Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Tôi muốn đến cùng Nguyễn Du như đến với một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời, về cái gì là chủ yếu trong cuộc đời... Con người ấy như đang sống giữa chúng ta đây. “Khác thời đại, thương nhau, chỉ rớt nước mắt” (Dị đại tương liên không sái lệ). Nguyễn Du đã từng làm thế, ta há lại không thể đáp lại Nguyễn Du cũng bằng tình cảm ấy.
Người nào không đến được với Nguyễn Du, người ấy chắc sẽ thiệt thòi rất nhiều. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, bên cạnh Truyện Kiều, còn có một tòa lâu đài nữa mà bạn cần tìm hiểu để yêu Nguyễn Du hơn. Đừng vì đã có Truyện Kiều mà ra lòng “rẻ rúng” thơ chữ Hán, xem nó là phần “phụ lục”. Chắc chắn Nguyễn Du chẳng bao giờ nghĩ như thế. Vào thời Nguyễn Du, Hán học cực thịnh, Nguyễn Du làm thơ chữ Hán, trút tâm huyết, tài năng vào đó là lẽ thường. Truyện Kiều “lỡ tay” mà thành kiệt tác, còn thơ chữ Hán mới đích là “sáng tác”, nên xem nó là phát ngôn chính thức của Nguyễn Du.
Chúng ta tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du không phải như là những tài liệu bổ sung để hiểu một đôi điều về tiểu sử, về tâm sự, về thái độ của ông đối với các triều đại, mặc dù đôi lúc những chuyện đó cũng thú vị. Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa.
Khác với Truyện Kiều là một trường ca tự sự, thơ chữ Hán là những bài thơ phần lớn là ngắn, theo thể luật Đường, trong đó Nguyễn Du bộc lộ cái tôi trữ tình của mình, chất trữ tình ở đây hòa quyện với chất triết học, cho nên phần lớn thơ ở đây có thể gọi là thơ trữ tình - triết học.
Nguyễn Du nói rằng, mình có một tâm sự không thể ngỏ với ai, thẳm sâu như nước sông Lam dưới chân núi Hồng (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ/ Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm).
Tâm sự Nguyễn Du vào thời điểm đó, lúc ông viết Thanh Hiên, thì bất quá cũng như tâm sự của bao nhiêu nhà thơ cổ của Việt Nam và Trung Quốc dưới các triều đại phong kiến suy tàn, xã hội loạn lạc. Nghĩa là buồn chán, sầu mộng, bất lực và muốn đi ở ẩn, nghĩa là muốn xa lánh đời sống ô trọc để giữ lấy cái thanh cao trong nhân cách của mình. Nhưng ở Nguyễn Du thì cái đó có phần sâu sắc hơn, dằn vặt hơn và được nói ra thành thật hơn, xúc động hơn, nên người ta có thể đọc đi đọc lại thơ ông mà vẫn thấy nó quyến rũ, đáng yêu.
Trong “mười năm gió bụi” (thập tải phong trần), Nguyễn Du là người chạy trốn - “khứ quốc” - và “cùng đồ”. Hoàn cảnh của nhà thơ lúc bấy giờ thật muôn phần thương cảm. Nghèo túng, ốm đau, ăn nhờ ở đậu đã đành, nhưng cái chính là không biết làm gì, theo đường nào, nghĩa là bế tắc. Lúc đó là “đêm tối” (hắc dạ) đối với ông. Nhà thơ đã từng cho mình là “tráng sĩ”, nhưng “tráng sĩ” bây giờ đầu đã bạc rồi:
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên!
“Nợ áo cơm phải trả đến hình hài” (Văn tế trận vong tướng sĩ)(1), quả thật “sinh kế”, đời sống cho ba bà vợ và hàng chục đứa con, là một việc nan giải đối với Nguyễn Du. Thế nhưng dù sao vẫn không thể dập tắt được “tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” mối “hùng tâm” của con người lỗi lạc. Bi kịch là ở đấy.
