1. Ngày 14-11-2015, một ngày sau cuộc khủng bố kinh hoàng do những phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành diễn ra tại nhà hát Bataclan và 5 địa điểm khác ở thủ đô Paris nước Pháp, khiến 130 người chết và hơn 300 người bị thương, một độc giả của tờ nhật báo The New York Times (Mỹ) đã gửi lời chia sẻ và động viên người dân Paris về những đau thương, mất mát mà họ đang phải gánh chịu như sau:
“Nước Pháp là hiện thân của tất cả những gì mà mọi kẻ cuồng tín vốn căm ghét nhất: Đó là cái cách vui vẻ tận hưởng cuộc sống trên đời này dưới mọi hình thức có thể: tách cà phê tỏa hương bên chiếc bánh croissant một sớm mai nào; những người phụ nữ xinh đẹp bận váy ngắn bỗng dưng mỉm cười trên phố; mùi thơm một mẻ bánh mì mới ra lò đâu đây phảng phất; chai rượu vang dở thù tạc cùng bạn bè, vài giọt nước hoa, những đứa trẻ đang nô đùa trong vườn Luxembourg; là quyền không tin vào thánh thần nào, không phải lo nghĩ về lượng calorie nạp vào người, là quyền được tán tỉnh và hút thuốc, được nghỉ hè, được đọc bất kỳ cuốn sách nào mình muốn, được đến trường mà không phải trả tiền, quyền được chơi, được cười giỡn, được tranh luận và châm biếm, quyền được “tạm gác lại” những nỗi ưu phiền cho tới tận… sau khi chết” (tạm dịch một cách phóng khoáng theo những gì mà người viết những dòng này cảm nhận được). Thay lời kết, tác giả viết: “Paris, chúng tôi yêu bạn. Chúng tôi khóc cùng với bạn. Chúng tôi biết bạn sẽ lại cười, bạn sẽ lại hát… bởi vì yêu cuộc sống vốn là một phần bản chất của bạn”…
Lời chia sẻ này ngay lập tức được độc giả khắp nơi trên thế giới “like” (thích) rất mạnh. Có thể hình ảnh của “thành phố Ánh sáng” trong tâm tư của tác giả những giòng viết trên ít nhiều nhuốm màu hoài niệm - vì Paris thời toàn cầu hóa dù muốn dù không đã thay đổi không ít - nhưng người dân Paris nói riêng, và người dân Pháp nói chung, cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Rồi những ngày sau đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới còn chia sẻ cùng người Paris bằng chính những ca khúc Pháp bất hủ: Madonna với La vie en rose của Edith Piaf tại một buổi hòa nhạc ở Stockholm (Thụy Điển), Adele với Hometown Glory trên nền hình ảnh thành phố Paris được tái hiện trên màn hình khổng lồ của sân khấu Radio City Hall New York (Mỹ), Céline Dion hát L’hyme à l’amour tại American Music Awards ở Los Angeles (Mỹ)… Lại có hai bố con chú bé người gốc Việt “bỗng dưng nổi tiếng” toàn cầu với một cuộc đối thoại cha-con gợi nhiều xúc cảm: Con nghi ngại: “Chúng rất độc ác, chúng có súng…” - bố trả lời: “Chúng ta có nến và hoa…”.
Bất ngờ hơn cả là sự xuất hiện trở lại của cuốn Paris est une fête (Paris là một ngày hội) do nhà văn Mỹ Ernest Hemingway viết cách đây hơn nửa thế kỷ về thời gian ông sống tại đây lúc đang trong độ tuổi 20. Rất nhiều người Paris tìm đọc hay tìm đọc lại cuốn sách. Sách được để cạnh nến và hoa để tưởng niệm những người đã khuất. Nhu cầu mua sách tăng vọt khiến nhà xuất bản phải tái bản cấp tốc với số lượng lớn…
Cuộc khủng bố đẫm máu diễn ra tại một nhà hát, tại một quán bar, trên một con phố đông đúc… phải coi đó là gì nếu không phải là một “lời tuyên chiến” với lối sống Pháp? Vì thế, chỉ có thể là phải làm sáng lên một tính cách Pháp, một văn hóa Pháp… để đáp trả, để cùng vượt qua những giờ phút khó khăn nhất, vượt qua nỗi sợ hãi, vượt lên chính mình...

Bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp.
2. Ngày 8-12-2015, nhân dịp “Năm văn học 2015”, trên toàn nước Nga diễn ra một sự kiện trọng đại: Lần đầu tiên kể từ khi ra đời cách đây một thế kỷ rưỡi, toàn bộ thiên tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và Hòa bình của đại văn hào Lev Tolstoi được đọc “thành tiếng” trên các phương tiện truyền thông của nước Nga để mọi người dân cùng thưởng thức.
