HV100 - Có con kỳ lân hiện về

Đã qua giỗ đầu anh Mai Thúc Lân. Đã có nhiều bài viết về anh tự đáy lòng. Và đã in thành một cuốn sách. Để nhớ về anh. Để làm hài lòng những người yêu anh. Chứ thực ra, anh đã đi xa quá rồi!

Đang soạn bài cho báo Tết thì điện thoại của Đỗ Chu từ Hà Nội gọi vào. Đỗ Chu ngọt ngào “hương cỏ mật” - cái thời chiến tranh mà lãng mạn, tâm hồn đầy chất thơ. Anh Lân yêu văn chương, nên thân với Đỗ Chu lắm. Anh có thể chịu chuyện Đỗ Chu cả ngày. Cũng như anh yêu quý Nguyên Hồng - Yên Thế, từ ngày còn nhỏ anh đã say sưa đọc Bỉ vỏ, Bảy Hựu…; anh cũng quý Kim Lân quê Phù Lưu - Bắc Ninh, cũng là một nhà văn có một, dù viết ít… Tết này, anh Lân không còn viết cho Hồn Việt nữa. Xin đăng bài của Đỗ Chu để thế vào bài của anh, như một nén hương nhớ người đi xa mãi mãi.

M.Q.L.

Từ lâu tôi đã nghĩ trường hợp anh Mai Thúc Lân rất nên làm một cuốn phim. Tôi hình dung kể chuyện về một cán bộ như anh phải là một cuốn phim ngắn thôi, có sao nói vậy, tránh đắp điếm phô diễn mẹo mực, như thế sẽ thành công, thành công bởi nó chân thực như chính anh.

Ở lễ truy điệu anh hôm đó tôi đã kịp ghi vào sổ tang rằng anh là một cán bộ mẫu mực, tài năng và nhân cách vững chãi, với riêng tôi anh còn là một người anh cao quý.

Cách đây không lâu, nhân giỗ đầu anh, từ TP.Hồ Chí Minh Mai Quốc Liên có nhã ý nhắc tôi viết mấy trang tưởng nhớ, tôi lại thấy viết cả một tập sách nhiều khi không khó mà viết mấy dòng về một con người như Mai Thúc Lân lại là không dễ. Bởi anh là người kín đáo và khiêm nhường, giàu sức sống nội tâm. Cái duyên thầm lặn vào bên trong, có thể anh yêu quý ta mà ta đâu biết, đâu biết vì chả bao giờ anh chịu nói ra lời. Bảo anh ra đi để lại muôn vàn yêu thương nào có sai mà ngược lại nhìn ở một phía khác thì thấy hình như người ấy lúc ra đi cũng chỉ mang theo có vậy, anh đã ôm trọn trong lòng một khối tình rộng lớn đối với cuộc đời.

Người ấy ham đọc ham viết, năm này qua năm khác âm thầm làm thơ, từng có thơ được đưa vào sách giáo khoa dành cho trẻ lớp 3. Hiềm một nỗi số phận không cho anh thành nhà thơ, số phận bắt anh phải lăn lộn với gio trấu bùn đất, để từ một học trò ra Bắc tập kết, xong trung cấp nông nghiệp tiếp tục thêm hai năm nữa thành kỹ sư chuyên tu. Dần dần thành giám đốc Sở, thành ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Cả đời không lúc nào nhìn rõ mặt đồng tiền vậy mà trước khi trở thành phó chủ tịch Quốc hội đã từng đảm nhận cương vị chủ nhiệm Ủy ban ngân sách.

Cũng chỉ là kể qua loa thế thôi chứ thực tình tôi không rành lắm những chuyện trên mây xanh. Không rành lắm về một cuộc đời rất nhiều nếm trải, nhưng vẫn có thể biết cuốn sách đầu tay của anh được Nhà xuất bản Nông Nghiệp phát hành dạo đó là một cuốn sách mỏng, bìa vẽ lem nhem, kể chuyện cây khoai lang. Sau mấy dòng mở đầu vắn tắt là bước ngay vào những chương mục chủ yếu, hình hài hương sắc cây khoai lang, xuất xứ của nó, đặc tính sinh học và vai trò của nó đối với cuộc sống. Tôi đọc cuốn sách liền một mạch trong buổi trưa bom Mỹ ném rầm rầm ngoài cầu sông Thương, gấp sách lòng cảm thấy tự hào vì quê nhà từ xa xưa đã có nhiều khoai lang. Đành rằng vẫn nhớ đời mình thiếu gì lúc nhăn nhó khóc nhìn bát cơm đầy ngộn hạt gạo cõng củ khoai.

Một lần qua Trung Quốc thăm cố hương nhà văn Lỗ Tấn là phủ Thiệu Hưng, được bạn mời khoai lang, vừa ăn vừa nghe bạn ca ngợi khoai lang có khả năng điều hòa huyết áp, bên đó người ta gọi khoai lang là hồng thự, nó được xem là một cây lương thực mà cũng là một cây thuốc. Nhờ có đọc cuốn sách của anh mà tôi tự tin góp chuyện với bạn, rằng khoai lang còn có khả năng chữa bệnh đường ruột, gọi là nhuận tràng.