Nguyễn Du luôn bị ám ảnh bởi mái đầu bạc. Lúc bấy giờ, ông mới ba mươi, mà đã thấy nói đến mái đầu bạc rồi. Làm sao tóc ông có thể bạc chóng thế! Trong bài Mạn hứng - bài này làm lúc ông ba mươi, ông than: “Hư danh vị phóng bạch đầu nhân”. Hàng chục lần ông nhắc lại như thế, mà mái đầu bạc lại đi bên cạnh những chi tiết rất thực: “nghèo ốm không có thuốc”, “tóc bạc phơ ở nhờ nhà người ta” thì là không thể không tin đó là sự thật. Nguyễn Du không “làm thơ” đâu. Vì thế những câu thơ ấy đáng cho ta ghi nhớ và ngẫm nghĩ.
Nhưng cái buồn của Nguyễn Du, sự thất vọng, tuyệt vọng của Nguyễn Du... không phải chỉ là cái buồn của thân thế, nó còn là cái buồn trước đất nước và thời cuộc. Một tất yếu lịch sử đã không thể thực hiện, xã hội Việt Nam trì trệ và rên xiết trong gông xiềng phong kiến, và điều đó là một bi kịch sâu sắc bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội. Cho nên nỗi buồn của Nguyễn Du đã mênh mang đến dường ấy:
Vô cùng kim cổ thương tâm xứ
(Đó là chỗ đau lòng vô hạn xưa nay)
(Mạn hứng, 2)
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim
(Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ)
(Xuân dạ)
Rồi cũng dễ hiểu là Nguyễn Du tìm đến Lão - Trang. Giai đoạn này, Nguyễn Du dùng nhiều hình tượng rút ra từ Lão - Trang: nào là “hạc hĩnh”, “mã đề”, “hoạn hữu thân”, “dưỡng chuyết”, nào là “ngọa thính tùng phong hưởng bán vân”, “sài môn trú tĩnh sơn vân bế”...
Đó là một giấc mơ trong sạch, nhưng chỉ là một giấc mơ. Nguyễn Du tự biện bạch bằng Lão - Trang:
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?
(Bạn thân lấy làm lạ sao ta hay sầu mộng,
Thiên hạ ai là người không ở trong mộng?)
Nguyễn Du chìm trong mộng để mong quên đời thực đắng cay. Nhưng nào có được! Ông đã hào hứng ca ngợi các thú đi săn, ở ẩn..., nhưng người như ông làm sao quên được đời!
Sau Thanh Hiên và Nam Trung thì Bắc hành là một Thái Sơn trong sáng tác Nguyễn Du. Đó là một bất ngờ lớn, nhưng là một trùng khớp với những tư tưởng nhân đạo lớn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Nguyễn Du đã làm một việc phi thường là, bằng thơ ông đã đánh giá nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, từ Tiên Tần cho đến Đường Tống.
Đối với Nguyễn Du thì cái vĩ đại là văn hóa, thành tựu của các thời đại đã qua thể hiện ở văn hóa. Văn hóa là cuộc đấu tranh bi tráng của con người trong trường kỳ lịch sử để khẳng định và phát triển bản chất người. Các triều đại trôi qua, quyền lực của vua chúa, huân danh của tướng lĩnh, công hầu... thảy đều trôi qua, đều tàn lụi, chỉ còn có con người, chỉ còn có nhân văn. “Nhân gian huân nghiệp nhược trường tại/ Thử địa cao đài ưng vị khuynh” (Công nghiệp ở đời nếu còn mãi, thì lâu đài nguy nga nơi này ắt chưa nghiêng đổ). Nguyễn Du viết về đài Đồng Tước của Tào Tháo. Đi qua đó, cũng như qua nhiều nơi ghi dấu công nghiệp của đế vương khanh tướng, ông chỉ thấy “gai góc mọc đầy” hoặc “gió lạnh”, “cỏ thu hắt hiu”. Nguyễn Du chỉ coi trọng và đánh giá cao các nhân vật văn hóa, những anh hùng của nền văn minh nhân loại. Chắc hẳn rằng, ông tiếp nối mạch suy tư của Lý Bạch: “Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt/ Sở vương đài tạ không sơn khâu!” (Từ phú Khuất Nguyên treo cao cùng nhật nguyệt, trong khi đài tạ của Sở vương chỉ còn là núi gò).