Vào ngày này, bắt đầu từ 10 giờ sáng (7 giờ GMT), và trong vòng 60 tiếng đồng hồ tiếp đó, khoảng 1.300 người - là nghệ sĩ, chính trị gia, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, phi hành gia, vận động viên thể thao, cả những người dân vô danh…, những người nổi tiếng và những người không nổi tiếng - thay nhau đọc 4 tập của cuốn tiểu thuyết vốn được coi là một trong những “tượng đài” của nền văn học Nga dài hơn 1.500 trang này. Người yêu thích có thể theo dõi trực tiếp trên đài phát thanh, đài truyền hình quốc gia hay qua mạng Internet trong suốt 4 ngày. Nơi đọc sách có thể là một nhà hát, một sân khấu, một viện bảo tàng hay những địa điểm được nhà văn đề cập tới trong tác phẩm ở khoảng 30 thành phố trên toàn nước Nga - Moskva, Saint-Petersbourg, Novgorod, Kazan, Ekaterinburg, Omsk… trải dài từ Volga tới Ural qua Caucase. Hãng thông tấn Ria-Novosti trích lời bà Fekla Tolstaia, cháu gái 5 đời của đại văn hào và cũng chính là người có ý tưởng đọc sách của ông cố mình, rằng: “Tolstoi có thể tập hợp gắn kết toàn thể đất nước chúng ta, không thua kém gì đường biên giới và đồng tiền quốc gia vậy”. Ai cũng có thể tham gia vào cuộc “marathon” văn học chưa từng có tiền lệ này do kênh truyền hình văn hóa của đài truyền hình quốc gia tổ chức. Khán thính giả có thể “tương tác” bằng cách bày tỏ những suy nghĩ, nhận xét của mình và cho biết nhân vật nào được mình ưa thích nhất… Sách còn được đọc ở Paris (Pháp), Vienne (Áo), Bắc Kinh (Trung Quốc), Luân Đôn (Anh) và Washington (Mỹ). Những đoạn viết bằng tiếng Pháp trong tác phẩm được chính một nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp đọc…
Được viết trong thời gian từ 1863 tới 1869, Chiến tranh và Hòa bình kể lại giai đoạn lịch sử xung quanh cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Nga chống lại cuộc xâm lược của Hoàng đế Pháp Napoléon diễn ra vào năm 1912, thông qua việc miêu tả cuộc sống thường nhật của một số gia đình quý tộc Nga lúc bấy giờ.
Đây có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Năm Văn học của nước Nga 2015 - và việc lần đầu tiên tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình được đọc rộng rãi - diễn ra trong bối cảnh ít thuận lợi đối với nước Nga cả về kinh tế trong nước lẫn chính trị đối ngoại trên trường quốc tế. Lịch sử đã không ít lần chứng tỏ sức mạnh của một tính cách Nga, một tâm hồn Nga trước những giờ phút khó khăn nhất của dân tộc, mà cuộc chiến tranh thắng lợi chống lại đội quân xâm lược nước ngoài hùng mạnh được miêu tả qua cuốn tiểu thuyết của Tolstoi là một ví dụ. Cùng đọc lại Chiến tranh và Hòa bình, hàng vạn tâm hồn Nga một lần nữa lại cùng rung lên…

3. Còn nhớ 10 năm trước, năm 2005, khi Bonjour Vietnam (Chào Việt Nam - sáng tác của nhạc sĩ Pháp Marc Lavoine) được cất lên qua giọng hát trong veo tha thiết của Phạm Quỳnh Anh - cô gái Bỉ gốc Việt, trái tim cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài lập tức vỡ òa. Lời bài hát đã chạm tới sợi tơ lòng sâu thẳm nhất của mỗi người con xa xứ, làm tình cảm đối với quê hương một lần nữa lại thổn thức tuôn trào. Việt Nam, đất nước có lịch sử hàng ngàn năm, với các vương triều xưa, những ngôi đền, những pho tượng bằng đá, những ruộng lúa cong cong lưng gầy… chính là cha, chính là mẹ. Tấm lòng thơ trẻ khát khao được cắt nghĩa về Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn nhất của người Việt định cư ở nước ngoài là làm sao hòa nhập được vào cuộc sống của người dân nước sở tại, tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội nước sở tại, khẳng định được sự hiện diện và sự đóng góp của mình đối với đất nước đã đón nhận mình, trong khi vẫn gìn giữ và phát huy được bản sắc dân tộc của cha ông. Đấy cũng là điều góp phần làm cho đời sống văn hóa, xã hội nơi bà con đang sinh sống được đa dạng và phong phú thêm lên.
Nhu cầu hiểu biết về nguồn cội là nhu cầu “bẩm sinh”. Học văn hóa nước ngoài càng thôi thúc muốn hiểu văn hóa mình hơn. Việc sở hữu hai nền văn hóa, phương Đông lẫn phương Tây, là hành trang hết sức quý báu của trẻ em người Việt lớn lên ở nước ngoài. “Thế mạnh” không phải ai cũng có này đã giúp không ít bạn trẻ Việt thành công trên quê hương thứ hai. Cách tự khẳng định tốt nhất phải chăng là “hãy là chính mình”?
Tận trong sâu thẳm đáy lòng vẫn luôn thổn thức…