Hoàng Cầm, thi sĩ xứ Kinh Bắc

L.T.S: Nhà Thơ Hoàng Cầm tạ thế ngày 6/5/2010 tại Hà Nội (thọ 89 tuổi). Tang lễ đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trọng thể, Hồn Việt đăng bài viết này của nhà văn Anh Chi như là một nén hương tưởng niệm một nhà thơ quyến rũ, đa tình, tâm huyết với văn hóa dân tộc, với nhân dân và đất nước.

Hoàng Cầm là bút danh, còn tên khai sinh của ông là Bùi Tằng Việt, như sau này ông tâm sự: “chỉ đơn giản là vì tôi ra đời ở thôn Phúc Tằng, xã Việt Yên, Bắc Giang, nơi bố tôi ở nhờ để gõ đầu trẻ”.

Cha của Hoàng Cầm là người làng Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi sinh cho dân tộc Việt ta dòng tranh Đông Hồ lừng danh, sau này đã vào thơ Hoàng Cầm, thật hay: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…

Là một nhà Nho không đỗ đạt, cụ sống bằng việc dạy chữ Hán và sau thì làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Sau này, khi tâm sự, hễ nói về gia thế và quê hương là Hoàng Cầm nói đến mẹ, bởi theo ông: “mẹ là hiện thân trọn vẹn nhất, sinh động nhất của quê hương”.

Người mẹ của Hoàng Cầm là con gái làng Bựu, như Hoàng Cầm vẫn tự hào: “tất nhiên được kế thừa tinh hoa của nghệ thuật hát Quan họ”, từ thời thiếu nữ, đã nổi tiếng tài sắc khắp cả hai huyện Tiên Du, Thuận Thành (ở tả ngạn và hữu ngạn sông Đuống).

Về sau, với đôi bồ hàng xén, bà đi các chợ làng, chợ huyện, nuôi con ăn học. Hình ảnh người mẹ sau này đã vào thơ Hoàng Cầm: Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa thu toả nắng…

Và, rất lâu sau này, vào những năm chín mươi của thế kỷ XX, khi Hoàng Cầm đã ngoài bảy mươi tuổi, chúng tôi hay có dịp được ngồi trò chuyện tâm sự với ông ở quán nước cô Vân tại số nhà 51 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Đôi khi, chỉ chén rượu nhạt cũng khiến ông có những hồi tưởng xa xăm.

Một lần như thế, đột nhiên ông lên giọng ngân nga, như đọc thơ: “Mình là con đẻ của một mối tình Kinh Bắc, là con đẻ của tài hoa Kinh Bắc!..”. Câu ấy có vẻ văn hoa, nhưng thật đúng với thi sĩ Hoàng Cầm, và cũng thật hay.

Là con đẻ của một mối tình Kinh Bắc, Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922. Năm đó, cha ông đã 37 tuổi, mẹ ông đã 31 tuổi.

Thuở thiếu thời, Hoàng Cầm học tiểu học ở Bắc Giang, rồi học hết trung học ở Bắc Ninh.

Năm 1938, được gia đình cho ra Hà Nội học ở trường Thăng Long. Đây là những năm phong trào Thơ mới lên đến cực thịnh, nên “con đẻ của một tài hoa Kinh Bắc” lập tức bị nó cuốn hút, và bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên, nhưng không có được thành công nào đáng kể.

Năm 1940, sau khi đỗ Tú tài toàn phần, Hoàng Cầm bắt đầu dấn thân vào con đường văn chương, bằng cách viết sách cho Nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Đình Long.

Giai đoạn này chủ yếu ông viết những tập sách theo cách phóng tác từ những tác phẩm của Lamartine, Andersen; và cũng có viết truyện vừa Thôi mộng (1941), đến năm 1943 mới viết vở kịch thơ Hận Nam Quan

Do cha mẹ thu xếp, ông cũng cưới vợ, là bà Hoàng Thị Hoàn, ở Bắc Giang. Để nuôi thân và phần nào giúp vợ con ở nhà quê, Hoàng Cầm còn làm gia sư, dạy con cháu những nhà giàu có ở Hà Nội.

Năm 1944, Nhật nhảy vào Đông Dương, cuộc sống thật nhiều biến loạn, gia đình Hoàng Cầm thu cả về một mối ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Tại quê nhà, Hoàng Cầm đã nhiệt tình tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc trong mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hoàng Cầm trở ra Hà Nội, và do đã là một tác giả kịch thơ, Uỷ ban vận động văn hoá toàn quốc giao cho ông đứng ra thành lập đoàn kịch Đông Phương.