Khuất Nguyên được ông thể hiện trong ba bài thơ liền, mạch cảm hứng dạt dào và lớn. Ông cũng nói Khuất Nguyên thanh cao, hiền đức, cô trung, độc tỉnh; ý đó là bình thường, nhưng kết là cái ý: “Gần đây người ta thích mặc đồ lạ,/ Nhưng mà hoa tiêu, hoa lan họ đeo khác với ông lắm”. Bằng câu thơ ấy, Nguyễn Du kéo Khuất Nguyên từ mấy ngàn năm xưa về thời sự của thời đại mình. Những sự đua đòi của các công khanh bấy giờ đâu có qua mặt được Nguyễn Du. Nhưng từ cái ý đó mà phát biểu lên thành bài Phản chiêu hồn thì thật kỳ lạ, kỳ lạ đến choáng ngợp! Sao lại chống lại bài Chiêu hồn? Vì cuộc đời trong con mắt Nguyễn Du là thế này đây:
“Thành quách y nguyên, dân sự khác,
Cát bụi lấm cả quần áo người.
Đi ra ngựa xe, về vênh váo,
Lên mặt Quỳ Cao tán chuyện đời.
Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc,
Mà xé thịt người nhai ngọt xớt”.
Đó là sự đánh giá nghiêm khắc đối với bọn thống trị thời ấy, nhà Thanh hay nhà Nguyễn thì cũng vậy thôi. Và chỉ bằng một nhát bút, Nguyễn Du dường như phủ định cái xã hội phong kiến Trung Hoa mấy nghìn năm sau đời Tam Hoàng:
Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu đi theo con đường đó,
Thì sau Tam Hoàng không còn là thời của ông nữa.
Sau Tam Hoàng là thời của bọn “ăn thịt người ngọt xớt”. Lỗ Tấn chẳng đã từng khái quát xã hội phong kiến Trung Hoa là một xã hội “ăn thịt người” đó sao? Nhưng xúc động nhất là câu:
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
(Trên mặt đất này đâu đâu cũng là dòng Mịch La).
Bi phẫn biết chừng nào! Sao Nguyễn Du, con người hay sầu mộng và đa cảm nữa, lại có thể bất ngờ vút lên một câu thơ khái quát vĩ đại đến thế? Trong lịch sử văn học thế giới, người ta ca ngợi Hamlet của Shakespeare (1564-1616) với cái mệnh đề nổi tiếng “To be or not to be”. Lúc bấy giờ là những năm chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng đứng trước một bước ngoặt, nó không còn là “giấc mộng đêm hè” tươi vui nữa, nó bi đát và bi phẫn, nó bị phản bội và đe dọa. Qua bi kịch của Hamlet, Shakespeare muốn đặt một vấn đề bức xúc cho nhân loại: sống hay là không sống đây, sống thì sống thế nào giữa tội ác, giữa sự phản bội, đen tối? Shakespeare viết cả một vở kịch, còn Nguyễn Du viết một bài thơ, nhưng ý tứ hai tác phẩm thật có chỗ tương đồng. Phản chiêu hồn cũng như Hamlet là sự khẳng định chủ nghĩa nhân văn bằng cái nhìn phủ định.
