HV100 - Giá như 55 năm trước…

Đầu năm 1961, tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu mở đầu bài thơ của mình bằng hình ảnh lung linh của thiên nhiên trong buổi đầu xuân:

Tôi viết bài thơ xuân

Nghìn chín trăm sáu mốt

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt

Nắng soi sương giọt long lanh.

Sau 5 năm lập lại hòa bình, miền Bắc nỗ lực hàn gắn các vết thương chiến tranh, vươn lên xây lại đời mới, bước đầu đạt một số thành tựu. Mỗi câu thơ đều phảng phất nét tương phản giữa quá khứ và hiện tại.

Rét nhiều nên ấm nắng hanh

Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?

Giã từ năm cũ bâng khuâng

Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!

Từ hiện tại còn ngổn ngang trăm mối, nhà thơ lạc quan, tin tưởng hướng về tương lai với những “ước mơ nho nhỏ”, những khát vọng nghìn đời của nhân loại:

Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh

Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ

Treo trước mắt của loài người ta đó:

HÒA BÌNH, ẤM NO

Cho con người SUNG SƯỚNG, TỰ DO

Cùng lúc ấy, ở Washington, D.C. cách xa nửa vòng trái đất, vào ngày 28-1-1961, tức chỉ một tuần lễ sau khi trở thành tổng thống thứ 35 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, John Fitzgerald Kennedy (JFK) triệu tập một số quan chức cao cấp nhất của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Cục tình báo CIA để bàn chuyện tiến hành chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Vào cuối buổi họp, JFK phê chuẩn Kế hoạch chống nổi dậy (Counter - Insurgency Plan, CIP) ở miền Nam và chỉ thị cho CIA chuẩn bị đưa biệt kích phá hoại miền Bắc.

Quyết định của JFK khiến nhiều người lo lắng.

“Anh sẽ sa vào vũng lầy không đáy” - De Gaulle nói với Kennedy

Ngày 31-5, tiếp JFK tại Paris, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle cảnh báo: “Người Pháp chúng tôi có kinh nghiệm về chuyện đó. Người Mỹ các anh trước đây [ám chỉ các tổng thống tiền nhiệm của JFK] từng muốn thay chỗ chúng tôi ở Đông Dương. Và hôm nay anh muốn nối gót chúng tôi để nhen lại ngọn lửa chiến tranh mà chúng tôi đã kết thúc. Tôi xin báo trước cho anh biết: anh sẽ từ từ sa vào vũng lầy quân sự và chính trị không đáy, bất chấp những tổn thất [nhân mạng] và chi tiêu [tiền của] mà anh có thể phung phí ở đó”(1).

Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev cũng gửi tới các nhà lãnh đạo nước Mỹ lời khuyên: “Nếu các anh muốn thì cứ việc tiến tới, cứ đánh nhau trong rừng rậm Việt Nam. Pháp đã đánh nhau ở đó 7 năm, tuy nhiên cuối cùng đã phải cuốn gói. Có lẽ Mỹ [giàu hơn và mạnh hơn Pháp] sẽ có thể chịu đựng được lâu hơn một chút, nhưng rút cục cũng sẽ phải ra đi mà thôi”(2).

Giá như 55 năm trước, JFK nghe theo các lời khuyên ấy, không đẩy nước Mỹ lún sâu vào chiến tranh Việt Nam, thì hai dân tộc Việt - Mỹ đã tránh được biết bao mất mát đau thương và lịch sử hai nước đã chảy theo một dòng khác…

* * *

Ngày 20-1-1961, JFK chính thức bước vào Nhà Trắng. Người ta thường gọi ông là một trong hai tổng thống trẻ tuổi nhất(3), tổng thống đầu tiên theo Công giáo(4), nhưng ít ai biết ông là người duy nhất (tính đến nay) từng đặt chân lên đất nước Việt Nam 10 năm trước khi trở thành tổng thống(5).

Chuyến đi định mệnh

Tháng 10-1951, JFK - lúc đó còn là hạ nghị sĩ - đến Việt Nam. Chuyến đi ngắn ngủi tới một nơi đang bị bom đạn dày xéo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tư duy chính trị của chính khách này trong vấn đề Việt Nam. Có thể gọi đó là chuyến đi định mệnh.

Lúc đó, Mỹ đang tài trợ một cách hào phóng cho chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson viết trong hồi ký: riêng viện trợ quân sự trong năm 1951 vượt quá nửa tỉ đô-la(6). Nhưng JFK tự hỏi: tại sao viện trợ Mỹ không giúp Pháp đánh bại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam? Mùa đông năm trước, Pháp thất bại nặng nề trên biên giới Đông Bắc. Ngày 30-5 vừa rồi, trung úy Bernard - con trai độc nhất của tướng De Lattre - chết khi đồn Gối Hạc (Ninh Bình) bị tấn công.

