Sau khi bộ phim truyện Việt Nam Những đứa con thành phố được chiếu trên màn ảnh nhỏ vài ngày, tôi đến thăm anh Jean Moreau Dương Bá Lộc. Tôi nói “Chào bác sĩ”. Anh cười rất hóm rồi kể cho tôi nghe chuyện “một bà dân Nha Trang thấy tôi đóng vai bác sĩ Hubert trong phim, tưởng tôi là bác sĩ thật, bèn tìm đến nhà nhờ tôi chữa bệnh”!
Cuộc đời của anh đã gây không ít bất ngờ, ngạc nhiên cho rất nhiều người.

|
Ông Moreau và gia đình |
Đầu năm 1955, anh cùng đơn vị Trung đoàn 954 của tỉnh Phú Yên ra Bắc. Vừa mới lên chiếc tàu Ba Lan đậu ở cảng Quy Nhơn, anh được giấy gọi lên bờ để gặp “Ủy hội quốc tế giám sát và kiểm sát đình chiến” theo hiệp nghị Genève. Anh rất băn khoăn về lý do phải đi gặp Ủy hội quốc tế trong hoàn cảnh rất không bình thường. Nhưng rồi sự mẫn cảm chính trị khiến anh đoán rất chính xác là có “ai đó” thấy anh đúng là một “ông Tây”, đã mách với Ủy hội quốc tế rằng anh là một tù binh Pháp bị Việt Minh đưa ra Bắc, không trao trả cho phía Pháp theo đúng hiệp nghị Genève.
Tại cuộc gặp, trước câu hỏi bằng tiếng Pháp của ông chủ tịch ủy hội – một sĩ quan Ấn Độ, anh không trả lời. Người ta đã phải dịch sang tiếng Việt:
- Ông là người nước nào?
- Tôi là người Việt Nam.
- Nhưng rõ ràng ông là người da trắng.
- Đúng, tôi gốc Âu, sinh ra ở Việt Nam.
- Ông có thể cho tôi biết ông là người nước nào ở châu Âu?
- Tôi không rõ.
- Ngoài tiếng Việt, ông còn biết tiếng nước nào nữa không?
Để khỏi mất thì giờ vì những câu hỏi vặn vẹo vô bổ, anh trả lời “Không” và nhấn mạnh mình là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang trên đường tập kết ra miền Bắc.
Biết là đã nhầm to, không thể khai thác được gì ở người sĩ quan này, Ủy hội quốc tế đã kết thúc cuộc “điều tra, thẩm vấn” ngắn ngủi tẽn tò!
Dương Bá Lộc sinh ngày 27/12/1925 tại Sông Cầu - tỉnh lỵ Phú Yên thời bấy giờ. Tên khai sinh là Jean Moreau. Là cháu năm đời của vị tướng tài hàng đầu của nước Pháp cuối thế kỷ XVIII – Jean Victor Marie Moreau, đã từng đánh bại quân Áo ở Hohenlinden (Đức) năm 1800; vì chống đối hoàng đế Napoléon nên ông bị trục xuất sang Mỹ năm 1804. Cha anh là Martial Moreau, viên chức thương chính (hải quan) ở Phú Yên. Mẹ là Paulette de Giovani, người Pháp gốc Ý lai Việt. Thuở nhỏ anh được thầy giáo Võ Khắc Kiệm làm gia sư dạy cả chữ Pháp, chữ Việt và chữ Nho. Sau tiếp tục học lên ở Quy Nhơn. Năm 17 tuổi, anh đang học bậc tú tài ở Huế thì ông cụ thân sinh qua đời. Người anh cả về Pháp từ nhỏ. Anh phải trở về thôn Hòa Lợi - xã Xuân Cảnh - huyện Đồng Xuân - tỉnh Phú Yên để giúp đỡ mẹ chăm sóc vườn tược, gia súc, thu hoạch mùa màng.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, anh phải chạy trốn sự khủng bố của phát xít Nhật, lênh đênh trên vùng biển Phú Yên, lao động cật lực để kiếm sống, với sự giúp đỡ tận tình của bà con làng xóm. Hồi tưởng lại thời kỳ này, anh nói: “Thân phận tôi giống như một câu thơ của Tố Hữu: Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”.
