Uống trà không đơn giản chỉ là một thói quen thường ngày trong những giây phút rảnh rỗi hoặc ngồi thư giãn. Cứ mỗi một tách trà lại mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa cực kỳ dồi dào có trong loại đồ uống này.
Những chất chống oxy hóa (antioxidation) có khả năng đánh bại nhiều căn bệnh và trung hòa các gốc tự do - là những phân tử xuất hiện một cách tự nhiên có thể gây hại cho những tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể. Việc tiêu thụ những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh về tim mạch, Alzheimer…
Dưới đây là một số loại trà thuốc vừa đơn giản, dễ chế biến mà lại có công hiệu đáng ngạc nhiên.
Trà xanh
Trà xanh có chứa chất chống oxy hóa cao, giúp ngăn ngừa sự lão hóa cả trong và ngoài cơ thể. Với chức năng chống oxy hóa cao gấp 20 lần so với vitamin E, uống 3 ly trà xanh mỗi ngày sẽ giúp da bạn tránh khỏi những vết chàm (nám). Không chỉ giúp làm dịu tinh thần, trà xanh còn tốt cho tim, vì có các chất catechin, đặc biệt là chất epigallocatechin gallate (thường được gọi là EGCG). Bạn có thể dùng trà xanh như một loại nước hoa hồng, cho nước trà vào bình xịt và xịt lên toàn bộ cơ thể sau khi tắm sẽ giúp da mịn màng và chống lại tia cực tím. Hoặc có thể dùng nước trà xanh đun sôi để nguội làm nước rửa mặt, giúp thanh lọc chất bẩn và tốt cho da.
Trà gừng
Không chỉ được sử dụng trong các bữa ăn, gừng còn được chế biến thành loại trà uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe. Cũng như loại trà bạc hà, trà gừng có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp giảm chứng ợ hơi, ợ nóng và đặc biệt có công dụng chữa bệnh đau bụng. Trà gừng cũng là loại trà thảo dược được khuyến khích sử dụng cho những bà bầu trong thời gian ốm nghén để giảm nôn ói và ợ nóng. Cho vài lát gừng tươi vào ấm nước, sau đó đun sôi và để sôi nhỏ lửa trong vòng 10 phút. Rót trà ra ly, cho thêm nước cốt chanh và mật ong khuấy đều là có thể dùng được.
Trà mật ong
Lấy 3g lá chè và 5ml mật ong cho vào nước nóng hãm khoảng 5 phút, uống nóng ngay sau bữa ăn. Trà mật ong có tác dụng giải nhiệt, dưỡng huyết, nhuận phổi, lợi thận, trị chứng suy nhược thần kinh, suy giảm chức năng dạ dày, viêm lợi, viêm chân răng.
Trà sâm
Ngoài vị ngon miệng, trà sâm còn là một vị thuốc phổ biến trong khu vực châu Á vì tác dụng của chúng rất tốt cho sức khỏe con người: cung cấp năng lượng, chống ung thư, trợ giúp khả năng tình dục và rất tốt cho hệ miễn dịch.
Trà hoa cúc
Từ nhiều năm nay, cả hoa cúc khô và tươi đều được dùng để chế biến thành các loại trà. Trà hoa cúc có tác dụng dưỡng gan, cân bằng gan, thanh lọc gan và sáng mắt. Đồng thời còn có tác dụng chống lại hoặc bài trừ các độc tố, các chất hóa học có hại tích tụ trong cơ thể hoặc các tia phóng xạ. Uống loại thảo dược này làm cơ thể bạn ấm áp, thư giãn, làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ một cách hết sức tự nhiên. Vì thế, uống một tách trà hoa cúc nửa giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp chữa chứng mất ngủ.
Trà nhài
Trà nhài là sự kết hợp của lá trà và hoa nhài. Trà có hương thơm của hoa nhài cùng với khả năng chống oxy hóa trong trà xanh sẽ mang đến một thức uống thú vị và có lợi cho sức khỏe. Uống trà hoa nhài còn giúp giảm đau dạ dày và có công dụng rất tốt khi tiêu hóa kém. Trà hoa nhài cũng rất tốt cho phụ nữ vì nó giúp làn da mịn màng và giảm đau bụng kinh.
Trà chanh
Các loại trà xanh có công dụng giúp bạn giảm cân thì trà chanh lại tốt cho hệ tiêu hóa, kích thích bạn ăn ngon miệng hơn. Nếu bạn đang muốn tăng cân, hãy sử dụng loại trà này mỗi ngày. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong trà chanh cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Trà sen
Trà sen là thức uống của những người mắc chứng khó ngủ vì chúng là thuốc an thần tự nhiên. Nó có tác dụng giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Uống trà sen cũng rất tốt cho da và hoạt động của hệ tiêu hóa. Trà tâm sen có tác dụng hạ huyết áp thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn thành mạch máu và giảm trở lực huyết quản, phòng chống rối loạn nhịp tim, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống oxy hóa. Nó cũng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ oxy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành.