Một thiên tài xuyên suốt mọi thời đại là Đỗ Phủ. Đỗ Phủ được đánh giá là “trên làm mờ cả Phong Tao (Kinh Thi, Sở Từ), dưới thì kiêm cả Thẩm - Tống (Thẩm Thuyên Kỳ 沈佺期, Tống Chi Vấn 宋之問); lời thơ vượt cả Tô - Lý (Tô Vũ 蘇武, Lý Lăng 李陵), khí thơ nuốt cả Tào - Lưu (Tào Thực 曹埴, Lưu Côn 刘琨); che khuất đỉnh cao Nhan - Tạ (Nhan Diên Chi 顏延之, Tạ Linh Vận 謝靈運); nhuộm cả dòng thắm Từ - Dữu (Từ Lăng 徐陵, Dữu Tín 庾信); có được tất cả thể thế cổ kim và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay, chưa có ai như Đỗ Tử Mỹ” (Nguyên Chẩn)(2). Nguyễn Du cũng đánh giá Đỗ Phủ là “văn chương nghìn đời và bậc thầy nghìn đời” (Thiên cổ văn chương, thiên cổ sư). Ông không giấu diếm sự khâm phục của mình đối với bậc thầy và xác nhận ảnh hưởng của Đỗ Phủ đối với ông. “Bình sinh bội phục vị thường ly” - “Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi”. Ảnh hưởng sâu sắc đó dẫn Nguyễn Du đến con đường lớn của chủ nghĩa hiện thực. Nguyễn Du còn tự xem mình là tri âm tri kỷ duy nhất của Đỗ Phủ sau một nghìn năm trên cõi đời này. Sau hơn một nghìn năm trên đời này, không có ai hiểu và thương Đỗ Phủ như Nguyễn Du. Không có ai. Mọi người chỉ khen ngợi thèm khát cái danh của Đỗ Phủ, cái danh được làm thầy thơ muôn đời!
Thói thường là vậy. Chỉ có một thi sĩ vĩ đại cỡ Nguyễn Du mới vừa hiểu cái lớn vừa hiểu nỗi đau của Đỗ Phủ. Cùng cảnh nghèo, Đỗ Phủ thì “trai rên gái khóc” trong tuyết giá, phải vác mai đi đào củ mài cho đỡ đói. Còn Nguyễn Du “mười miệng ăn kêu đói ở phía bắc Hoành Sơn”, “mười mặt con thơ như lá úa”. Cái danh “thiên thu vạn tuế”, như Đỗ Phủ nghĩ, chỉ là chuyện “lặng lẽ sau khi chết” (Thiên thu vạn tuế danh/ Tịch mịch thân hậu sự), chứ còn cuộc đời trước mặt là cùng khốn. Đến nỗi chết thê chết thảm, không thể đem về chôn ở quê nhà, phải gởi nấm mồ nơi đất khách: “Độc bi dị vực ký cô phần”. Bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ là một kiệt tác, một đỉnh cao nữa của Nguyễn Du. Nó làm vinh danh thơ, vinh danh con người. Chỉ có những thi sĩ như Nguyễn Du, cách Đỗ Phủ hơn 1.000 năm, ở hai đất nước, mới có thể thương nhau đến thế? Trong lịch sử văn hóa nhân loại, người ta thường nhắc đến tình bạn giữa Lý Bạch và Đỗ Phủ, giữa Goethe và Schiller, giữa Rimbaud và Verlaine; cần thêm vào đó tình bạn “dị đại tương liên” giữa Nguyễn Du và Đỗ Phủ.
Có thể lấy Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ làm bài thơ tiêu biểu để khảo sát thi pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du. Chỉ cần dẫn ra hai câu trong bài:
Cộng tiễn thi danh sư bách thế,
Độc bi dị vực ký cô phần.
ta sẽ thấy trên trục tương cận (hay trục hoán dụ, theo cách gọi của R. Jakobson) chữ đã gọi chữ tuyệt diệu như thế nào: tiễn nghĩa đen là thèm, là khen: “người ta thèm khát, khen khao cái thi danh làm thầy thơ muôn thuở của ông. Còn riêng tôi, tôi lại thương cho nấm mồ cô đơn của ông phải gởi nơi đất khách”. Phần (nấm mồ), gọi cô, gọi ký, gọi dị vực, câu thơ cho thấy tài dùng chữ súc tích, đa nghĩa của Nguyễn Du. Nhưng đằng sau chữ là một tấm lòng nghìn đời.
