HV100 - Tản Đà & giai thoại

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 19-5-1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, mất ngày 7-6-1939 tại Hà Nội, hưởng dương 51 tuổi. Quê nhà thơ có núi Tản Viên (cũng gọi là Ba Vì) và sông Đà Giang (cũng gọi là Hắc Giang vì nước lúc nào cũng xanh đen) nên lấy bút hiệu Tản Đà.

Mối tình đầu của Tản Đà

Khoảng năm 1907, cậu ấm Hiếu đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Phó bảng Nguyễn Tái Tích ở phố Hàng Nón để theo học trường Quy Thức, phố Gia Ngư, Hà Nội. Trong thời gian này, cậu biết một cô gái tuyệt đẹp ngồi bán sách và bút mực ở phố Hàng Bồ. Đó là cô tiểu thư họ Đỗ, tên là Đỗ Thị Chính, biệt hiệu Ái Khanh, con gái yêu của ông phán Đỗ Thận. Cô gái có khuôn mặt trái xoan, da trắng tóc dài, nhỏ nhắn xinh tươi, yêu kiều, ăn nói dịu dàng lễ phép, lại biết cả chữ Nho và chữ quốc ngữ nên cậu Hiếu ta mê như điếu đổ. Chiều chiều, sau khi tan học, thế nào cậu cũng phải đánh một vòng qua phố Hàng Bồ để chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp rồi ra về mới yên lòng. Từ ngày biết Ái Khanh, đêm ngày cậu cứ ngâm mấy câu cổ thi mà cậu rất thích vì hợp với ý mình:

An đắc tỳ hưu thập vạn binh,

Hổ lang sào huyệt nhất thời bình.

Quy lai, bất sách phong hầu ấn,

Chỉ hướng quân vương mịch Ái Khanh.

Dịch thơ:

Sao được anh hùng mười vạn binh,

Hổ lang hầm tổ dẹp tan tành.

Khi về, chẳng lấy phong hầu ấn,

Chỉ đến thềm vua xin Ái Khanh.

Thế đấy, đối với cổ nhân, người yêu còn quý hơn ấn phong hầu. Còn cậu ấm Hiếu thì sao? Cậu nằn nì nhờ ông anh rể là cử nhân Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế đến dạm hỏi cô Ái Khanh. Khi trở về, ông cho biết: “Ái Khanh cùng nghiêm phụ chỉ muốn được chồng, được rể thi đỗ cử nhân ra tri huyện mà thôi”. Thế là cậu Hiếu vùi đầu vào học, quyết đoạt cho kỳ được cái “ấn tri huyện”. Tiếc thay, khoa Nhâm Tý (1912) tại trường Nam (Nam Định), bài văn sách hỏi mẹo mà cậu ấm lại thực thà trả lời theo ý mình nên… trượt vỏ chuối! Nhưng nỗi đau ấy cũng chưa đau bằng nỗi đau này: khi cậu ấm Hiếu về đến Hà Nội, tạt qua phố Hàng Bồ để nhìn mặt ý trung nhân cho đỡ nhớ thì hỡi ôi, người tình trong mộng bấy lâu nay đang bước lên xe song mã về nhà chồng!

Mời cụ lớn hãy đến lều cỏ này

Năm 1937, Tản Đà ngụ tại làng Hà Trì, tỉnh Hà Đông cũ. Lúc đó Tổng đốc họ Vi mới nhậm chức, khét tiếng hách dịch. Được biết trong địa hạt mình, hơn nữa lại gần dinh, có nhà thơ nổi tiếng Tản Đà, vị Tổng đốc mến tài đã cử một viên tri huyện đến nhà Tản Đà mời nhà thơ vào dinh uống rượu.

Tản Đà mời quan huyện vào nhà và sau một tuần nước, nhà thơ từ tốn nói:

- Tôi rất cảm ơn cụ lớn, nhưng người làm ơn về thưa với cụ lớn rằng: nếu như cụ lớn, một ông quan thủ hiến, muốn đòi tên dân Nguyễn Khắc Hiếu này lên tỉnh, xin có trát, tôi sẽ đi ngay, chứ nếu quan thủ hiến là một kẻ nhân đọc thơ văn tôi mà có bụng liên tài thì xin mời cụ lớn hãy đến túp lều cỏ này cho tôi được tiếp rượu.

Vài ngày sau, viên tri huyện sứ giả tên là Nguyễn Dương lại đến xin vào gặp có việc riêng. Viên tri huyện khuyên Tản Đà nên tạm lánh đi nơi khác.

Tản Đà hồi này đang túng quẫn, nhưng nhà thơ buộc phải rời Hà Trì ra Hà Nội, ngụ tại số 417 Bạch Mai, xế chợ Mơ và mở lớp Hán văn diễn giảng, quảng cáo làm thơ văn hiếu hỉ và xem số Hà Lạc. Lời quảng cáo cho Hà Lạc lý số gồm 18 câu mà 4 câu đầu và 4 câu cuối như sau:

Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà,

Nay mai sắp ở Hà.

