Hương bồ kết

Mẹ lớn lên ở quê nội miền Nam, nhưng từ nhỏ mẹ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách và nếp sống của người phụ nữ miền Bắc từ ngoại. Bà ngoại và mẹ thường hay gội đầu bằng nước bồ kết. Thứ nước đen đen, thơm thơm, và mỗi lần gội xong tôi và chị hai thường ngồi ngắm mãi tóc mẹ và bà vì lúc ấy tóc của hai người đều óng mượt kì lạ.

Bà kể ngày xưa thời còn con gái, bà thường qua nhà hàng xóm xin mấy trái bồ kết về gội đầu. Có lẽ vậy, mà mỗi lần nhìn trái bồ kết bà lại hồi tưởng về những kí ức ngọt ngào thời son trẻ, hương bồ kết trên mái tóc dài mượt mà của bà gắn liền với mối tình đầu cùng những câu chuyện xúc động mà bà hay kể về anh chàng hàng xóm “ga-lăng”, chân chất cho chúng tôi nghe.

Bà nói, hồi đó nhà rất nghèo, vuông đất trước nhà không đủ trồng rau để ăn thì lấy gì mà trồng cây bồ kết. Nhà hàng xóm cạnh bên thì khác, đất khá rộng nên những hàng cây bồ kết cao to luôn là niềm mơ ước của bà. Anh chàng hàng xóm hồi đó “khờ” ghê lắm, bà bảo “mình đi xin có mấy trái thôi mà hắn ta cứ đem cho cả giỏ, rồi còn nói ấp a ấp úng: Con gái xinh xài thứ này càng thêm xinh”.

Sau này khi mẹ trở thành thiếu nữ, bà cũng truyền lại cho mẹ cách chăm sóc tóc bằng nước bồ kết. Rồi khi chị hai bắt đầu biết làm đẹp, biết “điệu” một chút mẹ lại tiếp tục truyền lại cho chị hai. Cứ như thế, tôi lớn lên khi xung quanh mình cái hương bồ kết hiền lành mà hơi ngai ngái đã trở thành điểm nối kết chung cho nếp sống và tình cảm gia đình.

Tôi rất thích đọc sách và có lần tôi đọc được những dòng như thế này khi người ta nói về trái bồ kết. “Trái bồ kết màu đen sẫm, dẹt, dài…, có nhiều hữu dụng, như làm sạch tóc nhẹ nhàng, thông khiếu, có thể ngăn ngừa gầu và làm dày tóc. Ngoài ra còn có thể chữa bệnh chốc đầu cho trẻ em…”

Ông bà xưa quan niệm rằng: “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Tôi nghĩ có lẽ bà gội đầu bằng bồ kết cũng một phần ảnh hưởng bởi quan niệm làm đẹp xưa.

Tôi hồi ấy hay ngồi bên mẹ để quan sát mẹ dạy chị hai các bước phơi trái bồ kết, rồi nướng, rồi nấu nước ra sao. Thấy vậy mà muốn có được một thau nước bồ kết để dùng là cả một “kì công”. Thi thoảng mẹ hay chị hai gội đầu bằng nước bồ kết xong, tôi được giao nhiệm vụ cầm lược chải cho ráo nước. Những lần như vậy tôi lấy làm thích lắm.

Có lần tôi ôm chầm lấy mẹ và nói: “Sau này lấy vợ con nhất định chỉ lấy ai gội đầu bằng nước bồ kết thôi”. Mẹ mỉm cười, cốc đầu tôi một cái rõ đau rồi nói: “Tổ cha anh”. Tôi lấy làm cớ cứ nũng nịu, hít lấy hít để mái tóc của mẹ.

Và không biết có phải là trùng hợp hay không mà nhờ cái hương bồ kết ngọt ngào, nữ tính mà mẹ đã thành đôi với ba, và chị hai đã theo anh Tuấn về nhà chồng khi vừa tròn cái tuổi trăng tròn, đôi tám…

Rồi thời gian cũng qua nhanh. Bà mất. Rồi mẹ cũng không còn. Tôi lên phố ở nhà người quen trọ học. Chị hai về nhà người ta làm dâu, chỉ khi có dịp giỗ chạp hay hè, tết gì thì tôi mới có cớ để ghé nhà thăm chị.

Tôi không bất ngờ khi thấy tóc chị cắt ngắn đi mà chỉ buồn khi không còn thấy trái bồ kết nào trong nhà chị nữa. Có lẽ chị đã quên mất hương bồ kết ngày nào rồi chăng?. Tôi bấm bụng và đánh liều hỏi chị.

Chị nhìn tôi cười hiền rồi se sẽ bảo: “Thời gian đâu mà nấu nước bồ kết để gội nữa em. Chồng con, nhà cửa, bếp núc biết bao nhiêu là chuyện”. Rồi như nuốt chút buồn vào trong, chị lại bảo “vả lại bây giờ kiếm đâu ra cây bồ kết như hồi xưa, bây giờ có mấy nhà người ta còn trồng cây đó đâu”. Thấy tôi cũng thoáng buồn, chị đánh trống lảng rồi bảo sang chuyện khác, chị hỏi thăm tôi dạo này học hành ra sao, có khó khăn gì không kể chị nghe. Tôi nói một cách qua loa và cảm thấy có điều gì đó man mác trong lòng. Không lẽ chị quên bà, quên mẹ, quên mất hương bồ kết thân thương ngày nào thật rồi sao?

Bẵng đi một thời gian cho đến Tết năm nay, tôi lại về thăm chị. Thằng nhóc nhà chị đã bập bẹ biết nói, biết đi. “Nó quậy y chang em hồi nhỏ” - chị nhìn tôi cười âu yếm.

Thấy nó ra sàng nước nghịch và làm đổ lọ dầu gội chị la ngay, tôi thấy chị có vẻ bực nên chạy ra dắt nó vào. Chợt thấy mũi mình ngửi được cái thứ mùi quen quen. Tôi lò dò vừa dắt thằng nhỏ vào nhà, vừa hỏi chị. Chị nói nhẹ với tôi :

- Là mùi bồ kết đó em. Chị nhờ người ta mua giùm ngoài tiệm thuốc Bắc. Lâu rồi không gội thấy nhớ sao sao ấy…

Tự nhiên câu nói đó của chị khiến tôi cảm thấy xúc động. Thì ra bấy lâu trong chị vẫn còn tồn tại hình ảnh về trái bồ kết đen sẫm nhiều công dụng. Trái bồ kết yêu thương đã làm nên những mái tóc xuân thì mượt mà, sáng óng. Đó là thứ hương thơm kỉ niệm ngọt ngào của những ngày thơ ấu, những ngày mà hai chị em tôi đã sống trong sự yêu thương, bảo bọc của bà, của mẹ. Và nhờ nó mà chị yêu anh và làm nên mái ấm gia đình.

Vậy là tôi cũng đã hiểu ra. Cho dù hoàn cảnh sống có nhiều thay đổi, con người ta cũng phải thay đổi để thích nghi, nhưng những giá trị và ý nghĩa tươi đẹp của quá khứ vẫn luôn được lưu giữ, nâng niu và trân trọng.

Cũng giống như hai chị em chúng tôi vậy thôi, chúng tôi đã lưu giữ hương bồ kết ấy trong trái tim mình bằng những cách riêng…

NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