơ tinh thần, sống lại không khí xã hội con người tử tế hiếm có ở phương Tây (thư Huster Durazzo), những kỷ niệm đẹp, gặp gỡ gia đình, họ hàng, bè bạn, làng xóm, đắm mình trong những truyền thống dân tộc. Bà con về không phải để xem ta đã có nhan nhản nhà cao tầng, khách sạn sang, siêu thị lớn, sân gôn..., những thứ mà họ đã ngán ở phương Tây. Cái bà con tìm là con người, tình người, tình dân tộc ở quê hương mà tiếc thay lại đang giảm sút, tuy Việt Nam đã tiến lên bậc quốc gia có lợi tức trung bình. Vậy mà, khi ta rất nghèo, lại có những giá trị khiến bà con Việt kiều có thể tự hào ngẩng đầu lên. Chẳng hạn, một thời Điện Biên Phủ, khiến thế giới kinh ngạc. Một bác Việt kiều ở Mỹ, 75 tuổi nói với tôi, cũng như bác Việt kiều ở Pháp là Lê Đức Thọ viết trong một cuốn hồi ký: “Nếu không có Điện Biên Phủ thì làm sao tất cả những người mang quốc tịch Việt Nam – kể cả thuộc phe phái chống Hà Nội – khi ở nước ngoài, lại được nể mặt?”. Xin được kể thêm một vài sự kiện khiến Việt kiều được nể mặt: Giai đoạn 1945-1953, xã hội ta thật là lý tưởng: mặc dù là thời cách mạng và chiến tranh, nhân dân sống hài hòa, tự nguyện hy sinh. Dân tự đốt phá nhà cửa thực hiện “vườn không nhà trống”, địa chủ hiến điền, tư sản cho vàng, kẻ cắp làm tự vệ, gái  giang hồ làm cứu thương, nông dân nhường nhà cho người tản cư... Trong chiến tranh, thiếu thốn và bị bao vây, mà giáo dục và y tế Việt Nam được coi là gương mẫu của thế giới thứ ba.

Bà con về thăm quê hương vui mừng về một số thành tích, nhưng hẳn cũng thất vọng vì sự mất mát tình người, và vì chứng kiến những hiện tượng tiêu cực mà báo chí thường xuyên nêu lên: nạn tham nhũng, đạo đức xuống cấp, hố giàu nghèo ngày một sâu, tính dân tộc xói mòn, y tế giáo dục kém cỏi, sự phá hoại môi trường...

Phải sớm đẩy lùi những tiêu cực ấy thì mới mong củng cố và phát triển được tình cảm của bà con Việt kiều đối với quê hương, nhất là thế hệ thứ 2 thứ 3, không gắn bó xương thịt với Tổ quốc. Có lẽ đây là lời chúc năm mới của bà con xa quê. Đừng để mất hồn Việt. Hồn Tết là hồn Việt.

Hữu Ngọc