Hội nghị Trung ương VII vừa kết thúc, ra Nghị quyết về 3 vấn đề quan trọng: 1) Công tác cán bộ chiến lược; 2) Tiền lương; 3) Bảo hiểm xã hội. Về vấn đề đầu, Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền. Vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra rất gay gắt vì nếu không kiểm soát được quyền lực thì quyền lực rất dễ tha hóa, biến chất, tác hại khôn lường. Trong Đảng thời Bác Hồ, chống Pháp chống Mỹ, không có hiện tượng chạy chức chạy quyền đã đành, mà còn có chuyện có đồng chí được đề cử vào Trung ương nhưng từ chối (như đồng chí Trương Quang Giao, Liên khu ủy V, xin từ chối đề cử vì “sợ ảnh hưởng đến trí tuệ của Trung ương”). Còn ngày nay thì dư luận xã hội đàm tiếu quanh việc chạy chức chạy quyền rất nhiều, chạy từ trên xuống dưới, cái gì cũng cần có tiền. Có chuyện vui: để một ông Bộ trưởng ký một quyết định nhân sự phải qua Vụ tổ chức và phải lót tay cho ông Vụ trưởng một con “ngan nằm” (tức 5.000… USD). Đừng nói chạy chức to, chạy được một việc làm bình thường như giáo viên mầm non mẫu giáo cũng phải tốn hàng trăm triệu. Đồng tiền chen ngang vào tất cả mọi quan hệ. Cho nên thực hiện việc chống chạy chức chạy quyền và thực hiện nghiêm, triệt để thì lòng dân mới yên, cán bộ mới được kính trọng, mới làm được việc.
Hội nghị Trung ương lần này kết quả mỹ mãn. Theo ý nhiều người, nếu Trung ương có điều kiện thì họp bàn, ra nghị quyết về công tác tư tưởng chính trị, về công cuộc giáo dục văn hóa khoa học là những vấn đề quan trọng cấp bách. Đây là những vấn đề cần nhiều đến trí tuệ, tâm huyết của Trung ương. Nghị quyết kể thì cũng có nhiều rồi nhưng cũng có rất nhiều vấn đề mới cần bàn, cần đi sâu phân tích và nhất là cần thực hiện khẩn trương, hiệu quả.
Vấn đề chống tham nhũng đang nóng lên qua nhiều vụ việc nghiêm trọng được phơi bày và xử lý. Như vụ Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một trường hợp điển hình đang được Trung ương và Thành ủy xử lý một cách rốt ráo. Chắc là trong thời gian tới sẽ có kết quả. Liên quan đến vấn đề đất thì việc xử lý rốt ráo nhất vẫn phải là việc sửa Luật đất đai. Trước đây, trên nhiều số Hồn Việt chúng tôi đã đề nghị xem lại khái niệm sở hữu toàn dân và đề nghị có thêm phạm trù sở hữu tư nhân. Một là nó tương thích với kinh tế thị trường, hai là nó đúng với thực tế lịch sử. Có những mảnh đất do cha ông người ta khai khẩn, có giấy tờ chứng nhận từ thời nhà Nguyễn thì phải xét để cho người ta có quyền sở hữu. Khi nào Nhà nước cần lấy để phục vụ kinh tế, đầu tư thì thương lượng theo giá thị trường (còn an ninh quốc phòng thì có lẽ đơn giản hơn). Đó cũng là thực hiện quy luật giá trị của kinh tế thị trường. Nếu chỉ quy định tất cả đất đai do Nhà nước quản lý và trong điều luật 62 của Luật đất đai như nhà báo Hoàng Hải Vân phát hiện, quy định việc Nhà nước thu hồi đất cho các mục đích kinh tế thì đó sẽ là điều khoản mở đường cho tham nhũng từ đất đai. Thực tế là lâu nay tham nhũng lớn vẫn là từ đất đai. Lấy đất của dân theo giá rẻ mạt, liên kết với các doanh nghiệp làm dự án trong nước ngoài nước, bán với giá cao, tiền không vào ngân sách mà vào túi của cả hai bên. Đó là dạng tham nhũng kinh hoàng nhất vì nó làm người dân khốn đốn. “Đất ơi! Người ăn gì mà quá khát. Sao uống nhiều nước mắt máu tươi” (Sandoz Petofi). Câu thơ đó vẫn cứ lởn vởn trong tâm trí chúng tôi khi các vụ án về đất đai xảy ra từ thôn quê, “thôn cùng xóm vắng” (chữ của Nguyễn Trãi) đến đô thị.
