Hoang tưởng

Nhiều người xứng đáng được hạnh phúc, họ có khá nhiều ưu thế như ngoại hình đẹp, có học vấn, nghề nghiệp ổn định, sức khỏe tốt… Lẽ ra sẽ không khó nếu muốn tìm kiếm tình yêu, xây dựng một cuộc sống gia đình êm ấm như ý… Thế nhưng, lắm khi họ phải đi trên “con đường đau khổ” hoặc suốt đời sống hiu quạnh. Trở ngại không phải vì hoàn cảnh sống mà chính là một lúc nào đó, họ bị “hội chứng hoang tưởng” xâm chiếm mà không hề hay biết. Hoang tưởng ở đây không phải là một dạng bệnh lý tâm thần mà là một trạng thái tâm lý với nhiều cấp độ. Nó chỉ có hại cho hạnh phúc của chính họ hoặc làm nản lòng người yêu, người bạn đời vì chứng “vĩ cuồng” của họ…

NHỮNG “BÀ CHÚA” HOANG TƯỞNG

Mỹ Linh từng là một cô gái xinh xắn, học giỏi, con gái út trong một gia đình khấm khá nên có điều kiện ăn mặc đúng mốt, sang trọng hơn bạn bè… Tất nhiên, cô được nhiều người chú ý, trong lớp có đến 1/3 các chàng ngưỡng mộ cô và cả những thầy giáo trẻ… Bao nhiêu chàng làm thơ tặng hay vẽ chân dung ca ngợi cô như một “kỳ nữ”… Chính điều đó khiến Mỹ Linh đặt mình vào những vị thế quá cao so với “định mức” thật. Cô thấy những chàng trai chung quanh tầm thường, không xứng với cô.

Ra trường đi làm mấy năm, cô cũng yêu đương cho vui nhưng “người trong mộng” phải là cỡ… thứ trưởng hoặc ít ra cũng giám đốc, những người nổi tiếng… Sau 30 tuổi thì tiêu chuẩn dù có thấp dần nhưng vẻ cao ngạo của cô khiến những người đàn ông chín chắn ngại tiếp cận… Đến khi bước vào tuổi 40 cô chấp nhận sinh một đứa con không cha để nương tựa lúc tuổi già…

Nhưng đâu chỉ những phụ nữ trẻ, còn độc thân mới hoang tưởng mà phụ nữ có chồng cũng lắm khi “lậm” vào căn bệnh này. Nhiều khi một cơ hội mở ra, như kiếm được việc làm tốt, thu nhập cao, được thăng tiến hay đạt những thành công nho nhỏ như sáng tác dăm bài thơ, vài truyện ngắn được đăng báo, viết một vở kịch, mở một cuộc triển lãm tranh, ảnh… Và khi nhận được những lời khen, tán tụng, những bài báo “thổi phồng” là nguyên nhân của chứng hoang tưởng…

Họ lập tức nghĩ mình đang “nổi tiếng”, là “ngôi sao”, được “đổi đời” và có thể “kết thân” với những người đàn ông danh giá, “xịn” hơn chồng. Từ đó những mâu thuẫn nho nhỏ giữa vợ chồng bị họ “khoét” to lên, không thèm làm hòa ngay cả khi chồng có thiện chí… thế là ly hôn. Để rồi năm, mười, thậm chí hai mươi năm sau họ mới thấy mình sai lầm thì đã muộn, cuộc sống cô đơn trống trải hoặc khó khăn thiếu thốn về vật chất lẫn tình yêu làm nhiều người đẹp phai tàn, suy sụp…

Kiều Chinh, lúc ấy là một cô giáo ở tỉnh, ngoài 30, dạy tiếng Anh và có nhan sắc. Chồng chị rất yêu vợ nhưng không biết kiếm nhiều tiền, chị bèn bàn với chồng nghỉ việc vào TP. HCM. Lúc đó, chồng không có công việc ổn định còn Kiều Chinh nhờ khả năng ngoại ngữ đã tìm được chân phiên dịch cho một thương gia người Anh ngoài 50 tuổi…

Như nhiều người đàn ông xa nhà, hắn lợi dụng chị bằng những “chiêu” rất thông thường như tặng quà, mời đi ăn uống, rủ đi chơi và ca ngợi sắc đẹp của chị. Tất nhiên là không quên tăng lương khi chị làm vừa lòng… Thu nhập khoảng vài trăm đô một tháng khiến Kiều Chinh ngây ngất, chị thấy mình trở thành một quý bà thành đạt, được bạn bè ở quê bái phục…

Người chồng hiền lành trong mắt chị trở thành kẻ nhu nhược, nghèo hèn mà chị thì chỉ quen giao tiếp với những “gentleman” lịch lãm, hào hoa. Nhận biết Kiều Chinh chán chồng, gã người Anh dụ chị bỏ chồng hắn sẽ cưới và cho con gái chị sang Anh du học… Thế nhưng, khi ly hôn xong chị mới biết rằng hắn không thể kết hôn với chị vì chưa bỏ vợ.