Thời gian này, Hoàng Cầm đã viết vở kịch thơ Kiều Loan, nhưng chưa kịp dàn dựng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Người vợ đầu qua đời, để lại cho ông một đứa con trai.

Một thời gian sau, ông xây dựng gia đình mới với diễn viên Tuyết Khanh. Đoàn kịch Đông Phương của ông đi biểu diễn phục vụ cuộc sống kháng chiến ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Sơn Tây được một thời gian thì thôi hoạt động.

Tháng 8/1947, vợ chồng ông đều nhập ngũ, biên chế ở đơn vị Vệ quốc quân Khu XII, vài tháng sau ông được cử ra thành lập Đội tuyên truyền văn nghệ, tức Đoàn văn công đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là tiền thân của Đoàn văn công Tổng cục chính trị sau này.

Tháng 4/1948, Hoàng Cầm có việc ghé qua toà soạn báo Quân Việt Bắc do nhà văn Nguyên Hồng làm chủ bút, ở xóm Thượng, Phú Bình, Thái Nguyên.

Buổi sáng sớm, Hoàng Cầm đến gặp Nguyên Hồng: “Anh Nguyên Hồng, đêm qua cán bộ làng tôi ở Thuận Thành lên báo cáo. Giặc chiếm hết khu Nam phần Bắc Ninh rồi, kể cả làng Nguyệt Cầu hồi nào anh chạy giặc ở nhờ nhà ông Ngọc Giao ấy… Tôi xúc động, thức suốt đêm làm bài thơ này, đọc cho anh nghe nhé”.

Và rồi, với giọng trầm ấm, Hoàng Cầm đọc bài thơ Bên kia sông Đuống:

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì…

Nghe thơ Hoàng Cầm, tự nhiên Nguyên Hồng đưa tay lên bưng mặt, khóc nức nở, nước mắt chảy giàn giụa. Một hồi lâu sau, Nguyên Hồng bảo Hoàng Cầm đưa bản thảo Bên kia sông Đuống cho ông, bởi như ông nói: “Bài thơ này rất cần nhiều người đọc, nhất là các chiến sĩ ta!”.

Thế rồi, chính Nguyên Hồng đã đem gửi bài thơ của Hoàng Cầm cho một số tờ báo đăng, trong đó có báo Cứu Quốc.


Nhà thơ Hoàng Cầm bên bờ sông Đuống.

Bên kia sông Đuống là bài thơ của một thời đại thơ ca mới, thơ ca của đất nước độc lập và kháng chiến. Những năm này, đời sống thơ ca mới có một số thành tựu, đó là Đèo Cả của Hữu Loan (1946), là Nhớ máu và Tình sông núi của Trần Mai Ninh (cuối năm 1946), Những làng đi qua của Quang Dũng (cuối năm 1947), và đến đầu năm 1948 đã có thêm Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống!

Bài thơ được lan truyền rất nhanh trong đời sống kháng chiến, những câu thơ mang hơi hướng của dân ca xứ Bắc, của Quan họ, thật đẹp đẽ và đa cảm:

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Sau Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm có viết thêm một số bài thơ nữa. Trong đó có Lá diêu bông với ngôn ngữ thơ hết sức mới lạ, ông viết trong những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng, việc chính của ông những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp là lãnh đạo Đoàn văn công Tổng cục chính trị.

Ông có viết một số kịch ngắn phản ánh đời sống kháng chiến, tiêu biểu là kịch nói Ông cụ Liên (1952).

Hoà bình lập lại, năm 1955 Hoàng Cầm chuyển ngành về Hội Văn nghệ Việt Nam, phụ trách công tác xuất bản. Năm 1956, ông xuất bản Tiếng hát Quan họ (trường ca, in chung với Văn Cao trong tập Cửa biển), được dư luận rất tán thưởng. Tháng 4/1957, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I.

Từ năm 1959, cuộc đời Hoàng Cầm vấp phải những éo le khốn khó khôn lường, nhưng ông vẫn vượt lên để viết. Đây là thời kỳ nhà thơ sáng tạo nên những bài thơ chủ yếu trong tập thơ danh tiếng Về Kinh Bắc, khi xuất bản (năm 1994), ông có ghi ở đầu sách Dâng hương hồn mẹ.

