HV100 - Nỗi oan của một mỹ nhân trong lịch sử Việt Nam

Hoàng hậu hai triều minh chúa

Bà là một mỹ nhân tài sắc, vợ hai triều vua được coi là minh chúa, có công lớn trong thời đầu dựng nước của lịch sử Việt Nam: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống sau này. Tước vị được tấn phong của bà là Đại thắng minh hoàng hậu, sử sách viết là Dương hậu, hay Dương thái hậu, dã sử gọi là Dương Vân Nga. Hiện nay bài vị của bà trong các điện thờ và nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam như Ninh Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh... mang tên Dương Vân Nga. Còn trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật người ta gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga. Nhân đây cũng nói thêm rằng, đã có ý kiến phản biện về việc nên hay không việc dùng tên dã sử, hay tên trong các vở tuồng của bà đặt cho các đường phố Việt Nam? Đây cũng là điều nghiêm túc, đáng suy nghĩ. Riêng trong bài viết này, chúng ta hãy tạm dùng tên dân gian của bà cho dễ hiểu.

Bà sinh vào khoảng năm 952 và mất năm 1000 tại cố đô Hoa Lư. Chính sử chỉ cho biết bà họ Dương, không ghi rõ tên và nguồn gốc xuất thân. Sau này nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng bà tên Dương Ngọc Vân, là con gái của Dương Tam Kha, hoặc Dương Nhị Kha - hai sứ quân trước thời nhà Đinh.

Gần đây, theo cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam, đã đặt vấn đề bà là hoàng hậu ba triều, trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng bà đã là vợ Hậu Ngô vương Ngô Xương Văn? Các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong tác phẩm Nhìn lại lịch sử (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2003) đã ủng hộ giả thiết này, nhưng còn nhiều tranh cãi và chưa có luận chứng thuyết phục. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi có những cứ liệu lịch sử cách đây 200 năm còn nhiều điểm mập mờ, mang tính giả định, huống hồ đây chỉ là chuyện về bà hoàng hậu hơn 1.000 năm trước…