Hạnh phúc thời bão giá

Thực tế dễ gì có mấy ai bình tâm trước “bão giá”, trừ những người giàu có hay thuộc hàng “đại gia”. Cơn “bão giá” hiện nay thuộc loại… siêu bão, chưa từng có trong vài chục năm gần đây. Thông thường, những loại “bão” này dù lớn dù nhỏ cũng khiến người ta hoang mang, lo sợ, khốn khổ tính toán… Nhất là với những người có thu nhập thấp hay chỉ vừa đủ sống hoặc dư chút đỉnh, và đó lại là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội ta.

Dù vật lộn với giá là chuyện không có gì mới với hầu hết người dân, đặc biệt với người cầm tiền đi chợ, là “chủ chi” trong chuyện mua sắm cho gia đình. Ai ai cũng căng thẳng vì mọi thứ đều tăng giá. Đã thế tinh thần họ còn bị “tra tấn” thêm vì những lời kêu ca từ trong nhà cho tới bên ngoài, không loại trừ ở trường học, cơ quan, kể cả báo chí và phương tiện truyền thông khác, và cộng đồng mạng còn tung ra vô số hò vè nói về nỗi khốn khổ khi vật giá leo thang.

Thật ra sự kêu ca đó là để giảm bớt những căng thẳng, giải tỏa những ức chế… một cách chia sẻ cho nhẹ người nhưng nó không mấy khi mang lại được điều gì tích cực mà chỉ khiến tình hình càng tồi tệ hơn với “bệnh than” này. Chẳng hạn một người phụ nữ đi chợ hay ra siêu thị về lại nhăn nhó ca cẩm vì cái gì cũng tăng giá thì rõ ràng chồng con họ chẳng dễ gì ăn ngon miệng, có khi còn mặc cảm rằng mình là “thủ phạm”...

TIẾT KIỆM MỘT CÁCH VUI VẺ

Với người dân xứ ta thì tiết kiệm đã thành một thói quen, một thuộc tính của một đất nước còn nghèo. Thế nhưng tâm thế tiết kiệm mới là quan trọng, tiết kiệm một cách bất đắc dĩ, bực dọc, hằn học… thì quả là càng thêm cơ cực, chưa kể họ còn mang thứ năng lượng xấu ấy “trút” vào người thân, rồi cẳn nhẳn cằn nhằn làm không khí gia đình “nhiễm độc”.

Khi giá cả leo thang nhiều bà mẹ đã “trút giận” vô cớ vào con cái, nhiều giáo viên trở nên bực bội với học sinh chỉ vì vừa bị “chém” ở cái quán nào đó trong bữa ăn sáng; nhiều ông chủ bà chủ trở nên gắt gỏng với nhân viên, người làm công của mình hoặc có người đi chợ thì cáu gắt cả với người bán hàng… Còn tiết kiệm một cách tự nguyện khiến người ta vui vẻ, có khi còn tự hào vì mình biết sống giản dị, cần kiệm; xem đó như một cái… mốt, họ tìm được sự đồng tình, đồng cảm của người chung quanh và còn biết tự trào về kỹ năng tiết kiệm của mình.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

CẢ NHÀ THƯƠNG NHAU HƠN

Chị Lam ở quận 3, TP.HCM kể, chị thật cảm động khi cậu con trai là học sinh lớp 12 từ chối việc mẹ “tăng lương” để bù thêm vào tiền ăn sáng, đổ xăng vì cậu tình nguyện đi xe đạp đến trường và sẽ dậy sớm tự làm bữa ăn sáng tại nhà. Còn gia đình chị Viên ở quận Tân Bình cũng trở nên ấm áp hơn khi người đàn ông duy nhất trong gia đình thường xuyên… chịu khó về ăn cơm với vợ con. Người chồng vốn là một quan chức, sáng thường đi ăn phở ở một quán nổi tiếng, trưa ăn cơm ở căng tin cơ quan và tối thường “bị” mời đi nhậu, nếu không thì cũng dự đám cưới, sinh nhật, tân gia, tiệc tùng của hơn 300 nhân viên của mình thay nhau mời… Nay ông cũng phải nêu gương tiết kiệm bằng việc ăn cơm nhà…

Ngay cả những gia đình thuộc hàng trung lưu cũng phải bối rối khi mọi dịch vụ đều tăng cao. Nhà chị Thủy có 3 cậu con trai, tuy vậy mọi người đều chia nhau làm việc nhà hoặc có máy móc làm thay, chỉ riêng căn biệt thự phố khá rộng của họ lâu nay vẫn phải thuê người lau dọn, mỗi lần lau mất 4 giờ với chi phí 200.000 đồng. Để tiết kiệm, chị không thuê người làm nữa tự mình lau nhà. Thấy mẹ vất vả đám con trai cũng xúm vô phụ mẹ, thế là chị giao cho mỗi đứa một tầng của chính đứa đó, khỏe hẳn…

Thật ra tiết kiệm không cứ phải là phải thắt lưng buộc bụng mà chỉ cần chi tiêu hợp lý, hoặc tự mình làm một số việc mà trước đây phải nhờ đến dịch vụ… Nhiều ông lâu nay vẫn đem xe máy ra ngoài chỗ rửa xe, nay họ tự làm lấy. Hoặc trước đây cứ cần gì thì xách xe chạy lòng vòng, nay gộp lại 2, 3 việc đi cùng một lúc cho đỡ tiền xăng. Nhất là giảm bớt chuyện nhậu nhẹt thì không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn là tiết kiệm thời gian và giữ gìn sức khỏe. Tiết kiệm thời gian luôn là sự tiết kiệm đáng kể nhất.

Nhiều phụ nữ thu nhập không lấy gì làm cao lâu nay vẫn có thói quen ra ngoài tiệm gội đầu, làm móng tay, móng chân… Nay thấy đắt quá họ ở nhà tự làm đẹp và cũng đâu kém phần quyến rũ, có khi ông chồng đâm ra quý vợ hơn vì thấy nàng chịu khó, khéo tay, cần kiệm…

Khi tiền bạc rủng rỉnh, thoải mái tiêu xài ai mà chẳng thích… Thế nhưng giữ lối sống căn cơ, lành mạnh vẫn luôn là gốc rễ nuôi dưỡng cuộc sống bình yên cho mình và cho người.

THÚY ÁI