Hà Lạc đoán lý số

Đàn ông và đàn bà.

Còn như tiền đặt quẻ

Nhiều năm (5đ), ít có ba (3đ).

Nhiều ít tùy ở khách,

Hậu bạc kể chi mà.

pic

Tranh biếm của Hoàng Đạo (đăng trên báo Phong Hóa) vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu với lời thuyết minh:

“Các ngài hỏi tôi cách làm thơ ư? - Khó gì đâu: tửu nhập thì thi xuất”

Ngủ trên xe lửa và dịch thơ trên tàu điện

Một lần Tản Đà và Nguyễn Công Hoan đi từ Vinh ra Hà Nội. Tản Đà có tật cứ lên xe lửa là nằm lăn ra ngủ. Một lát sau, người soát vé đến xem vé của Nguyễn Công Hoan rồi bỏ đi. Hoan chỉ Tản Đà hỏi:

- Sao không xem vé người này?

Người soát vé đáp:

- Ồ, ông Tản Đà đấy mà. Lần nào lên tàu chả thế. Thôi, cứ để cho ông ấy ngủ.

Về bản dịch bài tựa của Vương Ngư Dương viết cho cuốn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Tản Đà viết:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.

Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

Tản Đà nói với một người bạn:

- Tôi dịch bài này trên tàu điện đấy ông ạ. Thế này này: hôm ấy là ngày in đến những trang cuối cùng của cuốn “Liêu trai” rồi. Bài thơ này tôi phải đưa ngay. Thế mà lúc bước lên tàu điện để đến nhà in thì trong óc tôi không có lấy một chữ. Lúc lên tàu, tôi cũng không nghĩ đến việc dịch. Thấy mấy người nhà quê, tôi còn ngồi nói mấy câu chuyện phiếm. Rồi bỗng không biết sao, tự nhiên thi tứ nẩy ra. Tôi ngồi nhẩm dịch. Mà chỉ có một quãng đường từ chợ Hôm đến Bờ Hồ thì xong. Đến nhà in chỉ còn việc chép ra thôi.

Tản Đà cười ha hả, uống một hớp rượu rồi nói tiếp:

- Phần nhiều thơ văn tôi đều dịch dễ dàng như thế cả.

Tranh biếm của Hoàng Đạo (đăng trên báo Phong Hóa) vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu với lời thuyết minh: “Các ngài hỏi tôi cách làm thơ ư? - Khó gì đâu: tửu nhập thì thi xuất”

Đào nhà bạn để trồng rau

Vào lúc Tản Đà thất thế - một người bạn thân của ông là Lương Ngọc Tùng, thư ký sở mỏ Vàng Danh kiêm thầu khoán, một người rất hào phóng và rất hâm mộ Tản Đà - vời ông ra dưỡng nhàn tại Quảng Yên. Lần này là một cuộc ở nhờ dài hạn. Chủ và khách rất tương đắc.

Một hôm chủ nhà đi vắng, không biết buồn chân buồn tay thế nào mà Tản Đà đánh trần ra, dẹp hết bàn ghế ở phòng khách vào một góc tường rồi cầm thuổng nạy bật mấy chục viên gạch hoa ở nền nhà. Chợt thấy chủ nhân về, nhà thơ chống thuổng cười hề hề, chỉ cái đống gạch cát ngổn ngang như muốn ai cũng phải như mình, cũng đồng ý như mình thưởng thức một công trình phá hoại nho nhỏ như thế.

Thấy chủ nhân “chậm lĩnh hội”, nhà thơ phải cắt nghĩa:

- Ấy, tớ định trồng ít cái húng Láng. Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi bực đến chết. Chén rượu nào cũng cứ nhạt phèo.

Kèn trống rước Tản Đà

Đoàn Rạng là một nhà Nho, đỗ cử nhân ra tri huyện, hồi đó đang trị nhậm huyện Hải An, thuộc tỉnh Kiến An, nay thuộc Hải Phòng. Họ Đoàn rất quý trọng Tản Đà và thường phàn nàn Hải An là nơi đồng chua nước mặn, không có ai để chuyện trò. Ông thường hay ngâm nga bốn câu thơ của Tản Đà mà ông rất tâm đắc:

Câu tri kỷ cùng ai tri kỷ,

Chuyện chung tình ai kẻ chung tình.

Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh,

Mình ơi, ta nhớ mà mình quên ta.

Để có người tri kỷ hòng giãi bày tâm sự, họ Đoàn quyết định rước Tản Đà về huyện chơi. Cuộc đón rước diễn ra thật lạ lùng khiến nhà thơ nổi tiếng ngông cũng phải ngạc nhiên và thích thú.