Gần đây qua Nhật, cuối bữa lại mỗi người một khoanh khoai lang, tôi toan bóc vỏ thì ông ngồi bên vội xua tay ra hiệu phải ăn cả vỏ, khoai chứa nhiều vi lượng quý vô cùng. Rồi ông ấy cười rất vui bảo, nghe Việt Nam có loại khoai bở và thơm lắm, tôi mong có dịp sang, nhiều khi chỉ là để được lội trên cánh đồng cùng nhau ăn một củ khoai, thế cũng đủ thú vị.

Chợt nghĩ anh Lân từng bàn đến khoai lang một cách mộc mạc mà trân trọng, khi cầm cuốn sách anh viết ta đâu đã lường đến một lúc rất có thể củ khoai cũng là câu chuyện ấm áp đặt trong bàn tiệc đối ngoại. Nó gợi con người thêm gần gũi.

Nhiều lúc một mình nhớ anh. Nhỏ thó, thư sinh, rung rung một nụ cười uể oải, bất ngờ nấc lên trước ta. Là anh ấy đấy, Mai Thúc Lân đấy.

Sau hôm được bầu vào chân Chủ tịch tỉnh Hà Bắc anh có tạt vào nhà tôi, không may lúc đó tôi đang la cà quanh ngõ, anh ngồi bên đống lửa giữa nhà rủ rỉ hồi lâu với mẹ tôi rồi đứng dậy ra xe. Khi tôi về bà cụ gắt, lang thang chỗ nào để ông Lân đợi mãi, ông ấy trò chuyện nhã nhặn như ông giáo ấy nhỉ. Tôi gật đầu qua loa, thì ông giáo cũng được chứ đã làm sao. Nếu phải theo nghề giáo chắc chắn anh ấy cũng sẽ là một nhà giáo lớn, biết khơi gợi nhóm lửa cho đám trẻ trưởng thành.

Mấy năm sau anh trở lại quê nhà làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Một lần cho người đón tôi vào thăm thú, muốn viết gì thì viết. Đấy là một chiều tôi ngồi với anh Trương Quang Được, lúc đó là Chủ tịch tỉnh thì vợ chồng anh Lân từ đâu bước vào. Chị Khanh, vợ anh, đon đả khoe anh chị vào trong này không có nhà riêng, đang ở chung với mấy gia đình, khu tập thể cơ quan cạnh đây.

Dăm chục năm vừa qua có đến trên 300 bà chị Hà Bắc lấy chồng xứ Quảng, giờ theo chồng mang cả bầu đàn về trong này sinh sống, mỗi chị một hoàn cảnh riêng nhưng nhìn chung đều nề nếp, đảm lược. Chị Khanh cũng thế, lịch lãm một cách giản dị. Tôi thấy mừng cho hạnh phúc anh chị và các cháu. Lốc nhốc đám con cháu dâu rể không chỉ ngoan mà còn giỏi giang, đáng mặt con nhà.

Tôi nhớ hôm đó ven bờ sông Hàn anh Lân vui lắm, anh ngập ngừng nói nhỏ, đời mình mắc nợ với hai vùng đất, đó là Kinh Bắc và Quảng Đà. Tôi cười bảo, xem ra anh là người sẽ còn phải mắc nợ với cả nước.

Sách xưa chép có con kỳ lân hiếm gặp, nó xuất hiện là điềm lành cho thiên hạ. Anh Lân nhân nghĩa khoan hòa, không biết làm điều xấu, năm tháng trôi, tôi thấy anh có mặt trên cõi đời này như con kỳ lân hiện về giữa một nhân dân đã quá nhiều vất vả.

Trong lẽ sinh hóa của tự nhiên mất hay còn nào có ngại gì, nhưng phải biết ngại một khi sa vào cái vũng bẩn thê thảm tham - sân - si. Ta quý một người như anh bởi anh là người tự trọng, biết lặng lẽ hoàn thiện bản thân, là từ lấm láp mà ngoi lên kiêu hãnh.

Năm tháng trôi, đông qua xuân tới, khí hậu thời tiết nghe chừng ngày một bất ổn nhưng nhịp điệu thời gian thì vẫn thế, vẫn bình thản lạnh lùng như thường, bước đi của nó là bước đi của một lực lượng khách quan vô thủy vô chung không gì có thể can thiệp nổi. Chỉ nó mới có toàn quyền can thiệp vào mọi quá trình, bất luận muốn hay không.

Muôn vật khắp thế gian đều đang diễn biến trong cái chương trình thông thường sinh - lão - bệnh - tử. Không có chương trình nào là vô lý, cái đáng bàn là ở chỗ thiện hay ác, đẹp hay xấu mà thôi. Nhánh khoai vùi vào luống sinh ra một chùm củ là một quá trình hết sức lương thiện. Chỉ lương thiện mới đẹp, đó là cặp đôi song hành, chúng là thuộc tính của nhau. Đã có cái này ắt có cái kia. Ác ráo riết dữ dằn, thiện hiền khô mong manh, ác tràn lan thiện thu mình, thiện mạnh thì ác lui, bao giờ cũng vậy, ở đâu cũng vậy, đầy vơi sống động.

Và vẫn muôn đời có những bàn tay lấm láp nâng niu nhánh dây lang đặt vào luống đất.

Hà Nội,12-2015

 

---------------------------

* Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (H.V.)

ĐỖ CHU*