Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, bắt tay nhau đã trở thành một cử chỉ quá đỗi bình thường. Song cũng không ít trường hợp, bề ngoài xem ra đó là một thủ tục xã giao, một phép lịch sự, nhưng bên trong hàm chứa biết bao nhiêu điều huyền diệu, biết bao nhiêu cung bậc tình cảm và những câu chuyện thú vị để đời.
Từ ấn tượng cái bắt tay lần đầu…
Hai bàn tay xa lạ nắm vào nhau, ngoài hơi ấm tự nhiên, hai người còn truyền cho nhau cái tôi của mình để có thể khiến người kia mãi mãi không quên.
Helen Keller (1880-1968) là nhà văn, nhà hoạt động xã hội, một người vừa mù vừa điếc mà rất nổi tiếng ở nước Mỹ và cả trên thế giới, có lần được giới thiệu đến gặp nhà văn Mỹ Mark Twain (1835-1910). Tuy không nhìn thấy ông, nhưng sau lần gặp gỡ ấy, Helen Keller đã có ấn tượng rất sâu, bà kể lại rằng: “Khi bắt tay Mark Twain, từ cảm giác của mình, tôi như nhìn thấy đôi mắt long lanh ngời sáng và thân tình của ông. Cảm tưởng đó còn cho đến lúc này và tin rằng mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong tôi”.
… Đến những cái bắt tay đắt giá
Bắt tay có khi tượng trưng cho sự hòa giải và sự chân thành làm lành với nhau. Hai hoàng đế La Mã cùng nắm quyền triều chính là Pao Pinust và Marcy Moss cho đúc lên đồng tiền hình ảnh hai người bắt tay nhau, tượng trưng cho sự hài hòa cùng tồn tại với nhau.
Lấy việc bắt tay nhau để tượng trưng cho hòa bình thì trong lịch sử nước Mỹ cũng có những trang nổi bật. Ấy là ngay từ khi nước Mỹ ngày nay còn chưa chính thức ra đời, đất nước này đã đúc một loại kỷ niệm chương trên có hình William Paine, người đứng đầu đất nước, bắt tay một tù trưởng Indian trong nghi thức ký kết một hiệp ước.
Nhưng cú bắt tay đắt tiền nhất phải kể đến cú bắt tay “ngàn vàng” trên vũ trụ giữa nhà du hành vũ trụ trên phi thuyền Apollo 18 của Mỹ với nhà du hành vũ trụ trên con tàu vũ trụ Soyuz 19 của Liên Xô ngày 17-7-1975. Sau khi hai con tàu vũ trụ khớp vào nhau, nhà du hành vũ trụ người Mỹ là Thomas Stafford chậm rãi bước qua đoạn hành lang nối giữa hai con tàu, chìa tay ra bắt tay nhà du hành vũ trụ Liên Xô là Alexei Leonov. Cái bắt tay đó như gửi tới mọi người trên toàn thế giới một thông điệp là hợp tác, hòa bình…
Và những cái bắt tay chết người
Bắt tay nhau hay không, đó là một sự chọn lựa giản đơn nhưng biểu hiện một thông tin vô cùng mạnh mẽ.
Ngày 13-9-1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đứng giữa hai người là Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch Mặt trận giải phóng Palestine Yasser Arafat. Hai thủ lĩnh kình địch nhiều năm vừa mới ký với nhau bản hiệp định tại Nhà trắng, đồng ý chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài mấy chục năm ở Trung Đông, bước ra bãi cỏ trước Nhà trắng. Hơn 3.000 quan khách có mặt đang nín thở tự hỏi liệu Rabin có bắt tay Arafat hay không? Trong lúc đó, hàng triệu người xem truyền hình trên toàn thế giới cũng dán mắt lên màn hình chờ đợi. Rabin do dự trong giây lát rồi chìa tay ra phía kẻ thù không đội trời chung nhiều năm nay của mình.
Phải chăng thuận lợi đến dễ dàng và có phần quá mức, hóa nên anh chàng cực đoan mới 25 tuổi Yigal Amir mới không kìm được tức giận đã ám sát Rabin vào ngày 4-11-1995. Thời báo New York đã giật tít cho bản tin của mình là “Cái bắt tay ở Nhà trắng báo trước cái chết của Rabin”.
Cùng với những cái bắt tay giả tạo
Đối xử với nhau chân thành theo cái đạo của người quân tử thì phải biết gạt quyền lợi vật chất tạm thời sang một bên để giữ mối tình cảm lâu dài. Nhiều nhà doanh nghiệp phương Tây làm ăn đàng hoàng thường có thói quen là sau khi ký kết với nhau một bản hợp đồng hoặc một thỏa thuận gì đó thường bảo nhau: “Nào hãy bắt tay nhau để làm tin”. Đến lúc đó, hợp đồng, thỏa thuận đã ký với nhau chỉ là thủ tục mà thôi, việc thực hiện ra sao là ở cái bắt tay.
Thế nhưng trong muôn vàn cái bắt tay chân thành chan chứa tình người ấy, đáng buồn thay còn lẫn vào những cái bắt tay hờ hững thậm chí gian manh. Có những cái bắt tay mà bàn tay thì đưa ra nhưng mắt không nhìn vào người sắp bắt tay với mình; có những bàn tay đưa ra cứng đờ thẳng đuỗn và lạnh lùng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; có những cái bắt tay khiến người được bắt tay sau đó phải rùng mình khi nghe người khác dùng hình tượng và đưa ra một lời khuyên: “Bắt tay thằng cha ấy xong, anh hãy nhìn lại xem bàn tay mình có còn đủ năm ngón hay không?”.