 

NHỮNG “QUÝ ÔNG” VĨ CUỒNG

Đàn ông cũng không thoát khỏi “hội chứng” này… Một nông dân sống ở vùng sâu trúng vụ lúa sắm được xe máy, anh thấy mình “lên đời”, chiều nào cũng xách xe ra thị trấn nhậu nhẹt và “bo” em út hào phóng như những “đại gia” thứ thiệt để rồi bao nhiêu tiền bạc kiếm bằng mồ hôi “bốc hơi” ráo trọi… Vợ anh hết lời khuyên nhủ rồi gây lộn… Anh nổi khùng đánh vợ, làm náo động xóm làng và đưa nhau ra tòa ly hôn. Nhưng đến khi hết tiền, “em út” không thèm ngó ngàng, Tòa hòa giải lần thứ 3, anh bảo còn thương vợ con nhưng họ lại không muốn tiếp tục sống với anh!

Đâu chỉ những người đàn ông ít học, thô lậu mà cả những người đàn ông được tiếng là có học cũng không “miễn nhiễm” với chứng này… Từ ngày lên chức trợ lý giám đốc, anh Hoàn một người có trình độ đại học bỗng dưng thấy mình “cao lớn” và hấp dẫn hẳn ra, anh lượn lờ quanh những cô nàng “thiên nga” trong lẫn ngoài cơ quan, gọi vợ là đồ… “cá sấu”.

Những người làm công việc sáng tác, được xem là nghề của sự tài hoa, sáng tạo, được xã hội trân trọng gọi bằng “nhà” thế nhưng cái nghề cao quý này lắm khi khiến quý ông (lẫn quý bà) sáng tác ảo tưởng về tài năng, sức hấp dẫn của mình một cách đáng sợ! Một “nhà” nọ có mươi tác phẩm thuộc hạng trung bình nhưng với ông đó là những kiệt tác. Ngoài 70 và khá hom hem nhưng ông cứ khoe rằng những cô gái đẹp 18, 20 vẫn yêu mình mê mệt. Vì thế, ông luôn rẻ rúng người vợ già tào khang. Ông sống với gia đình như người xa lạ, các con xem bố là “người ngoài hành tinh” vì ông quá “vĩ đại” nên chẳng hòa nhập gì với cái gia đình bình thường ấy.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Có nhiều nguyên nhân sâu xa nhưng dễ thấy nhất chính là… lời khen. Lời khen mang đến những cảm xúc tích cực, nhưng chỉ với những người bản lĩnh, biết người biết ta. “Lời khen đôi khi không làm ta tin nhưng làm ta vui”. Còn với người yếu đuối thì họ “bám víu” vào những lời khen ấy như một cái phao cứu sinh và cứ tìm cách… nấn ná, thích “thường trú” trong đó, họ “tồn kho” cả những lời khen… xạo, nịnh nọt ngất trời vào cái “kho báu” của mình và luẩn quẩn ngắm ngía không thoát ra được. Nếu như chứng hoang tưởng là bệnh lý có thể chữa khỏi bằng thuốc hay phương pháp y khoa, còn tâm lý hoang tưởng lại rất khó chữa và cũng không ai nghĩ đến việc chữa cho họ, kể cả chính họ…

Thoát được “hội chứng” này, có chăng chính là những người gần gũi như bạn bè, người thân đừng phung phí những lời khen tặng, tâng bốc nhau quá trớn, giả dối hoặc báo chí đừng rơi vào “hội chứng bốc thơm”. Nhất là mỗi người có sự minh triết dù nho nhỏ, biết mình là ai, để dù bay bổng hay cao siêu đến đâu thì vẫn tìm được hạnh phúc trần thế, ngay trong mái nhà của mình.

THÚY ÁI