Hát nhạc Trịnh vì tình yêu Việt Nam

Đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại phòng trà ATB vừa qua, ca sĩ Ánh Tuyết đã đem lại cho khán phòng một cảm nhận đặc biệt từ 3 giọng hát đặc biệt. Họ là những người bạn đến từ phương trời Tây, khác văn hóa, khác màu da, nhưng xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Bắt đầu từ những ca khúc da diết trữ tình Việt, họ tìm thấy tận sâu thẳm những tâm hồn Việt sự thuần khiết, lãng mạn và sâu sắc, ẩn chứa một triết lý nhân sinh...

Đến với nhạc Việt, nhất là đến với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cả hai chàng trai Kyo York và Lee Kirby đều cảm thấy như bước vào một thế giới huyền diệu của ca từ với những nét nhạc thâm trầm, cảm xúc... Họ đã đến đây và hát cho chúng ta nghe, bằng cảm xúc rất thật, bằng trái tim đầy ắp tình yêu Trịnh Công Sơn, dù người nhạc sĩ ấy họ chưa một lần được gặp mặt.
 
Kyo York - Hãy nghe tôi hát như một người Việt Nam hát

Sinh năm 1985, Kyo York đã từng học ở Đại học Marymount Manhattan, tốt nghiệp và làm việc tại Công ty Apple tại thành phố New York (Mỹ). Trong chuyến đào tạo kỹ năng giao tiếp trên tàu biển năm 2007 dành cho những sinh viên cuối khóa, Kyo đã đến Việt Nam trên một chiếc tàu cập bến cảng Nhà Rồng tại TP Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên, Kyo biết đến đất nước xinh đẹp này.

 

Nhạc của Trịnh đã vượt qua biên giới, đã lan tỏa khắp nơi, yêu ông không phải chỉ có khán giả Việt mà còn có rất nhiều tâm hồn đồng cảm cùng ông ở nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Đức, Anh, Mỹ...…
Việt Nam là một trong những điểm đến thú vị trong chuyến hành trình dài ngày trên biển qua nhiều quốc gia của Kyo cùng những người bạn thân thời đại học. Và cuối năm 2009, Kyo đã trở lại Việt Nam theo chương trình “Princeton in Asia” của Đại Học Princeton dạy tiếng Anh miễn phí ở Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang. Tình yêu Việt Nam mỗi ngày lớn hơn khi thầy giáo trẻ có mối tình với một cô gái miền Tây dịu dàng, cô cũng chính là người thầy dạy tiếng Việt cho anh.

 

Ca khúc đầu tiên anh tiếp xúc và mê đắm là bài Riêng một góc trời của Ngô Thụy Miên. Rồi từ đó, ca khúc Việt như có một ma lực với anh...…Và đến khi anh tìm đến với nhạc Trịnh, cũng là lúc anh cảm thấy mình như có một mối duyên tiền kiếp với đất nước này. Chỉ trong vòng chưa tới 2 năm, Kyo đã nói được tiếng Việt khá rành rẽ và phát âm rất chuẩn khi hát.

Khi hỏi vì sao anh học tiếng Việt nhanh đến thế, Kyo vẫn thường trả lời rằng, chắc có lẽ kiếp trước anh là người Việt Nam, vì thế anh đã vượt qua rào cản các âm sắc trầm bổng của tiếng Việt khá dễ dàng. Kyo tập một bài hát khá nhanh, chỉ cần 3 ngày là anh có thể hát được khá chuẩn một ca khúc. Nhưng chỉ chuẩn vẫn chưa đủ, với anh, khi hát nghĩa là chia sẻ cảm xúc cùng người nghe, anh phải hiểu nhiều tầng ý nghĩa của nó và lắng được tiếng nói tự tâm hồn người nghệ sĩ.

Anh mê nhạc Trịnh Công Sơn vì thích ý nghĩa tầng lớp trong từng câu chữ của nhạc Trịnh. Chia sẻ trên trang web cá nhân, Kyo viết: "Tôi không muốn khán giả nghe tôi hát chỉ vì tôi là người nước ngoài. Tôi muốn mọi người yêu mến tôi vì chính tiếng hát của tôi.Hát là một điều rất tự nhiên. Nó đến từ tâm hồn bạn. Đó là một ngôn ngữ quốc tế mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể cảm nhận được và hiểu được. Đối với tôi, hát đã giúp tôi thay đổi cuộc đời".

pic

Kyo York thả hồn vào Phôi pha

Và khán giả TP Hồ Chí Minh đã nghe Kyo hát hơn một năm qua ở các phòng trà ATB, Đồng Dao, Sax n’ Art Jazz club, Lio, Yesterday...…Giọng hát của anh ngày càng truyền cảm và trầm lắng. Anh đã hát Phôi pha, Hạ trắng, Rơi lệ ru người,song ca cùng ca sĩ Ánh Tuyết bài Ướt mi bằng cảmxúc của một người Việt Nam thật sự, và anh luôn luôn tự hào về điều đó. Kyo yêu Việt Nam, yêu các cô gái Việt dịu dàng, yêu món ăn Việt, yêu nền văn hóa Việt và xem nơi này như quê hương thứ hai của mình.…

Lee Kirby - Chàng Diễm xưa của xứ sương mù

Lee đặc biệt yêu nhạc Trịnh Công Sơn và bắt đầu đến với nhạc Việt bằng Diễm xưa, vì thế, anh còn có cái tên rất thơ do các bạn trẻ trên cộng đồng mạng đặt "Chàng Diễm xưa của xứ sương mù"...… Lee chia sẻ: "Thật là khó để hiểu hết âm nhạc và ngôn từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi đằng sau lời hát là nhiều tầng nghĩa. Tôi hiểu tiếng Việt, nhưng có lẽ phải mất cả đời để hiểu được đến tận cùng của cảm xúc Trịnh Công Sơn".

