
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi
1. Nói đến giáo dục là nói đến chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK), người chuyển tải (giáo viên) và đất xây ngôi trường.
SGK quan trọng bậc nhất, tại sao? Trong Tứ thư ngũ kinh - “sách giáo khoa - sách thánh hiền” được du nhập đầu tiên vào huyện Thuận Thành - Bắc Ninh nước ta từ hơn 600 năm trước. Lúc đó, chúng ta chưa có thầy, chưa có trường, ai biết chữ dạy người chưa biết... Nhà nước hướng dẫn học và tổ chức tốt thi cử, ta vẫn có giáo dục.
Đất xây trường hiện nay ngày càng khan hiếm trong tình hình đất đai đang rất nóng bỏng tại các thành phố lớn, vì đất không sinh ra thêm. Ai cũng biết, khi chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giá trị của đất không chỉ tính bằng vàng, thậm chí có chỗ còn được tính bằng kim cương.
2. Gần 40 năm qua, tại sao chúng ta không làm được SGK chuẩn, mặc dù nó được đề cập trong cả 3 nghị quyết: a) Trong Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ chính trị ra ngày 11-1-1979 “về xây dựng CT-SGK chuẩn và triển khai trong toàn quốc, sau khi đất nước Việt Nam thống nhất”; b) Nghị quyết số 40-NQ/QH10 ngày 9-12-2000 “về đổi mới CT-SGK chuẩn phổ thông”, khẩu hiệu “Dạy học theo phương pháp tích cực” đã được Bộ GD-ĐT đưa ra và tuyên truyền; c) Nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 1-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT…, khẩu hiệu “Tiếp cận phẩm chất năng lực của người học” được tuyên truyền rộng rãi. Xin lưu ý, trong Hiến pháp năm 1992 có ghi “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu…”.
Xin nêu một vài nguyên nhân chính:
- Vào năm 1950 theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục nước ta bỏ phân ban theo Pháp của thời nô lệ, thiết kế duy nhất một chương trình thống nhất trong toàn quốc, các câu lạc bộ được tổ chức cho tất cả các em học sinh có năng khiếu (tương tự như Anh, Đức, Mỹ, Nga đã làm hàng trăm năm nay), khẳng định tính toàn diện trong giáo dục phổ thông cho nền giáo dục mới độc lập. Từ năm 1993 đến nay, Bộ GD-ĐT khôi phục lại phân ban (năm 1998 phân ban đã bị xóa khi thông qua Luật giáo dục). Đến nay đã 25 năm, mọi phương án phân ban của Bộ GD-ĐT đều bị thực tiễn phủ quyết! Tôi đã được Hội Khuyến học Việt Nam phân công, phối hợp với Ủy ban văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng suốt 2 năm thu thập ý kiến của trí thức trong toàn quốc cho Quốc hội có cơ sở xóa bỏ phân ban, đưa giáo dục trở lại quỹ đạo truyền thống.
- Nghị quyết Đảng và Nhà nước ra liên tục, cái nọ móc nối vào cái kia, không được tổng kết chính thức, cái nào làm được, cái nào chưa làm được để rút kinh nghiệm. Ai chịu trách nhiệm? Nghị quyết 40 (lưu ý, đầu tư của Nhà nước là 30.400 tỉ đồng - 2 tỉ USD - báo Tuổi trẻ 28-7-2001), phân ban lại được khôi phục, nó lại rơi vào vết xe đổ của cái trước. Tại sao? Năm 2002, phân ban gặp sự cố. Số đông học sinh không muốn vào bất cứ phân ban nào. Chính phủ lại đề nghị Quốc hội xin hoãn 2 năm để làm lại phân ban! Năm 2000, Bộ GD-ĐT đã được GS Lương Ngọc Toản, Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội, cảnh báo không được làm trái Luật giáo dục 1998. Thực hiện Nghị quyết 29 (Bộ GD-ĐT năm 2011 vẽ ra dự án 70.000 tỉ đồng, sau bài phát biểu của tôi còn 700 tỉ đồng(1)), phân ban lại được hồi phục(1) với mỹ từ “phân hóa”, nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng sự phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở. Nguồn nhân lực vẫn theo lối mòn “thầy nhiều hơn thợ”, khoảng 220.000 cử nhân thất nghiệp - thật quá lãng phí! Nhiều em cất bằng Cử nhân để đi làm công nhân! Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2020 số lượng học sinh vào trường nghề mới, chiếm 30% sau THCS. Ở Trung Quốc vào năm 1996 chỉ có hơn 40% học sinh vào THPT, còn gần 60% học sinh vào trường nghề. TS Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo nguồn nhân lực BIDV, đã phát biểu: “30 năm đào tạo nghề mà đến nay chưa có gì cả, tất cả gần như bằng 0, vẫn ở vạch xuất phát”… và ông lấy ví dụ “Trường đào tạo nghề Việt - Úc quê tôi chẳng thấy đào tạo gì, vẫn chỉ thấy đi làm thuê”(3).
