HV100 - Nghệ thuật của mảnh trò

Kịch bản đương nhiên phải có câu chuyện, trong kịch hát anh em quen gọi là thân trò. Nhưng câu chuyện ấy phải được đem diễn ra trên sân khấu mới thành kịch hát được. Ra sân khấu đứng mà kể thì chả ai xem. Muốn người ta xem thì phải có trò. Trò quyết định sự hấp dẫn của sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát. Người xem kịch hát là xem mảnh trò. Cả tuồng và chèo đều vậy cả.

Vở chèo Quan Âm Thị Kính nổi tiếng, cũng có thể nói hoàn hảo nhất trong kho chèo truyền đời cho con cháu được cấu trúc không có chương hồi mà là sự ghép lại một cách khéo léo đến mức hoàn hảo các mảnh trò độc đáo.

Nhưng để có mảnh trò, thì trước tiên phải có tích, trong nghề gọi là thân trò. Các cụ dạy, “có tích mới dịch nên trò” là vậy.

Tích chèo Quan Âm kể, Thị Kính được gả cho nho sinh Thiện Sĩ. Họ đẹp đôi, trai tài gái sắc. Một đêm, chàng đọc sách, nàng quay tơ. Chàng ngủ thiếp đi, vợ ngồi cạnh ngắm gương mặt yêu quá của chồng, thấy có nhược điểm là sợi râu mọc ngược, nên nàng dùng kéo cắt bỏ để chồng đẹp hơn. Nào ngờ nàng vừa đưa kéo gần vào cằm chàng, thì chàng bỗng thức giấc, choàng dậy, kêu lên rằng vợ giết. Nàng chưa kịp bày tỏ chuyện thực hư thì bà mẹ chồng, bà Sùng ghê gớm nhảy vô, chỉ mặt nàng dâu mà mắng át gái giết chồng bằng những lời cay nghiệt:

Thôi đi, thôi đi

Mày không sợ gươm trời búa nguyệt

Cả gan thay cho bụng dạ đàn bà

Gái bất nghì phó giả mẹ cha…

Thị Kính bị oan không thể sống ở nhà bố mẹ đẻ, cũng không dám mưu cầu hạnh phúc riêng tư nữa, mà giả làm chú tiểu để tu ở chùa. Ở chùa, Thị Kính vẫn không yên, bị oan một lần nữa. Lần này là do cô Mầu đa tình. Cô lên chùa dâng lễ, thấy Thầy tiểu “cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang” thì mê tít ngay, lập tức quyết tấn công bằng được, không còn úp mở gì nữa:

Thầy như táo rụng sân đình

Em như gái dở đi rình của chua

Ấy mấy Thầy tiểu ơi…

Thầy tiểu là gái giả trai thì tư tình sao được. Cô Mầu bị Thầy tiểu từ chối, nhưng lòng yêu thì vẫn không nguôi, nên về nhà, cô gạ ngủ với Nô, nhưng phân thân, ngủ với kẻ ở nhưng vẫn nghĩ đó là ăn nằm với Thầy tiểu cho thỏa. Vì thế, mang thai, bị làng phạt vạ, đẻ xong Mầu đem con lên chùa “trả” cho Thầy tiểu. Oan tày trời, nhưng vốn tính cam chịu, lại thương trẻ sơ sinh khát sữa, Thầy tiểu phải bồng bế đứa bé đi xin sữa và nuôi nấng suốt ba năm. Do đau khổ vì oan trái và kiệt sức, Thầy tiểu chết. Đến lúc khâm liệm người ta mới phát hiện ra đó là một nàng chứ không phải chàng…

Chuyện kịch có số phận bi ai, khó tin nếu theo lý lẽ thông thường, nhưng các mảnh trò liên tiếp nối kết cuốn hút người xem, làm cho người xem chỉ chú ý đến khía cạnh tình cảm, chứ bỏ qua cái thật hay giả của các chi tiết dọc thân trò.

Tựa vào cái thân trò còn mỏng mảnh và sơ lược bởi nhân vật chính là Thị Kính chỉ im lặng chịu oan, không có đấu tranh, không tự nhận thức nhằm thay đổi số phận, tuy nhiên vở diễn lại hấp dẫn từ đầu đến cuối và làm sáng rõ chủ đề là nhẫn do các cụ tài hoa sáng tạo ra một loạt mảnh trò treo vào thân trò để kéo khán giả đi. Kiểu treo mảnh trò, tựa như thân trò chỉ là cái đinh nhỏ đóng trên cột cho mảnh trò là cái áo lộng lẫy sắc màu treo lên. Không có đinh thì không treo được áo, ngược lại không có áo khoác lên thì ai thèm để ý cái đinh. Các mảnh trò Thiện sĩ hỏi vợ, Thị Kính cắt râu mọc ngược cho chồng, Thị Mầu lên chùa, Thị Mầu dụ Nô, Mẹ Đốp - Xã trưởng, Việc làng và kết bằng một cảnh Chạy đàn… làm nên Quan Âm Thị Kính.

Còn về tuồng?

Vở tuồng mẫu mực trong kho tuồng cổ là Sơn Hậu, với gần 40 nhân vật, kể một câu chuyện gồm 70 cảnh, kéo dài suốt 15 năm, từ Ấu chúa còn trong bụng Thứ phi đến khi Ấu chúa thành Hoàng tử 15 tuổi được tôn vương, đề cao tư tưởng trung nghĩa.

Tích trò Sơn Hậu tóm gọn lại như sau:

Vua Tề già yếu không có con trai nối dõi cho nên một lão tướng trung thành xin tiến con gái vào cung với hy vọng là vua sẽ có con trai nối dõi.

Vua băng. Gian thần chiếm ngôi và hạ ngục Thứ phi đang mang thai.

