HV100 - Trường phái nghệ thuật phù du và mùa xuân Việt Nam trên những quả dưa đỏ

Nghệ thuật phù du

Thuật ngữ nghệ thuật phù du (Ephemeral Art) dùng để chỉ những loại hình nghệ thuật có tuổi thọ ngắn. Tuổi thọ ngắn vì chất liệu sáng tác không bền vững. Ví dụ: Những tòa lâu đài đắp bằng cát, bằng băng rất dễ tan chảy. Tranh vẽ trên tường, trên đường phố, trên mặt mày thân thể con người trước sau cũng bị xóa. Hoa cắm trong bình, dầu là cắm theo thủ pháp hoa đạo Ikebana của Nhật Bản cũng chỉ đẹp được vài ngày rồi héo tàn. Hình ảnh rực rỡ của pháo hoa trên bầu trời hay ánh đèn laser trên sân khấu thì chỉ lưu lại vài ba giây trong ký ức của đôi mắt... Tuy tuổi thọ ngắn ngủi như thế nhưng nghệ thuật phù du luôn gắn với cảm hứng của con người trên khắp hành tinh và đến với từng người bằng những khoảnh khắc rung động tinh tế nhất.

Người xưa đã để lại những công trình đồ sộ và đầy tham vọng trường tồn như đền đài, cung điện, lăng mộ, tranh tượng... Ngày nay chúng ta cứ đứng trước những công trình ấy và thưởng ngoạn một cách vô tư mà ít ai hỏi rằng để xây những Kim Tự Tháp ở Ai Cập, đền Angkor của người Khmer... có bao nhiêu xương máu, mồ hôi nước mắt của trăm họ đã thấm vào, chôn theo. Nghệ thuật phù du không bắt con người trả cái giá đáng nguyền rủa đó vì vậy nó giàu tính nhân văn và xinh đẹp hơn.

Nhân dịp Tết đến, tôi xin giới thiệu một trong những loại hình nghệ thuật mang vẻ xinh đẹp của trường phái phù du và mang màu sắc dân gian của mùa xuân Việt Nam. Đó là nghệ thuật điêu khắc trên những trái dưa hấu. Sở dĩ phải dẫn nhập dài dòng như thế là bởi vì ở nước ta, loại hình điêu khắc này chỉ mới gây được sự chú ý trong vài ba năm gần đây và cũng chỉ được một số người chú ý trong vài ba ngày Tết. Nếu không có cái nhìn tổng quan về nghệ thuật phù du thì thậm chí có người sẽ xem thường những tác phẩm điêu khắc trên trái dưa hấu như vẫn xem thường những trái dưa rẻ tiền.