Đây là chồng đi đón vợ, chắc vào cái khoảng thời gian “Em đi xe tháng” (tên một bài thơ khác). Dáng thế, bước thế, trách nào “Đi về hai buổi nghĩ anh thương”. Anh không thương suông mà “Chân em có buốt về anh ủ / Chân nhẹ thầm như chân ý nhi”. Ý nhi là én. Én này chỉ một con thôi đủ nên xuân vĩnh cửu.
“(…) / Mới gần đã lại cách xa! / Giá anh nuốt được thân ngà em yêu! / Trong anh mỗi sáng mỗi chiều / Có em, anh được thương nhiều em thương”(“Yêu nhau nhớ mấy cho vừa”). Người ta hay nói “thương để bụng”. Đây là thương muốn... bỏ vô bụng. “Anh” muốn cả “thân”, chứ không bằng lòng với chỉ hồn em đâu nhé, y như người bạn tâm giao của anh khi yêu cũng không chịu ôm ấp “bâng quơ cái hồn” mà đòi trọn “thân hình sáng trong”! (Xuân Diệu, bài “Thân em”).
“Vườn hồng anh thăm sau mưa / Mười phần vườn có xác xơ một vài / Cánh hồng vẫn đẹp trên gai / Hoa ôm mặt đất, hoa cài tường bên / Lối hồng lững thững vắng em / Nghìn hoa đẹp, một mình xem cũng buồn / (...)” (“Vườn hồng sau mưa”). Có khi chỉ một con én làm nên mùa xuân, có khi nghìn hồng “hoa chíu hạt mưa xuân đầm” đẹp long lanh mà làm không nên nổi một niềm vui nhỏ cho ai.(TĐ)
“Tóc em toả xuống mặt anh / Như mưa xuống tự trời xanh mát rờn / Tay em ngón ngón phím thon / Đàn lên da thịt bồn chồn tháng năm / Nhớ em khi đứng khi nằm / Thẹn thùng dáng sống in thầm chiêm bao / Trời xanh thăm thẳm đôi sao / Dặm trường ánh biếc soi vào đời anh” (“Tóc em tỏa xuống”). Người thon, ngón tay cũng thon. “Anh” “đàn lên” ngón tay “em”? mà sao lại “bồn chồn”? Có phải vì lo sợ năm tháng mau qua, chóng hết được “đàn”? Gần thì “mưa xuống” cho tha hồ mát. Đi đâu xa thì có “đôi sao” đêm đêm “ánh biếc…”. “Đời anh” nhất đấy, “anh” ơi.
“Mấy ngày không gọi cho em / Tưởng chừng năm tháng nằm im bấy chầy / Nhớ cuồng lại gọi em đây / Chờ em ra, đợi đầu dây bồn chồn / Cứ chi chớp bể mưa nguồn / Nắng vàng, gió nhẹ cũng buồn tương tư / Tiếng đầu dây thực hay hư? / Nửa bên tai, lại nửa từ xa xăm / Giọng em khe khẽ, trầm trầm / Anh nghe quen, tưởng nghe thầm trong anh / Bao ngày một thoáng vút nhanh / Vắng em năm tháng cũng thành chiêm bao” (“Gọi điện thoại”). “Anh” có ở tù đâu mà “nhất nhật (…) thiên thu” thế này! Lại “bồn chồn”. Thì người có cái gì thật quý vẫn hay lo sợ vu vơ, và chúa trách oan ngoại cảnh. “Tiếng đầu dây” dĩ nhiên là thực, thế mà: Tiếng ngoài nghe ngỡ tiếng trong / Bởi em xa vẫn giữa lòng anh đây! / Giọng trầm khe khẽ đầu dây / Bao giờ mày lại cọ mày, hỡi em!
“Anh viết bài thơ giữa ánh khuya / Cỏ cây yên ngủ. Gió xa về / Anh nhìn em ngủ hiu hiu nhẹ / Như bóng vườn trưa xanh tiếng ve. / Biển lặng em nằm trong gió êm / Anh là bóng thức của hồn em / Ngoài kia sao cũng từng đôi sáng / Từng cặp nhân vàng trong trái đêm. / Bát ngát lòng anh giữa trái đời / Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi / Gió khuya nào biết xuân, hè nữa? / Em mộng điều chi, miệng thoảng cười” (“Anh viết bài thơ”). “Anh” vẫn thường ngủ muộn để “ca vũ trụ”. Từ ngày có em, “giữa ánh khuya”, khi “anh” ngước lên xa thẳm khi lại cúi xuống ngay bên mình, khiến thơ thi thoảng vừa ca sao vừa ca em… Đâu phải sao nào cũng có đôi / Trời khuya lấp lánh lẻ loi thôi / Sao đơn trông xuống hồn hai bóng / Chúc “cặp nhân” kia mãi chẳng rời!