- Tư duy tiểu nông vừa chạy vừa xếp hàng, càng làm càng sai và càng rối. Tiền đổ vào đây như nước, chưa kể tiền của Nhà nước, tiền vay nước ngoài gần 3 tỉ USD nhưng giáo dục nước nhà vẫn chưa khởi sắc, một bộ phận người dân bất an(4). Chỉ xin dẫn một ví dụ: Từ lịch sử nhân loại được biết, quyển SGK - Cơ sở của hình học của Euclide được sử dụng như tài liệu gốc trên toàn thế giới suốt hơn 2.300 năm. Nội dung SGK hình học Euclide chiếm già nửa chương trình toán ở toàn bộ bậc phổ thông và được ví như “kinh thánh” vì sự bền vững và lâu đời như vậy. Abraham Lincoln đã viết “Cuốn sách dạy tôi làm tổng thống là cuốn hình học Euclide” trong lời giới thiệu khi sách được xuất bản ở Mỹ. Rõ ràng, nếu biết dựa vào tài liệu quốc tế có sẵn, chỉ cần một giáo sư giỏi và vài cộng sự biên soạn lại trong vài tháng, xin khẳng định sẽ được một bộ SGK chuẩn. Tại nước ta, nội dung cuốn sách này được “chia chác” thành 40 suất cho nhiều người biên soạn, người nọ không biết người kia trong vài năm, vô tình ta đã đập phá tan trí tuệ của nhân loại ra từng mảnh!(5). Kết quả ta có SGK nhưng “sai” cả nội dung khoa học! (NXH - báo Lao động ngày 14-5-2003, Tia sáng số 24-12-2006). Chính vì vậy tiền đổ vào đây như nước, hàng tỉ USD, song cách tư duy tiểu nông, thì giáo dục gần như dậm chân tại chỗ!
- Nội dung và phương pháp là hai vấn đề khác nhau. Có thể một nội dung có nhiều cách dạy khác nhau. Nội dung trong SGK là những kiến thức cơ bản, chắt lọc, tinh hoa nhất của của nhân loại và dân tộc, ở bậc phổ thông là cái bất biến, rất ít thay đổi. Bác Hồ thường nói “lấy bất biến ứng với vạn biến”, ngược tư duy này sẽ sinh ra rối loạn. Các nghị quyết đã nêu, vô tình giúp Bộ GD-ĐT thay SGK liên tục. Ngày 14-3-1998, trong buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm Hà Nội về giáo dục, cố GS Nguyễn Lân - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - đã trao cho Bác Phạm Văn Đồng một bộ sách của cháu mình mới học lớp 2 nhưng có tới 7 quyển Toán và 7 quyển Tiếng Việt, và nhấn mạnh một ý: “…ta đang cho các em học một cách nhồi sọ…, chuyện bắt học sinh mua nhiều sách… đó chẳng qua chỉ là sự làm tiền!” (Tuổi trẻ, 13-3-1998). Lúc đó học sinh lớp 2 mới có 20 cuốn sách, hiện nay lớp 2 số lượng sách trên 100 quyển! Một lần họp ở Bộ GD-ĐT (ngày 15-7-2014), tôi có hỏi lãnh đạo Bộ về đổi mới giáo dục lần này - “Phương pháp tiếp cận phẩm chất năng lực” hay “Phương pháp giáo dục tích cực” so với phương pháp “Học đi đôi với hành” của Bác, giống nhau và khác nhau như thế nào? Không ai trả lời được. Sau, một giáo sư phương pháp chủ chốt trong đợt đổi mới CT-SGK lần này trả lời: không có gì khác nhau cả! Các khái niệm cốt lõi này đã vô tình bị đánh tráo, người dân phải chịu mọi hậu quả! Xa với tư tưởng Hồ Chí Minh, theo thiển nghĩ của tôi, chúng ta khó đưa Việt Nam vươn tới “đài vinh quang” để sánh vai với các cường quốc năm châu.