Trong nắng sớm, nào cờ nào quạt, nào kích nào hèo, nào trống nào chiêng, những người cầm các thứ đồ tế lễ đình đám đó lại đều chít khăn đầu rìu và thắt lưng bỏ múi. Một chiếc võng có đòn khiêng sơn son thếp vàng từ từ tiến đến trước mặt Tản Đà và một cụ già từ tốn mời nhà thơ lên võng.

Thế rồi cái đám chức dịch và tráng đinh ấy cùng với những đồ thần sự kết thành một đám rước linh đình, tiền hô hậu ủng, nhạc trỗi vang lừng, tán vàng tán tía xúm xít che trước đỡ sau, kẻ tay gươm, người nách thước, có cờ ngũ phương dẫn lộ dẹp đường, tiếng trống khẩu cầm chịch cho võng đào tiên “ông thần ngông” Tản Đà tiến bước…

Tết của Tản Đà

Một chiều cuối năm, xuất bản xong số báo Xuân, phát lương thầy thợ đâu đó rồi, ông Diệp Văn Kỳ - chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo - tính nghỉ ngơi mấy ngày cho rảnh trí thì thi sĩ Tản Đà lù lù xuất hiện tại nhà ông đúng vào chiều 30 Tết. Có chuyện gì đây?

Sau khi uống xong chén trà, Tản Đà mới nói rõ ông tới thăm chủ nhiệm để mượn tiền ăn tết. Ông Diệp rất ngạc nhiên: một tháng lương mới lãnh, thêm một tháng lương thưởng và một tháng cho vay trả làm bốn lần, nhà thơ đã làm gì hết sạch? - Chỉ để trả nợ thôi, mà cũng chẳng đâu vào đâu hết.

Ông Diệp đưa tặng thêm cho thi sĩ 5 đồng bạc. Tản Đà cầm tiền đi ra nhà dây thép mua măng-đa 3 đồng gửi ra Hà Nội giúp một bạn văn cũng nghèo xơ xác như mình. Còn 2 đồng, tiên sinh bao một cỗ xe lô-ca-xông qua Bà Chiểu đón ông cử Tùng Lâm Lê Cương Phụng ra Sài Gòn ăn tết. Trên chiếc xe De La Haye, hai nhà thơ nghèo ngất ngưởng nếm thú phong lưu quý phái.

Tiền xe đã mất trọn 1 đồng, còn 1 đồng cũng đủ ăn tết. Về đến nhà, thay quần áo xong, hai người chia nhau đi mua đồ nhậu. Tản Đà ra tiệm xách chai rượu công ty, còn Tùng Lâm lãnh phần đi kiếm con gà quay và một hũ Mai Quế Lộ.

Trên đường về, gặp đám cờ bạc, ông cử họ Lê dừng lại xem. Bọn cờ gian bạc lận bỗng gây cuộc ẩu đả khiến cảnh sát phải can thiệp. Mã tà thộp luôn ông Tùng Lâm lúc ấy đang mặc bộ đồ bà ba lem luốc trông giống tay cờ bạc với một tay hũ rượu, một tay con gà.

Mã tà hỏi:

- Giấy thuế thân của chú mầy đâu?

Thói quen của các nhà văn nhà thơ thời ấy là khi ra đường không thèm có mảnh giấy căn cước, thuế thân gì hết. Vì vậy Tùng Lâm bị điệu về bót giam một đêm. Thế là, đến giao thừa, ông ăn tết trong bót với con gà quay và hũ Mai Quế Lộ.

Sáng hôm sau là ngày mồng 1 Tết, ông cò ra lịnh phóng thích hết để mọi người về ăn tết. Người lính mở cửa phòng giam thấy, bên cạnh những người bị giam đang mong ngóng được tha về ăn tết, có một người nằm ngủ tréo khoeo với một đống xương gà và một hũ rượu đã trống rỗng. Người đó là thi sĩ Tùng Lâm. Lính kêu ông dậy, ông còn chuếnh choáng hơi men, cất giọng ngâm:

Xuân qua xuân lại, mấy xuân rồi?

Thân thế sao mà vẫn thế thôi?

Tùng Lâm phủi quần áo, rời phòng giam, ra đường. Về đến nhà, ông kể cho Tản Đà nghe câu chuyện “rủi ro vì phận sự” của mình, rồi đọc 4 câu thơ tặng bạn:

Cao hứng vì yêu bác Tản Đà,

Một chai Quế Lộ, một con gà.

Suốt đêm trừ tịch nằm trong bót,

Nhớ lại buồn cười lúc tỉnh ra.

Giao thừa năm ấy, Tản Đà ăn Tết với một chai rượu suông và một mình ngồi độc ẩm.

HUYỀN VIÊM sưu tầm