.jpg)
Dân Thủ Thiêm bày tỏ sự bức xúc tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc
hội, tháng 5-2018
Chính phủ đang hết sức nỗ lực để đổi mới toàn diện nền kinh tế, khẩn trương giải quyết những khó khăn xuất hiện liên tục trên con đường đi tới như nạn sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, sự trì trệ khi ta phải vươn mạnh lên đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các tổ chức ngân hàng, kinh tế thế giới đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhưng chúng tôi trộm nghĩ rằng, GDP là quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Khi Tổng thống V. Putin nhậm chức, ông ta trước tiên hứa cải tiến giáo dục, y tế. Dĩ nhiên, đối với nước Nga hiện giờ, kinh tế, quốc phòng an ninh là khẩn thiết nhưng giáo dục Nga bây giờ đã tụt hậu so với những năm 60 thời Xô viết, tụt hậu về khoa học và sau đại học (tiến sĩ). Điều đó uy hiếp sức mạnh Nga. Ta cũng vậy thôi. Nếu không nâng được giáo dục, văn hóa, khoa học lên một mức “coi được” thì trong trung hạn, dài hạn đất nước ta sẽ ra sao. Sẽ tiếp tục tụt hậu mà chẳng ai thèm nể trọng chúng ta, dù vị thế quốc tế của ta được nâng lên rõ rệt về kinh tế, chính trị. Giáo dục, văn hóa, khoa học… là những vấn đề cực lớn và cực khó, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Nhưng khởi nguyên của mọi sự là hành động. Chừng nào chưa có sự chuyển biến cụ thể rõ nét mà cứ dẫm chân tại chỗ thì chừng đó đất nước chưa yên.
Cả thế giới nhìn vào, chờ đợi cuộc gặp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong Un ở Singapore vào ngày 12-6 sắp tới. Điều gì sẽ xảy ra, điều gì sẽ được thỏa thuận? Dư luận vẫn còn đoán già đoán non và ý kiến phân tán. Tuy nhiên, điều thấy rõ nhất là triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đã sáng rõ hơn trước rất nhiều. Ông Kim Jong Un thực hiện những bước đi hòa dịu với Hàn Quốc, gặp tổng thống nước này vừa qua, cam kết phi hạt nhân hóa, trước mắt là xóa bỏ các bãi thử hạt nhân. Ông ta cử đoàn thể thao đến Olympic Hàn Quốc và Hàn Quốc cử đoàn nghệ thuật biểu diễn K-pop đến Bình Nhưỡng. K-pop là sức mạnh mềm của Hàn Quốc, được trình diễn và được hoan nghênh ở Bình Nhưỡng với sự có mặt của vợ chồng ông Kim Jong Un. Rồi chỉnh giờ đồng hồ cho khớp với Hàn Quốc, rồi mở đường bay tới Hàn Quốc, rồi thả 3 người Mỹ bị bắt… Bao nhiêu chuyện đó diễn ra dồn dập trên bán đảo nóng bỏng này. Ông Kim Jong Un lại thực hiện hai chuyến thăm Trung Quốc, liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5 mới đây; ở đó ông được ông Tập Cận Bình tiếp đón, trao đổi. Trung Quốc vẫn là chỗ dựa của Kim Jong Un khi bước vào đàm phán với Trump, không thể khác. Vì Trung Quốc là nơi giao dịch thương mại kinh tế lớn nhất với Triều Tiên. Tuy mấy năm gần đây giữa hai bên có xích mích, nhưng nay ông Kim Jong Un kịp thời điều chỉnh và tỏ ra rất khiêm nhường. Gặp D. Trump lần này, liệu ông Kim Jong Un có chịu cam kết phi hạt nhân hóa triệt để, có kiểm soát như Mỹ muốn không? Và ông có đạt được việc Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho đất nước và chế độ của ông không? Xem ra là rất có triển vọng tuy Triều Tiên vẫn muốn phi hạt nhân theo một lộ trình nhất định chứ không phải vụt một cái vũ khí hạt nhân và tên lửa biến mất. D. Trump tuyên bố nếu Triều Tiên chịu phi hạt nhân hóa thì Mỹ sẽ viện trợ kinh tế. Đó có lẽ cũng là điều mong mỏi của ông Kim vì sắp tới đây ông ta sẽ phải đưa Triều Tiên phát triển kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam chúng ta sẽ là thích hợp để Triều Tiên tham khảo thực hiện. Điều ông Kim quan tâm có lẽ là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chế độ. Mỹ cũng hứa là sẽ không lật đổ chế độ Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên (ông Kim Jong Un)
và Mỹ (ông Donald Trump) tại Singapore liệu có sẽ diễn
ra?
Ông D. Trump vẫn tiếp tục “chơi ngông” như rút ra khỏi hiệp ước giữa Mỹ và các bên với Iran về vũ khí hạt nhân. Những quyết định bất thường này rồi sẽ ảnh hưởng đến nhiều bên kể cả Mỹ. Nhưng thế giới vốn không yên. Việt Nam ta cũng đang đối diện với vấn đề Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự ở các đá như Subi, Chữ Thập… mà Trung Quốc bá chiếm và tôn tạo, rồi đưa tên lửa, máy bay ra đó ngày càng nhiều, uy hiếp an ninh trên biển, thực hiện giấc mộng bá chiếm biển Đông. Vì an ninh hàng hải hàng không trên biển Đông, tất cả các nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, EU… đều phải có biện pháp xử lý vụ việc này. Còn Việt Nam ta thì kiên trì lãnh thổ lãnh hải, kiên trì hòa bình giải quyết mọi tranh chấp qua quá trình ngoại giao và luật pháp quốc tế.
17-5-2018