HV100 - “Hôm nay” mùng một Tết

Đêm ba mươi. Hà Nội không còn vang tiếng pháo giao thừa kéo dài như xưa. Yên tĩnh. Vậy mà mãi đến tảng sáng mùng một, tôi vẫn trằn trọc không ngủ được. Tuổi già lẩn thẩn, nằm nghĩ vớ nghĩ vẩn, từ thời sự lại đến cuộc đời.

“Quái! Một số chính khách Mỹ “nghiện Kiều” hay sao ấy nhỉ?”.

Cách đây mười mấy năm, liên quan đến việc thiết lập ngoại giao Mỹ - Việt, Tổng thống Bill Clinton đã trích Kiều trong chuyến công du Việt Nam:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”

(Diễn văn tại Phủ Chủ tịch, 17-11-2000)

Ngày 9-7-2015, tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ, Phó tổng thống J. Biden đã lại trích Kiều:

“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”

Các ông Mỹ làm chính trị trích Kiều vì biết tác phẩm của Nguyễn Du là tấm gương phản ánh tâm lý, xã hội và cả lịch sử Việt Nam. Mỗi chúng ta, tùy thời điểm và hoàn cảnh, cũng tìm thấy trong nhiều câu Kiều, tâm trạng và nỗi niềm của mình.

Nhân đây, xin trở lại hai câu: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để nói đôi điều về hai chữ HÔM NAY. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, hai câu này rất hay, thuộc về số những câu hay nhất trong Truyện Kiều. Trong cuốn Thả một bè lau, ông đọc Truyện Kiều theo quan niệm phật tử.

Hai câu trích dẫn ở trên thuộc đoạn cuối Truyện Kiều, trong bữa tiệc hàn huyên cả nhà mừng gặp lại Kiều sau mười lăm năm lưu lạc. Thích Nhất Hạnh bình luận: “Trời còn để có hôm nay… Trời ở đây không phải là Thượng đế, Ngọc hoàng hay tạo hóa, Trời ở đây là tình trạng, hoàn cảnh. Ngày hôm nay, chúng ta gặp được nhau, nhìn nhau, nắm tay nhau, tôi còn sống, anh còn sống, em còn sống, để có thể ngồi uống trà với nhau thiền hạnh… Ngày hôm nay quý vô cùng, chúng ta có được ngày hôm nay để sống, nhìn thấy nhau là một phép lạ lớn. Nếu chúng ta không biết sống, không tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc, thì chúng ta quá tệ. Nếu dịch Trời là God, thì nói: “God has allowed to day to be”. Trời còn để có hôm nay, đó là một giác ngộ rất lớn, chúng ta còn có được ngày hôm nay, mỗi ngày là một tặng phẩm của đất trời, không biết ngày mai như thế nào, nhưng hôm nay mình có hôm nay đây. Ta phải làm thế nào để tỏ sự trân quý của mình đối với ngày hôm nay. Trời còn để có hôm nay tức là mình còn may mắn lắm. Trời còn để có hôm nay. Sáu chữ được làm bằng chánh niệm tính thức. Chánh niệm là gì, là thứ năng lượng làm tan đi hết tất cả những u mê, thất niệm”.
“Trời còn để có hôm nay”, trên đây Thích Nhất Hạnh bình luận về tầm quan trọng của một hôm nay đặc biệt của đời Kiều. Tôi cho là nhận xét ấy có thể áp dụng cho mỗi ngày thường, bất cứ hôm nay nào của mỗi chúng ta. Mà như vậy, không có gì trái với tư tưởng của ông Thích Nhất Hạnh, là người đã áp dụng thuyết hiện sinh vào Phật giáo. Trong một lần thuyết giảng, ông đã nêu lên cái quan trọng của hiện tại (tức là cái hôm nay, cái khoảnh khắc của hiện tại) - đừng quá quan tâm đến cái quá khứ (cái vui cái buồn chỉ còn là ảo tưởng, đến tương lai biết ra sao?).

Hạnh phúc tuyệt đối làm gì có. Hãy biết hưởng những cái vui nho nhỏ của hằng ngày, của mỗi hôm nay, như “trời còn để có hôm nay”.

Hạnh phúc có thể là cái bình thường, chỉ khi mất mới nhận ra để mà luyến tiếc. Nếu sáng hôm nay, tỉnh dậy bạn thấy khỏe mạnh thì bạn may mắn hơn hàng triệu người đang rên rỉ hoặc ra đi. Nếu bạn có đủ thực phẩm, có đủ quần áo, có một mái nhà cùng gia đình, có nơi qua đêm thì bạn đã giàu hơn 70% người trên trái đất. Nếu bạn có tiền triệu trong ví, có tiền giúp người nghèo, có tiền gửi ngân hàng, bạn thuộc 8% người giàu trên thế giới. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tội, đau đớn vì bị tra tấn và bị đói khát, thì bạn hạnh phúc hơn 600 triệu người trên thế giới. Nếu bố mẹ bạn còn sống hòa hợp bên nhau thì đó là trường hợp không nhiều… (Theo Internet).

Hạnh phúc là cái bình thường hôm nay, đừng ngóng nó ở ngày mai. “Cái tốt nhất đảm bảo cho hạnh phúc tương lai là hãy sống hết vui sướng ngày hôm nay” (Eliot). Chính khách Mỹ Franklin cũng nhận xét: “Hạnh phúc con người được tạo ra không lớn, do những may mắn khá ít và chỉ bằng những lợi ích nhỏ hằng ngày”.

Trong cuộc đời, ai cũng ít nhiều đau khổ do khách quan gây ra: ốm đau, thiên tai, chiến tranh, tang tóc, mất mát, phản bội, người khó tính, ta đành chịu đựng bằng chữ NHẪN, nhưng có đến 70%, 80% do chủ quan, cho là mình khổ vì tham, sân, si. Khỏe mạnh, bình yên, ấm cúng, mọi việc thuận lợi, vậy mà khối người mất ăn mất ngủ vì chưa được chức Trưởng phòng, thầm tức vì bạn mình có con trai hoặc xe máy siêu. Nhà nó to hơn, nó được ra nước ngoài, thêm cả bằng tiến sĩ. Buồn vì cái chuyện hôm qua, lo vì cái muốn ngày mai… Rõ là thân làm tội đời!

Giờ xin trở lại câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay”. Hôm nay là mùng một Tết. Chúc các bạn tận hưởng cái vui của ngày hôm nay đặc biệt này. Cũng xin chúc các bạn quanh năm, mỗi ngày hôm nay sẽ mang lại cho các bạn chút ít niềm vui.

HỮU NGỌC