Tháng 5/1945, gia đình làm giấy tờ nhập quốc tịch “An Nam” để tiện việc làm ăn. Bà cụ thân sinh đổi tên là Dương Thị Lệt. Anh lấy tên là Dương Bá Lộc.
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, anh tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở xã. Đang vui mừng như mở cờ trong bụng thì bỗng nhiên anh bị bắt tập trung ở huyện vì là “Tây”. Rất may sự cố không kéo dài. Anh được thầy Võ Khắc Kiệm bảo lãnh, được tuyển vào làm công tác ở Ủy ban Việt Minh huyện Đồng Xuân, làm trọn mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong đợt vận động quyên góp “Tuần lễ vàng” và bầu cử Quốc hội lần đầu tháng 1/1946, anh công tác có kết quả xuất sắc. Anh đến đâu là bà con tập hợp rất đông, hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều người thấy một thanh niên “Tây” mà lại vận động công tác cách mạng Việt Nam rất hăng hái cho nên càng thương yêu quý mến anh.
Cách mạng tháng Tám vừa thành công, thực dân Pháp lại đem quân xâm lược nước ta lần thứ hai. Anh kiên quyết đứng về phía nhân dân Việt Nam chống xâm lược, làm mọi công tác ở địa phương, bất chấp khó khăn. Không may, anh bị bệnh nặng phải chữa trị mất nhiều tháng. Lành bệnh, được cử làm thư ký thôn đội dân quân.
Không bao lâu, cơ quan tình báo Khu 6 được thành lập, đã “phát hiện” ra anh, tuyển anh và người em rể là Phạm Duy Trinh vào ngành tình báo và đưa vào hoạt động trong thành phố Nha Trang, nơi đóng cơ quan đầu não của thực dân xâm lược Pháp ở Nam Trung Kỳ. Anh biết rõ vào sào huyệt địch như cá trong chậu, ra đi không hẹn ngày về. Nhưng đây là lần thử thách đầu tiên lòng trung thành đối với tổ quốc thứ hai là Việt Nam mà anh quyết tâm theo đuổi, chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do cho Việt Nam. Đó là chính nghĩa sáng ngời. Phải tuyệt đối giữ bí mật ngay cả đối với gia đình trong sứ mệnh cực kỳ hiểm nguy này. Anh phải đóng vai một người “đầu hàng”, “dinh tê”!
Che được mắt địch, Lộc cùng với em rể được Pháp sắp xếp vào làm ở Sở bồi thường chiến tranh Nha Trang, là “viên chức Tây” – cái vỏ bọc tiện lợi ấy tạo điều kiện cho anh hoạt động, thu thập được nhiều tin tức có giá trị cho tổ chức.
Gần một năm hoạt động, đường dây liên lạc có dấu hiệu bị lộ. Địch nghi ngờ bắt Lộc và Trinh. Bị thẩm vấn nhiều lần, các anh đã phủ định mọi chứng cứ do địch đưa ra. Nhưng cơ quan điều tra vẫn chuyển hồ sơ qua tòa án để xét xử. Vì Lộc là người Pháp, còn Trinh là “con rể Pháp”, cho nên địch cũng nhẹ tay, chỉ mong các anh “hối cải”.
Viên chánh án, người Pháp gốc Ý, ra sức thuyết phục Jean Moreau. Hắn nói: “Tôi biết gia đình ông ngoại Giovani của anh. Dẫu anh có theo Việt Minh, tôi cũng không xử tội, vì đưa ra xử anh chỉ gây thanh thế cho Việt Minh mà thôi”. Hắn khuyên anh về Pháp và muốn làm cộng sản thì vào Đảng Cộng sản Pháp, anh sẽ được cấp giấy phép cho về cố quốc. Nguy cơ bị trục xuất về Pháp là khó tránh khỏi. Hai anh đã nhanh chóng thoát ra khỏi Nha Trang, trở về vùng tự do Phú Yên.