“Đem con sơ tán nơi xa / Lo con ăn học: mẹ cha bồn chồn / Về nhà công tác, vắng con / Vợ chồng như vợ chồng son ngày nào / Khi ăn uống, lúc ra vào / Nói năng em chỉ thì thào đủ nghe / Chờ nhau trưa tối đi về / Cũng nghe nhớ nhớ, mình e thẹn mình / Đôi chim dậy sớm trên cành / Chim cùng trực chiến nội thành đó ư? / Trời xanh xanh chói tháng tư / Tiếng chim thánh thót bốn bờ trời xanh / Chờ em, anh nấu xoong canh / Đổi mì về nữa là thành bữa cơm / Vợ chồng như vợ chồng son / Dẫu hoa râm tóc, mãi còn hồn xuân” (“Những ngày con sơ tán”, 1972). Sơ tán nhiều hoàn cảnh. Đây “tán” chỉ con thôi, khiến vợ chồng lấy nhau tám năm rồi bỗng “son” trở lại. “Tái son” có “tái” hơn son một chút. Thì yêu hóa thương, tình hóa nghĩa, thời gian làm quan hệ trầm đi. Ấy vậy nhưng bây giờ vắng nhau có một buổi thôi mà “cũng nghe nhớ nhớ”… “Đôi chim” này không chịu ra khỏi mùa xuân riêng của đời mình.
“Viết một bài thơ để tặng em / Đêm khuya cho mượn gió bên thềm / Trăng khuya cho mượn gương treo cửa / Tình tứ hoàng lan hương chín thêm / Ngày sống bên nhau vẫn nhớ nhau / Tương tư đâu chỉ buổi ban đầu / Tương tư nào chỉ khi xa cách / Nỗi nhớ nằm trong nỗi ước ao / Thấm thoát mười năm em với anh / Một trưa tháng bảy gió xao cành / Anh như ngọn gió từ xa tới / Em tựa dòng sông man mác xanh / Là gió là sông đã một rồi / Từ đây nỗi nhớ đã thành đôi / Dợn dòng năm tháng, sông trong gió / Nỗi nhớ nuôi ta với khí trời / Em nhỉ, mười năm: hơn bốn năm / Chiến tranh, sơ tán - nhớ đêm nằm / Nhớ ngày công tác - con xa mẹ / Nỗi nhớ thành ba bếp phải chăm / Nhớ những đêm xa em cố về / Với anh - Hà Nội - dưới hầm che / Thức cùng thành phố trong bom dội / Sáng sớm lên đường - lại nhắn nhe / Anh thức làm thơ để tặng em / Mẹ con một cụm giấc êm đềm / Tình em gốc cội cho anh tựa / Sương đọng bình minh đọng trước thềm” (“Viết một bài thơ”). Hoàng lan nở rộ khoảng tháng 11, 12. Hà Nội khuya, dưới trăng treo cửa, trong hương chín của hoa, một “ngọn gió” ngồi “viết một bài thơ” tặng một “dòng sông”. Gió sông đã một lâu rồi nhưng “vẫn nhớ nhau” ngay cả khi “bên nhau”, nói chi những khi bị binh lửa làm tạm xa cách. Nhớ quá, những đêm “sông” cố về Hà Nội để vào hầm với “gió” cùng nghe bom dội… Mười năm, như mới hôm qua.
“Khi anh xin cưới, mẹ em rằng: / “Thu nó hiền thôi, ít nói năng” / Tự đó hai sông hoà một biển / Nước liền với nước gắn bằng trăng / Từ đó lòng anh cứ lắng nghe / Lời im trong mỗi bước em về / Lời thầm trong mỗi câu em nói / Trong mỗi làn tay em vuốt ve / Khi anh mệt nhọc, khi anh đau / Công việc anh lo, lửa nóng đầu / Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt / Tình em ôm toả tựa hương ngâu / Em hỡi, đời ai chẳng nửa thầm / Lặng yên mới có được vang âm / Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng / Vạn suối lòng anh chảy trở trăn / Rồi một ngày kia anh với em / Nằm luôn lòng đất giấc im lìm / - Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng / Hoa lá hồn em trong lặng im” (“Hỡi em - yên - lặng”, bệnh viện Việt - Xô, 12-1974). Với tai biết nghe, sự yên lặng vang rõ và bền. Tai ấy một mai thành nắm bụi vẫn cứ còn nghe được những “lời thầm trong mỗi câu” mà một nắm bụi khác “nói”! “Anh” nghĩ xa xôi bởi đang lâm trọng bệnh, phải nằm viện. Độ một tháng sau, “anh” vẫn còn nằm viện, “đôi khi (tưởng) cái chết đến gần”. Tưởng thế, nhưng “anh” không buông xuôi mà bởi “thấy đời đẹp quá, yêu em quá” bèn “lại bừng say, lại viết thơ” (bài “Vào bệnh viện”). Tình yêu này đã chứng tỏ xứng đáng với kỳ vọng hết sức cao của “cái thủa ban đầu (cực kỳ) lưu luyến ấy”.(TL)
Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa mới nhất 11-2022
__________
HC-1: Báo Người Việt (California, Mỹ), số Xuân 2010.
HC-2: Hồi ký song đôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2002-2003.
HC-3: Báo Văn Nghệ, phụ trang Thơ, tháng 3-2005.
HDz: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề / Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở” (bài “Ngập ngừng”).
TĐ: Tản Đà: “Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm”, trong bản dịch “Trường hận ca”.
TL: Thế Lữ, trong bài thơ “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật”.
XD-1: Bài thơ “Biển”.
XD-2: Bài thơ “Xa cách”.