Những đối lập hiển ngôn và những đối lập tiềm ngôn, vừa đối lập vừa tương quan trong hai câu thơ là hết sức đặc trưng cho thi pháp Đường luật, giống như hai câu “Vạn lý bi thu thường tác khách/ Bách niên đa bệnh độc đăng đài” trong bài Đăng cao của Đỗ Phủ. Những mảnh đời của Đỗ Phủ được tái hiện qua vài chữ của chính ông để gợi lại một hoài niệm: “nho quan đa ngộ thân”, “nam thân nữ ngâm” là những chữ trong thơ Đỗ Phủ, các cách hỏi “thành hà dụng”, hình ảnh “đám mây chiều” (nhật mộ vân) gợi lên bao chua chát và buồn đau mênh mông. Nhạc của bài thơ là một điệp trùng, hồi hoàn, sự ngân dài nhịp nhàng của những thanh bằng cuối câu gợi lên những nét nhạc buồn thấm thía.
Nguyễn Du còn nói đến nhiều nhân vật văn hóa khác nữa, và bao giờ cũng đặt mình chung nỗi đau, chung số phận của các tài tử trong thiên hạ:
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
(Tôi tự xem mình là người cùng mang mối oan lạ lùng của người phong nhã).
Vấn đề văn chương và số mệnh, vấn đề tài và mệnh là một vấn đề ám ảnh Nguyễn Du rất nhiều. Một vấn đề Nguyễn Du hay chạm đến trong khi nói về các nhân vật lịch sử là vấn đề quyền lực. Tất cả các nhân vật tiêu biểu cho quyền lực đều được ông xét đến dưới một góc độ duy nhất: họ đã cống hiến cái gì cho con người, cho dân tộc và thời đại họ? Trên nẻo đường ông qua, qua những ngôi mộ cổ, những phế tích của đền đài, lầu các... dần dần hiện ra con đường của lịch sử văn hóa Trung Hoa, và tất cả như nói với hậu thế những bài học thấm thía về quyền lực. Quyền lực, nếu chỉ để tác oai tác quái tha hồ, để kéo lùi lịch sử lại, thì rốt cuộc nó sẽ phơi trần trong thời gian như một cái gì hết sức vô nghĩa. Nhưng cũng từ cái nhìn đó mà Nguyễn Du thâm cảm và biểu dương hết lời những nhân vật và quyền lực đứng về phía con người, đất nước và nhân dân.
Nguyễn Du đặc biệt quan tâm đến số phận và tính cách của những nhân vật lịch sử, cũng là số phận của chính lịch sử.
Ông nói đến Mã Viện với một chút mai mỉa. Ông nhắc đến Hoàng Sào: ông cho Hoàng Sào nổi dậy là do triều đình hẹp hòi, câu nệ, không biết dùng người tài năng. Ông gọi Hoàng Sào là “hoàng đế”, là người làm “biến đổi gió mây” - lời thơ không có chút gì coi thường. (Trong Truyện Kiều có câu: “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào” nhưng đó là lời của nhân vật, lời của Thúy Kiều trong một tâm trạng mệt mỏi). Ông vẽ những chân dung bằng thơ của Lạn Tương Như, Liêm Pha, Dự Nhượng, Tô Tần, Hàn Tín... Đó là những bức chân dung độc đáo, là triết học - lịch sử bằng thơ ca, qua đó Nguyễn Du gởi gắm tâm sự và sự đánh giá của riêng mình. Hegel có nói rằng “thơ ca cao hơn sử học”, điều nhận xét sâu sắc ấy của Hegel đúng trong trường hợp Nguyễn Du.