Trà đen
Từ những lá trà tươi qua quá trình lên men hoàn toàn biến trà lá thành màu đen. Trà đen giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng tấn công các gốc tự do gây bệnh, đặc biệt là nguy cơ gây triệt tiêu tế bào. Uống trà đen thường xuyên giúp giảm bệnh tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ, bởi nó có tác dụng giảm cholesterol xấu (mỡ máu xấu) và làm tăng cholesterol tốt, giúp máu lưu thông tốt, không bị tắc nghẽn, không làm cho các mảng tiểu cầu tích tụ ở thành động mạch. Trà đen làm giảm rủi ro gây ung thư bởi nó có chứa các thành phần hữu ích ngăn chặn quá trình hình thành các khối ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào khoẻ mạnh liền kề. Ngoài ra, uống trà đen có tác dụng tiêu thụ mỡ và tăng cường quá trình chuyển hóa, giúp giảm cân hiệu quả. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, uống trà đen thường xuyên sẽ có tác dụng làm giảm glucose (đường huyết), duy trì đường huyết ở ngưỡng tối ưu, hạn chế mắc bệnh đục thủy tinh thể cũng như các biến chứng khác do bệnh tiểu đường gây ra.
Trà Ô long
Theo nghiên cứu khoa học, trong trà Ô long có một lượng dồi dào chất OTPP (Oolong tea polymerized polyphenols). Đây là một hoạt chất tự nhiên, sản sinh khi các enzyme chuyển hóa trong quá trình bán lên men khi chế biến trà Ô long. Chất này giúp cơ thể giảm việc hấp thụ chất béo, đốt cháy chất béo, giảm cholesterol trong cơ thể. Polyphenol phá hủy các chất béo bằng cách kết hợp với mật và chất béo, mang chất béo ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng. Đó là lý do mà người Nhật có thói quen uống trà Ô long sau mỗi bữa ăn nhằm ngăn chuyển hóa mỡ. Chất polyphenol cũng có tác dụng khử các oxy hoạt tính, một loại oxy có hại tự sản sinh trong cơ thể. Một cơ thể với quy trình trao đổi chất tốt và có lượng oxy hoạt tính ở mức tối thiểu sẽ phòng chống được các căn bệnh như ung thư, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tim mạch… Loại trà này còn giúp làn da cân bằng độ ẩm. Với thành phần 50% nước và 50% nhờn, một sự thay đổi nhỏ trong hai hàm lượng này sẽ khiến da bị khô hoặc nhờn. Uống trà Ô long hàng ngày làm tăng độ ẩm trong lớp sừng của da và làm giảm lượng bã nhờn một cách cân bằng, giữ làn da luôn được mịn màng.
Trà muối
Loại trà này có tác dụng làm sáng mắt, thanh nhiệt, tiêu viêm... Lấy 3g lá trà và 1g muối ăn hãm trong nước sôi, uống nóng. Về mùa hè nên uống thường xuyên để phòng chứng rối loạn điện giải vì ra nhiều mồ hôi. Muối có vị mặn, tính hàn, không độc, đi vào 3 kinh: thận, tâm và tỳ. Những người làm việc trong văn phòng, ít mất mồ hôi thì chỉ dùng lượng muối bằng nửa (0,5g), người tăng huyết áp không nên dùng.
Trà hoa quế
Đây là loại trà đặc biệt, dùng cho những người hơi thở có mùi, những người sâu răng, viêm chân răng, và làm tiêu đờm. Lấy 3-5g hoa quế (có thể thay hoa quế bằng hoa của cây húng chó có màu tím), 3g trà đen hoặc 5g trà xanh đun trong khoảng 10 phút là dùng được. Bạn có thể dùng trà này để uống sau khi ăn các món có vị tanh như cá hay có mùi tỏi.
Trà khổ qua
Trà khổ qua (mướp đắng) có tác dụng lợi tiểu, giảm đường huyết, giải độc. Khổ qua đem rửa sạch, thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần. Mỗi lần dùng, bạn lấy khoảng 10-15g khổ qua với 5g trà đun lên trong vòng 10 phút là uống được. Trà khổ qua có thể uống hằng ngày để giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng, chữa các bệnh kiết lỵ, đau mắt đỏ.