Hạt thóc Hoành thành và phố cổ Hà Nội

Đoạn thành duy nhất còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long vừa được xới tung lên cả ngoài thực địa lẫn trên mặt báo thì đến việc những hạt thóc được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ ở Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) thuộc văn hóa Đồng Đậu, cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm bỗng dưng… nẩy mầm. Hai cuộc hội thảo cùng một chủ đề về bảo tồn phố cổ Hà Nội từ thực tế việc trùng tu trung tâm phố cổ Genova (Ý) vừa được tổ chức ở hai đầu đất nước. Những tiếng nói từ ngàn xưa đồng vọng càng cho thấy những giá trị lịch sử có vị trí nhất định trong đời sống hôm nay...

Các nhà khoa học trong nước đang tiến hành xác định niên đại của hạt thóc và dự định gửi mẫu sang nước ngoài giám định. Công việc khảo cổ ở Thành Dền vẫn tiếp tục và có thêm nhiều hạt thóc được tìm thấy ở đây cũng nẩy mầm.

Đoạn thành duy nhất còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long thời Lê, sau khi dư luận và giới chuyên môn lên tiếng, bây giờ công trình vẫn thi công nhưng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khảo cổ và ba hố khai quật đã được đào để tiến hành khảo cổ.

Hội thảo về bảo tồn phố cổ Hà Nội không biết là cuộc hội thảo thứ bao nhiêu, và Ý chỉ là một trong khoảng 20 nước, như: Úc, Pháp, Nhật... cùng xắn tay giúp Hà Nội bảo tồn phố cổ.

Ai cũng biết, cộng đồng dân cư đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hoá. Cuộc khảo cổ học ở Thành Dền do các nhà khảo cổ tiến hành và không ai khác, những người nông dân chân lấm tay bùn đào đất và sàng lọc các hiện vật. Hạt thóc bé tí, nếu không cần mẫn và có trách nhiệm thì dễ dàng bị bỏ lọt, dù có đến cả chục hạt thóc.


Những hạt thóc được cho là này mầm sau 3000 năm. Nguồn: Internet.

Sau khi những hạt thóc đầu tiên được tìm thấy và được dư luận quan tâm, họ càng có trách nhiệm hơn với từng mẫu vật ở Thành Dền và kết quả là thêm nhiều hạt thóc tương tự được tìm thấy.

Ở đoạn đường Hoàng Hoa Thám, các nhà khảo cổ đã có đề án với những đề xuất từ năm 2002. Còn người dân ở đó thì sao?

Những người mưu sinh gắn với mặt đường thì việc kéo dài thi công đoạn đường này bao nhiêu càng khiến họ thiệt hại bấy nhiêu về kinh tế và khó khăn trong sinh hoạt. Nên khi một Đài truyền hình hỏi người dân sống trên đoạn đường này thì họ đều ủng hộ phương án tiếp tục làm đường, mặc cho các nhà khảo cổ học hay báo chí lên tiếng...

Bảo tồn phố cổ Hà Nội rục rịch từ cách đây hơn vài chục năm và Điều lệ Quản lý phố cổ đã ban hành nhưng mới chỉ vài ba ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa theo hướng bảo tồn nguyên trạng. Còn lại hầu hết nhà đều xuống cấp và bị biến dạng hoàn toàn.

Có nhiều cái khó của việc bảo tồn phố cổ Hà Nội, trong đó yếu tố quan trọng là chế độ sở hữu nhà. Nhiều cuộc họp giữa chính quyền với cư dân phố cổ nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Rồi thực tế có bao nhiêu nhà cổ thuộc diện bảo tồn, xác định chính xác khu vực phố cổ gồm bao nhiêu ha?...

Tiếc thay trong nhiều cuộc hội thảo, đại diện của người dân phố cổ thường không được mời dự. Người ta vẫn cứ bàn cứ thảo trên giấy, trong khi tiếng nói của những người dân- những người đang sống trong phố cổ và họ gần như quyết định số phận của nhà cổ và phố cổ lại bị bỏ qua một cách đáng tiếc.


Khu vực khai quật tại hố khảo cổ Thành Dền. Nguồn: Internet.

Từ việc khảo cổ Thành Dền đến chuyện đoạn đường Hoàng Hoa Thám và hội thảo bảo tồn phố cổ Hà Nội càng cho thấy vai trò hết sức quan trọng của người dân sinh sống tại nơi có di sản. Khi tìm được tiếng nói đồng tình và ủng hộ của người dân thì những việc khó có thể được giải quyết.

Các nhà khoa học và giới chuyên môn đưa ra những lập luận và phân tích giá trị và ý nghĩa của hiện vật, của di tích, nhưng những điều này chưa đến được với dân thì di tích hay hiện vật càng khó được bảo vệ. Khi mà còn những ý kiến tranh cãi ngay trong chính những người làm chuyên môn hay bất đồng quan điểm giữa những người theo trường phái “bảo tồn” và những người lấy tiêu chí “phát triển” để đạt được mục đích thì bên nào có được tiếng nói và sự ủng hộ của nhân dân, bên đó sẽ… thắng.

Khảo cổ học nói riêng hay công cuộc bảo tồn di tích ở nước ta trong bối cảnh hiện nay càng cần phải dựa vào dân và hướng đến nhân dân. Phát triển nền khảo cổ học cộng đồng sẽ huy động sức lực toàn dân trong hoạt động khảo cổ như: phát hiện, khai quật, bảo vệ di tích, trưng bày và bảo quản hiện vật…

Khi trực tiếp tham gia và có sự trao đổi về kiến thức khảo cổ, người dân sẽ hiểu hơn về di tích, lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời thấy được giá trị của các di tích, hiện vật. Từ đó, người dân có ý thức giữ gìn chúng.

HOÀNG ĐĂNG