Lộc được kết nạp vào Đảng, được phân công về Trung đoàn 84, làm phó ban quân báo, phụ trách nắm tình hình địch ở Nam Tây Nguyên. Năm 1953, anh bị ốm nặng phải nằm Viện quân y và về sau trở về nhà để có điều kiện phục hồi sức khỏe. Rời quân ngũ, anh buồn tê tái. Về địa phương anh được bầu vào Chi ủy, phụ trách tuyên huấn, thuế nông nghiệp.
Ngày 20/1/1954, giặc Pháp đánh chiếm thị xã Tuy Hòa. Dương Bá Lộc được điều về quân đội, làm cán bộ tham mưu cho đến ngày có hiệp nghị Genève. Anh tập kết ra Bắc với cấp bậc đại đội trưởng, sau được phong quân hàm trung úy, phụ trách một đại đội an dưỡng, trợ lý văn hóa trung đoàn. Năm 1960 được đi học khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mãn khóa, về Quân khu 3, làm trợ lý văn hóa, dạy học cho bộ đội, viết tin bài cho tờ báo của Quân khu. Những ngày máy bay Mỹ ném bom, anh có mặt ở tuyến lửa Hàm Rồng, viết các bài nóng hổi tính chiến đấu: Hàm Rồng nổi lửa, Sông Mã chiến thắng, Phi công Mỹ lạy, Phi công Mỹ khóc…
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh chuyển sang ngành giáo dục, về Phú Khánh, tham gia xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, làm trưởng khoa chính trị của trường. Anh vừa dạy chính trị cho sinh viên vừa đi giảng chủ nghĩa Mác - Lênin ở trường Đảng của tỉnh. Nhiều học viên rất ngạc nhiên về “ông thầy Tây” dạy chủ nghĩa Mác bằng tiếng Việt rất lưu loát.
Sau bao năm vào sinh ra tử, anh về nghỉ hưu ở phường Phước Tiến - Nha Trang, làm ủy viên Đảng ủy phường hai khóa. Đời sống vất vả, vừa công tác vừa tranh thủ thì giờ trồng rau, nuôi lợn để có thêm thu nhập. Sức khỏe giảm sút tưởng chừng không thể vượt qua tuổi “xưa nay hiếm”.
Lúc đang tại ngũ ở miền Bắc, cũng như khi nghỉ hưu ở Nha Trang, là người gốc Pháp, anh được các đạo diễn phim mời đóng các vai Pháp, vai Mỹ trong nhiều bộ phim truyện, không cần phải hóa trang. Anh nói vui: “Đời tôi chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng là chết, chết đau đớn trên phim bởi lẽ tôi là ‘sĩ quan xâm lược’. Đó là đại úy Pháp trong phim Hai người mẹ, trung úy Mỹ trong Lửa, đại úy Mỹ trong Rừng xà nu, đại tá tình báo Mỹ trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, tướng Mỹ trong Chỉ một người còn sống. Chỉ có bác sĩ Hubert là được hoan hô và mời chữa bệnh!”.
Nhiều năm ông là chiếc cầu nối trong giao lưu giữa các vị khách Pháp và Việt Nam ở tỉnh Khánh Hòa. Ông đã giúp cho sinh viên Pháp đến Nha Trang học tập, nghiên cứu về thành phố này.
Nhân một lần đến thăm ông, một vị đại sứ Pháp ở Việt Nam ngỏ ý giúp ông nhập lại quốc tịch Pháp – mà vẫn cứ sống ở Việt Nam, để được hưởng khoản trợ cấp “người Pháp ở xa tổ quốc”. Ông cảm ơn và từ chối: “Tôi sống như những người Việt Nam ở chung quanh là tốt rồi!”.
Sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, cho đến tuổi 65 (năm 1990) ông mới có điều kiện trở về quê cha. Chuyến đi Pháp đầu tiên ấy đúng vào lúc các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Là một đảng viên cộng sản, ông rất đau buồn. Anh chị em ruột, bà con ở Pháp, ai cũng khuyên ông ở lại Pháp rồi sẽ sắp xếp cho vợ con ông sang sau. Ông đã khước từ và kiên quyết trở về Việt Nam đúng thời hạn đã ghi trong giấy xuất nhập cảnh, không trễ một ngày.