Mở đầu tập thơ này là bài Đêm Thổ, tình thơ đau đáu và hình tượng thơ đẹp lạ thường:

Cúi lạy mẹ con về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng qua (sang) sông

Suốt cuộc đời sáng tạo đều đặn và liên tục, ngoài một số tác phẩm chúng tôi nêu ở trên, Hoàng Cầm đã xuất bản nhiều tác phẩm nữa: Đêm Lào Cai (kịch nói, 1957); Kiều Loan (kịch thơ, 1992); Bên kia sông Đuống (tuyển thơ, 1993); Lá Diêu bông (thơ, 1994); Về Kinh Bắc (tập thơ, 1994); 99 tình khúc (tập thơ tình, 1995)…

Từ bài thơ Bên kia sông Đuống với giọng thơ mang hơi hướng dân ca Kinh Bắc đa tình và đẹp đẽ, tới tập thơ Về Kinh Bắc, cái tôi trữ tình của Hoàng Cầm độc đáo ở chỗ thật nhiều nữ tính (mà lúc sinh thời ông tự nhận là cái tôi theo dòng mẫu hệ) ngày càng trở nên tinh chất và hoàn hảo: Chuông chiều cởi yếm / Chuông sớm đội khăn / Câu kinh tê tê mười ngón tay măng... / Gió vào trăm cửa / Gió ra hồng da trinh nữ (Đêm Thủy); Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng (Lá Diêu bông)... Ông cũng đã viết bài Theo dòng mẫu hệ:

Tôi theo dòng mẫu hệ
Cứ miên man lạc đường

“Miên man lạc đường” là cách Hoàng Cầm tự nói về những hệ lụy đời ông phải chịu; và để đỡ phải bình giải những bài thơ hay lạ lùng mà ông đã viết. Chẳng hạn bài Lá Diêu bông, làm sao bình giải được về cậu bé mười hai tuổi có mối tình với người chị tuổi đôi mươi? Người đọc nhiều thế hệ đã yêu thích Lá Diêu bông, bởi khi đọc nó, họ bị cuốn theo xúc cảm thăng hoa của tác giả mà nhập vào thiên tình sử kỳ lạ ấy:

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời…

…ới Diêu bông!

Phải là một tài năng thật đặc sắc mới có thể viết được thơ như vậy. Những hình tượng Mẹ, ChịEm trong thơ Hoàng Cầm vừa đa cảm, thiêng liêng, lại mang màu sắc huyền sử.

Xúc cảm thơ ông thường thăng hoa, đến mức có thể nói, mỹ cảm thơ Hoàng Cầm là sự hoà quyện cõi thực với cõi mơ: Em mười hai tuổi tìm theo Chị / Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa / Đi… / Ngày tháng lụi, tìm không thấy / Giải yếm lòng trai mải phất cờ (Quả vườn ổi); Ngày Chị bảo em đi / Tranh tố nữ long hồ gián nhấm… / thơ thẩn vách chiêm bao (Nước sông Thương)…

Không chỉ hoà quyện cõi thực với cõi mơ, mỹ cảm thơ Hoàng Cầm còn là sự hòa quyện cõi nay với cõi xưa: Tượng Quan Âm ửng má bồ quân (Đêm thủy); Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ / Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em (Cây tam cúc); Bé em về nằm khoanh lòng Mẹ / Nghe muôn nghìn năm sau / Xoa nắn đôi bầu vú lửa / Sông dài sóng đôi… / Hồng hoang hương ấm mấy chân trời (Nắng phù sa).

Thơ ấy đượm hơi hướng huyền sử, nhưng lại chất chứa những chuyện đời thân thương ở xứ Kinh Bắc. Nên thơ ấy có Hội Lim và khói Yên Thế, có cỏ Bồng Thi và mưa Thuận Thành… Lại có Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu / Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt (Hội vật); cũng có Lý lý ơi khát khô cháy họng / Tình tình ơi chớ động mành thưa (Theo đuổi); còn có những chiều Kinh Bắc / Chuông chùa nhuộm son (Quà mẹ); và có cả nỗi ngóng vọng thân thương của thi sĩ Hoàng Cầm Bao giờ Chị về / Tóc phủ vai Em chiều hương nhu / Bao giờ Mẹ về / Buộc yếm đào phai vỗ hát ru (Đợi mùa)…

Có nhiều, rất nhiều những chuyện người và tình đời trong một không gian văn hoá độc đáo xứ Kinh Bắc, mà Hoàng Cầm với những sáng tạo độc đáo, khiến nó sống lâu dài trong những bài thơ đẹp đẽ của ông!

Tháng 5/2010


Bài liên quan:
ANH CHI