Với Diễm xưa, Lee đã khóc khi lần đầu tiên nghe một cô bạn hát cho mình nghe trên ngọn núi Bạch Mã. Xao xuyến với Đêm thấy ta là thác đổ, khi anh nghe album của Mỹ Tâm. Rồi Lời mẹ ru, Để gió cuốn đi, Nối vòng tay lớn... Ở bài hát nào cũng thấm đẫm tình cảm của Lee dành cho Việt Nam. Anh bảo anh yêu Hà Nội vô cùng; đến Việt Nam, gần như ngày nào anh cũng đi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Lee cực kỳ thích món ăn Việt Nam, nhất là phở và bánh cuốn...…

Lúc ở Hà Nội, Lee thường ôm đàn guitar dạo quanh phố cổ và ngồi lại ở một góc cạnh hồ Gươm, hát cho mọi người nghe. Còn ở TP Hồ Chí Minh, Lee hay ra công viên 23/9 và cà phê bệt ở Hàn Thuyên cùng ca hát và giao lưu với mọi người.

pic
Lee Kirby hát Diễm xưa ở phòng trà ATB

Đêm diễn ở phòng trà ATB, cùng với Kyo York, Lee Kirby đã mang đến cho người nghe cảm xúc tuyệt vời qua những ca từ rất đẹp của Trịnh. Anh tin rằng mình đang hát cho nhạc sĩ nghe, và Trịnh Công Sơn đang ngồi đây mỉm cười cùng những người bạn trẻ nước ngoài bằng đôi mắt rưng rưng cảm xúc.

Nhạc của Trịnh đã vượt qua biên giới, đã lan tỏa khắp nơi, yêu ông không phải chỉ có khán giả Việt mà còn có rất nhiều tâm hồn đồng cảm cùng ông ở nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Đức, Anh, Mỹ... Nói như Kyo, đó là thứ ngôn ngữ quốc tế mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Nhạc của Trịnh đã đến với từng trái tim người và sẽ còn mãi mãi sống với con người, nồng nàn như tình yêu ông dành cho cuộc đời này, như trái tim vẫn đập vĩnh hằng của ông ấm áp, yêu thương trong từng ca khúc...…

Richard Fuller - 40 năm hát nhạc Trịnh

Đến Việt Nam từ những năm 1969 với công việc của chàng kỹ sư canh nông theo đoàn chí nguyện quốc tế sang Việt Nam chuyên nghiên cứu các giống lúa chống rầy ở các tỉnh miền Trung. Năm 1970, Richard Fuller gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt và đó là lần đầu tiên ông nghe bài hát Diễm xưa của Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly. Cũng từ đó ông mê đắm nhạc Trịnh Công Sơn và cố gắng tập hát nhạc Trịnh. Nhưng trước khi hát được thì ông phải học cho được tiếng Việt, tình yêu Việt Nam đã bắt đầu từ những ca từ mà ông cố công tìm hiểu ý nghĩa của nó.

pic
Richard Fuller gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại TP. Hồ Chí Minh năm 1993

Ông từng tâm sự: "Tôi yêu nhạc Trịnh, và từ đó yêu Việt Nam, vì Trịnh Công Sơn là một người yêu nước mình, đau xót cho thân phận đồngbào trong chiến tranh. Tiếc là hồi ông Sơn còn sống, ông không hay giải thích ca từ của mình. Vì vậy, bây giờ, khi dịch ca khúc của ông sang tiếng Anh, tôi vô cùng bối rối vì mỗi câu đều có ba bốn lớp nghĩa khác nhau, mà dịch sang tiếng Anh thì phải chọn một nghĩa thôi, thật khó quá".

Năm 1971, Richard về Mỹ một thời gian, tham gia phong trào phản chiến đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1973, ông lại qua Việt Nam và trở về Mỹ trước giải phóng 2 tuần. Mãi 20 năm sau, ông mới quay trở lại và gặp Trịnh Công Sơn, nghe ông hát tại nhà riêng trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) với sự xúc động sâu xa. Richard nói dù ông chỉ là một kỹ sư canh nông, suốt đời đi khắp thế giới để nghiên cứu các giống lúa, nhưng cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã làm ông đau đớn như chính mình là người Việt, và không có nơi nào ông yêu như yêu Việt Nam. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi chốn trở về ở tuổi xế chiều trong một căn nhà nhỏ bên bờ kênh Nhiêu Lộc, và vẫn hát nhạc Trịnh như một nỗi đam mê suốt đời...…



pic
Lee Kirby và Kyo York hợp ca cùng Ánh Tuyết

Đêm nhạc ở phòng trà ATB khép lại bằng ca khúc Nối vòng tay lớn. Cả khán phòng đã vỗ tay và hát bằng tiếng hát của nhiều thế hệ. Trên sân khấu, những chàng trai cô gái trẻ của ban nhạc ATB cùng hai thế hệ người nước ngoài đang say sưa cất cao tiếng hát. Richard Fuller đã có tên Việt Nam là Trần Phong Phú khi ông quyết định sống ở Việt Nam. Nhìn họ, tự dưng tôi cảm thấy lòng rưng rưng khi chợt nhớ đến một số ca sĩ trẻ hiện nay bỗng dưng mang nghệ danh bằng tiếng Anh và một số bạn trẻ chỉ thích hát và nghe nhạc nước ngoài như một cách tạo cho mình đẳng cấp thời thượng...…

Sự đối nghịch này có đáng cho chúng ta phải suy nghĩ?

BÍCH CHÂU