Về lại Mỹ, JFK phát biểu ngày 15-11-1951 trên đài phát thanh: “Các xứ Đông Dương là những quốc gia bù nhìn, những lãnh địa của các ông hoàng [chỉ cựu hoàng Bảo Đại và các quốc vương Lào và Campuchia] thuộc Pháp với tài nguyên to lớn nhưng là những ví dụ điển hình của đế quốc và thực dân mà người ta có thể thấy bất kỳ nơi đâu… Ở Đông Dương, chúng ta [Mỹ] đang liên kết với nỗ lực tuyệt vọng của một chế độ Pháp muốn bám lấy những mảnh còn lại của đế quốc”. Kết quả là “không có sự ủng hộ sâu rộng của nhân dân Việt Nam đối với chính phủ bản xứ [tức chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại]”(7).

Khi còn ở Việt Nam, JFK nêu lên một câu hỏi khiến tướng De Lattre, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, phải tức giận: “Tại sao trông mong người Việt Nam chiến đấu [chống lại Việt Minh] để duy trì nước họ như một bộ phận của Pháp?”(8).

Ba năm sau, khi chính phủ Eisenhower định can thiệp quân sự vào Việt Nam để cứu nguy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, JFK - lúc này đã là thượng nghị sĩ - giữ nguyên lập luận trên: “không có sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của nhân dân các quốc gia liên kết [chỉ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia] (…) thì ngay cả khi được Mỹ ủng hộ, [Pháp] khó mà giành được - nếu không phải là không thể giành được - một chiến thắng quân sự”.

Đọc mấy tuyên bố trên, đừng ai nghĩ rằng JFK có lập trường chống Pháp. Không, trước thượng viện Mỹ ngày 6-4-1954, JFK vẫn ca ngợi chiến tranh của Pháp ở Việt Nam là một “cuộc chiến đấu anh dũng”. Ông chỉ phê phán cách làm của Pháp khiến nhân dân Pháp không ủng hộ Pháp. Ngay từ 1951, JFK hiến kế để có thể đánh bại cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam: “Ngăn chặn Cộng sản tiến xuống phía Nam là hợp lý, nhưng không phải chỉ dựa vào sức mạnh của vũ khí. Đúng hơn là phải xây dựng tình cảm không cộng sản mạnh mẽ ở người bản xứ trong những vùng ấy và dựa vào đó như mũi nhọn phòng thủ, hơn là dựa vào các đạo quân lê-dương của tướng De Lattre”.

JFK gặp được người mà ông cho là có thể “xây dựng được tình cảm không cộng sản ở người bản xứ”, đó là Ngô Đình Diệm, đang sống lưu vong từ 1950 tại các tu viện Maryknoll ở Lakewood (tiểu bang New Jersey) và Ossining (tiểu bang New York) dưới quyền của hồng y Francis Spellman. Từ đó, JFK, Mike Mansfield (thượng nghị sĩ, theo Thiên Chúa giáo như JFK) và một số người Mỹ thành lập một nhóm vận động cho Diệm (sau đó mang tên Hội những người Mỹ bạn của Việt Nam - American Friends of Vietnam, AFV).

Pháp thảm bại ở Điện Biên Phủ, phải ký với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hiệp định Genève theo đó Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai vùng tập kết quân đội, sẽ tái thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 7-1956. JFK chống lại viễn cảnh đó: “Rõ ràng rằng Hồ Chí Minh và những người theo ông trên khắp Đông Dương được nhân dân yêu mến và mạnh hơn, sẽ khiến cho sự chia cắt [tạm thời] hay chính phủ liên hiệp có thể dẫn tới sự cai trị của những người Cộng sản”.

JFK và Hội AFV ủng hộ đưa Diệm về Sài Gòn, thành lập nước Việt Nam Cộng hòa, chia cắt lâu dài Việt Nam. Tại cuộc họp do Hội AFV tổ chức ở Washington, D.C. ngày 1-6-1956, JFK tuyên bố: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [chỉ Việt Nam Cộng hòa của Diệm] thì chắc chắn chúng ta là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta chủ tọa lúc nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con cái của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”(9).

Những lời khuyên và cảnh báo

Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam - mà Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thường gọi là Việt Cộng - ra đời ở vùng giải phóng Bắc Tây Ninh, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Vì vậy, từ khi JFK bước vào Nhà Trắng đúng một tháng sau đó, Việt Nam trở thành một trong vài mối quan tâm hàng đầu của ông. JFK yêu cầu các cơ quan của chính phủ, quân đội, tình báo báo cáo thường xuyên về Việt Nam.

William J. Jorden, ủy viên Hội đồng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, báo cáo: “Nỗ lực của Việt Cộng ở miền Nam căn bản không phải là sự di chuyển các đơn vị lớn, có tổ chức vượt qua biên giới miền Nam. Việt Cộng dựa vào sự tuyển mộ tại chỗ số đông những người theo họ”(10).

Nhận định của Jorden trùng hợp với Bản đánh giá tình báo quốc gia (National Intelligence Estimate, NIE): 80% đến 90% quân số của Việt Cộng được tuyển mộ tại địa phương (recruited locally). Số còn lại là những người quê ở miền Nam từng tham gia kháng chiến chống Pháp, tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Genève 1954 với hy vọng hai năm sau sẽ đoàn tụ với gia đình khi đất nước tái thống nhất. Nhưng cuộc tổng tuyển cử (dự kiến tổ chức vào tháng 7-1956) bị Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngăn cản, nên nhiều năm sau họ mới về lại miền Nam theo lời kêu gọi của Việt Cộng.