Hoa Hạ

Tôi xin mượn lời bạn tôi, gọi hoa gạo là Hoa Hạ, vì nó nở vào tháng 3, tháng cuối xuân. Khi những đám hoa gạo bung đợt cuối cùng, nhiều nhất, rộ đỏ cả vùng trời thì đó là lúc hoa xoan tím ngát góc vườn. Mùa mẹ kiêng cho gà ấp trứng. Mùa kiêng cưới hỏi của trai gái theo tập tục làng tôi (có lẽ vì ngày trước còn khó khăn, đây là mùa đói nên làng nghèo không có tiền lo chuyện cưới hỏi?). Nhưng bà ngoại tôi đã theo ông ngoại trong một ngày hoa xoan hoa gạo còn nở rộ như vậy.

Mẹ tôi kể, là tại vì thời của ngoại, trai làng ra chiến trường nhiều người không trở về, bà ngoại nhất quyết đòi cưới rồi mới cho ông ngoại ra trận. Thế rồi đời ngoại như cây Hoa Hạ cụt ngọn bên kia sông. Nó chẳng bao giờ trổ bông.

Tháng 3, hoa gạo đỏ một vùng trời quê. Những ngày còn là cô nữ sinh trường huyện, đám con gái chúng tôi vẫn thỉnh thoảng đến triền sông vừa học bài vừa ngắm vùng hoa đỏ bên kia bờ và xa xăm mơ ước.

Làng tôi cách làng Tiền một con sông. Bên chúng tôi là bên bồi, bên làng Tiền là bên lở. Làng Tiền có những cây hoa gạo cổ thụ và cả những cây hoa gạo nở hoa lần đầu. Nhóm bạn tôi có năm đứa, mỗi đứa chọn một cây làm “tài sản” riêng. Tôi chọn cây hoa gạo cụt ngọn, và nó chưa bao giờ trổ bông, dù nhìn từ xa tôi đoán nó đã già lắm rồi. Thân nó có thể rất xù xì và thậm chí còn có thể bị rỗng ruột nữa. Nhìn đám lá của nó tôi đoán. Tôi chọn cây gạo đó vì lý do đơn giản, nó làm cho tôi liên tưởng đến đời ngoại tôi. Ngoại cũng đã côi cút, một mình lụi cụi ra vào trong làng trước khi về ở với gia đình tôi.

Ngày đó, nhóm bạn tôi ngồi học bài bên triền sông và mơ ước về những chân trời mới, mơ ước về giảng đường xa xôi. Tôi đã từng nói với đám bạn nếu đề thi đại học mà liên quan đến hoa gạo, nhất định tao sẽ làm bài loại giỏi. Tụi bạn chỉ cười vì chúng biết, trong giới hạn nội dung chương trình thi đại học, chẳng có bài văn nào liên quan đến hoa gạo cả. Chúng bạn còn nói tôi không có ông bà ngoại ruột, cả ông và bà ngoại tôi đã chết từ hồi tôi chưa chào đời, trong một chiến dịch mà làng tôi trở thành tâm điểm. Bà ngoại bây giờ của tôi là người mẹ tôi cưu mang thôi. Tôi bảo tôi cũng biết điều đó, chỉ là tôi không muốn nhắc chuyện buồn hoặc làm buồn người đang sống thôi. Ngoại bây giờ của tôi cũng đáng yêu đáng thương như ngoại đã sinh ra mẹ tôi vậy. Tôi lảng qua chuyện khác và nói với mấy đứa bạn rằng tôi chọn cây gạo cụt ngọn và đặt tên nó là Hoa Hạ, dù nó chưa từng nở bông hoa nào cũng có lý do của tôi. Vì tôi nhìn thấy trong cây hoa gạo đó như đời bà ngoại tôi giờ đây. Đời bà cũng mất chồng khi chưa có con, cô đơn cui cút cho tới tận già. Nhưng tôi tin, một ngày nào đó, cây gạo cụt kia cũng sẽ nở hoa. Mấy đứa bạn chỉ cười. Chúng chọc ghẹo cái trí tưởng tượng ngờ nghệch của tôi. Có đứa nói: Tao cá nó sẽ chẳng bao giờ nở hoa. Tôi cũng không buồn.

Đã mấy lần sau đó, tôi tò mò hỏi mẹ tôi: Tại sao bà ngoại lại chỉ có một mình hả mẹ? Mẹ nói, bà có chúng ta mà con, gia đình ta là cuộc đời của ngoại đó con gái. Biết mình đã hỏi sai, tôi nói lảng đi: Hồi trẻ ngoại đẹp lắm phải không mẹ? Mẹ nói, trai làng ai cũng muốn cưới ngoại làm vợ, nhưng ngoại chọn một người lính tự nguyện ra chiến trường thôi con ạ.

Ngoại tôi bây giờ đã yếu lắm rồi. Tôi muốn nói phải ghé sát tai, nói to ngoại mới nghe, tôi nói: Con biết hồi trẻ ngoại xinh đẹp nhất làng. Ngoại tôi cười để lộ khuôn miệng đã móm hết vẫn ngóp nghép nhai trầu, tay thì chậm chạp cầm cối đâm trầu. Tôi thấy đời ngoại đúng như cây hoa gạo kia.

Một ngày cuối tháng 3, tôi chỉ một mình đến học bài bên triền sông. Tôi vẫn nhìn về phía cây hoa gạo cụt ngọn của mình. Một chiếc lá vàng làm tôi ngỡ đó là bông hoa đầu tiên của cây Hoa Hạ yêu quý của tôi. Mấy hôm sau đó, ngoại tôi ốm, tôi không còn lên bờ sông học bài nữa. Rồi ngoại tôi mất không lâu sau đó.

Hôm đưa tiễn ngoại, đứa bạn thân rỉ tai tôi: Cây Hoa Hạ của mày mất rồi. Tôi ngỡ ngàng hỏi: Sao mất? Cô bạn nói: Đêm kia mưa lớn, bên lở bị lở mạnh, cuốn theo cả cây Hoa Hạ. Tôi đã hiểu. Đúng là có sự đồng hiện. Cây hoa gạo cụt kia như sự đồng hiện với cuộc đời ngoại tôi. Dù nó chưa một lần ra hoa nhưng với tôi, đó là cây gạo đẹp, nhiều hoa, đáng để tôi thương yêu gọi nó là cây Hoa Hạ. Và ngoại, dù ngoại là người đàn bà cô đơn, côi cút nhưng ngoại có chúng tôi, với ngoại chúng tôi chính là những bông hoa của cuộc đời ngoại.

Trần Thị Thanh