Trong tù, Thứ phi sinh con trai. Bọn ngụy triều định giết cả hai mẹ con để lập triều mới. Nhóm trung thần bắt mối được với nhau, lập kế đột nhập ngục tù, cứu mẹ con Thứ phi. Trên đường rút chạy, cơ mưu bị lộ. Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá phò mẹ con Thứ phi chạy về thành Sơn Hậu ở vùng biên ải.

Dọc đường rừng, bọn gian thần do Tạ Ôn Đình dẫn quân đuổi theo, Kim Lân dẫn Thứ phi tẩu thoát, nhưng Linh Tá thì bị bọn giặc vây chém đầu. Một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra, bị chém đứt đầu nhưng Linh Tá vẫn ngồi dậy xách đầu chạy theo Kim Lân, trước sự kinh ngạc của kẻ thù.

Trận truy sát vẫn chưa dừng ở đó. Chúng vây bắt Kim Lân. Thứ phi bị lạc trong cuộc giáp chiến này. Trong đêm rừng mù mịt lối đi, hồn Linh Tá lại hiện lên hóa ngọn đèn soi dẫn đường cho Kim Lân địu Ấu chúa đi tắt về Sơn Hậu.

Bọn gian thần họ Tạ đang đoạt chiếm ngôi vương thấy thành Sơn Hậu nuôi Ấu chúa và thấy thế quân sĩ ở đó đang lên, trở thành một lực lượng có thể khôi phục triều Tề nên cho sứ quân dụ hàng Phàn Đình Công, vị chỉ huy vùng biên ải có thành Sơn Hậu.

Phàn Đình Công tức giận chém đầu sứ, lấy máu đề cờ phục quốc. Quá tức giận những kẻ bất trung, Phàn Đình Công thúc ba quân lên đường giết bọn Tạ Ôn Đình phản bội. Nhưng trung thần Phàn Định Công ba lần hộc máu trên đường tiến quân, rồi chết đứng.

Về phía bà Thứ phi, sau khi bị lạc trong rừng, bà đến chùa Tây Sơn xin tu để che mắt giặc. Ở đây tên ác tăng trụ trì chùa mưu hãm hiếp bà, nhưng có thần linh cản trở, nên hắn không thực hiện được hành động xấu. Sau khi đã phò Ấu chúa về Sơn Hậu, Kim Lân quay trở lại diệt ác tăng, cứu bà phi. Sau một thời gian Hoàng tử khôn lớn, Kim Lân và Phàn Diệm kéo quân đánh bọn ngụy triều. Bọn ngụy triều thua trận bèn lập kế, bắt Đổng Mẫu đem tra khảo, buộc con là Kim Lân do thương mẹ mà đầu hàng. Qua rất nhiều tình tiết và xung đột nữa, cuối cùng, Phàn Điện và Kim Lân phò được Hoàng tử về kinh đô để tôn vương tức vị.

Tích tuồng nhiều chi tiết, xung đột gay gắt, nhưng sự hấp dẫn lại nằm ở các mảnh trò. Nói như NSND Lê Tiến Thọ, không có mảnh trò không có vở tuồng mẫu mực này. Không có mảnh trò, nghệ sĩ không có đất diễn. Ở vở tuồng này, công chúng xem đi xem lại đến thuộc tích mà không chán, ấy là xem nghệ sĩ diễn mảnh trò như Linh Tá bị chém đầu mà không chết, vẫn xách đầu chạy cứu bạn, Phàn Định Công chết đứng, Đổng Mẫu thượng thành, Ngọn đèn Khương Linh Tá

Cũng như chèo, những mảnh trò của tuồng có khả năng đứng độc lập. Nhiều khi công chúng nghe thấy tiếng trống điểm canh thì đến xem trò bà Thứ phi ngồi ngục, trống ngũ liên là đến xem mảnh loạn trào, trống thôi thúc đến xem lớp Ôn Đình chém Tá, trống khoan nhặt đến xem lớp Kim Lân qua đèo…

Kịch phương Tây năm hồi, dính chặt nhau đến nỗi không chỉ cắt bỏ hồi nào đi, mà quên một đoạn thoại có thể dẫn đến hiểu sai lệch, chẳng hiểu kịch diễn gì cả, coi như dở dang cả vở. Nhưng chèo và tuồng thì mảnh trò có thể đứng độc lập, “em xinh em đứng một mình cũng xinh” là vậy. Cho nên do nhu cầu của khán giả đòi xem những đoạn hay nhất của tuồng, chèo, mà lâu nay các đoàn mới sinh ra Chương trình diễn trích đoạn, nghĩa là chỉ diễn các mảnh trò hay. Xem Thị Mầu lên chùa, xem Mẹ Đốp - Xã trưởng, xem Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, xem Đào Huế tầm chồng cùng với màn đánh ghen nảy lửa với bồ của chồng thế là đã đầy một đêm sân khấu dày dặn nhiều màu sắc.

Có một lần, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch lựa chọn một số tiết mục sân khấu đặc sắc để “đem chuông đi đấm xứ người”. Chọn đi chọn lại mãi vẫn không kiếm được một vở nào của sân khấu 80 năm cách mạng làm đại diện cho sân khấu Việt, văn hóa Việt, con người Việt, nên lại phải chọn mảnh trò của các cụ. Dù hoàn cảnh ra đời của mảnh trò đã lùi sâu vào quá khứ mấy trăm năm, nhưng xem Mầu, xem Đốp, xem Đào Huế tầm chồng, xem Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… thì dù khán giả ở phương trời nào vẫn thấy màu sắc đậm đà về tâm hồn Việt, con người Việt với triết lý sâu xa và cái cười tinh tế.

HÀ ĐÌNH CẨN