- Người tài nước ta xin khẳng định không thiếu, song Việt Nam có thiếu, là thiếu người biết sử dụng người tài! Năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư cho những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, trong đó một cách gián tiếp đã giới thiệu người sẽ “làm CT-SGK chuẩn để ổn định giáo dục trong vòng một năm với kinh phí chỉ cần 100 tỉ đồng là làm được” để ổn định giáo dục lâu dài như các nước, nội dung thư cũng đã đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 10-9-2007, song vẫn không thấy bất cứ vị lãnh đạo nào hồi âm (?).
- Năm 1945 Việt Nam giành độc lập, Bác Hồ là người trực tiếp nắm và chỉ đạo giáo dục. Bác đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đồng thời ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để tổ chức thực hiện chống mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ở nước ngoài, người nắm giáo dục thường là nguyên thủ quốc gia… Khoảng mười năm nay, tôi ngày đêm rất trăn trở và nhiều lần tự hỏi, rồi hỏi một số đồng chí lãnh đạo: “Ai là người thay mặt Đảng và Nhà nước được phân công trực tiếp chịu trách nhiệm ‘Giáo dục - Quốc sách hàng đầu’ trước dân?”. Không thấy ai trả lời được rõ ràng!?
Xin lưu ý, để có những nhận xét và kết luận đã nêu, chúng tôi đã dành 30 năm trời nghiên cứu và chiêm nghiệm tài liệu giáo dục trong và ngoài nước.
3. Đất xây trường. Trên thế giới mọi nước đều dành quỹ đất xứng đáng cho giáo dục để trường nào cũng có chỗ học, chỗ chơi cho con trẻ. Điều này hoàn toàn trong tầm tay nhà nước. Bên Trung Quốc, nguyên thủ quốc gia cũng nắm và quản lý đất đai xây trường học! Gần đây ở Đà Nẵng, ông Vũ “nhôm” mua rẻ “đất công thổ” sau bán đắt cho đại gia; hiện đất Thủ Thiêm tại TP.Hồ Chí Minh, người “có quyền thay đổi thiết kế của Chính phủ” nhằm chiếm đất của dân. Vậy tại Hà Nội có loại người như ông Vũ “nhôm” không? Trước đây đồng chí Đỗ Mười đã nói “Nhà máy Trần Hưng Đạo cuối đường Bà Triệu chuyển ra khỏi thành phố, lấy chỗ đất đó xây một trường học”, thực tế một tòa thương mại Tháp đôi xuất hiện! Một nhà máy cạnh cầu vượt Ngã Tư Sở chuyển đi ra ngoài thành phố; đã có ý kiến nên chuyển trường Lê Ngọc Hân ra chỗ đất đó, thực tế khu chung cư cao tầng Royal City mọc lên! Khu triển lãm Giảng Võ chuyển đi, cũng dự kiến xây chung cư 50 tầng thế vào chỗ đất đó. Tại quận Thanh Xuân, có 42 cơ sở sản xuất chuyển đi khỏi thành phố. Tất cả là đất công thổ, lập tức các khu chung cư cao tầng thế chỗ, mọc lên như nấm. Trong khi đó, trường học, ngay cả trường điểm của quận, học sinh cũng thiếu chỗ chơi, có nơi số lượng học sinh rất đông, thậm chí gần 70 em một lớp!
Rõ ràng ý nguyện “…ai cũng được học hành” của Bác đã mấy chục năm rồi mà sao nó xa vời vợi như vậy?!l
_____
(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ thieu-tong-chu-bien-34-ty-usd-khong-lam-duoc-sach-chuan-2979545.html
(2) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-duc-pho-thong-co-the-duoc-chia-thanh-2-giai-doan-
(3) http://danviet.vn/kinh-te/30-nam-dao-tao-nghe-cua-viet-nam-van-o-vach-xuat-phat-875933.html
(4) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hang-ti-do-la-My-di-vay-dau-tu-cho-giao-duc-the-nao-hieu-qua-ra-sao-post180936.gd- vay nước ngoài khoảng 3 ty USD chủ yếu giành cho GDPT
(5) Báo Người cao tuổi đăng hai số 49, 50 (ngày 27, 28-3-2018)
http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-tao-sau-dai-hoc-va-su-dung-nhan-tai.html2280
http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-tao-sau-dai-hoc-va-su-dung-nhan-tai.html2334