Trong câu chuyện thân tình, người anh cả Henri Moreau hỏi ông: “Tại sao chú theo Việt Minh chống Pháp?”. Đó cũng là câu hỏi mà nhiều người Pháp đặt ra với ông. Ông đã giải trình cặn kẽ: Việt Minh giành chính quyền từ tay Nhật, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, được toàn dân ủng hộ. Chính phủ Pháp lại đem quân xâm lược Việt Nam lần nữa. Đó là việc làm phi nghĩa. Em sinh ra, lớn lên, được sự đùm bọc của người Việt Nam cho nên em đứng trong hàng ngũ Việt Nam chiến đấu cho chính nghĩa, giữ độc lập tự do cho Việt Nam cũng là cho chính mình. Em chống lại chính sách xâm lược của chính phủ Pháp chứ không chống lại nước Pháp, nhân dân Pháp.
Người anh hiểu rõ ông hơn, càng thương ông, quý ông nhưng vẫn thuyết phục ông ở lại nước Pháp. Ông Henri nói: “Tôi muốn chú ở lại Pháp không phải là buộc chú từ bỏ lý tưởng mà chú theo đuổi suốt cả cuộc đời. Tôi sợ tình hình Việt Nam sẽ diễn biến như ở Đông Âu, chú khổ”. Ông đã phân tích cho người anh rõ là Việt Nam không giống Đông Âu. Cuối cùng người anh nói: “Chú có lý. Thôi chú cứ về lại Việt Nam”.
Nửa thế kỷ chiến đấu cho độc lập, tự do, người chiến sĩ cộng sản Dương Bá Lộc đã trải qua nhiều gian lao vất vả, kể cả những lúc bị dằn vặt về tinh thần, nhưng ông không hề than phiền, thắc mắc, suy bì đãi ngộ, vẫn một lòng một dạ vì nhân dân, đất nước mà phục vụ tận tình, làm tròn trách nhiệm của đảng viên, công dân. Về những khó khăn trong công tác, trong đối xử do khuyết điểm của người khác gây ra, ông vẫn cố gắng vượt qua, không để sai lầm của người khác ảnh hưởng đến phẩm chất của mình.
Từ khi về nghỉ hưu đến tuổi ngoài 70, ông đã đảm đương rất nhiều nhiệm vụ: Đảng ủy viên phường, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng ban Việt kiều tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Pháp ngữ Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội ái mộ nhà bác học Yersin…
Ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng nhất, ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục…
Ông có nhiều bạn bè trong và ngoài Việt Nam. Rất nhiều người Pháp đến Việt Nam đã tìm gặp ông. Họ là những nhà ngoại giao, nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học, người kinh doanh, khách du lịch… Họ rất ngạc nhiên về quá khứ hào hùng, sự kiên định lập trường cách mạng, yêu nước, yêu nhân dân của ông. Càng tiếp xúc nhiều với ông, người ta càng có cảm tình, mến mộ ông. Năm ông ngoài 70 tuổi, một phụ nữ Pháp cùng tuổi với ông, bà Marie Gasmine, được biết ông qua báo chí Pháp, đã từ Paris, viết thư bày tỏ cảm tình nồng nàn với ông. Bà viết: “Thời kỳ ông ở Phú Yên thì tôi ở Quảng Yên, Hòn Gai. Nếu lúc đó, tôi biết và có quan hệ với ông, ắt tôi yêu ông và – biết đâu thành vợ thành chồng”. Bà đã gửi tặng ông 2.000 đồng tiền Pháp.
Ông qua đời ngày 19/4/2004 tại Nha Trang, hưởng thọ 79 tuổi. Đông đảo cán bộ, nhân dân Nha Trang vô cùng xúc động thương tiếc. Hàng trăm người đi xe đạp, xe máy tiễn đưa linh cữu ông đến tận nghĩa trang.