Nguyễn Du đã viết ba bài về Tào Tháo. Hẳn là nhân vật này đã làm ông suy tưởng nhiều. Tào Tháo là một nhân vật lịch sử, một nhà quân sự, chính trị và văn chương. Đólà một nhân vật lịch sử phức tạp và độc đáo. Nhưng nhân vật này còn sống một đời sống khác qua văn học nhất là qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nguyễn Du mượn chuyện Tào Tháo, chuyện đài Đồng Tước, chuyện 72 ngôi mộ giả... để gởi vào đấy suy nghĩ của mình về lịch sử nhân loại, đặc biệt suy nghĩ về chữ tâm và quyền lực. Đài Đồng Tước đổ, hoang tàn, công nghiệp một thời của Tào đâu còn dấu vết, chỉ để tiếng là người gian xảo, cơ tâm, làm đau lòng nước sông Chương nghìn thuở. Nguyễn Du đau nỗi đau của lịch sử, của nghìn năm như đau nỗi đau của chính thời đại mình. Nguyễn Du cũng đã đứng cao trên đầu Tào Tháo, trên các thời đại để phán xét, nhân danh chủ nghĩa nhân văn vĩ đại mà ông là người phát ngôn.
Chuyện Nhạc Phi - Tần Cối cũng khiến Nguyễn Du để tâm nhiều. Triều Nguyễn nếu như không đầy gian nịnh thì cũng là một triều đại không vừa với tầm cỡ tâm hồn Nguyễn Du; ông cảm thấy khó sống. Ông cũng đã chứng kiến bao thảm kịch trong triều, cho nên đề tài này ông tâm đắc, ít khi lời thơ ông sảng khoái, tâm huyết đến thế. Chuyện mỉa mai là gian thần thì “lưu phương” “bất tử” nhờ “ăn theo” trung thần! Gian thần Tần Cối được tạc tượng bên mộ Nhạc Phi, dù là để cho người đời phỉ nhổ. Nó “có công” là làm cho bọn gian nịnh ngàn năm sau phải sợ. Thống thiết nhất là câu:
Nhất thế tử tâm hoài đại độc,
Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan.
(Suốt đời trái tim chết của nó mang nọc độc,
Thế mà nghìn năm sắt sống phải chịu nỗi oan lạ lùng (là phải bị đem tạc tượng nó)).
Ông nói đến Văn Thiên Tường, con người của “vầng chính khí”:
Ai trung xúc xứ minh kim thạch,
Oán huyết quy thời hóa đỗ quyên.
Văn Thiên Tường lúc bị giặc bắt, bị đày lên phía bắc, từng ước mơ sẽ hóa thành cuốc kêu ra máu bay về đất Giang Nam. Câu thơ Nguyễn Du dùng lại ý ấy trong lời thơ Văn Thiên Tường.
Nguyễn Du hay nói đến “cô trung”, đến “tiết nghĩa”, những điều trí thức thời xưa thấm thía. Đối với Nguyễn Du, đó cũng là những giá trị trong cuộc đấu tranh bi tráng cho một lý tưởng nhân văn cao cả về con người.
(Còn tiếp kỳ sau)
(Trích từ Lời nói đầu, Nguyễn Du toàn tập, tập II, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn Học, 2015)
_____
(1) Văn tế trận vong tướng sĩ tương truyền là của Nguyễn Văn Thành. Các lần in trước, chúng tôi đề “Cao Bá Quát” là sai, là nhớ nhầm.
(2)杜子美上薄風騷下該沈宋,言奪蘇李氣吞曹劉,掩顏謝之孤高,雜徐庾之流塵,盡得古今體勢,兼人人之所獨專,則詩人以來,未有如子美者.(元稹)